Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kiểm tra liên hợp nghề cá vùng đánh bắt chung ở Vịnh Bắc Bộ (RFA, 31/10/2017)

Hoạt động kiểm tra liên hợp nghề cá vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 2 năm 2017 được khởi động và sẽ kết thúc vào ngày 3 tháng 11 tới đây.

kho1

Một tàu cá của ngư dân Thanh Hóa đang nằm bờ để sửa chữa hôm 25/10/2015. AFP

Tin cho biết vào chiều ngày 30 tháng 10, đoàn công tác của Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam rời cảng Đình Vũ, Hải Phòng lên đường ra vị trí tập kết để chuẩn bị cho hoạt động vừa nêu.

Cụ thể lần này lực lượng Cảnh sát Biển của hai phía tiến hành kiểm tra qua 11 điểm trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Cảnh sát biển của phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ kiểm tra tàu cá hoạt động tại vùng đánh bắt chung.

Mục đích của chuyến kiểm tra tại vùng đánh bắt chung ở Vịnh Bắc Bộ lần này được cho biết nhằm tăng cường công tác quản lý tàu cá trên biển, duy trì trật tự hoạt động nghề cá trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.

Tin nêu rõ là lực lượng Cảnh sát Biển hai phía sẽ tuyên truyền giáo dục cho ngư dân chấp hành các qui định trong Hiệp Định Nghề Cá Vịnh Bắc Bộ mà Bắc Kinh và Hà Nội ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000.

***********************

Đề xuất nhấn chìm chất thải xuống biển Quy Nhơn (RFA, 31/10/2017)

Gần 500 ngàn mét khối chất thải nạo vết duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn được Cục Hàng Hải Việt Nam đề nghị Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Định cho nhận chìm xuống biển địa phương.

kho2

Một bãi biển ở miền Trung Việt Nam.  AFP

Mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 31 tháng 10 dẫn phát biểu của giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường tỉnh Bình Định, ông Đặng Trung Thành rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã giao cho Sở Tài Nguyên- Môi trường phối hợp cùng Cục Hàng Hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để kiểm tra, thẩm định, trình cấp trên duyệt cấp phép.

Tin cho biết tọa độ được đề nghị cho nhận chìm lượng chất thải vừa nêu là ngoài phao số 0 mà theo qui định là tối thiểu các bờ biển 2,5 kilomet trở ra.

Ông Đặng Trung Thành nói rằng việc nhận chìm để khơi thông luồng chảy ở cảng Quy Nhơn là cần thiết ; tuy nhiên vì kinh tế mà đánh đổi môi trường vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường biển.

Vào tháng 7 vừa qua, kế hoạch cho nhận chìm 1 triệu mét khối bùn, cát ra vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phải ngưng lại. Lý do vì phản ứng mạnh mẽ của giới chuyên gia và dân chúng địa phương vì chất thải đổ xuống biển làm chết san hô, hải sản gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống cư dân địa phương.

Published in Việt Nam