Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

23 năm ngày Việt Nam- Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao (RFA, 11/07/2018)

Ngày 11 tháng 7 năm 2018 là ngày đánh dấu Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao tròn 23 năm, kể từ sau chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4 năm 1975.

hkvn1

Giám đốc Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông James Hall và đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong ký thỏa thuận hai quốc gia mở văn phòng tại Hà Nội và Washington ngày 28/01/1995. AFP

Trong hơn 2 thập niên thiết lập mối quan hệ ngoại giao trở lại, Việt Nam và Mỹ mở rộng trao đổi các vấn đề về chính trị và kinh tế. Đối thoại nhân quyền hàng năm bắt đầu từ năm 2006 được tiếp tục sau hai năm gián đoạn. Vào tháng 7 năm 2000, hai quốc gia ký hiệp định thương mại song phương với nhau và có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm 2001.

Vào ngày 25 tháng 7 năm 2013, Việt Nam và Mỹ tuyên bố hai quốc gia nâng tầm quan hệ hợp tác đối tác toàn diện.

Vào năm 2016, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý tăng cường quan hệ trên cơ sở Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015.

Vào tháng 3 năm 2018, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.

Và hồi cuối tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự cuộc tận trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018, diễn ra từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 8 tại khu vực quần đảo Hawaii và phía Nam bang California của Mỹ.

Trong mối quan ngoại giao với Mỹ, Việt Nam từng lên tiếng cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và coi Hoa Kỳ là một đối tác hàng đầu, đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của Hoa Kỳ, và các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á.

Các nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có cùng ý thức hệ, tuy nhiên Hà Nội đang nỗ lực tiến gần hơn với Washington nhằm duy trì quyền tự chủ quốc gia và Hoa Kỳ hoan nghênh mối quan hệ ngày càng nồng ấm hơn với Việt Nam.

*******************

Hoa Kỳ phản ứng về y án phúc thẩm đối với ba nhà hoạt động nhân quyền (RFA, 11/07/2018)

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, vào ngày 11 tháng 7, ra tuyên bố bày tỏ "thất vọng sâu sắc" khi tòa phúc thẩm y án đối với sinh viên Trần Hoàng Phúc cùng ông Vũ Quang Thuận và anh Nguyễn Văn Điển với cáo buộc mơ hồ "tuyên truyền chống nhà nước".

hkvn2

Sinh viên Trần Hoàng Phúc, bị tuyên y án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế tại phiên tòa phúc thẩm, ngày 10/07/18. Courtesy : Facebook Nguyen Thien Nhan

Trong thông cáo báo chí được phổ biến một ngày sau phiên tòa phúc thẩm xét xử 3 nhà hoạt động dân chủ vừa nêu, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi Hà Nội lập tức trả tự do cho 3 người này và tất cả những tù nhân lương tâm khác, đồng thời cho phép người dân tại Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 31 tháng Giêng năm 2018, cả ba người vừa nêu bị tuyên án theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" do đăng lên mạng xã hội Facebook và Youtube các video clips của kênh ‘Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt’. Mức án tổng cộng cho cả 3 người lên đến 20 năm và 6 tháng tù giam cùng 13 năm quản chế.

Sinh viên Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á-YSEALI, do cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lập nên. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, sinh viên Trần Hoàng Phúc cùng Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển khẳng định những việc làm của họ là vô tội.

Chia sẻ với RFA một ngày sau phiên xét xử, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của nhà đấu tranh trẻ Trần Hoàng Phúc cho RFA biết :

"Hôm qua thật sự là bão hòa nhiều lắm, hôm nay về vẫn còn vật vã. Đến bây giờ tôi không nhớ gì nhiều mà nói chung là áp lực rất căng thẳng. Các luật sư còn bị căng mà, căng đến gần 9 giờ tối. Nói chung cả 3 anh em đều ốm, ốm hết, ốm nhiều lắm".

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết nguyên nhân phiên tòa kéo dài quá lâu là vì có đến 11 vị luật sư trình bày quan điểm của mình và yêu cầu triệu tập điều tra viên đến nhưng tất cả đều vắng mặt, cũng như buộc trình chiếu tài liệu bị tố cáo nhưng hội đồng xét xử đã không chấp thuận, và thứ đến là bị cáo Vũ Quang Thuận sức khỏe yếu, không thể tham dự phiên tòa lâu nên được đưa ra ngoài. Nhưng theo luật sư Hà Huy Sơn thì với thời lượng như thế nhưng vẫn chưa đủ để cho các bị cáo và luật sư tranh tụng đối đáp với viện kiểm soát. Ông cho biết thêm về điểm mà ông cho là bất hợp lý trong phiên xử hôm qua :

"Điều tôi cho rằng vi phạm tố tụng nghiêm trọng, mấu chốt của phiên tòa là chứng cứ không được xem xét tại phiên tòa, 17 video clip không được trình chiếu nên giữa luật sư và bị cáo không có cơ sở để tranh luận, tranh tụng với viện kiểm soát. Nói cách khác, phiên tòa này xét xử không dựa trên việc xem xét chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành của Việt Nam"

**********************

Phúc thẩm ba nhà hoạt động (RFA, 10/07/2018)

Phiên phúc thẩm xử ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc diễn ra vào ngày 10 tháng 7 năm 2018 tại Hà Nội.

hkvn3

Ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc (từ trái sang) - RFA

Kết thúc phiên xử tòa tuyên y án đối với ba nhà hoạt động vừa nêu.

Tại phiên sơ thẩm vào ngày 31 tháng giêng vừa qua, tòa tuyên án ông Vũ Quang Thuận 8 năm tù giam và 5 năm quản chế, anh Nguyễn Văn Điển 6 năm 6 tháng tù giam và anh Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam. Cả hai anh Điển và Phúc còn phải chịu quản chế 4 năm mỗi người sau khi mãn án tù.

Cáo buộc đưa ra cho ba người là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 vì cho đăng lên mạng xã hội Facebook và Youtube các video clips của kênh ‘Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt’. Nội dung các video clips nêu rõ những thực trạng tại Việt Nam mà phía công tố cho là xuyên tạc các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước được nhiều người quan tâm.

Trong khi đó thì những nhà hoạt động trong nước lại cho đó là những phản ánh trung thực khiến chính phủ Hà Nội khó chịu nên có biện pháp trấn áp.

Ngay trước phiên phúc thẩm ba nhà hoạt động vừa nêu, vào ngày 9 tháng 7, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho ba nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc.

Ông Minar Pimple, Giám đốc Cấp Cao Chiến dịch Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, nêu rõ trong thông cáo rằng cả ba người bị tuyên án là nạn nhân của biện pháp trấn áp đáng xấu hổ của chính phủ Việt Nam đối với tất cả những mọi hình thức bất đồng. Những người này bị nhắm đến chỉ vì các hoạt động ôn hòa của họ mà thôi.

Theo Ân Xá Quốc Tế thì cả ba người không phạm tội gì cả ; họ dùng mạng xã hội để bày tỏ những ý kiến mà cơ quan chức năng không muốn nghe- đó là ủng hộ cho việc bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội tại đất nước Việt Nam.

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt việc sử dụng các luật lệ đàn áp lâu nay nhằm truy tố và trừng phạt những nhà hoạt động ôn hòa.

********************

Y án sơ thẩm đối với facebooker Trần Minh Lợi (11/07/2018)

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 7 giữ y án đối với facebooker Trần Minh Lợi, chủ tài khoản Facebook "Diệt giặc nội xâm".

hkvn4

Facebooker Trần Minh Lợi, chủ tài khoản "Diệt giặc nội xâm". Screenshoot from Youtube

Tại phiên tòa, facebooker Trần Minh Lợi và 4 luật sư bào chữa khẳng định rằng ông Trần Minh Lợi hoàn toàn không có tội. Ngoài ra, ông Lợi còn tự đưa ra các bằng chứng để bào chữa cho những việc làm tố cáo các sai phạm của cán bộ ngân hàng Agribank Đắk Lắk và cán bộ công an tại tỉnh Đắk Nông.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông bác bỏ tất cả quan điểm bào chữa của các luật sư và của ông Lợi, cho rằng việc ông Lợi ghi âm, ghi hình tại ngân hàng và cơ quan công an dù không trục lợi nhưng nhằm thực hiện các ý đồ cá nhân. Do đó, đại diện Viện kiểm sát tỉnh Đắk Nông cho rằng đây là hình thức mua chuộc cán bộ để hưởng lợi, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan chức năng nên mức án đối với ông Lợi là phù hợp.

Trước đó vào ngày 27 tháng 3 năm 2017, ông Trần Minh Lợi bị tòa tỉnh Đắk Nông tuyên phạt mức án 4 năm 6 tháng tù.

*******************

Người Việt hải ngoại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam (RFA, 10/07/2018)

Cộng đồng người Việt hải ngoại, trong những ngày trung tuần tháng 7 năm 2018, có nhiều hoạt động vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam tại Thủ đô Washington DC.

hkvn5

Quang cảnh buổi họp khoáng đại tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trong sự kiện "Ngày Vận động cho Việt Nam", ngày 10/07/18. RFA

Sự kiện "Ngày Vận động cho Việt Nam" (Vietnam Advocacy Day) lần thứ 8, diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 10 tháng 7, với sự góp mặt của khoảng 250 người Mỹ gốc Việt, đến từ 23 tiểu bang để vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, đại diện cho Ban tổ chức "Ngày Vận động cho Việt Nam" cho Đài Á Châu Tự Do biết thành quả lớn nhất mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt đạt được qua các lần vận động hàng năm với chính giới Hoa Kỳ là vào cuối năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky Toàn cầu để trừng phạt đích thân các giới chức chính quyền và những người hợp tác với họ vì những vấn đề vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng hoặc can dự vào các vụ tham nhũng lớn. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói với RFA trong lần vận động năm 2018, cộng đồng người Mỹ gốc Việt nêu ra hai vấn đề trọng tâm với các vị Dân biểu và Thượng nghị sĩ Mỹ, bao gồm :

"Vấn đề quan trọng nhất năm nay đó là yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ thực thi Đạo luật Magnitsky đối với Việt Nam. Bởi vì chúng tôi đã nộp nhiều danh sách, tổng cộng là 180 giới chức Chính quyền Việt Nam mà chúng tôi có chứng cứ đứng đằng sau các vụ đàn áp một cách rất khốc liệt. Và hiện nay, chúng tôi tiếp tục thu thập thêm thông tin về nhiều giới chức nữa đứng đằng sau đàn áp những người biểu tình trong ngày 10 và ngày 17 tháng 6 vừa qua. Trọng tâm thứ hai là trừng phạt tập thể, chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hãy đưa Việt Nam trở lại vào danh sách "Các quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) vì đàn áp tự do tôn giáo hết sức là nghiêm trọng".

Bên cạnh đó, cộng đồng người Mỹ gốc Việt còn kêu gọi chính giới Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo, bãi bỏ các luật định vi phạm hoặc hạn chế nhân quyền, công nhận và cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động, hỗ trợ chương trình bồi thường tài sản của công dân Mỹ gốc Việt bị chính quyền Việt Nam trưng dụng, tịch thu mà không được đền bù, đồng thời kêu gọi thêm nhiều chính giới Hoa Kỳ đồng bảo trợ và bỏ phiếu thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam (H.R. 5621).

Trung tá Lục quân Hoa Kỳ Trần Quốc Anh, một thành viên trong phái đoàn gồm 40 người đến từ tiểu bang Texas cho biết phái đoàn sẽ gặp gỡ với Dân biểu Ted Cruz và Thượng nghị sĩ John Cornyn để nhấn mạnh vào việc vận động thông qua Dự luật H.R. 5621 và vận động trả tự do cho thanh niên Will Nguyễn, một cư dân ở Houston tham gia biểu tình vào ngày 10 tháng 6 tại Sài Gòn và đang bị giam giữ taị Việt Nam.

"Riêng về cộng đồng Houston, chúng tôi vận động cho em Will Nguyễn, kêu gọi họ ủng hộ để trả tự do cho em. Và cộng đồng cũng muốn nhấn mạnh trước giờ chưa có nhiều Dân biểu đồng bảo trợ cho Dự luật Nhân Quyền Việt Nam"

'

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington DC, ngày 07/07/18. Courtesy : Facebook Destiny Nguyen

Trong sự kiện "Ngày Vận động cho Việt Nam" (Vietnam Advocacy Day) lần thứ 8, phái đoàn người Mỹ gốc Việt đến từ tiểu bang North Carolina cùng với đại diện của tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người Thượng tìm quy chế tị nạn-Mongtagnard Assistant Program (MAP) vận động cho vấn đề cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam bị đàn áp tôn giáo và tình trạng người Thượng tìm quy chế tị nạn ở Campuchia và Thái Lan bị trục xuất về nước. Cô HBiap Krong, đại diện cho những người Thượng tìm quy chế tị nạn ở Thái Lan, đến từ Bangkok cho RFA biết sẽ trình bày với chính giới Hoa Kỳ về vấn đề này.

"Lý do chính mà người Thượng phải bỏ nước ra đi chủ yếu là vấn đề tự do tôn giáo. Phía Chính quyền Việt Nam, họ có rất nhiều cách để đàn áp tôn giáo, trong đó phương cách họ sử dụng là thay vì họ ép tín đồ người Thượng phải bỏ niềm tin của mình, nhưng mà họ ép không được thì họ sẽ dùng cách thức tịch thu đất đai của những người Thượng đó, như một cách trao đổi niềm tin tín ngưỡng của họ rằng không muốn bỏ đạo thì bị lấy đất và bỏ đạo thì sẽ trả lại đất. Tuy nhiên, thực ra người Thượng tín đồ có bỏ đạo hay không thì đất của họ vẫn bị mất".

Phái đoàn đến từ North Carolina còn nêu các vấn đề Phật giáo Hòa Hảo bị đàn áp cũng như trường hợp các trường hợp tù nhân lương tâm Phật giáo Hòa Hảo. Và, phái đoàn đến từ tiểu bang Georgia trình bày với chính giới Hoa Kỳ về những hành vi khủng bố của Hội Cờ Đỏ, được cho là do Chính quyền Việt Nam hậu thuẫn nhắm vào cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam.

Tại buổi họp khoáng đại diễn ra ở tòa nhà Quốc hội vào sáng ngày 10 tháng 7, Đài RFA ghi nhận có sự góp mặt của nhiều diễn giả đại diện cho Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ như Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Scott Busby, Dân biểu Alan Lowenthal, Thượng nghị sĩ John Cornyn cùng đại diện của các tổ chức chính phủ về nhân quyền và tôn giáo.

Ông Tony Perkins, Ủy viên của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) nhấn mạnh trong bài phát biểu với cộng đồng người Mỹ gốc Việt vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia cam kết tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng lại không thực hiện điều mà họ cam kết, trong đó đối với các tín đồ tôn giáo và cả với những người thực hành tín ngưỡng. Ủy viên Tony Perkins cho biết USCIRF đang làm việc với Bộ Ngoại giao và Chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan Việt Nam :

"Một cách rõ ràng, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm với Chính phủ Mỹ liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam. Do đó, USCIRF trước hết là đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách "Các quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) vì Chính quyền Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống ; thứ nhì là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần nêu vấn đề tù nhân lương tâm với Chính phủ Việt Nammột cách kiên định, không chỉ qua các cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ mà thôi, phải xem đó là vấn đề quan trọng của chính phủ cần được thảo luận ; và thứ ba nữa là Chính phủ Hoa Kỳ cần áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu đối với các giới chức và cơ quan đàn áp nhân quyền tại Việt Nam".

Giám đốc Pháp luật của Freedom Now, Luật sư Kate Barth, tại sư kiện "Ngày Vận động cho Việt Nam" lần thứ 8 nêu lên các vấn đề liên quan nhân quyền ở Việt Nam. Luật sư Kate Barth cho biết theo một nghiên cứu mà tổ chức Freedom Now thực hiện cho thấy Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống đối với công dân của họ, bao gồm công nhân, các nhà hoạt động vì môi trường, nhà báo, giới blogger, sinh viên, các nhà bất đồng chính kiến…Đại diện của Freedom Now trưng dẫn số liệu ghi nhận được qua các cuộc phỏng vấn với khoảng vài chục người tị nạn từ Việt Nam thì có 60% bị bắt bớ vì thực hành tín ngưỡng, 72% do thể hiện chính kiến và 88% trong số này là nạn nhân của các việc làm vi phạm pháp luật, kể cả việc bị tra tấn.

Giám đốc Pháp luật của Freedom Now kêu gọi cộng đồng người Mỹ gốc Việt rằng :

"Xin hãy nhớ rằng tiếng nói của quý vị với chính giới Hoa Kỳ không phải là cho chính mình, mà quý vị đang cất tiếng nói hộ cho rất nhiều người ở quê nhà bị Chính quyền Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Hãy lên tiếng với chính giới Hoa Kỳ rằng cần yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thực thi theo đúng luật pháp ngay lập tức và vô điều kiện".

Vào ngày 11 tháng 7, một phái đoàn gồm 20 người Mỹ gốc Việt có cuộc họp với Bộ Ngoại giao và USCIRF.

Trong cùng ngày 11 tháng 7, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), có trụ sở ở Paris, Pháp tổ chức một cuộc Hội luận "Tự do Tôn giáo và Nhân quyền : Phật giáo đồ Việt Nam và Tây Tạng bị bách hại", tại Ủy Hội Hoa Kỳ về Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) để kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam trở lại danh sách CPC. Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, ông Võ Văn Ái cho biết nội dung sẽ được trình bày trong sự kiện này :

"Chúng tôi trình bày, nói lên hiện trạng đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam nói chung, các tôn giáo tại Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như nói về Bộ luật Tôn giáo mới mà nhà cầm quyền Hà Nội vừa thông qua, nhưng bộ luật này chỉ để bảo vệ cho chế độ của nhà nước để đàn áp các tôn giáo chứ không phải một bộ luật mới để bảo vệ các tôn giáo, đặc biệt đối với trường hợp bị đàn áp trên 40 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất".

Trước đó, trong ngày 7 tháng 7, hòa cùng cộng đồng người Việt ở Âu Châu và Úc Châu, cộng đồng người Việt ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế và đòi bãi bỏ Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12 tháng 6 năm 2018.

Hòa Ái

Published in Việt Nam