Việt Nam bị tố bí mật bắt giam 9 người bất đồng chính kiến (BBC, 28/09/2018)
Gia đình những người này cho biết đến nay vẫn chưa được chính quyền thông báo về việc bắt giam, lý do bắt, và nơi giam giữ họ.
Chính quyền Việt Nam được cho là đã bắt giam nhiều người bất đồng chính kiến trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình hôm 2/9, đến nay chưa thả và không thông tin cho gia đình
Một trong số những người bất đồng chính kiến 'mất tích' từ hồi đâu tháng Chín là blogger Ngô Văn Dũng sống tại Đắk Lắk.
Ông Dũng thường đăng các bài viết bày tỏ chính kiến và livestream về các vấn đề nhức nhối trong xã hội trên Facebook cá nhân.
Theo tin từVietnam Human Rights Defenders, blogger Ngô Văn Dũng nằm trong số chín thành viên của nhóm tên gọi 'Hiến pháp' bị bắt hồi đầu tháng Chín trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình của chính quyền.
Vợ ông Dũng nói với BBC là vừa 'tìm thấy' ông bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn sau 25 ngày bặt vô âm tín. Nhưng chỉ được cán bộ 'thông báo miệng' chứ chưa được gặp và đến nay vẫn không có thông tin gì thêm.
"Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng"
"Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị bắt, giữ, cơ quan điều tra cần thông báo cho gia đình, chính quyền nơi người đó cư trú, làm việc, sinh sống, " luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC hôm 27/9.
"Trong trường hợp xét thấy việc thông báo đó cản trở việc truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì có thể thực hiện sau khi cản trở đó không còn".
"Tuy nhiên, như thế nào là cản trở thì luật không quy định cụ thể nên cơ quan điều tra có thể lạm dụng lý do này để trì hoãn việc thông báo".
"Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài tối đa đến chín ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người tạm giữ. Do đó, nếu những người bất đồng chính kiến bị tạm giữ trên 10 ngày thì chứng tỏ họ không còn tạm giữ nữa mà đang bị tạm giam".
"Cũng theo bộ luật này, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho gia đình và chính quyền địa phương, hoặc tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết".
"Đối với trường hợp chín người bất đồng chính kiến nói trên, cơ quan điều tra nếu đang giam giữ họ thì cũng cần thông báo cho gia đình, địa phương của họ. Không có ngoại lệ".
"Nếu không, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này".
Theo luật sư Sơn, đây không phải lần đầu tiên gia đình của những người bất đồng chính kiến lên tiếng về tình trạng 'bị chính quyền bắt giữ mà không thông báo'.
"Việc này chỉ có thể làm xấu hình ảnh của chính quyền chứ không tạo được sự tôn trọng từ gia đình cũng như xã hội khi xử lý những người bất đồng chính kiến".
"Theo tôi, để cải thiện điều này, cơ quan điều tra cần tuân thủ luật pháp, thông báo kịp thời cho gia đình khi tạm giữ, tạm giam họ".
"Thông báo miệng"
Bà Kim Nga, vợ blogger Ngô Văn Dũng, người được cho là 'mất tích' tại Sài Gòn từ đầu tháng Chín, nói với BBC hôm 27/9 rằng bà đã 'tìm thấy chồng'.
"Tôi tìm thấy chồng tôi rồi. Bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn".
"Một cô tiếp dân ở đó bảo tôi trình hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn. Rồi cô gọi điện vào trong hỏi có tên chồng tôi không thì thấy bảo có".
Tin Blogger Ngô Văn Dũng bị giam ở trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn
"Nhưng cô cũng chỉ nói miệng vậy chứ không có thông báo chính thức nào. Tôi không có thêm thông tin nào từ đó đến nay. Cũng chưa hề được gặp mặt chồng", bà Ngân nói với BBC từ Đắk Lắk.
Bà nói cán bộ ở đó hỏi 'có muốn gửi gì vào không' nên bà đã gửi cho chồng một ít tiền. "Nhưng 'họ cầm tiền rồi đi chứ cũng không có giấy tờ biên nhận gì", bà Nga nói.
Bà Nga cũng nói trong suốt 25 ngày ông Dũng 'mất tích', bà đã bốn lần lặn lội vượt 400km từ Đăk Lắk lên Sài Gòn, tìm kiếm khắp nơi, "cả gia đình không còn làm ăn được gì".
Hiện bà Nga cho hay "chưa biết phải làm gì tiếp theo", nhưng cán bộ số Trại giam số 4 Phan Đăng Lưu nói ngày 4/10 tới đây là lịch người nhà được gửi đồ ăn vào cho người đang bị giam giữ, nên bà sẽ đi Sài Gòn để tiếp tế cho chồng.
Điều bà Nga phân vân là không biết chồng bà bị bắt vì tội gì, sẽ bị giam bao lâu, có bị xét xử hay không. Và có chắc ông đang bị giam ở đó hay không.
"Chính quyền không thông báo gì cho gia đình tôi. Họ làm ăn kiểu gì thật kỳ quặc".
Bà Nga cũng nói bà không thấy chồng làm gì sai.
"Là nhà báo tự do, trong suốt hai năm qua anh ấy đã viết hàng trăm bài báo. Nội dung anh viết đều là sự thật chứ không hề nói xấu lãnh đạo hay vu khống ai".
"Ví dụ gần đây có vụ hàng trăm giáo viên ở Đăk Lắk bị mất việc trong khi đã đóng hàng chục triệu đồng cho hiệu trưởng để có một chỗ làm, anh ấy có đi viết bài và bị công an giữ, tịch thu điện thoại".
Ông Dũng cũng đã từng nhận được nhiều 'thư mời', lệnh triệu tập từ công an Đắk Lắk, "cỡ phải tới 7 cái", bà Nga nói.
"Chồng tôi lên công an làm việc vài lần. Anh ấy luôn nói với họ là anh thượng tôn pháp luật, không làm gì sai. Nếu không thì công an Đắk Lắk đã bắt anh ấy từ lâu rồi".
Bà Nga cũng nói theo bà được biết thì hồi đầu tháng Chín, ông Dũng lên Sài Gòn để tham gia biểu tình phản đối sử dụng chữ tiếng Việt của Giáo sư Bùi Hiền.
'Tổ chức nhân quyền sẽ vào cuộc'
Nhân quyền của Việt Nam đang là vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm (ảnh minh họa)
Gia đình của hầu hết chín thành viên nhóm Hiến pháp không hề được chính quyền báo tin, trừ trường hợp Huỳnh Trương Ca đã bị khởi tố, theo Vietnam Human Rights Defenders.
Blogger Nguyễn Uyên Thùy, một thành viên của nhóm Hiến pháp nói với Vietnam Human Rights Defenders rằng việc bắt giữ này nhằm trong nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn biểu tình nổ ra hôm 2/9.
Vietnam Human Rights Defenders cũng cho biết nhóm này đã tham gia vào cuộc biểu tình hôm 10/6 và dự định biểu tình ôn hòa hôm 4/9 nhưng đã bị đàn áp trước đó.
Theo thông tin về nhóm Hiến Pháp đăng tải trên Vietnam Human Rights Defenders, đây là một nhóm "cổ suý nhà nước pháp trị", ủng hộ quyền dân sự có trong Hiến pháp Việt Nam 2013.
Cũng theo trang tin của tổ chức này, Liên Hiệp Quốc đã được thông báo về vụ việc và Cao ủy về Nhân quyền sẽ có trao đổi với Chính phủ VIệt Nam về việc bắt giữ mà không thông báo cho gia đình.
Sau các cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu hôm 6/10 nổ ra tại nhiều tỉnh thành, chính quyền Việt Nam dường như mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn người dân xuống đường dịp Quốc Khánh 2/9.
Một số nhà hoạt động nói với BBC rằng nhà họ bị một nhóm an ninh canh cửa 24/24. Một số khác được công an địa phương 'mời' cà phê và đề nghị 'không xuống đường' hôm 2/9.
Cùng lúc là các vụ xét xử người bất đồng chính kiến tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên truyền thông chính thống của nhà nước không hề đưa tin về những người được cho là bị 'bắt nguội', như vụ chín người của nhóm Hiến pháp.
Báo Việt Nam thời điểm đó đăng các bài viết kêu gọi người dân tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
******************
9 người thuộc nhóm Hiến Pháp bị an ninh bắt vào đầu tháng 9 (RFA, 28/09/2018)
An ninh Việt Nam bắt giữ 9 thành viên của 1 nhóm có tên ‘Hiến Pháp’ vào đầu tháng 9 vừa qua. Mục tiêu nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình tự phát xảy ra khi mà tình trạng bất mãn đang ngày càng tăng trong xã hội.
Facebooker Ngô Văn Dũng (bên trái), và facebooker Xuân Hồng Courtesy FB Ngo Van Dung & Xuân Hòng
Nhóm Vietnam Human Rights Defenders hôm 24 tháng 9 dẫn lời bà Nguyễn Uyên Thuỳ, một trong 18 thành viên của nhóm Hiến Pháp, như vừa nêu.
Theo lời bà Nguyễn Uyên Thùy nói với Vietnam Human Rights Defenders, biện pháp bắt giữ được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhóm Hiến Pháp có kế hoạch tập trung vào ngày 4 tháng 9 nhân dịp lễ Quốc khánh 2 tháng 9. Nhóm muốn kêu gọi tiến hành biểu tình ôn hoà để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, cũng như quản trị tồi của chính phủ Hà Nội dẫn đến thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng trên cả nước.
Cũng theo bà Nguyễn Uyên Thùy thì lực lượng an ninh đã bắt 8 thành viên của nhóm mà không thông báo cho gia đình họ về vụ bắt giữ. Chỉ riêng trường hợp ông Huỳnh Trương Ca là được thông báo trên truyền thông nhà nước.
Một số thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị bắt được bà Thuỳ nêu tên là ông Đỗ Thế Hòa (Facebooker Bang Lĩnh) bị bắt vào tối ngày 1 tháng 9, cô Đoàn Thị Hồng (Facebooker Xuân Hồng) bị bắt ngày 2 tháng 9, ông Ngô Văn Dũng (Facebooker Ngô Văn Dũng) bị bắt giam sau khi tiến hành phát livestream trực tiếp tại TP HCM vào sáng ngày 4 tháng 9.
Bà Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, hôm 28/9 phủ nhận thông tin chồng bà là thành viên của nhóm Hiến Pháp : "Ông ấy là một nhà báo độc lập, không thuộc nhóm Hiến Pháp. Có điều là liên lạc với nhau trên Facebook thì có nói chuyện kết bạn trên Facebook thôi".
Theo thông tin từ bà Kim Nga, cho đến lúc này gia đình bà vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc bắt giữ chồng mình dù bà đã làm đơn gửi Công an tỉnh Dak Lak, và Thủ tướng chính phủ. Đích thân bà Nga cùng con đã đến công an tỉnh Dak Lak để hỏi về tung tích của chồng mình nhưng được phía công an tỉnh cho biết họ không bắt giữ ông Dũng.
Đức xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' (BBC, 23/04/2018)
Phiên tòa xử một người bị cáo buộc có liên quan tới vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' và các hoạt động gián điệp bắt đầu diễn ra từ sáng thứ Ba 24/4/2018 tại Berlin.
Phiên tòa theo kế hoạch bắt đầu diễn ra tại trụ sở Tòa Hình sự, Landgericht Berlin, vào ngày 24/4/2918
Người đàn ông quốc tịch Việt Nam 47 tuổi, được nêu tên là Long N. H., bị bắt giữ tại Prague hôm 12/8 năm ngoái và bị dẫn độ về Đức sau đó một hôm.
Người này, theo nhà báo Nguyễn Trung Khoa từ thờibáo.de nói với BBC, là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sapa, Prague, Cộng hòa Czech.
Ông Long, đã sinh sống tại Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa, dự kiến cơ quan công tố sẽ công bố nội dung cáo trạng dài 90 trang, trong đó có nêu chi tiết những nội dung mô tả về vụ mà phía Đức nói là ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức nói trong số những người tham gia có một tướng công an Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh 'là nguyên đơn'
Trong phiên tòa, ông Trịnh Xuân Thanh thông qua luật sư đại diện tuyên bố ông là nguyên đơn, và tuyên bố này "đã được tòa án chấp nhận", luật sư của ông ở Đức cho BBC biết.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, đại diện cho thân chủ trước tòa.
Ông Thanh đã được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Đức kể từ 12/2017.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói đơn xin tị nạn chính trị của ông Trịnh Xuân Thanh đã được duyệt, và nay ông có quyền cư trú hợp pháp tại Đức, có quyền tới Đức bất kỳ lúc nào
Bà Schlagenhauf cho BBC biết với tư cách là đại diện của ông Thanh, bà sẽ có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Vụ bắt cóc "đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu, trong đó có người bị cáo buộc", cơ quan công tố Đức nói.
Ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác được nêu tên trong hồ sơ, trong đó có một người mang tên Đường Minh Hưng, bà luật sư cho biết.
"Vai trò của ông Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc thân chủ tôi sẽ được làm rõ với toàn bộ các chi tiết được nêu trong cáo trạng, cũng như vai trò của những người khác, trong đó có các nhân viên của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin".
Ông Đường Minh Hưng hồi trung tuần tháng Ba được truyền thông Đức nêu rõ là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, và đã bị cơ quan công tố Đức điều tra.
Tuy nhiên, bà Schlagenhauf giải thích, luật Đức không cho phép xét xử vắng mặt bị cáo, cho nên các nghi phạm khác không bị đưa tòa lần này.
Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất ông Long bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Những người khác đã nhanh chóng rời khỏi Đức trước khi bị phát hiện, hoặc đã bị Đức trục xuất.
Bên công tố cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ cho việc bắt cóc, là các cáo buộc có thể khiến ông phải đối diện án tù tới 10 năm cho mỗi tội danh, Reuters tường thuật.
Về trình tự xét xử, phiên tòa sẽ diễn ra trong 21 ngày, rải rác từ nay tới cuối tháng Tám, bà Schlagenhauf cho biết.
Theo luật Đức, mọi chứng cứ, chi tiết cần phải được tranh luận trực tiếp tại tòa, và đó là một tiến trình tốn nhiều thời gian, bà giải thích.
Bên cạnh việc cơ quan công tố đọc cáo trạng, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.
Được biết đơn xin tị nạn chính trị tại Đức của ông Trịnh Xuân Thanh đã được xét duyệt hồi 12/2017, theo đó ông Thanh "được quyền ở lại Đức, được phép cư trú hợp pháp, và được quyền vào Đức vào bất kỳ lúc nào ông có thể tới nước này", theo lời luật sư của ông.
Việt Nam luôn bác bỏ cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và nói ông Thanh, người đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức, đã tự nguyện trở về nước để đầu thú.
****************
Lớp hậu sinh 'công lý trên hết' của Luật sư Phan Văn Trường (VNTB, 23/04/2018)
Blogger Trương Duy Nhất trong một phản hồi tại trang nhà Luật sư Luân Lê đã nhấn mạnh : Tôi, vẫn rất kỳ vọng ở một cuộc "đồng khởi" từ giới luật sư, những người trực tiếp tham gia trong quá trình tố tụng. Có thế mới mong thay đổi được những phiên tòa.
Đáp trả lại, Luật sư Luân Lê cho biết : Em thì kỳ vọng là tất cả phải nhận ra trách nhiệm của mình, thất phu hữu trách. Đâu chỉ nhóm nhỏ người có thể thay đổi được cả một dân tộc và xã hội được đâu anh.
Tòa án Việt Nam - nơi công lý trong tố tụng vẫn còn bước đi chập chững trong trạng thái bị đe nẹt và chỉ đạo.
Hai chia sẻ nêu trên liên quan đến vấn đề tố tụng với những lời khai trên giấy mà Luật sư Luân Lê nêu ra. Theo đó, Luật sư Luân Lê khẳng định, không thể tiến hành tố tụng theo kiểu 'vắng mợ thì chợ vẫn đông, vắng cô lấy chồng thì chợ vẫn vui' như xưa nay vẫn coi là bình thường được. Bởi theo ông, ‘nó là mối nguy hại đối với việc áp vận luật pháp, gây tổn hại lẽ công bình và rất dễ xâm hại vào những quyền bất khả của con người’.
Những vấn đề liên quan đến tư duy luật pháp và tố tụng ở Việt Nam còn rất nhiều điều để bàn cãi, và gần như hầu hết người trong hệ thống này đều nhận biết được, có điều họ im lặng và đi vào vòng xoay của sự tệ hại đó hay là lên tiếng phản ứng.
Luật sư Luân Lê, Luật sư Hà Huy Sơn, Luật sư Phạm Công Út, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Nguyễn Văn Miếng… Những Luật sư này là những Luật sư nhìn nhận rõ nhất sự bất cập trong hệ thống pháp đình Việt Nam, thông qua việc bầu chữa/ biện hộ cho nhiều vụ án chính trị ở Việt Nam gần đây. Những người nhân danh luật pháp và làm theo công lý nhằm bảo vệ lợi quyền bị cáo trước tòa, và lần nào họ cũng đều không thể cãi được, trong bối cảnh phiên tòa bỏ túi, bối cảnh của Hội đồng xử án liên kết chặt chẽ với cơ quan điều tra và viện kiểm soát trong một bản án chung. Và nó áp dụng tính chính trị chặt chẽ đến mức bị cáo Đinh La Thăng (nguyên ủy viên Bộ Chính trị) khi ra trước tòa cũng phải thốt lên : 'Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người'.
Nhưng,… câu chuyện hôm nay không đi sâu vào tính chất sai trái của pháp đình Việt Nam, mà muốn thông qua câu chuyện của Luật sư Luân Lê để nhắc lại, tính chất phi lý của hệ thống pháp đình thời nào cũng có và khi nó hiện diện trong xã hội (với tính bất công). Khi Blogger Trương Duy Nhất ‘kỳ vọng ở một cuộc "đồng khởi" từ giới luật sư’ để thay đổi một phiên tòa là điều đúng đắn, nhưng quan điểm của Luật sư Luân Lê về sự ‘ủng hộ của mọi người’ là không sai. Tuy nhiên, muốn đi đến sự đồng khởi, hay ủng hộ từ số đông, thì trước hết vẫn là thắp lên những ngọn nến công lý bằng tư duy lập pháp trong tố tụng. Chỉ có như vậy, thì sự thay đổi mới được diễn ra.
Hãy trở về những năm đầu thế kỷ XX, với một luật sư mang tên Phan Văn Trường. Ông là người tham gia các hoạt động dân chủ ở Pháp và Sài Gòn (Việt Nam) và là Tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam. Trong cái môi trường được ưu đãi của Chính phủ Pháp, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động cách mạng thời bấy giờ, trong đó lập nên Hội đồng Thân ái cùng với cụ Phan Châu Trinh. Ông từng bị bỏ tù, từng chịu phục dịch, nhưng ông cũng là người ký vào ‘Yêu sách của dân tộc Việt Nam’, là người ra tờ báo L’Annam và Chuông Rè tại Sài Gòn.
Nếu ông sống vào thời điểm hiện nay, ông sẽ bị coi là ‘phản động’, là ‘bất tài vô dụng’, là ‘âm mưa chính trị’, là ‘vượt giới hạn luật sư’… như cách mà Nhà nước Việt Nam hiện nay gán cho nhóm luật bào chữa cho các thân chủ bị bắt giam và truy tố vì hoạt động dân chủ, nhân quyền lẫn chính trị.
Nhưng hãy xem, Tiến sĩ luật học đầu tiên lấy động lực từ đâu ra để đấu tranh bền bỉ đến mức bị bức hại đến thế. Vào năm 1908, ông đã viết : ‘Máu người Việt Nam chảy lênh láng ở tỉnh Quảng Nam và các nơi khác tiếp theo sau những cuộc biểu tình của nhân dân’. Và khi bị bắt, ông đã khẳng khái tuyên bố ‘Âm mưu này chỉ có thể có trong tưởng tượng ác ý của những người buộc tội chúng tôi mà thôi’.
Khi định hình mối quan hệ giữa tính đạo đức và pháp luật, ông chia sẻ : Đạo đức chủ ý lương thiện. Pháp luật chủ ý công bằng. Và ‘luật hình phải dựa lấy đạo đức làm nền làm cơ sở’. Điều đó cho thấy, tính xã hội và đạo đức xã hội phải dựa vào chủ ý luật pháp, cũng như ngược lại, muốn tạo tính pháp luật thì cần phải xây dựng trên nền tảng đạo đức.
Nhìn lại xã hội Việt Nam, tư duy luật pháp manh mún chỉ tạo cơ hội phát sinh ra những bản án chính trị cho người mạnh vì gạo và bạo vì tiền. Tính quyền và tiền bóp méo cán cân công lý ; khiến bị cáo ra tòa như con cá nằm trong thớt và đã được định sẵn số phận trước đó dù rằng, ba vế của một phiên tòa gồm Thẩm phán, Luật sư, Viện kiểm soát vẫn hiện diện. Hãy xem những phiên tòa mà Luật sư với Viện kiểm soát cãi nhau, nhưng Viện kiểm soát và Thẩm phán lại áp đặt tư duy ‘nghe lời’ hơn là ‘lắng nghe công lý’. Và do đó, phát sinh đi đến một kết quả là các vụ án chính trị, vụ án liên quan đến lợi quyền người yếu thế trong xã hội nó diễn ra trong tư duy ‘không chợ thì mợ vẫn đông’ hay ‘tố tụng với những lời khai trên giấy', thậm chí là kết quả đã được thống nhất trước khi xử.
Khi Luật sư cãi án bị chèn ép, và phán quyết Tòa án là sự đề ra trước đó, thì đó là phiên tòa lố bịch. Nhưng trong một số người, thì đó là ‘phiên tòa công lý’, và luật sư trở thành một luật sư ‘vô dụng, rân chủ, dâm chủ’.
Câu chuyện đi tìm công lý cho người yếu thế và công lý cho dân tộc đã và vẫn sẽ đang diễn ra như một quy luật, từ thời kỳ Luật sư Phan Văn Trường cho đến lớp luật sư hiện nay. Và đó là sự kế tục không ngừng nghỉ, hay đúng hơn, lớp Luật sư Luân Lê, Luật sư Hà Huy Sơn, Luật sư Phạm Công Út, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Nguyễn Văn Miếng,… xứng đáng là lớp hậu sinh kế thừa tinh thần ‘công lý trên hết’ của Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam - Luật sư Phan Văn Trường.
Ánh Liên
***************
Quanh vụ nghĩa trang Giải Phướn 'bị đập phá' (BBC, 23/04/2018)
Ngày 23/4, một số dân làng La Dương, phường Dương Nội, Hà Nội nói có nhóm người đến 'phá mồ mả' ở nghĩa trang Giải Phướn trong vụ việc đã có nguồn căn từ lâu nay.
Vụ việc xảy ra ở nghĩa trang Giải Phướn, làng La Dương thuộc Thành phố Hà Nội
Trong video dân địa phương quay ngày 23/4, người ta có thể thấy một nhóm gồm cán bộ và dân phòng phường Dương Nội cùng đám đông dân làng.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của một nhóm khá đông phụ nữ đeo khẩu trang, trên tay mỗi người cầm một que sắt dài được cho là 'để đi tìm mộ'.
Cũng trong video, nhiều dân làng cho hay nhóm phụ nữ trên thừa nhận được thuê với giá ba triệu đồng một ngày để đi làm 'xăm thuốn' đất nghĩa trang.
Trong video này, một người đàn ông mặc áo trắng kẻ sáng màu, đeo kính, cầm một tờ giấy trắng, mà ông Trịnh Bá Phương nói là Chủ tịch UBND phường Dương Nội Lã Quang Thức, đang chỉ đạo một nhóm nam giới :
"Bây giờ mình xác định ở đây có những cái mộ nào không thì chúng ta sẽ đánh dấu lại thôi. Nếu không có thì thôi. Bây giờ phương pháp làm là cuốn chiếu bắt đầu từ trạm điện này..".
Dùng que sắt 'tìm mộ' ?
Các vụ người dân biểu tình liên quan đến vấn đề đất đai dường như diễn ra ngày một phổ biến ở Việt Nam
Người quay video clip, ông Trịnh Bá Phương, một người dân Dương Nội, cũng là một nhà hoạt động dân chủ chuyên đấu tranh cho các vụ việc liên quan đến đất đai và nhân quyền, nói với BBC qua điện thoại ngày 23/4 :
"Đây là nghĩa trang có từ mấy trăm năm của làng La Dương, rộng khoảng 10ha, nhưng từ năm 2010 đã bị họ mang máy ủi, máy xúc đến san phẳng".
"Dân làng chúng tôi thời đó còn nhớ đã đi nhặt xương nằm la liệt trong khu nghĩa địa bị phá được một thùng carton. Sau đó chính quyền địa phương đã có giấy xác nhận đó là xương người thu được từ nghĩa địa".
"Đợt đó họ cho xe đến ủi phá vào ngày 9/3/2010 thì đến ngày 27/3/2010 họ mới gửi thông báo đến chúng tôi về kế hoạch di dời mồ mả".
"Lần này, họ bắt đầu từ 8h sáng ngày 23/4 và sẽ tiếp tục thực hiện trong buổi chiều và ngày mai, ngày kia. Họ gửi thông báo cho chúng tôi về việc xăm thuốn tìm mổ mả còn sót lại, nhưng cái cách họ thuê người, mỗi người cầm một que sắt đi xăm chọc vào đất để tìm mộ cho thấy đây không phải là cách làm đúng đắn".
"Làm sao chỉ bằng một thanh sắt chọc chọc vào đất lại tìm được mộ ? Thế còn những mộ nằm sâu dưới đất thì sao ?" ông Phương đặt câu hỏi.
Chia lô đất nghĩa địa cổ ?
"Chúng tôi cho rằng mục đích của họ chỉ là nhanh chóng san ủi nốt 1000 m2 đất còn lại để phân lô và bán, như trước đã từng làm", ông Phương nói với BBC.
"Tôi nói vậy bởi lẽ phần đất mộ bị đập phá năm 2010 sau đó chính quyền xã Dương Nội đã cho san ủi, đổ bê tông, phân lô và rao bán trên mạng. Ai cũng có thể đến mua với giá rao bán từ 25 - 50 triệu/m2 tùy vị trí đất".
"Nhưng người dân trước đó nhận đền bù chỉ hơn 200 ngàn đồng/m2".
Trả lời BBC qua điện thoại, ông Trần Văn Tuấn, một dân làng La Dương có mặt ở hiện trường cho hay :
"Gia đình tôi có mồ mả ông bà từ mấy trăm năm trước, rồi từ thời nạn đói năm 45, tổng cộng 12 mộ bị họ cày phá năm 2010".
"Đến năm 2017 tôi đã cho xây tường bao quanh, thì họ cũng cho người đến phá nốt".
Văn bản đấu giá đất phường Dương Nội do ông Trịnh Bá Phương gửi BBC
Ông Tuấn thừa nhận có nhận được giấy thông báo của phường, và thông báo từ loa phường về kế hoạch 'tìm kiếm mồ mả' ngày 23/4, nhưng ông không đồng ý cách làm.
"Họ nói tổ chức xăm chọc để tìm mộ, nếu mộ nào vô chủ thì di dời, mộ nào có chủ thì vận động di dời".
"Tôi cho rằng ý định của họ là san nền, trồng cây xanh làm công viên cho đất nghĩa trang trước đây mà họ đã san ủi, đổ bê tông và chia lô".
"Nhưng cách họ mang người đến dùng mấy que sắt chọc phá chỉ làm cầy xới, nát các mộ còn lại".
"Tôi vô cùng bức xúc nhưng không phải biết làm sao !"
BBC gọi điện tới số điện thoại phường Dương Nội để xin gặp chủ tịch Lã Quang Thức, người được cho là chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này, tuy nhiên không ai nghe máy.
Đây chỉ là một trong nhiều sự việc liên quan khi chính quyền địa phương giải quyết đất đai tại Việt Nam nhưng gặp sự phản đối từ người dân.
Mới đây, báo chính thống và cộng đồng mạng Việt Nam truyền đi video clip với cảnh hàng trăm người dân ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định phản đối dự án đặt trạm điện gió vì cho rằng mục đích chính là khai thác titan.