Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bất đồng về chuyện giữ xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh (RFA, 10/05/2019)

Lâu nay trong công luận lại có những ý kiến thắc mắc về việc ướp xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

hcm1

Lực lượng trông coi lăng ông Hồ Chí Minh dọn cỏ trước lăng hôm 7/8/2000. AFP

Vài năm trước đây trên mạng xã hội lan truyền một phần bản di chúc của ông Hồ Chí Minh về việc hậu sự cùng một nét chữ với phần di chúc được Nhà nước công bố trước đó. Trong đó ông viết :

"Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng".

Nữ nghệ sĩ Kim Chi, người từng có thời gian dài sống và làm việc ở miền Bắc, cho rằng không nên duy trì thi hài ông Hồ mà nên đem thiêu theo di chúc được công khai như thế :

"Theo tôi thì nguyện vọng của ông Hồ là muốn được thiêu chứ đâu có đòi xây lăng rồi ướp xác quá tốn kém. Mà về phong thủy người ta cũng kiêng lắm, thi hài mà cứ đưa lên đưa xuống hoài thì dân làm sao mà làm ăn được, đất nước làm sao mà phồn thịnh được. Theo những gì về tâm linh thì tôi thấy nên thiêu đi như ông mong muốn. Như vậy vừa tốt cho phong thủy dân tộc, vừa tiết kiệm".

Bà nói thêm rằng bà đồng ý với việc thiêu xác rồi rải tro vì mỗi năm phải nuôi cả binh đoàn bảo vệ, phải bảo trì cái xác rồi nuôi cả đội ngũ những người về hưu, tốn kém nhiều lắm.

Với nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì trước hết phải làm xét nghiệm ADN. Ông không tin ông Hồ Chí Minh là người Việt Nam, vì bút tích của ông Hồ có nét chữ rất xấu ‘như gà bới’ trong khi ông Hồ viết chữ Tàu rất đẹp. Ông đưa ra quan điểm ngắn gọn của mình về nhiều mặt :

"Theo tôi thì trước tiên phải xét nghiệm ADN xác ông Hồ Chí Minh rồi sau đó hãy thiêu. Về mặt tâm linh thì tôi nghĩ rằng muốn thiêu thì phải xem ngày giờ. Về mặt kinh tế thì quá rõ là việc giữ lại cái xác quá tốn kém. Hiện nay ngân sách Nhà nước coi như đã cạn queo rồi thông qua các thứ thuế, rồi xăng dầu, điện nước, phí BOT… đều leo thang. Mỗi tháng tốn hàng đống tiền cho việc bảo quản là có tội với người dân".

Dù hàng trăm đầu báo chính thống trong nước chưa bao giờ đặt ra nghi vấn việc ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, người có thi hài đang nằm trong lăng, có phải là người Việt Nam hay không, nhưng trong những năm qua dấy lên thông tin ông Nguyễn Ái Quốc là người Trung Quốc.

Năm 2008, Đài Loan xuất bản cuốn sách "Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh" (Hồ Chí Minh sinh bình khảo), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành. Tác giả là Hồ Tuấn Hùng, giáo sư đã từng dạy học hơn 30 năm, tốt nghiệp trường Đại học Quốc lập Đài Loan, khoa lịch sử. Người dịch ra tiếng Việt Nam là Thái Văn

Cuốn sách chứng minh ông Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Cung, mà là Hồ Tập Chương người Đài Loan, Trung Hoa với lý giải ông Nguyễn Ái Quốc bị bạo bệnh, đã mất năm 1932, đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn một sĩ quan tình báo trong cục Tình báo Hoa Nam đóng giả, thay thế Nguyễn Ái Quốc để duy trì phong trào cách mạng ở Đông Dương.

Là một người từng sống qua hai chế độ, bà Đức nêu ý kiến của mình về việc giữ thi hài ông Hồ hiện nay :

"Tôi nghĩ ngay đến điều quan trọng là ông Hồ Chí Minh, người ta đã nói nhiều rồi, đã tìm hiểu nhiều rồi, ông không phải là người Việt Nam. Như thế thì không việc gì phải giữ cái xác ở đấy. Mà nếu ông Hồ có là người Việt Nam chăng nữa thì chuyện tốn kém để bảo quản vẫn là quan trọng, tôi không thay đổi ý kiến. Ông Hồ mất bao nhiêu năm rồi, đất nước thì nghèo mà lấy tiền đóng thuế của dân ra bảo quản cái xác đó.

Hơn nữa ông là người đem chế độ cộng sản vào đưa đất nước đến nỗi như thế này thì can cớ mình gì phải giữ. Không ích lợi gì hết !"

hcm2

Một phần di chúc của ông Hồ Chí Minh nói về việc hậu sự. File photo

Thầy giáo Chế Quốc Long nhận định việc ướp xác không nói lên tầm cỡ lãnh tụ, mà tầm cỡ lãnh tụ phải là những việc họ làm, di sản họ để lại cho dân cho nước. Di sản của ông Hồ Chí Minh là đem chế độ cộng sản về Việt Nam, mà những gì chế độ cộng sản đã làm thì thế giới đã chứng minh. Có thể nói đó là ung nhọt của nhân loại mà đáng tiếc là chính phủ Việt Nam vẫn cố duy trì và níu kéo cái ung nhọt đó. Ông nói thêm :

"Độc tài và tàn ác. Di sản này cần phải dẹp bỏ mà việc đầu tiên là dẹp bỏ những biểu tượng liên quan đến ông Hồ Chí Minh. Tôi thấy không cần phải giữ cái thi hài đó làm gì. Quá tốn kém vì phải duy trì cái lăng rồi phải duy trì lực lượng bảo vệ, lễ nghi mà nó chẳng đem lại một lợi ích thiết thực nào hết".

Trên thế giới hiện chỉ còn vài nước lưu xác lãnh tụ như Lãnh tụ Xô viết, Lenin mất ngày 21/4/1924 ; Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969 ; Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông mất ngày 9/9/1976 ; Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011.

Một năm sau ngày ông Kim Jong-il mất, Bình Nhưỡng mới úp mở thi hài được bảo quản trong trang phục kaki nổi tiếng. Ông Kim nằm dưới cha ông, Kim Nhật Thành, một vài tầng nhà trong Cung kỷ niệm Kumsusan.

Truyền thông Việt Nam vào ngày 10/5 thuật lại quá trình giữ xác cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó từ khi qua đời vào sáng ngày 2/9/1969, thi hài ông Hồ Chí Minh được chuyển về Quân y viện 108 để các y bác sĩ và các chuyên gia Liên Xô thực hiện các bước bảo quản. Trong sáu năm sau đó, thi hài ông Hồ được di chuyển tổng cộng sáu lần. Lần đầu từ Hà Nội lên Ba Vì, lần cuối từ Ba Vì về lại Hà Nội và giữ trong lăng từ ngày 18/7/1975 đến nay.

Báo Hà Nội Mới dẫn lời Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, trong giai đoạn sáu năm đầu, việc gìn giữ, bảo vệ thi hài rất vất vả vì cơ sở vật chất còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên môn mỏng. Đến ngày 29/8/1975, khi lăng được khánh thành thì nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài ông Hồ chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu rất cao.

Ngày 28/8/2018, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo kết luận, nhiệm vụ bảo vệ lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn thi hài của người nằm trong lăng là ‘nhiệm vụ chính trị vinh dự, thiêng liêng cao quý mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho Ban quản lý Lăng.’

Diễm Thi

********************

Từ Sungroup cho thấy tình trạng ‘nhóm lợi ích’ ngày càng tăng ở Việt Nam (RFA, 10/05/2019)

Chính quyền Đà Nẵng mới đây đã ra lệnh tạm dừng một dự án về du lịch là dự án Marina Complex vì những quan ngại liên quan đến việc dự án này lấn sông Hàn được truyền thông trong nước đăng tải rầm rộ.

hcm3

Cầu sông Hàn Đà Nẵng. AFP

Tuy nhiên, dường như truyền thông trong nước lại không hề nhắc đến dự án khu nghỉ dưỡng Olalani của Tập đoàn Sungroup cũng trên sông Hàn khi tập đoàn này cũng có những sai phạm tương đồng như Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến Du Thuyền Đà Nẵng, theo nhận xét của một số nhà quan sát.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, lý do Sungroup vẫn êm xui trong chuyện này vì có thế lực yểm trợ :

"Những hãng tư nhân mà làm thiệt hại chung cho quyền lợi xã hội thì ở đâu cũng có, nhưng những năm gần đây do tiến bộ của nghiên cứu khoa học cũng như đấu tranh chống tiêu cực, nhiều dự án tương tự đã phải dừng lại. Riêng đặc thù vừa rồi 3 dự án, bao gồm cả Sungroup san lấp bề mặt sông Hàn thì Sungroup lại không bị ra lệnh dừng lại. Thậm chí tôi có nguồn tin là có ý kiến chỉ đạo dừng lại của thành phố, nhưng họ vẫn làm. Như vậy ta hiểu rằng có một thế lực nào đó rất mạnh đã chi phối việc đó. Cùng việc lấn sông Hàn, một anh bị buộc dừng lại, một anh tiếp tục xây dựng là Sungroup. Trong quy luật cạnh tranh thị trường hiện nay thì Sungroup là ‘cá mập’, mà cá mập thì khó bắt hơn cá lạc".

Xác nhận Sungroup có một ‘thế lực hậu thuẫn’ rất mạnh này, anh H., cựu phóng viên từng làm cho Đài Truyền hình Việt Nam trong 13 năm cho biết :

"Khi bạn được điều động đi thực hiện phóng sự nào đấy mà báo chí trong nước vẫn gọi là ‘đánh’ một nhân vật cấp cao như thứ trưởng hoặc bộ trưởng, hay những nhân vật của tập đoàn lớn như Vingroup hay Sungroup, bạn cũng tự hiểu là lãnh đạo của mình đã có sự yểm trợ của một lực lượng đủ mạnh phía sau lưng mới dám đưa ra quyết định yêu cầu bạn làm phóng sự đánh những nhân vật và tập đoàn quan trọng như vậy".

Đây không phải là lần đầu tiên Sungroup bị nghi ngờ có có thế lực chính trị ‘chống lưng’ để phá hoại tài nguyên quốc gia. Trước đó, khi Tập đoàn này xây dựng cáp treo từ Sapa lên thẳng Fansipan, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng đã nêu lên chuyện lợi ích nhóm giữa tập đoàn và các quan chức trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, Sungroup đã phá đường đi từ Sapa lên Fansipan để xây cáp treo, phá hoại cảnh quan tự nhiên tại đây, sau đó cấm người dân không đi đường này nữa. Hiện cáp treo vẫn hoạt động đưa du khách từ thị xã Sapa lên ‘nóc nhà Đông Dương’ với lượng lớn khách du lịch đổ về đây mỗi ngày.

hcm4

Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương" AFP

Vụ việc dự án Marina Complex và Olalani lần này cũng khiến nhiều người so sánh với vụ cưỡng chế những công trình vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn gần đây. Mặc dù chính phủ Hà Nội nhiều lần lên tiếng phải phá hủy các căn nhà, biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch xây dựng sai quy định trên đất rừng, nhưng truyền thông trong nước nhiều lần loan tin cho biết vẫn có những ngoại lệ khi dỡ bỏ các công trình sai phạm.

Điển hình như báo Đất Việt trong ngày 9/5 cũng đã loan tin ghi nhận ý kiến người dân cho rằng dù vi phạm tương đối giống nhau, nhưng nhiều công trình không bị phá hủy hoặc chỉ bị tháo dỡ một phần, thậm chí có những biệt thự nằm sâu trong phần đất cấm xây dựng vẫn còn sừng sững. Điển hình như hai công trình được nhiều người dân quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương.

Mới đây nhất, vào sáng ngày 9/5, công an Hà Nội đã tiến hành khám xét và thu giữ vật dụng tại Trung tâm bảo hành, sửa chữa Nhật Cường ở C4 Giảng Võ và ở số 33 Lý Quốc Sư.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường là một trong những doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động lớn tại Hà Nội với nhiều cửa hàng trên địa bàn thủ đô.

Theo truyền thông trong nước, tuy là công ty mới được thành lập chưa lâu, nhưng Nhật Cường đã nhận phần lớn các hợp đồng thầu liên quan đến các dự án công trực tuyến ở Hà Nội lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như được chỉ định thầu với giá trị 10,7 tỷ đồng trong dự án của Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội thực hiện quyết định 6699, hoặc trong dự án thí điểm lắp đặt hệ thống camera an ninh với số tiền đầu tư lên đến 1,1 tỷ đồng, hay cung cấp những phần mềm liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng an ninh Hà Nội.

Nhiều chuyên gia quan sát và nhận xét đây có thể là một cuộc đấu đá giữa các nhóm lợi ích mà trong đó, người ‘chống đỡ’ cho công ty Nhật Cường đang thất thế.

Nhận xét về ý kiến này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội, cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, ông nói :

"Tôi nghĩ có rất nhiều dấu hiệu các doanh nghiệp ‘ngoặc’ với chính quyền, có những vị nào đấy đứng đằng sau. Nếu những vị ấy kiểm soát được thì nó để yên, còn không thì bên này đánh bên kia, đánh doanh nghiệp, chỗ này chỗ nọ. Có thể những thế lực chính trị đứng đằng sau, nhiều khi đánh nhau về mặt chính trị nhưng ‘trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Tức là tay chân của phe này bị phe khác đánh, đó có thể là các doanh nghiệp".

Tình trạng cấu kết giữa hai thành phần tư sản tư nhân và quan chức cấp cao của nhà nước, với mục đích nhằm trục lợi được định nghĩa là ‘nhóm lợi ích’.

Trong nhiều năm qua, ‘nhóm lợi ích’ liên tiếp được nhắc đến trong các vụ án tham nhũng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, hoặc hủy hoại tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng ‘nhóm lợi ích’ là dường như là câu hỏi khó để trả lời vì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cần phải thay đổi thể chế, cần công khai, minh bạch mới có thể hạn chế tình trạng ‘nhóm lợi ích’, mà việc này rất khó thực hiện dưới chế độ độc Đảng như ở Việt Nam hiện nay.

Published in Việt Nam