Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã khai mạc hôm 5/5 tại Hà Nội.

daian1

Trao đổi tiền tệ ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Trong diễn văn khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập : "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt".

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo thông báo của Ban này, có 12 vụ án quan trọng được lên kế hoạch về kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2017.

Đáng chú ý, 5 trong 12 vụ này đều liên quan giai đoạn hai trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

1. Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Đây là giai đoạn hai của vụ án liên quan ông Phạm Công Danh, cựu chủ tịch VNCB.

Ông Danh và các đồng phạm bị cáo buộc rút khoảng gần 7.000 tỷ đồng của VNCB, đem gửi tại ba ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank, dùng số tiền đó bảo lãnh cho 29 lượt công ty của Phạm Công Danh vay tiền.

Ông Danh bị tòa phúc thẩm tháng Giêng 2017 giữ nguyên án 30 năm tù vì hai tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, liên quan giai đoạn một của vụ án.

2. Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến các thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB).

Vụ này cũng liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

3. Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.

Cũng liên quan vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ này được khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016.

Bà Trang bị cáo buộc giúp ông Danh huy động tiền.

Tuy vậy, báo chí trong nước nói bà Trang đã "trốn sang Mỹ".

4. Vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.

daian2

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ 2011 đến 2016

Vụ này cũng được khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín Hoàng Văn Toàn bị Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam vào tối 10/1/2017.

Ngân hàng Đại Tín là tiền thân Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB.

Ông Toàn cùng các đồng phạm bị cáo buộc có dấu hiệu rút ra hơn 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng riêng.

5. Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.

Vụ này cũng được Hội đồng xét xử sơ thẩm khởi tố tại tòa hôm 9/9/2016 từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Bà Hứa Thị Phấn nắm giữ hơn 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.

Hôm 24/3/2017, nhà của bà ở Thành phố Hồ Chí Minh bị khám xét.

Bà bị cáo buộc cùng với các ông như Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam "thao túng toàn bộ hoạt động" của Ngân hàng Đại Tín, rút ruột hàng ngàn tỉ đồng.

daian3

Vụ án Vinaconex - Ảnh minh họa

6. Vụ án "Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

Khởi tố từ tháng Bảy 2014, vụ này gây lùm xùm vì đến năm 2016 người ta được biết rằng một số lãnh đạo Vinaconex không bị khởi tố.

Vụ án liên quan nhiều lần vỡ đường ống nước sông Đà, gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân.

Đến tháng Tám 2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu xem xét lại vụ việc "không khởi tố cựu lãnh đạo Vinaconex" có liên quan.

Trong số người không bị khởi tố có ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau này là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm (đều là thành viên Hội đồng quản trị).

Truyền thông Việt Nam khi đó dẫn lời một số người nói việc này có thể bỏ lọt tội phạm cũng như tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.

7. Vụ án "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico)

Khởi tố ngày 24/2/2015, vụ án liên quan ông Phan Minh Nguyệt, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hadico.

Khi vụ án được khởi tố năm 2015, ông Nguyệt bị bắt tạm giam khi đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội.

Đến tháng Sáu 2016, Bộ Công an mới hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Phan Minh Nguyệt và 5 đồng phạm.

Ông Phan Minh Nguyệt bị đề nghị truy tố hai tội : Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tham ô tài sản.

Tháng Tư năm nay, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố ông Phan Minh Nguyệt.

8. Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)

Đây là vụ liên quan cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Housing Group.

Mặc dù dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại Cầu Diễn, Hà Nội chưa được chính quyền Thành phố Hà Nội phê duyệt và cấp phép xây dựng, bà Nga vẫn ký kết 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Thông tin lộ ra nói ra khi bị bắt, bà Nga khai đã chi 1.5 triệu USD cho một doanh nghiệp vàng, bạc đa quý tại Hà Nội để nhờ lo các thủ tục để bà Nga ứng cứ Đại biểu Quốc hội.

Tuy vậy, doanh nghiệp này phủ nhận.

Tháng Sáu 2015, Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết bãi miễn tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga.

9. Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

daian4

Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Ảnh minh họa

Công ty cho thuê tài chính (BLC Hà Nội) thuộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Ông Bùi Văn Khen (Nguyên giám đốc BLC Hà Nội), Nguyễn Việt Hưng (Trưởng phòng kinh doanh) bị khởi tố vì tội "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Họ bị cáo buộc giải ngân cho công ty Xi măng Lào Cai số tiền là 11,8 tỉ đồng khi chủ đầu tư không có khả năng thanh toán.

10. Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Chi nhánh Tây Sài Gòn thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh

Ông Huỳnh Công Thiện, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Thiện Linh, bị bắt tạm giam ngày 12/1/2016.

Hai cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn cũng bị bắt tạm giam khi đó.

Ông Thiện bị cáo buộc làm giả hồ sơ vay vốn tại BIDV, vay được 100 tỷ đồng trong khi mất khả năng chi trả.

11. Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Chi nhánh 6 Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)

Vụ này liên quan ông Dương Thanh Cường, từng bị tuyên án chung thân vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở Agribank.

Tại phiên xử ông Cương, hội đồng xét xử khởi tố thêm một vụ án khác về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ" liên quan Agribank.

12. Vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Chi nhánh 7 Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)

Vụ này được tách ra từ một vụ khác đã xử tháng 12 năm 2015 ở Agribank chi nhánh 7, với mức án 20 năm tù cho bị cáo Phạm Văn Cử (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 7) về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Khi đó ông Cử lại bị khởi tố thêm tại tòa về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Nguồn : BBC, 05/05/2017

Published in Việt Nam