Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn 60 năm tù cho 6 nhà hoạt động vì dân chủ (RFA, 05/04/2018)

Tòa án nhân dân Hà Nội vào tối ngày 5 tháng 4 tuyên án 6 nhà hoạt động dân chủ- nhân quyền với những bản án cao nhất 15 năm tù, 5 năm quản chế và thấp nhất là 7 năm tù và 1 năm quản chế.

aedc1

Luật sư Nguyễn Văn Đài và những chí hữu trong Hội Anh em dân chủ tại phiên tòa hôm 5/4/2018. AP

Cộng sự của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài là cô Lê Thu Hà bị tuyên 9 năm tù giam và 2 năm quản chế. Còn các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ là mục sư Nguyễn Trung Tôn lĩnh án 12 năm tù, 3 năm quản chế ; cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù cùng 3 năm quản chế. Ký giả Trương Minh Đức 12 năm tù, 3 năm quản chế. Kỹ sư Phạm Văn Trội 7 năm tù và 1 năm quản chế. Tổng cộng các bản án là 66 năm tù và 17 năm quản chế. Cả sáu nhà hoạt động đều bị cáo buộc tội danh vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự VN, một trong ba điều luật chính quyền Hà Nội thường xuyên sử dụng để bỏ tù giới hoạt động bất chấp sự phản đối của quốc tế.

Trao đổi với RFA ngay sau phiên xét xử, cô Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Đài cho biết cảm xúc và suy nghĩ về bản án dành cho chồng cô :

Tôi cực lực phản đối bản án này, nó quá vô lý. Toàn bộ phiên tòa Viện kiểm sát không hề đưa ra một chứng cứ cụ thể nào để buộc tội cả mà hoàn toàn bằng luận điệu của sự suy diễn. Trong khi đó các luật sư và chồng tôi có bài bào chữa riêng của mình cũng như vặn lại rất nhiều câu hỏi của Viện kiểm sát nhưng Viện kiểm sát gần như cứng lưỡi không trả lời được mà cứ nói theo kiểu suy diễn và cố tình áp đặt chứ không đưa ra được một chứng cớ nào cả. Cuối cùng họ vẫn áp đặt một bản án như vậy. Đây là bản án oan sai, bất công và chà đạp lên công lý.

Bà Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Nguyễn Trung Tôn cũng bày tỏ với chúng tôi sự phẫn nộ trước bản án 12 năm tù chính quyền tuyên cho chồng bà :

Tôi thấy sự bất công của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và tòa án nhân dân tối cao. Họ đã tuyên chồng tôi 12 năm tù giam, và một số anh em khác dù họ không có tội gì cả. Họ chỉ đấu tranh cho quyền lợi người dân và cho đất nước được thăng tiến và phát triển mọi mặt nên mới dấn thân.

Bà Lành cho biết tòa án không hề đếm xỉa đến những lời bào chữa của các luật sư mà cứ vòng vo rồi quy chụp tội cho các bị cáo bằng những lời lẽ và bản án bà nghi là có sự sắp đặt trước.

Khi buổi xét xử diễn ra, bên ngoài tòa án, các nguồn tin cho chúng tôi biết có ít nhất 13 người bị bắt giữ, trong đó có bà Cấn Thị Thêu, người vừa mãn án 20 tháng tù vì đấu tranh bảo vệ dân oan mất đất.

Đến chừng 8 giờ tối cùng ngày thì con trai bà Thêu là Trịnh Bá Tư mới được thả, còn bà Cấn Thị Thêu lúc đó vẫn chưa rõ đang ở đâu. Anh Trịnh Bá Tư và một người dân từ Quảng Bình bị giữ tại đồn công an Quang Trung, và bị hành hung nặng nề.

Những người ủng hộ các bị cáo vào buổi sáng trước khi phiên xử diễn ra diễu hành và cầm biểu ngữ với các dòng chữ như ‘Công lý cho Hội Anh Em Dân Chủ’ và ‘Dân chủ không phải là tội’.

Nhà hoạt động Thảo Teresa cũng cho biết cô phải hóa trang mới có thể qua mặt an ninh đến tòa án. Theo lời cô Thảo, công an được bố trí khắp các nẻo đường đến tòa, dày đặc tới mức cô so sánh như dàn trận khủng bố.

Nhận được thông tin về các bản án được cho là quá nặng nề và bất công, cô Thảo Teresa chia sẻ :

Bây giờ mọi người đều rất buồn và đau lòng vì bản án quá nặng nề, có thể nói là cả đời ngồi tù. Đây là điều khốn nạn, là một cái tát vào mặt chế độ. Mình rất phẫn nộ, chỉ muốn gào lên đả đảo phiên tòa bất công này. Bởi vì họ là những người yêu nước và có tâm với đất nước. Họ không làm gì ác cả.

Anh Đài là người vừa có tâm vừa có tầm. Một người mẫu mực như anh rất hiếm. Anh hi sinh cả đời mình cho tiến trình dân chủ.

Ngay khi phiên tòa xét xử 6 nhà hoạt động đang diễn ra, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng khi bị báo giới chất vấn trả lời ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm và không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam cũng bác bỏ những chỉ trích, lên án của quốc tế về phiên tòa này, viện lý do đó là những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan.

Chúng tôi cũng trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù chính trị, sau khi phiên tòa kết thúc. Ông Nghĩa đã lên tiếng tố cáo những bản án dành cho anh em đồng hội của ông là sản phẩm của một chế độ chính trị không có dân chủ :

Thực tế sẽ không có bản án này nếu một quốc gia dân chủ với nền tư pháp độc lập, tiến bộ. Chính quyền Việt Nam đang kêu gọi cải cách nền tư pháp và một vài nước cũng đang giúp Việt Nam cải cách nền tư pháp để hòa nhập với thế giới thì tại sao họ còn giữ những bản án như tuyên truyền chống nhà nước và lật đổ chính quyền nhân dân mơ hồ như vậy.

Nền tư pháp độc lập mà ông Nghĩa vừa nhắc tới được hiểu là hệ thống tam quyền phân lập, tức là ba cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp phải độc lập với nhau chứ không thể do Nhà nước quản lý như hiện nay. Nhiều người cho rằng chỉ có tam quyền phân lập thì các vụ án mới được xử một cách công bằng. Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn cực lực phản đối cơ chế này, thậm chí còn tuyên bố sẽ khai trừ khỏi Đảng nếu đảng viên nào đòi tam quyền phân lập và xã hội dân sự. Cáo trạng của 6 nhà hoạt động cũng cáo buộc họ âm mưu xây dựng tam quyền phân lập.

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, qua bản án dành cho 6 nhà hoạt động này cho thấy rõ bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, họ bất chấp mọi mưu kế vì quyền lợi của Đảng chứ không vì quyền lợi của nhân dân, đất nước.

Nhà tranh đấu đất đai cho dân oan Trịnh Bá Phương ở Dương Nội, người bị chặn bắt khi đang trên đường đến dự tòa, lên tiếng với RFA sau khi biết tin về các bản án :

Qua các bản án cho thấy phía nhà nước cộng sản họ ngày càng gia tăng đàn áp những người có tiếng nói đấu tranh và họ lấy còng số 8 và nhà tù ra để nhằm trấn áp tất cả những ai lên tiếng đấu tranh cho dân chủ. Đây là một động thái của nhà cầm quyền hiện đang gây phẫn nộ cho rất nhiều người dân.

Nhà hoạt động Thảo Teresa cho biết cô hi vọng quốc tế sẽ đồng thanh lên tiếng về những bản án này, cũng như lên án chế độ chính trị mà cô gọi là "tàn ác, man rợ, rừng rú" của Việt Nam.

*****************

Việt Nam xử 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền (RFI, 05/04/2018)

Tòa án Hà Nội hôm 05/04/2018 mở phiên xử sáu nhà tranh đấu bị cáo buộc có hoạt động với âm mưu "lật đổ chính quyền", trong bối cảnh gia tăng trấn áp các nhà ly khai. Nhiều người biểu tình đã bị công an câu lưu trước khi đến được tòa án.

aedc2

Nhà tranh đấu Nguyễn Văn Đài và những bằng hữu trong một phiên tòa ở Hà Nội, 5/4/2018. VNA/Lam Khanh via Reuters

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng với năm người khác thuộc Hội Anh Em Dân Chủ (Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Thu Hà), bị cho là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Theo cáo trạng, sáu nhà tranh đấu đã liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để chống đối Nhà nước, tìm cách thay đổi hệ thống chính trị, tiến đến lật đổ chính quyền. Hãng tin AP cho rằng sáu nhà hoạt động có nguy cơ lãnh án tử hình.

Viện kiểm sát tối cao xác định ông Nguyễn Văn Đài là chủ mưu, trực tiếp soạn ra cương lĩnh hoạt động của Hội, tuyển mộ các thành viên mới và tìm kiếm tài trợ từ các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, với tổng số tiền lên đến trên 80.000 đô la.

Phiên tòa dự kiến kéo dài hai ngày, báo chí ngoại quốc và các nhà ngoại giao không được tham dự. Nhiều người biểu tình mang biểu ngữ có dòng chữ "Dân chủ không phải là tội phạm" đã bị ngăn chận hoặc câu lưu, một số nhà đấu tranh dân chủ khác bị canh giữ không cho ra khỏi nhà. Bà Vũ Minh Khánh, vợ ông Nguyễn Văn Đài nói với hãng tin Pháp AFP là trong lần cuối thăm gặp, ông vẫn tỏ ra vững vàng, nhưng tóc đã bị bạc trắng.

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho sáu nhà ly khai. Trong thông cáo hôm qua, Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) còn nhận định 97 tù nhân lương tâm ở Việt Nam - mà tổ chức này biết được - "bị mất tự do chỉ vì xúc tiến nhân quyền". Còn Human Rights Watch cho rằng số tù nhân chính trị ở Việt Nam lên đến 119 người. Hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố "Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm".

AP cho biết thêm, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tuần trước nhắc nhở, nhân quyền vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi, bị bắt vào tháng 12/2015, ban đầu bị cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước. Trước đó vào năm 2007, ông bị tuyên án 5 năm tù cũng với tội danh này, và bị rút giấy phép hành nghề luật sư.

Theo tin giờ chót, bản án đã được tuyên vào khoảng 20 giờ Việt Nam hôm nay. Luật sư Nguyễn Văn Đài bị 15 năm tù giam và 5 năm quản chế, ông Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức 12 năm tù và 3 năm quản chế, ông Nguyễn Bắc Truyển 11 năm tù và 3 năm quản chế, bà Lê Thu Hà 9 năm tù, 2 năm quản chế, ông Phạm Văn Trội 7 năm tù, 1 năm quản chế.

Thụy My

*****************

Hơn chục người bị bắt trước phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ (RFA, 05/04/2018)

Anh Trịnh Bá Phương, con trai cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, vào lúc trưa ngày 5 tháng tư cho biết tình hình những người dân Dương Nội như mẹ và em trai của anh muốn đi dự phiên xử công khai 6 nhà hoạt động dân chủ vào ngày 5 tháng tư như sau :

aedc3

Đã có ít nhất 13 người bị công an bắt giữ bên ngoài phiên tòa xử 6 nhà hoạt động dân chủ diễn ra tại tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 5/4.

"Hôm nay là ngày mà nhà cầm quyền cộng sản đưa 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ra xét xử. Họ qui chụp những người Hội Anh Em Dân Chủ vào điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Mẹ tôi phải rời khỏi nhà từ ngày hôm kia, còn em trai tôi và một số người dân Dương Nội phải rời khỏi nhà từ ngày hôm qua. Tất cả tập trung tại Nhà Thờ Thái Hà và sáng nay xuất phát từ Nhà Thờ Thái Hà đi đến Tòa án Hà Nội. Tuy nhiên khi đến Ô Chợ Dừa, Phường Kim Liên, bị lực lượng khá đông công an chặn bắt.

Đây là phiên xử công khai nên người dân muốn đến giám sát xem họ có xét xử đúng người, đúng tội hay không. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn ủng hộ cho các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ; thế nhưng chúng tôi đã bị ngăn chặn. Đến lúc này tôi không biết họ giam giữ mẹ và em trai của tôi ở đâu ; không biết có bị hành hung, đánh đập hay không ?".

Những người ủng hộ các bị cáo đã đến bên ngoài phiên tòa diễn hành và cầm biểu ngữ với các dòng chữ như ‘Công lý cho Hội Anh Em Dân Chủ’ và ‘Dân chủ không phải là tội’.

6 người bị xét xử hôm nay bao gồm cô Lê Thu Hà và 5 người khác là các thành viên hoặc cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, các cựu tù chính trị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức. Cả 6 người bị cáo buộc tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật hình sự.

Theo điều luật này, nếu bị kết án có tội, người bị kết án có thể phải đối mặt với án từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luận các bị cáo đã lợi dụng việc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự để che giấu mục đích hoạt động của Hội Anh Em Dân Chủ, liên kết với cá tổ chức trong và ngoài nước, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài, tuyên truyền chống nhà nước với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xay dựng chế độ đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập.

Cáo trạng cũng cáo buộc những nhà hoạt động dân chủ đã nhận hơn 70 ngàn đô la và hơn 9000 euro từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài để tài trợ cho hoạt động của Hội Anh Em Dân Chủ.

Ngoài ra, theo cáo trạng, luật sư Nguyễn Văn Đài bị cáo buộc là người cầm đầu, đóng vai trò chủ mưu, giữ chức Phó Chủ tịch thứ hai của hội.

Trước phiên tòa, vào ngày 26 tháng 3, Hội Anh Em Dân Chủ đã có bản lên tiếng phản đối phiên tòa, khẳng định các hoạt động của 6 người là hợp hiến, và được định rõ trong Bản Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền đối với các quyền dân sự và chính trị mà chính phủ Hà Nội đã ký và cam kết thực hiện.

Hôm 4/4, gần 50 tổ chức cũng đã ký vào một bản lên tiếng yêu cầu Tòa án Hà Nội xem xét đình chỉ vụ án và trả tự do cho các nhà hoạt động dân sự. Bản lên tiếng cáo buộc cáo trạng của Viện kiểm sát là sơ sài và mang tính suy diễn nhằm mục đích ghép tội.

Trả lời câu hỏi của báo giới trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 5/4 về phiên xử sơ thẩm đối với 6 nhà hoạt động dân chủ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam bác bỏ những thông tin sai sự thật và thiếu khách quan về những người bị xử. Bà Hằng nói Việt Nam không có tù nhân lương tâm và không có việc những người này vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hiện Việt Nam vẫn còn giam giữ ít nhất 97 tù nhân lương tâm. Ông James Gomez, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức này cho biết Việt Nam là một trong những nhà tù hoạt động tích cực nhất của Đông Nam Á dành cho những nhà hoạt động ôn hòa.

Published in Việt Nam