Từ hàng chục năm nay, cứ gần Tết thì nạn rải đinh trên các quốc lộ lại rộ lên gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cơ quan chức năng cho hay, họ đã treo băng rôn "Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng rải đinh, vật nhọn" kèm số điện thoại đường dây nóng, đồng thời đến từng tiệm sửa xe vận động không rải đinh.
- AFP
Nhiều người dân cho rằng, việc vận động như vậy là chuyện nực cười, bởi nếu biết các tiệm sửa xe là thủ phạm thì phải dùng nghiệp vụ để bắt quả tang, khởi tố và xử phạt theo luật pháp hiện hành.
Trao đổi với RFA sáng 26 tháng 1, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, những tiệm vá xe dọc đường không có giấy phép đăng ký kinh doanh nên họ dễ dàng di dời tiệm. Nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì họ dừng hoạt động. Còn đối với những tiệm có giấy phép kinh doanh đàng hoàng thì chính quyền có thể yêu cầu họ cam kết không rải đinh. Ông nêu Nghị định 100 của chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, nếu người nào rải đinh và sắt nhọn trên đường sẽ bị phạt tiền từ sáu triệu đến tám triệu đồng. Ngoài ra, hành vi này nếu gây tổn hại cho sức khỏe hoặc tính mạng của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 261 Bộ luật hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 10 năm.
Theo Luật sư Hậu, mức phạt như vậy là quá nhẹ nên không có tính răn đe :
"Tôi cho rằng, hành vi rải đinh xuất phát từ việc một số người muốn hướng đến lợi ích kinh tế cho cá nhân họ. Cho dù họ không mong muốn gây ra sự tổn hại về sức khỏe và tính mạng cho người khác nhưng rõ ràng họ ý thức được sự nguy hiểm của hành vi rải đinh. Như thế, mức phạt tám triệu đồng là quá thấp. Tôi thấy cần phải nâng mức xử phạt lên thật cao.
Riêng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, hiện mức thấp nhất để khởi tố là gây tổn hại sức khỏe cho một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Theo tôi, cần hạ mức tỉ lệ tổn thương xuống thật thấp, đồng thời nâng khung hình phạt tù cao nhất lên hơn 10 năm. Nếu các cơ quan lập pháp của Quốc hội sửa lại như vậy thì mới đủ sức răn đe hành vi này".
Anh T., một người dân ở Bình Chánh kể với RFA rằng, bản thân anh từng chứng kiến việc rải đinh vào lúc trời còn mờ tối nhưng anh không dám lên tiếng. Họ chạy xe máy, người ngồi sau ôm túi đinh thả từ từ xuống mặt đường. Thủ phạm là những người mở những điểm vá xe quanh đó. Nếu công an theo dõi sẽ bắt được ngay. Anh nói tiếp :
"Chuyện đó đâu khó gì với lực lượng công an đông và giỏi nhất thế giới như mấy ổng từng nói. Nạn đinh tặc xảy ra mười mấy năm nay chứ đâu mới mẻ gì. Mấy ổng không dẹp bỏ được, theo tôi là do luật pháp không nghiêm minh. Thêm vào đó, những tiệm sửa xe này là những con cá quá nhỏ để công an có thể ăn hối lộ, nhận đút lót nếu bắt họ. Công an họ dành thời gian để đi bắt những con cá to hơn thì mới có ăn, kiếm tiền xài Tết chứ chị".
Chuyện công an Việt Nam ‘giỏi nhất thế giới’ mà anh T. nhắc tới là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền từ năm 2013 được truyền thông nhà nước dẫn lại. Ông Quyền cho rằng ‘cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh’.
Còn chuyện lực lượng công an quá đông là lời của Đại biểu Sùng Thìn Cò thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang, nói với người đứng đầu ngành Công an Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, trong một phiên thảo luận liên quan lực lượng công an, bảo đảm an ninh ở tuyến cơ sở hồi tháng 11 năm 2020.
Tuy nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông là tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân trên đường, nhưng với nạn rải đinh, người dân vẫn không được bảo vệ. Họ chẳng có cách nào khác là chịu trận, chịu mất tiền khi lỡ cán đinh. Nhiều người dân cho rằng, chẳng qua là công an không thật sự muốn làm.
Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông :
"Đấy là vấn nạn có từ lâu rồi mà thỉnh thoảng nó lại xuất hiện. Chính bọn và xe nó kiếm ăn, nó bán phụ tùng, ruột xe với giá cắt cổ. Thực chất đây là một nhóm người kiếm ăn bất chấp pháp luật, bất chấp nguy hiểm cho người khác mà chính quyền chưa có biện pháp hữu hiệu như bắt đi tù hoặc xử phạt thật nặng. Muốn xử lý, về mặt luật pháp tôi nghĩ là có. Mục đích của nhóm người này là lợi ích kinh tế nên phải phạt thật nặng, đánh vào kinh tế. Những kẻ này thường cư trú trong địa bàn hoặc xung quanh đó chứ ít khi từ vùng khác đến, cho nên đây là chức năng của chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền địa phương làm chưa tròn trách nhiệm.
Khi người dân báo cáo, nếu muốn thì công an truy quét là ra ngay, họ có danh sách đen hết. Người ta không làm đến nơi đến chốn thôi. Người ở trong nhà nó còn phá cửa lôi đi test Covid được, huống gì mấy tiệm sửa xe ngoài đường !
Dư luận cho rằng, thường những tiệm sửa xe như vậy đều có liên quan với cán bộ địa phương, công an khu vực. Họ được bao che và ít nhiều có ăn chia với cơ quan chức năng để không ai đụng đến họ với cách làm ăn "một vốn bốn lời" như thế.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Võ Thị Ngọc Lan – chủ tịch UBND phường An Phú Đông cho hay : "Các đối tượng rải đinh ngày càng tinh vi, sử dụng những thủ đoạn và phương thức khó phát hiện như cho đinh, các vật nhọn vào mũi dép sau đó vừa chạy xe máy vừa rải đinh, việc bắt quả tang để xử lý rất khó khăn".
Lãnh đạo địa phương cho rằng việc bắt quả tang kẻ rải đinh là rất khó khăn. Trong khi đó, bất cứ ai lên tiếng cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền đều nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của an ninh, công an.