Dân Việt Nam biểu tình, Trung Quốc kêu gọi công dân cảnh giác (RFI, 14/06/2018)
Bắc Kinh kêu gọi công dân Trung Quốc tại Việt Nam đề cao cảnh giác sau một loạt những vụ biểu tình hôm 10/06/2018 tại nhiều thành phố ở Việt Nam, nhằm chống lại kế hoạch thông qua luật đặc khu kinh tế, bị nhiều người cho là tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm đất của Việt Nam.
Biểu tình tại Việt Nam ngày 10/06/2018 với biểu ngữ chống dự luật về Đặc Khu. Reuters/Staff
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 11/06, trong một thông báo đăng trên trang web, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gọi các cuộc biểu tình là những "cuộc tụ tập bất hợp pháp", đã bao gồm một số "nội dung chống Trung Quốc".
Trên cơ sở đó, sứ quán Trung Quốc cho biết đang chú ý theo dõi tình hình và nhắc nhở công dân Trung Quốc là "phải chú ý đến vấn đề an ninh khi đi lại".
Ngày 10/06, biểu tình đã bùng lên ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, từ Hà Nội, đến thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số thành phố ở miền Trung.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, sự cố nghiêm trọng nhất xẩy ra tại Bình Thuận. Truyền thông Việt Nam cho biết là đám đông biểu tình ném chai xăng và gạch đá vào lực lượng an ninh, làm hư hại nhiều cơ sở và xe cộ của chính quyền. Công An đã bắt giữ 102 người biểu tình, và đã có hàng chục cảnh sát đã bị thương trong vụ việc.
Còn tại thủ đô Hà Nội, công an cũng bắt giữ hơn một chục người biểu tình tuần hành ở một khu phố đông người, nhiều người mang biểu ngữ chống Trung Quốc, trong đó có một tấm ghi là "Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ trong một ngày".
Giới đấu tranh tại Việt Nam cho biết nhiều người biểu tình cũng đã bị bắt giữ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các cuộc biểu tình nổ ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc càng lúc càng có thêm những hành động hung hăng nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ, và sẵn sàng dùng sức mạnh đối với những nước cũng có tuyên bố chủ quyền, như trong trường hợp của Việt Nam.
Vào năm 2014, khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra khắp nơi tại Việt Nam vào khi ấy.
Thoạt đầu, chính quyền Việt Nam đã để yên cho những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng sau đó đã phải trấn áp khi nhiều cuộc xuống đường biến thành những vụ bạo động, vuột khỏi tầm kiểm soát, với hơn 200 cơ sở mà chủ nhân là người Trung Quốc hay người nước ngoài bị tấn công hoặc phóng hỏa.
Kịch bản năm 2014 được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc sớm đưa ra lời cảnh báo công dân của họ tại Việt Nam.
Việt Nam tuyên bố sẽ trừng phạt các phần tử "cực đoan"
Theo hãng Reuters, chính quyền Việt Nam ngày 12/06/2018 cho biết là Công An đang điều tra các vụ bạo động tại Bình Thuận, với người biểu tình xô xát dữ dội với lực lượng an ninh. Sau 102 người bị bắt giữ hôm trước, tối thứ Hai 11/06, Công An đã bắt thêm 100 người khác. Trong số này, chưa rõ là đã có bao nhiêu người được thả.
Một bản tin tối thứ Ba, 12/06 của đài truyền hình VTV nói đến 80 người bị giam giữ.
Theo hãng tin Anh, chính quyền đã đổ lỗi cho các nhóm "cực đoan" là đã gây ra những vụ bạo động như tấn công lực lượng an ninh, phá hủy cơ sở nhà nước và đốt xe cảnh sát.
Reuters nhận định : Cho dù chính quyền Việt Nam thường nhẹ tay đối với các cuộc biểu tình chống lại hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông, nhưng những vụ xuống đường luôn luôn là một thách thức đối với chính phủ. Kế hoạch lập các đăc khu kinh tế không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng khả năng các công ty Trung Quốc lao vào thâu tóm các nơi này đã khiến người dân lo ngại.
Trọng Nghĩa
****************
RSF kêu gọi Việt Nam bãi bỏ Luật An ninh mạng (RFA, 14/06/2018)
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF hôm 14/6 thông cáo kêu gọi Việt Nam bãi bỏ Luật An ninh mạng, mới được Quốc hội nước này thông qua hôm 12/6 vừa qua.
Người biểu tình phản đối Luật An ninh mạng hôm 10/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Ông Daniel Bastard, người đứng đầu bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của RSF cho biết Internet hiện là công cụ duy nhất để người dân Việt Nam có thể trao đổi thông tin và bày tỏ chính kiến, cho dù đã có khoảng 30 bloggers bị cầm tù, nhiều nhà hoạt động xã hội bị theo dõi và bị đàn áp bằng bạo lực.
Ông Daniel cũng thúc giục các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến tại Việt Nam không chấp thuận những điều khoản cho phép nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng đàn áp người dân thông qua bộ luật này.
Cũng theo RSF, trong khi các cơ quan báo chí nhà nước không đưa ra bất cứ bình luận nào về bộ luật mới này thì rất nhiều nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam, kể cả đảng viên…đã lên tiếng về những hạn chế nghiêm trọng của đạo luật mới này.
Giới trí thức, luật sư, cựu chiến binh và ngay cả một số Đại biểu quốc hội không chỉ lên tiếng phê phán bản chất những giới hạn ghê gớm của luật đối với quyền thông tin ; mà trên hết, họ còn chỉ ra rằng khi luật an ninh mạng được thực hiện có thể dẫn đến tác hại hủy hoại đối với nền kinh tế đất nước.
Hơn 63.000 người đã ký một bản kiến nghị gửi chính phủ về vấn đề này.
Nhiều vị trí thức khác như blogger Nguyễn Xuân Diện, còn bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Trong 1 bài viết được đăng tải hôm 11/6, blogger Nguyễn Xuân Diện, nêu rõ cảnh sát an ninh mạng Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc và không thể loại trừ khả năng Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam thiết kế và trang bị cơ sở hạ tầng an ninh mạng… Điều này cũng phản ánh quyết tâm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và theo blogger Nguyễn Xuân Diện thì chưa bao giờ ý định đẩy Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc lại rõ ràng như hiện nay.
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12 tháng 6 với hơn 86% đại biểu tán thành : Trong số 466 Đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết luật an ninh mạng 2018, thì có đến 423 người tán thành, 15 người không tán thành và 28 người không biểu quyết.
Theo RSF thì Luật An ninh mạng của Việt Nam là bản sao nguyên si Luật An ninh mạng của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 6 năm 2017.
Các điều 8 và 15 hình sự hóa ‘việc bác bỏ thành quả cách mạng’ ‘xúc phạm anh hùng dân tộc’ và ‘cung cấp thông tin sai lạch gây hoang mang trong quần chúng’. Đó là những cáo buộc mơ hồ có thể áp dụng đối với hầu hết những ai đăng trên mạng những thông tin không vừa lòng cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, bộ luật này cũng đưa ra nhiều quy định gây tranh cãi như yêu cầu các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến như Google và Facebook kiểm duyệt mọi nội dung mà chính phủ cho là phản động và phải cung cấp thông tin người dùng cho các cơ quan chức năng Việt Nam, cũng như lưu trữ dữ liệu của người sử dụng tại Việt Nam.
Vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình trên cả nước Việt Nam vì quan ngại về những tác động kinh tế và chủ quyền do việc thực thi Luật An ninh mạng gây nên.
Việt Nam tiếp tục nằm gần cuối bảng về Chỉ Số Tự Do Báo Chí Toàn Cầu của RSF. Năm nay Việt Nam xếp vị trí 175/180 quốc gia.
************************
Bộ Ngoại giao Việt Nam bênh vực Luật An ninh mạng (VOA, 15/06/2018)
Bất chấp chỉ trích từ người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về những hạn chế của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cho rằng bộ luật này là cần thiết "trong bối cảnh hiện nay".
Biếm họa "Dịch chuyển đám mây điện toán" được lan truyền trên Facebook sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Dự Luật An ninh mạng của Việt Nam quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng - bị chính phủ Mỹ chỉ trích là "hạn chế tự do biểu đạt" - đã được quốc hội ở Hà Nội thông qua hôm 12/6 với hơn 86% đại biểu tán thành.
Truyền thông trong nước dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm 14/6 rằng "an ninh mạng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia".
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói : "Những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng".
Bà Thu Hằng khẳng định "xây dựng dự luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay".
Dự thảo Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua hôm 12/6 với hơn 86% đại biểu tán thành.
Nguyễn Lân Dũng, một cựu đại biểu quốc hội, nói với VOA rằng cần phải có luật này trong trường hợp nó được dùng để ngăn chặn việc "phá hoại những thành quả cách mạng", tuy nhiên không nên dùng để "hạn chế quyền tự do dân chủ" của người dân.
"Làm thế nào để hạn chế những gì có hại nhưng đừng hạn chế tự do dân chủ", theo ông Dũng. "Nói xấu chế độ, làm hại chế độ thì nên hạn chế nhưng đừng hạn chế quyền tự do dân chủ, nguyện vọng phát biểu của người dân".
Ông Dũng, cũng là một giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội, nói cần phân biệt giữa "phá hoại thành quả cách mạng với nguyện vọng phát biểu của người dân". Ông cho rằng "trách nhiệm của người soạn luật là phải cân nhắc ranh giới giữa hai việc đó".
Trước đó nhiều người dân đã biểu tình phản đối dự luật an ninh mạng, trong khi các tổ chức trong nước và thế giới kêu gọi các đại biểu quốc hội không thông qua dự luật này.
Một ngày trước khi Quốc hội biểu quyết, hôm 11/6 một nhóm gần 80 luật sư trong nước đã ký tên vào một bản kiến nghị, yêu cầu các đồng nghiệp trong Quốc hội không "bấm nút" thông qua dự thảo luật với lý do đạo luật có thể "dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người", "cản trở tiến bộ xã hội" và "kìm hãm phát triển kinh tế".
Bản kiến nghị cũng cho rằng dự luật này "gây hại cho nhà nước pháp quyền" và "phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam".
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, nói rằng : "(Dự luật này) phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".
Chính phủ Mỹ hôm 12/6 bày tỏ "thất vọng về việc thông qua Luật an ninh mạng mới ở Việt Nam". Tổ chức Ân xá Quốc tế miêu tả việc thông qua này là một cú giáng nặng nề vào tự do ngôn luận và tự do biểu đạt ở Việt Nam.
********************
Blogger Mẹ Nấm được CPJ trao giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2018 (RFA, 14/06/2018)
Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết đến với biệt danh Mẹ Nấm, là một trong những người được Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả- CPJ trao giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế năm 2018.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (giữa) tại phiên tòa ở thành phố Nha Trang hôm 30/11/2017 AFP
CPJ công bố danh sách những người được trao giải vào ngày 14 tháng 6, trong đó có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bị bỏ tù từ năm 2016, và là một trong những blogger độc lập nổi tiếng ở Việt Nam.
Vào năm 2017, blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù tại phiên xử chỉ diễn ra trong một ngày. Cáo buộc liên quan đến 18 bài viết mà bà này đăng trên mạng ; trong đó có những tường thuật về vụ xả thải chất độc công nghiệp ra biển tàn phá một vùng bờ biển của Việt Nam.
Bà bị kết án với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Đây là điều luật mà theo điều nghiên của CPJ, cơ quan chức năng Việt Nam dùng để bóp nghẹt các tiếng nói đối lập.
Tin tức cho biết kể từ khi bị bắt giam, nhà tù từ chối không cho bà Quỳnh được điều trị y tế. Vào đầu năm nay, bà bị chuyển đến một trại giam xa địa phương nơi nhà bà cư ngụ khiến cho việc gia đình đi thăm nuôi khó khăn. Theo thuật lại từ thân mẫu của bà thì vào tháng 5 tù nhân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tiến hành tuyệt thực một tuần trong tù để phản đối điều kiện giam giữ tồi tệ.
CPJ cho biết kể từ khi tổ chức này thực hiện cuộc thăm dò nhà tù thường niên vào cuối năm 2017 thì hiện Việt Nam đang giam tù ít nhất 10 nhà báo. Tất cả những người này bị tù với cáo buộc chống Nhà nước.
Buổi lễ trao giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2018 sẽ diễn ra tại thành phố New York vào ngày 20 tháng 11 năm nay.
***********************
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về trường hợp Will
Trả lời câu hỏi về trường hợp công dân Mỹ Will Nguyễn bị bắt khi tham gia biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/6 cho biết ông Will Nguyễn bị giam giữ vì gây mất trật tự công cộng.
Will Nguyễn bị kéo lê trên đường phố Sài Gòn hôm 10/6/2018 Screen capture
Will Nguyễn, 32 tuổi, một thanh niên người Mỹ gốc Việt đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ khi tham gia biểu tình ở Sài Gòn phản đối hai Dự Luật An ninh mạng và Đặc khu
Theo AP, gia đình và bạn bè của Will Nguyễn lên tiếng trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Năm 14 tháng 6, rằng ông Will Nguyễn bị đánh và kéo lê vào một xe cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua.
Bản thông cáo cho biết thêm ông Will Nguyễn bị bắt vào đồn cảnh sát và hiện tại chưa biết tình trạng sức khoẻ của ông như thế nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/6, nói rằng không có việc sử dụng vũ lực và cuộc thăm lãnh sự giữa đại sứ quán Mỹ với ông Will Nguyễn đã được sắp xếp.
Tờ New York Times hôm 14 tháng 6 dẫn lời cô Victoria Nguyễn, em gái của ông Will trả lời qua email cho biết : "Anh ấy tự hào là một người Mỹ gốc Việt tự hào, đam mê nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu Đông Nam Á, là chuyên ngành của anh ấy".
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết Đại sứ quán đã biết về chuyện này qua truyền thông và khẳng định rằng khi một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên sứ quán Hoa Kỳ không đưa thêm bất cứ một bình luận gì vì lý do quan ngại quyền riêng tư.