"Facebook không nên ủng hộ thể chế độc tài" (RFA, 10/04/2018)
50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị lấy xuống và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Ảnh minh họa mạng xã hội Facebook. AFP
Bức thư nêu rõ tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và lấy nội dung xuống, đã gia tăng nghiêm trọng kể từ sau buổi gặp gỡ giữa Việt Nam và đại diện Facebook năm ngoái. Các nhà hoạt động cho biết họ không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Trước tình hình trên, họ đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam.
Trao đổi với đài RFA, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, một trong những cá nhân ký tên vào bức thư ngỏ cho biết :
Tôi có những bằng chứng rất rõ ràng về việc một số nhà hoạt động và một số người bạn của tôi bị khóa tài khoản facebook như blogger Bùi Thanh Hiếu hay cụ Lê Hiền Đức là công dân chống tham nhũng. Bản thân cụ Lê Hiền Đức rất cần Facebook để đăng những bài về việc tham nhũng của quan chức chính quyền Cộng sản Việt Nam nhưng cụ cứ mở được tài khoản Facebook nào là một thời gian sau bị report và bị khóa tài khoản.
Buổi gặp gỡ giữa chính phủ Việt Nam và đại diện Facebook mà bức thư ngỏ nhắc tới diễn ra vào tháng 4 năm ngoái. Lúc bấy giờ đại diện cho phía Việt Nam là ông Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động bạo lực và tấn công thù địch.
Trước đề nghị này, phía Facebook cũng đã cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ không còn chỗ "dung thân" trên Facebook. Đại diện phía Facebook cũng nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Anh Lã Việt Dũng cho biết khi tìm cách khôi phục tài khoản, Facebook chỉ đưa ra một lý do rất khó hiểu đó là "vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng" chứ không hề nêu rõ là tiêu chuẩn nào. Anh nghi ngờ có sự can thiệp của lực lượng dư luận viên trong sự việc này :
Phần lớn những người bị khóa thường bị cộng đồng dư luận viên của Việt Nam hay còn gọi là Lực Lượng 47 họ báo cáo và tiếp xúc không biết có phải là nhân viên Facebook người Việt không mà họ khóa rất nhanh.
Tôi thấy cơ chế đóng tài khoản của Facebook dường như họ thiên về hoạt động của chính phủ Việt Nam nhiều hơn mà không tính tới việc hỗ trợ những người cất lên tiếng nói độc lập.
Cuối năm ngoái, Việt Nam xác nhận đã thiết lập một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" được nói là nhằm chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái. Lực lượng này được mô tả là "vừa hồng vừa chuyên", vừa kiên định về ý thức hệ, vừa có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ. Một số tổ chức tự do ngôn luận đã bày tỏ lo ngại về đội quân này, cho rằng đây giống như một cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin của người dân Việt.
Trong bức thư ngỏ gửi người sáng lập Facebook, các nhà hoạt động cũng tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập đội quân này với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập.
Trang Thời Báo Châu Á ngày 2/5/2017 đã đăng tải một bài viết đặt ra câu hỏi liệu Facebook có đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ ở Đông Nam Á ? Bài viết đưa ra các dẫn chứng cho thấy Facebook đang hỗ trợ các chính phủ ở Đông Nam Á dập tắt tiếng nói đối lập bằng cách ngăn chặn tài khoản Facebook của họ - một phương tiện chính được giới bất đồng chính kiến sử dụng để bày tỏ quan điểm.
Luật sư Võ An Đôn, ở Phú Yên, người đồng ký tên vào bức thư ngỏ gửi nhà sáng lập Facebook, cũng là người đã bị tước vai trò của một luật sư chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, nói với RFA :
Bản thân em cũng như nhiều người khi viết những bài phản biện xã hội, không biết vì lý do nào đó mà bên Facebook gỡ bài viết hoặc xóa tài khoản một thời gian sau đó mới trả lại. Nhiều thông tin và hình ảnh cũng không đăng được. Vì quyền tự do ngôn luận cũng như những chính kiến trên những bài viết trên mạng xã hội nên em quyết định ký vào thư đó gửi cho Facebook để không làm phiền người sử dụng nữa.
Hãng AFP liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam về bức thư này nhưng không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, trao đổi với đài RFA chúng tôi vào chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel thừa nhận mặc dù Facebook có đề ra Tiêu chuẩn Cộng đồng nhưng đôi khi vẫn phải gỡ bỏ những nội dung dù không vi phạm tiêu chuẩn này nhưng vi phạm luật pháp của một quốc gia. Bà Sophie cũng cho biết Facebook không nhất thiết xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.
Đại diện truyền thông Facebook còn nói với RFA rằng Facebook sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ về những mong muốn khi gửi bức thư tới ông Mark Zuckerberg :
Facebook cần phải hiểu rằng việc tôn trọng và tạo thuận lợi cho những người có tiếng nói độc lập sẽ quan trọng hơn việc ủng hộ chính thể độc tài. Bởi vì khi Facebook giúp những người có tiếng nói độc lập lên tiếng thì xã hội sẽ thay đổi tốt hơn. Và khi xã hội thay đổi tốt hơn thì người dùng Facebook sẽ mở rộng hơn.
Khác với Trung Quốc, Việt Nam không chặn truy cập vào Facebook nhưng ra sức kiểm soát và kiểm duyệt nội dung. Ngoài Facebook, chính phủ Hà Nội còn thúc ép Google, Youtube gỡ hàng ngàn bài viết, video họ cho là "độc hại". Giới lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thường xuyên lên tiếng phải xử lý nghiêm những cá nhân đưa tin "thù địch, phản động". Tuy nhiên, nhiều nhà bất đồng chính kiến nói rằng đối với chính quyền Hà Nội, biên giới giữa phanh phui tiêu cực và phản động quá mong manh, đôi khi họ vì muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn nhưng lại bị quy kết tội chống phá chế độ.
********************
Giới hoạt động Việt Nam cáo buộc Facebook kiểm duyệt nội dung (RFA, 10/04/2018)
50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Bức thư ngỏ của 50 nhà hoạt động,tổ chức nhân quyền và nhà báo độc lập của Việt Nam gửi ông Mark Zuckerberg ngày 9/4/2018. Photo : RFA
Bức thư nêu rõ vào tháng Tư năm ngoái, người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Tuy nhiên, kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Bức thư cũng cho biết tình trạng nhiều nhà hoạt động không thể đăng tin trên Facebook của họ sau phiên tòa xét xử 5 thành viên của Hội Anh em dân chủ vài ngày trước đó.
Ngoài ra, bức thư còn tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập. Họ cho rằng Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập.
Các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ nhân quyền Việt Nam đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam. Bên cạnh đó họ còn yêu cầu Facebook mở cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn với các thành phần bị ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hãng tin AFP cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam về thông tin trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook
Về phía Facebook, chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel nới với đài RFA rằng Facebook có các tiêu chuẩn Cộng đồng riêng về những thông tin được phép hay không được phép đăng, nhằm đảm bảo một cộng đồng an toàn. Tuy nhiên bà Sophie khẳng định rằng đôi khi Facebook phải tháo gỡ hoặc hạn chế quyền truy cập tới một nội dung nào đó vì vi phạm pháp luật của một quốc gia nhất định, mặc dù nội dung đó có thể không vi phạm tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook.
Facebook có quy trình rõ ràng và nhất quán nếu một chính phủ muốn đề nghị điều gì, và quy trình này không có gì khác ở Việt Nam so với thế giới. Trong Báo cáo Minh bạch của Facebook có ghi rõ ràng tất cả những nội dung bị hạn chế vì vi phạm luật của một quốc gia.
Đại diện truyền thông Facebook còn cho biết thêm, nếu một quốc gia yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bị cho là phạm luật, Facebook không nhất thiết sẽ xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập nội dung đó trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.
Facebook cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.
**********************
Việt Nam : Facebook bị tố cáo giúp Hà Nội đàn áp đối kháng (RFI, 10/04/2018)
Trong một bức thư ngỏ gửi chủ nhân Facebook Mark Zuckerberg, công bố chiều thứ Hai 09/04/2018, khoảng năm chục tổ chức nhân quyền, nhà báo độc lập, đối lập, blogger, luật sư tại Việt Nam tố cáo Facebook hợp tác với chính quyền chuyên chế Việt Nam truy bắt, ngăn chặn những tiếng nói khác biệt, theo Reuters và AFP.
Lã Việt Dũng, có tài khoản Facebook, đã gửi lãnh đạo Facebook Mark Zuckerberg. Reuters/Kham
Bức thư ngỏ than phiền là từ năm 2017, tình trạng tháo gỡ tài khoản và nội dung thông tin trên Facebook ngày càng gia tăng.
Lê Văn Sơn, một trong những cựu tù nhân bất đồng chính kiến cho biết trang Facebook của anh thường xuyên bị kiểm duyệt và bị khóa trong suốt tuần qua, sau khi anh biểu lộ tình đoàn kết với 6 nhà tranh đấu trong Hội Anh em dân chủ bị kết án tù.
AFP tìm cách liên lạc với Facebook nhưng chưa tiếp xúc được để xem công ty của Mark Zuckerberg trả lời như thế nào về những cáo buộc này. Vào năm 2017, chính quyền Việt Nam thông báo được Facebook chấp thuận tháo gỡ những bài có nội dung "vi phạm luật Việt Nam" nhưng không nói rõ là "những nội dung chống chếđộ".
Còn theo Reuters, cho dù cải cách kinh tế và cởi mở về xã hội, nhìn nhận quyền của giới đồng tính, chuyển giới nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiểm duyệt tự do báo chí và không dung thứ bất cứ một tiếng nóii phê phán nào. Trong năm 2047, chính quyền Việt Nam thành lập "lực lượng 47" - một đội quân "10.000 dư luận viên" - khai thác sơ hở của Facebook để loan tin thất thiệt, nói xấu những nhà hoạt động nhân quyền.
Tình trạng tài khoản bị phong tỏa, nội dung bị xóa bắt đầu xảy ra sau khi Monika Bickert, một trong những người điều hành Facebook, gặp bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn hồi năm 2017.
Việt Nam là một trong 10 nước bị dính tới vụ tai tiếng Cambridge Analytica chiếm đoạt dữ liệu. Theo Facebook, hơn 420.000 dữ liệu của khách hàng Việt Nam đã lọt vào tay công ty này.
Tiếp tục trấn áp
Thêm một thành viên của Hội Anh em dân chủ bị lãnh án tù. Cựu tù nhân Nguyễn Văn Túc, một nông dân 53 tuổi, đã bị toà án tỉnh Thái Bình, trong phiên xử chớp nhoáng sáng hôm nay 10/04, tuyên án 13 năm tù, 5 năm quản chế với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền". Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, thân chủ của ông khẳng định là một nhà tranh đấu vì dân chủ.
Tú Anh
********************
Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’ (BBC, 10/04/2018)
Giới hoạt động nhân quyền và các nhóm truyền thông người Việt ở Việt Nam và hải ngoại công bố thư ngỏ gửi ông Mark Zuckerberg bày tỏ lo ngại Facebook có thể giúp chính phủ Việt Nam "bóp nghẹt tiếng nói" về nhân quyền.
Ông Mark Zuckerberg chuẩn bị điều trần trước Quốc hội Mỹ
Lá thư nói họ lo ngại Facebook "đồng lõa với kiểm duyệt của nhà nước" ở Việt Nam.
Tường thuật sự việc này, hãng tin Reuters cho hay lá thư ngỏ do tổ chức Việt Tân đặt trụ sở tại Hoa Kỳ công bố, có chữ ký của gần 50 nhóm và cá nhân.
Reuters nói : "Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách kinh tế sâu rộng, và ngày càng mở rộng cửa với nhiều thay đổi xã hội, bao gồm quyền của người đồng tính, và người chuyển giới, nhà cầm quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ phương tiện truyền thông và không dung thứ những lời chỉ trích".
Lá thư than phiền : "Chúng tôi là các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập Việt Nam bị ảnh hưởng thường xuyên bởi việc Facebook khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung".
'Không còn hỗ trợ'
Theo họ, trước 2017, khi liên lạc với Facebook, họ "được sự trợ giúp đắc lực" của công ty.
Nhưng từ năm ngoái, thư nói, mức độ tháo gỡ nội dung "ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung".
"Đến độ, trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5 tháng Tư, 2018, Một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được".
Lá thư nhắc lại cuộc gặp của người đứng đầu Quản trị Chính sách toàn cầu của Facebook là bà Monica Bickert với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn tháng Tư 2017.
Họ nghi ngờ "dường như sau cuộc hội kiến nói trên để hợp tác với một chính quyền nổi tiếng là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng".
Facebook đang gặp chỉ trích sau khi một công ty Anh Cambridge Analytica bị tố cáo lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook
Đầu tháng này, luật sư nhân quyền và nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài đã bị kết án tù 15 năm vì tội "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Năm nhà hoạt động khác bị bắt giam từ bảy đến 12 năm.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết "không có người bị bắt vì tự do bày tỏ ý kiến" tại Việt Nam.
Trả lời của Facebook
Facebook đã có phản ứng về lá thư, theo bản tin của Reuters.
"Các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, cho biết những gì được phép và bị cấm trên Facebook, nhằm khuyến khích biểu đạt, tạo ra cộng đồng an toàn trên diễn đàn".
Email trả lời của một người phát ngôn Facebook nói : "Cũng có những khi chúng tôi có thể phải gỡ bỏ hay hạn chế việc tiếp cận nội dung vì nó vi phạm luật pháp ở một nước nào đó, mặc dù nó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi".
Bản tin của hãng AFP cũng dẫn lại thông cáo của Facebook, cho hay Facebook nói họ có chính sách "gỡ bỏ hay hạn chế việc tiếp cận nội dung" vi phạm luật địa phương.
Lá thư của các nhà hoạt động người Việt công bố vào tuần lễ khi lãnh đạo cao nhất của Facebook Mark Zuckerberg sẽ điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Ông Zuckerberg sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ.
Ông đối diện chỉ trích là Nga dùng Facebook để tuyên truyền can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Mới nhất là tranh cãi quanh trách nhiệm của Facebook về cáo buộc một công ty tư vấn Anh Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook.
*******************
Gần 50 nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động Việt Nam hôm 9/4 gửi thư cho Chủ tịch Điều hành Facebook Mark Zuckerberg phản đối việc trang mạng này gỡ bài và khóa tài khoản, đồng thời kêu gọi Facebook không thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc dập tắt những tiếng nói bất đồng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân, một người ký tên trong thư ngỏ gửi nhà lãnh đạo Facebook, nói với VOA hôm 10/4 :
"Chính tôi cũng là một nạn nhân bị Facebook gỡ bài và có những lần bị phạt treo Facebook 1 tuần, rồi sau đó là 1 tháng. Một ví dụ là tôi đưa clip cảnh sát lái một chiếc xe đặc chủng cán lên xe máy của hai người công nhân thì bị ‘report,’ rồi bị gỡ bài, phạt treo Facebook của tôi. Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại".
Tương tự như trường hợp của blogger Nguyễn Thiện Nhân, trang Facebook của nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội cũng bị gỡ bài.
Ông Tường Thụy dự định sẽ ký tên vào thư phản ánh này và cho VOA biết thêm dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook.
"Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu".
Hãng tin Reuters hôm 10/4 cho biết các nhà hoạt động Việt Nam đặt nghi vấn với ông rằng liệu Facebook có tiếp tay với chính quyền cộng sản trong việc đàn áp tiếng nói bất đồng.
Bức thư kêu gọi Facebook xem lại cách hành xử "mạnh tay của Facebook" như vừa qua vì có thể đang bóp nghẹt tiếng nói của giới hoạt động nhân quyền và các phóng viên độc lập tại Việt Nam.
Mức độ tháo gỡ nội dung ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung. Trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5 tháng 4/ 2018, một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được.
Bức thư viết : "Chính quyền Việt Nam đã xác nhận là họ có một đội quân hơn 10 nghìn người, với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và bóp nghẹt đối kháng…. Có những nhóm dư luận viên nhà nước phối hợp để gửi báo cáo hàng loạt về tài khoản của các nhà hoạt động và reo hò chiến thắng mỗi khi có trang Facebook bị gỡ xuống". Một thí dụ điển hình là trang "Thông tin chống phản động".
Hãng tin Anh trích bức thư của các nhà hoạt động gửi cho ông chủ Facebook nói rằng "Lực Lượng 47 đang lợi dụng chính sách cộng đồng của Facebook và tung tin giả dối về các nhà hoạt động và tổ chức truyền thông độc lập".
Việc chính quyền Việt Nam hạn chế thông tin xưa nay đã có, nhưng nhà báo Nguyễn Tường Thụy lại rất ngạc nhiên trước các hoạt động ngăn chặn bài viết gần đây của Facebook.
Ông nói :
"Ở Việt Nam hạn chế thông tin, bưng bít thông tin thì đã xảy ra từ xưa đến nay. Chính vì vậy họ mới thỏa hiệp và gây sức ép lên Facebook để gỡ bỏ bài viết theo ý của họ. Tại sao Facebook lại làm như thế. Tôi thấy rất là ngạc nhiên".
VOA đã liên hệ với bà Lê Diệp Kiều Trang, tân Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Facebook Việt Nam, nhưng chưa được hồi đáp.
Trong bức thư gửi cho nhà lãnh đạo cao nhất của Facebook, các nhà hoạt động Việt Nam viết : "Chúng tôi ngạc nhiên khi biết được người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monica Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vào tháng 4/2017, và được biết là đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung".
Các nhà hoạt động nhận định rằng dường như sau cuộc hội kiến nói trên để hợp tác với một chính quyền nổi tiếng là bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng.
Nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng thật là một điều ‘đáng tiếc’ nếu như Facebook thật sự có thỏa hiệp với chính quyền Hà Nội.
"Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook".
Theo các nhà hoạt động, chính quyền Việt Nam không chấp nhận đối kháng và phủ nhận thẳng thừng là không có tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng sự thật là chính quyền Việt Nam đã bỏ tù hơn 100 bloggers và nhà bảo vệ nhân quyền, theo hồ sơ báo cáo của các tổ chức nhân quyền.
Vào tháng 4 năm ngoái, Việt Nam khiếu nại về những thông tin "xấu độc" chống chính phủ hay có nội dung khích động, bạo động xuất hiện trên Facebook và Youtube của Google. Việt Nam cũng tăng sức ép với các công ty ở trong nước để ngưng quảng cáo các trang mạng xã hội này cho tới khi nào họ tìm được một giải pháp.
Truyền thông trong nước nói rằng Facebook đã đồng ý gỡ bỏ các trang mạng giả danh, đồng thời xóa các "tin giả" nói về các quan chức cao cấp trong chính phủ.