Xuất ngoại phế liệu nguy hại : Ai nhập ? (Đất Việt, 10/04/2019)
Đã là chất thải nguy hại và đã được đưa ra khỏi lãnh thổ nước bạn thì gần như không bao giờ họ nhập lại nữa.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho rằng, hai phương án xử lý 23.000 container rác phế liệu đang bị ùn ứ tại các cảng biển chưa thật sự khả thi.
Loay hoay tìm phương án xử lý 23.000 container rác phế liệu. Ảnh : TTO
Cụ thể với phương án 1 : "Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam".
Đây cũng là phương án được Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn.
Khi phân tích về phương án này, Phó Giáo sư Phùng Chí Sỹ lại cho rằng, đây là phương án khó thực hiện, hiệu quả không cao.
"Tôi đồng ý bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn, việc đấu giá sẽ có nhiều người tham gia, chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, vướng mắc chính nằm ở việc xử lý đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Yêu cầu tái xuất chất thải độc hại là bất khả thi.
Đã là chất thải nguy hại và đã được đưa ra khỏi lãnh thổ nước bạn thì gần như không bao giờ họ nhập lại nữa.
Hơn nữa, khi vận chuyển, tái xuất chất thải nguy hại phải tuân thủ theo công ước quốc tế, ngoài yêu cầu với từng loại chất thải, khi tới nước nào phải xin phép nước đó, không phải muốn đưa đi đâu cũng được", vị Phó Giáo sư cho biết.
Từ thực tế trên, vị chuyên gia cho rằng, chỉ có thể xử lý theo hình thức : Một, xác định rõ những lô hàng không đạt yêu cầu nhưng đã xác định được chủ hàng, phải yêu cầu chủ hàng thực hiện tiêu hủy ngay.
Hai, nếu không xác định được chủ hàng thì lấy tiền từ các lô hàng bán đấu giá được để xử lý.
Đối với phương án 2, Phó Giáo sư Phùng Chí Sỹ cho rằng phương án này có tính khả thi cao hơn.
Theo đó, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
"Những lô hàng phế liệu đạt tiêu chuẩn không cần nói, doanh nghiệp cũng sẽ thích mua. Còn đối với những lô hàng không đạt, có thể đấu giá thấp hơn dựa trên tỉ lệ phân loại phế liệu.
Trong trường hợp, tỉ lệ phế liệu có để doanh nghiệp lọc phần phế liệu có thể sử dụng, tái chế lại cao, phần phế liệu không sử dụng được thấp hơn thì có thể bán với giá cao hơn và ngược lại. Như vậy, khi đấu giá theo tỉ lệ phế liệu, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm tiêu hủy đối với những lô phế liệu không sử dụng được.
Tất nhiên, trường hợp này doanh nghiệp có thể phải chấp nhận một phần rủi ro. Tuy nhiên, theo suy đoán của tôi, nhiều khả năng vẫn là "mỡ nó rán nó", phần nọ bù phần kia, doanh nghiệp chưa chắc đã thiệt", vị chuyên gia nói.
Với phương án này, vị chuyên gia cho rằng chỉ cần mất thời gian để lấy mẫu các lô hàng sau đó tiến hành phân loại, xác định tỉ lệ phế liệu nguy hại và không nguy hại. Trong khi đó, với cách làm này, vừa bảo đảm xử lý được phế liệu nguy hại cũng đồng thời đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách.
Cũng theo vị chuyên gia, trong trường hợp đã đấu giá hết phế liệu nguy hại nhưng còn tồn những lô hàng không thể đấu giá được thì có thể sử dụng ngay phần ký quỹ của doanh nghiệp để xử lý.
Như vậy, kể cả khi không bán đấu giá được các lô hàng phế liệu độc hại thì ngân sách nhà nước cũng không mất một đồng tiền nào.
Hoài An
**********************
Vì sao người nước ngoài mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh ? (Tuổi Trẻ, 10/04/2019)
Giao dịch mua nhà của người nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 70% tổng số giao dịch nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Vì sao ?
Bà Nguyễn Hoài An, giám đốc chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, cho biết như vậy trong buổi họp báo công bố tiêu điểm thị trường quý I, ngày 10/4.
Đa số người nước ngoài chọn mua căn hộ cao cấp, hạng sang - Ảnh : TTO
Bà Nguyễn Hoài An cho biết thêm, theo quan sát của CBRE, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về số người nước ngoài mua bán nhà.
Ước tính, số giao dịch mua bán nhà của người nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 70% tổng số mua nhà của người nước ngoài tại Việt Nam.
Lý do, thị trường nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh được người nước ngoài chú ý, vì đây là đô thị lớn nhất cả nước về quy mô dân số, kinh tế, và là địa điểm đầu tư ưa thích của cộng đồng người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, theo bà An, một cách tự nhiên nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm rất lớn của người nước ngoài, đặc biệt, trong 2 năm (2017 - 2018) có rất nhiều người nước ngoài quan tâm, thực hiện các giao dịch mua bán nhà.
Dù đến nay chưa thể có con số cụ thể về số người nước ngoài mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên có thể thấy rằng số căn hộ bán cho người nước ngoài vẫn chưa nhiều.
Cụ thể là, trong số khoảng 5.000 căn chào bán trong quý 1/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ một lượng nhỏ tập trung vào căn hộ cao cấp, là phân khúc được đa số người nước ngoài chọn mua.
Trung bình một quý, số lượng giao dịch mua nhà của người nước ngoài chỉ chiếm dưới 10%, và 90% căn hộ còn lại được bán cho người Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương trên cả nước báo cáo về tình hình người nước ngoài, và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam.
Tuy nhiên đến nay, cơ quan này vẫn chưa nhận đủ số liệu báo cáo của các địa phương, vì vậy chưa có số liệu chính xác về số cá nhân, tổ chức nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam, ông Ninh thông tin thêm.
Bảo Ngọc
*******************
'Chỉ có 750 tổ chức, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam' (Tuổi Trẻ, 30/03/2019)
Con số này được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo gửi Ủy ban đối ngoại Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
Báo cáo được CBRE Việt Nam công bố mới đây nhận định số người nước ngoài mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến - Ảnh : Tư liệu
Con số này đặt ra nhiều dấu hỏi về độ xác thực và tình trạng núp bóng cá nhân trong nước để mua nhà tại Việt Nam.
Về tình hình người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo Bộ Xây dựng từ khi Luật nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, có khoảng 750 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Số liệu này được bộ ghi nhận từ 12 địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có gần 400.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, thời gian tới, con số này sẽ gia tăng khi Việt Nam mở rộng hội nhập kinh tế, kéo theo nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng tăng lên.
Luật nhà ở 2014 quy định cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chính do người nước ngoài không được cung cấp thông tin đầy đủ về các quy định pháp luật liên quan đến việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu nhà ở cho người nước ngoài được quy định trong nhiều luật, mỗi bộ, ngành phụ trách một lĩnh vực, không có hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho người nước ngoài tìm hiểu thông tin mua nhà.
Hiện Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý quy định người nước ngoài được mua những gì, Bộ Xây dựng quy định đối tượng nào được mua, mua sản phẩm nào, Bộ Công an quản lý về visa, phải có visa mới được mua nhà, Bộ Tài chính quản lý thuế và Ngân hàng Nhà nước quản lý chuyển tiền ra nước ngoài.
Bảo Ngọc
*********************
Singapore bắt giữ gần 30 tấn vảy tê tê trên đường tới Việt Nam (RFA, 10/04/2019)
Chưa đầy 1 tuần, Singapore đã bắt giữ 2 lô hàng với gần 30 tấn vảy tê tê với giá trị gần 90 triệu đôla đang được vận chuyển từ Nigeria tới Việt Nam.
Các bao tải vảy tê tê bị thu giữ tại Singapore. Ảnh chụp ngày 8/4. AFP
Các hãng thông tấn lớn loan tin ngày 10/4, trích dẫn thông tin từ Ủy ban Công viên Quốc gia, Hải quan Singapore và Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh đảo quốc sư tử.
Giới chức Singpore cho biết vụ bắt giữ mới nhất mới xảy ra chỉ 5 ngày sau vụ bắt giữ hơn 12 tấn vảy tê tê hôm 4/4 vừa qua.
Theo Reuters, số lượng vảy tê tê trong hai lô hàng vừa bị thu giữ tương đương với hơn 20.000 con tê tê. Hải quan Singapore cho biết đây là vụ bắt giữ vảy tê tê có quy mô lớn nhất nước này trong vòng 5 năm qua và lập kỷ lục về lượng vảy tê tê được vận chuyển trái phép trên toàn cầu.
AP cho biết, những vảy tê tê vừa bị bắt giữ thuộc bốn loài tê tê có nguồn gốc từ Châu Phi đang bị đe dọa.
Giới chức Hải quan Singapore cho biết lô hàng đầu tiên được cất giấu trong các gói thịt bò đông lạnh. Năm ngày sau, họ tìm thấy thêm lô hàng thứ hai được cất trong 474 túi trong một container khác, được gắn nhãn mác là hạt cassia, loại hạt dùng thay cho cà phê và có tác dụng tốt cho ruột, gan và thị lực.
Tê tê đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiều người coi thịt tê tê là một món ngon, còn vảy tê tê được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh từ ung thư đến viêm khớp.
Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là hai quốc gia sử dụng vảy tê tê nhiều nhất.
Đầu tháng 2, Hải quan Hồng Kông cũng đã bắt giữ một vụ buôn lậu lớn vảy của 13.000 con tê tê trên đường từ Nigeria đến Việt Nam.
WildAid ước tính 100.000 con tê tê bị săn trộm từ tự nhiên mỗi năm. Có 8 loài tê tê ở Châu Phi, đặc biệt là Châu Á đang bị nguy hiểm vì nạn săn trộm.