Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phía sau những tấm ảnh Mậu Thân (BBC, 30/01/2018)

Phóng viên ảnh Eddie Adams đã chụp được một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của cuộc chiến Việt Nam - ngay thời khắc của một vụ hành quyết giữa tâm điểm hỗn loạn của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Bức ảnh này mang lại cho ông vinh quang và cả nỗi buồn, theo James Jeffrey.

Cảnh báo : Bài báo này đăng lại những bức ảnh của phóng viên ảnh Adams chụp lại khoảnh khắc bắn giết.

mauthan2

Chuỗi các bức ảnh của Eddie Adams cho thấy hành động đưa đến quyết định nổ súng đột ngột của tướng Loan

Khẩu súng ngắn giật mạnh trong cánh tay vươn thẳng của người đàn ông trong khi khuôn mặt của người tù binh biến dạng do lực từ viên đạn vừa ghim vào hộp sọ ông ta.

Ở bên trái khung hình, một người lính chứng kiến cảnh tượng dường như co rúm vì sốc.

Thật khó để không cảm thấy ghê tởm, tội lỗi khi nhìn vào khoảnh khắc của cái chết.

Các chuyên gia về đạn dược nói rằng tấm ảnh - được biết đến dưới tên 'Hành quyết ở Sài Gòn' - cho thấy một tích tắc khi viên đạn găm vào đầu người đàn ông.

Bức ảnh của Eddie Adams chụp khoảnh khắc chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một tù binh Việt Cộng được coi là một trong những hình ảnh có tác động nhất của Chiến tranh Việt Nam.

mauthan1

Vào thời điểm đó, bức ảnh được in lại trên khắp thế giới và trở thành biểu tượng của sự tàn bạo và tình trạng hỗn loạn của chiến tranh.

Nó cũng củng cố niềm tin ngày càng gia tăng ở Mỹ về sự vô ích của cuộc chiến - rằng không thể chiến thắng.

Ben Wright, giám đốc truyền thông tại Trung tâm Tư liệu về Lịch sử Hoa Kỳ Dolph Briscoe, nói : "Có một cái gì đó trong bản chất của một bức ảnh tĩnh tác động sâu sắc đến người xem và đọng lại với họ".

Trung tâm này đặt tại Đại học Texas, Austin, là nơi lưu trữ các bức ảnh, tài liệu và thư từ của Adams.

"Các đoạn phim về cảnh nổ súng này, trong khi gây kinh ngạc, lại không gợi lên được cùng cảm giác về sự khẩn cấp và bi kịch ".

Nhưng bức ảnh đó đã không thể giải thích trọn vẹn cảnh tượng đường phố Sài Gòn vào ngày 1/2/1968, hai ngày sau khi lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng tiến hành chiến dịch Tết Mậu Thân. Nhiều thành phố miền Nam bị bất ngờ.

Cuộc chiến trên đường phố khiến Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt được một người nghi là chỉ huy một nhóm quân Việt Cộng, Nguyễn Văn Lém, còn gọi là Bảy Lốp, cạnh một mồ chôn tập thể hơn 30 thường dân.

Adams bắt đầu chụp những bức ảnh khi ông Lém bị dẫn giải tới xe jeep của ông Loan.

Tướng Loan đứng bên cạnh ông Lém trước khi chĩa súng vào đầu tù binh.

Adams sau đó nhớ lại, "Tôi nghĩ ông ta sẽ đe dọa hoặc khủng bố người này, vì vậy tôi đưa máy ảnh lên và chụp hình".

Ông Lém được cho là đã giết vợ và sáu đứa con của một đồng đội của ông Loan.

Vị tướng nổ súng.

"Nếu quý vị do dự, quý vị không thực hiện nhiệm vụ của mình, binh lính sẽ không theo quý vị", tướng Loan nói về hành động đột ngột của mình.

mauthan3

Bản quyền hình ảnhAP/BRISCOE CENTER FOR AMERICAN HISTORY

Theo Đại tá Tullius Acampora, người đã làm việc hai năm với vai trò là sỹ quan liên lạc của Quân đội Hoa Kỳ, ông Loan đóng vai trò rất quan trọng trong 72 giờ đầu của chiến dịch Tết Mậu Thân, chỉ huy quân đội ngăn chặn sự sụp đổ của Sài Gòn.

Adams cho biết ấn tượng ban đầu của ông về tướng Loan là một "kẻ giết người lạnh lùng, vô nhân tính". Nhưng sau khi đi cùng ông ta trên khắp đất nước, ông đã thay đổi cách nhìn.

"Ông ấy là sản phẩm của Việt Nam hiện đại, là sản phẩm thời của ông ấy", Adams nói trong một báo cáo từ Việt Nam.

Vào tháng Năm năm sau, bức ảnh này giúp Adams đoạt một giải Pulitzer.

Nhưng dù đạt được thành tựu vinh quang trong sự nghiệp báo chí và nhận được thư chúc mừng từ những người được giải Pulitzer, Tổng thống Richard Nixon và thậm chí từ học sinh khắp nước Mỹ, bức ảnh này luôn ám ảnh Adams.

Adams cho biết : "Tôi kiếm được tiền từ việc trưng ra cảnh một người giết chết một người khác", ông phát biểu trong một lễ trao giải. "Hai cuộc đời đã bị hủy hoại, và tôi được trả tiền cho nó. Tôi được gọi là anh hùng".

mauthan4

Eddie Adams cầm chiếc cúp trong lễ trao giải Pulitzer

Adams và tướng Loan vẫn giữ liên lạc, thậm chí trở thành bạn sau khi vị tướng này chạy khỏi Nam Việt Nam đến Mỹ khi cuộc chiến kết thúc.

Nhưng khi tướng Loan đến Hoa Kỳ, Sở Di trú và Nhập tịch muốn trục xuất ông, một động thái được cho là do ảnh hưởng của bức ảnh. Họ tiếp cận Adams để làm chứng chống lại tướng Loan, nhưng Adams thay vì thế lại ủng hộ ông.

Adams thậm chí xuất hiện trên truyền hình để giải thích hoàn cảnh ra đời của bức ảnh.

Quốc hội Mỹ cuối cùng dỡ bỏ lệnh trục xuất và cho thiếu tướng Loan ở lại nước Mỹ, mở một nhà hàng ở ngoại ô Washington phục vụ hamburger, pizza và đồ ăn Việt Nam.

Một bức hình cũ trên báo Washington Post cho thấy tướng Loan ngồi mỉm cười phía sau quầy của nhà hàng.

Nhưng rồi ông buộc phải nghỉ hưu khi tin tức về quá khứ của ông làm ảnh hưởng việc kinh doanh.

Adams nhớ lại vào lần cuối cùng đến thăm nhà hàng, ông thấy có những hình vẽ trên tường toilet (graffiti) chửi rủa về ông Loan.

Hal Buell, biên tập viên ảnh tại hãng AP, cho biết bức ảnh Hành quyết ở Sài Gòn vẫn còn nguyên giá trị sau 50 năm bởi "nói lên toàn bộ sự tàn bạo của chiến tranh trong một khung hình".

"Giống như tất cả các biểu tượng, nó tóm tắt những gì đã diễn ra trước đây, nắm bắt một khoảnh khắc hiện tại và, nếu chúng ta đủ thông minh, cho chúng ta biết về viễn cảnh tàn bạo mà tất cả các cuộc chiến đều báo trước".

Và Buell nói rằng trải nghiệm này đã dạy Adams về giới hạn của một bức ảnh đơn lẻ có thể kể trọn vẹn một câu chuyện.

Buell nói : "Eddie được dẫn lời rằng nhiếp ảnh là một vũ khí mạnh mẽ. Tính chất của nhiếp ảnh là mang tính chất chọn lọc. Nó thu hẹp một khoảnh khắc, tách khoảnh khắc đó ra khỏi những khoảnh khắc trước và sau mà có thể dẫn tới ý nghĩa thay đổi".

Trong sự nghiệp của mình, Adams đã giành được hơn 500 giải thưởng ảnh báo chí và từng chụp ảnh chân dung những nhân vật như Ronald Reagan, Fidel Castro và Malcolm X.

Nhưng bất chấp những thành tựu đó, khoảnh khắc của bức ảnh nêu trên sẽ luôn ở lại cùng Adams.

"Có hai người đã chết trong bức ảnh đó", Adams viết sau khi tướng Loan qua đời do ung thư vào năm 1998. "Ông tướng này giết một người Việt Cộng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh của mình".

James Jeffrey

Bản tiếng Anh đăng trên BBCNews 

*******************

50 năm sau sự kiện Mậu Thân, bức ảnh của Eddie Adams lại được nhắc lại như một sự ăn năn (RFA, 29/01/2018)

mauthan3

Hãng ABC không quên nhắc đến bức ảnh của phóng viên Eddie Adams, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đột kích tàn khốc Mậu Thân của quân đội miền Bắc Việt Nam.

Có một cuộc chiến khác bùng nổ sau khi nhà báo Eddie Adams, đang làm việc cho hãng AP, bấm máy. Bức ảnh cho thấy tướng Nguyễn Ngọc Loan đang kề súng vào đầu của một tù binh cộng sản và bóp cò. Lúc đó là ngày đầu tháng Hai, năm 1968. Người Mỹ thì chưa bao giờ nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh gần đến mức như vậy. Phe chống chiến tranh ở Hoa Kỳ thì coi đó là bằng chứng của việc nước Mỹ đang về phe cúa "kẻ ác". Bức ảnh đã làm nên tên tuổi của Eddie Adams bằng giải Pulitzer danh giá, nhưng đồng thời nó cũng là điềui ám ảnh ông ta suốt về sau.

Về sau, chính Eddie Adams đã phân trần rằng ông không có cơ hội để giải thích tại sao tướng Loan phải làm như vậy. "Bức ảnh đã không nói hết câu chuyện, nó không giải thích là tại sao lại có chuyện đó", Eddie Adams đã nói như vậy, sau nhiều năm.

Sự rầm rộ của truyền thông phương Tây mới thật sự là kết quả của cuộc chiến. Mặc dù phe quân đội cộng sản miền Bắc đã thất bại và tháo chạy, nhưng mặt trận thông tin phương Tây chống miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng. Ngay lúc đó, tờ Times đã bình chọn bức ảnh của Eddie Adams là một trong 100 bức ảnh gây ảnh hưởng nhất của thời đại.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến Tết Mậu Thân. Lực lượng Bắc Việt và quân du kích Việt Cộng đã tấn công các thị trấn và thành phố của miền Nam, bao gồm cả thủ đô, Sài Gòn, bất ngờ xé bỏ một hiệp ước tạm đình chiến vài ngày, vừa ký kết.

Cùng với một người phóng viên Việt Nam đang làm cho hãng NBC là ông Vo Suu, phóng viên Adams đã nhìn thấy cảnh tượng đó và ghi hình đúng lúc.

Sau này, Eddie Adams nhớ lại hình ảnh của tướng Loan, nói xong và bỏ đi "Họ đã giết nhiều người của tôi và cả người của anh". Đó là một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào năm 1998 cho chương trình phỏng vấn về lịch sử của hãng AP.

Nhưng vào thời điểm trước đó thì đã muộn. Bức ảnh được tung ra và hoàn toàn là một cú sốc trên mọi mặt báo, truyền hình. Cuộc chiến Mậu Thân mặc dù chứng minh sự thất bại hoàn toàn của phe cộng sản nhưng lại là mồi lửa cho phía những người bi quan và thiên tả, và là lợi thế của miền Bắc cho đến khi họ thắng cuộc năm 1975.

Đó cũng là lúc mà Eddie Adams cảm thấy rằng tướng Loan đã bị làm nhục một cách không công bằng bởi đám đông công chúng – những người không được nhìn thấy sự thật đằng sau bức ảnh : Bảy Lốp, nhân vật bị hành quyết, đã tham gia sát hại cả gia đình người giúp việc của tướng Loan trước đó.

Adams nói : "Tôi không nói những gì ông ấy làm là đúng, nhưng ông ấy đã chiến đấu trong một cuộc chiến, và ông phải chống kẻ xấu. Đã có 2 con người bị hủy diệt ngày hôm đó – Lốp và Loan – tôi thì không muốn hủy hoại cuộc đời của ai. Đó không phải là việc của tôi".

Ông Adams nói như vậy, vì bởi ông biết người lính đối diện với cuộc chiến phải như thế nào. Eddie Adam từng là cựu phóng viên thủy quân lục chiến Mỹ ở chiến trường Đại Hàn, và sau đó tham gia vào ngành phóng viên dân sự ở hãng AP, năm 1962

Tướng Loan qua đời năm 1998 tại Virginia, ông làm chủ một nhà hàng và sinh sống ở đó. Còn người vợ của ông Bảy Lốp nói với AP, vào năm 2000, rằng bà tin bức ảnh đó đã khiến người dân nước Mỹ chống lại cuộc chiến.

Eddie Adams mất năm 2004. Niềm tự hào nghề nghiệp mà ông có thể giới thiệu với mọi người là những bức ảnh năm 1977, về những người Việt đào thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Những bức ảnh này của ông đã giúp thuyết phục Hoa Kỳ nhận hơn 200.000 người Việt đến tị nạn. Một trong những bức ảnh về đề tài đó cũng nằm trong danh sách 100 bức ảnh gây ảnh hưởng nhất, do Time bình chọn.

Tuấn Khanh

(Nguồn tư liệu : http://abcnews.go.com/US/wireStory/instant-vietnam-execution-photo-frame...)

Published in Việt Nam