Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng bí thư Trọng : 'Tham nhũng giảm ở Việt Nam' (BBC, 17/08/2018)

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình trạng tham nhũng 'có chiều hướng thuyên giảm', đặc biệt trong hai năm gần đây.

vn1

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh Infonet

Sau năm năm thành lập, "công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn hai năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội", ông Trọng được trích lời trên chinhphu.vn.

Ông Trọng phát biểu như vậy tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ) tại Hà Nội hôm 16/8.

Ông cho hay một số vụ tham nhũng nghiêm trọng đã được giải quyết, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chính phủ.

Ông Trọng nhấn mạnh các trường hợp tham nhũng nghiêm trọng đặc biệt, bao gồm việc mua bất hợp pháp Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của MobiFone, vụ đánh bạc xuyên quốc gia ở tỉnh Phú Thọ, vụ PetroVietnam quản lý yếu kém làm thất thoát 150 triệu đô la ngân sách nhà nước, và vụ ông trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ làm lộ bí mật nhà nước, theo VnExpress.

Những vụ này mang đến kết quả quan chức cấp cao bị bỏ tù, bị bắt hoặc bị giáng cấp.

Trong năm năm qua, BCĐ đã hoàn thành việc truy tố và xét xử 500 bị cáo trong 40 vụ án tham nhũng trong số những vụ tham nhũng bị đổ bể. 56 quan chức chính phủ trung ương cũng bị kỷ luật từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2018.

Ông Trọng nói rằng BCĐ sẽ cố gắng để tăng cường hệ thống kỷ luật, loại bỏ những hạn chế hiện có và đào tạo cán bộ để ngăn chặn tham nhũng hiệu quả hơn nữa.

Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 4.300 đảng viên tham nhũng ; kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, theo chinhphu.vn.

Các phát biểu của ông Trọng lặp lại báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào tháng Tư. Báo cáo này đánh giá sự minh bạch và các thủ tục hành chính công của quốc gia thông qua một cuộc khảo sát toàn quốc.

Báo cáo cho thấy kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện nhiều nhất. Chỉ 17% người được hỏi cho biết họ trực tiếp trải nghiệm việc bị đòi hỏi hối lộ khi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm từ 23% trong năm 2016.

Hối lộ tại các bệnh viện công cũng giảm, chỉ 9% người trả lời nói rằng họ phải hối lộ, giảm từ 17% trong năm 2016.

Các vụ thu hồi đất cũng giảm xuống, với ít hơn 7% số người được hỏi báo cáo về việc này trong năm 2017, so với mức trung bình 9% mỗi năm từ năm 2013 trở đi, theo các báo cáo.

'Tham nhũng 'vặt' còn nhiều'

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong công tác phòng chống tham nhũng, như "tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", theo chinhphu.vn.

Ông nói tình trạng này "có chuyển biến nhưng chưa đạt như mong muốn, cần có giải pháp tích cực, chuyển biến mạnh hơn nữa".

Ông Trọng cũng đề cập đến tâm trạng lo lắng của toàn xã hội về thực trạng tham nhũng, và rằng "tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng "vặt" còn nhiều".

Bình luận về công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu trong báo cáo PAPI : "Mặc dù hướng thay đổi là tích cực, vẫn còn nhiều việc phải làm để chống tham nhũng", theo VnExpress.

Ông nói rằng kết quả khảo sát cho thấy cả hai xu hướng "đáng khích lệ và đáng lo ngại", đặc biệt là trong kiểm soát tham nhũng khu vực công.

*****************

Nợ công tính trên đầu người Việt Nam tăng thêm (RFA, 17/08/2018)

Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 35 triệu đồng nợ công quốc gia vì các dự án thua lỗ, và hàng loạt các dự án vay vốn ODA bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu.

vn2

Mô hình đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 "Bến Thành - Suối tiên". FB Tiệp Nguyễn

Thông tin vừa nêu được Bộ Tài chính cho biết vào ngày 17 tháng 8.

Dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về nợ công của Việt Nam trong năm 2018 cho thấy nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP, tiệm cận mức 65% GDP mà Quốc hội cho phép.

Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Việt Nam giải thích nguyên nhân nợ công tăng chủ yếu là vì các dự án kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí, các công ty tư vấn kém chất lượng, đưa ra các giải pháp thiết kế, tính toán không chính xác.

Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu ra một số trường hợp như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn từ Thăng Long – Trần Hưng Đạo : quá trình điều tra tổng mức đầu tư dự án đã phát hiện nhiều sai sót trong việc tính toán, chi phí đầu tư tăng từ 19.555 tỷ lên hơn 51.000 tỷ. Dự án tuyến tàu điện ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Tham Lương : công ty tư vấn đã không tính toán khối lượng và hạng mục chi phí trong báo cáo khả thi dự án, chi phí tăng từ 17.400 tỷ lên hơn 47.000 tỷ.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, nhiều dự án vay lại vốn nước ngoài của chính phủ và vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh đã sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ hoặc ứng vốn từ quỹ trả nợ quốc gia.

Tính đến trung tuần tháng 7 năm ngoái, Tạp chí The Econimist đưa ra đồng hồ nợ công của Việt Nam là hơn 94 tỷ đô la Mỹ. Cũng vào cùng thời điểm, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cảnh báo trong năm nay, nợ công của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng an toàn.

*******************

Việt Nam nhập từ Trung Quốc hơn bốn tỉ đô la hàng dệt (RFA, 17/08/2018)

Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam nhập vải vóc nhiều nhất để gia công thành hàng may mặc rồi xuất khẩu đi.

vn3

Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội. 2013. AFP

Báo chí trong nước trích dẫn nguồn từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho biết sau Trung Quốc, thì Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản là những nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa.

Trong tổng số giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm có hơn 4 tỉ đô là vải vóc, tăng hơn 18% so với năm trước.

Hiện tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành dệt may từ Trung Quốc. Số liệu hải quan Việt Nam cho thấy trong năm 2017, Việt Nam nhập khoảng 9 tỷ đô la hàng nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, chiếm gần 43% tổng trị giá hàng nguyên liệu dệt may nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc và các quốc gia Châu Á, sau đó gia công may thành quần áo rồi bán sang Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản.

Giá trị hàng may mặc của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 là hơn 16 tỉ rưỡi đô la Mỹ.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng may mặc Việt Nam là Hoa Kỳ, sau đó là Châu Âu, đứng thứ ba là Nhật Bản.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam là 31 tỷ đô la ; năm nay mục tiêu đề ra là 34 tỷ rưỡi đô la cho mặt hàng này.

Published in Việt Nam