Tổng bí thư Trọng : 'Tham nhũng giảm ở Việt Nam' (BBC, 17/08/2018)
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình trạng tham nhũng 'có chiều hướng thuyên giảm', đặc biệt trong hai năm gần đây.
Tổng Bí thư chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh Infonet
Sau năm năm thành lập, "công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, nhất là hơn hai năm gần đây. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội", ông Trọng được trích lời trên chinhphu.vn.
Ông Trọng phát biểu như vậy tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ) tại Hà Nội hôm 16/8.
Ông cho hay một số vụ tham nhũng nghiêm trọng đã được giải quyết, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chính phủ.
Ông Trọng nhấn mạnh các trường hợp tham nhũng nghiêm trọng đặc biệt, bao gồm việc mua bất hợp pháp Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) của MobiFone, vụ đánh bạc xuyên quốc gia ở tỉnh Phú Thọ, vụ PetroVietnam quản lý yếu kém làm thất thoát 150 triệu đô la ngân sách nhà nước, và vụ ông trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ làm lộ bí mật nhà nước, theo VnExpress.
Những vụ này mang đến kết quả quan chức cấp cao bị bỏ tù, bị bắt hoặc bị giáng cấp.
Trong năm năm qua, BCĐ đã hoàn thành việc truy tố và xét xử 500 bị cáo trong 40 vụ án tham nhũng trong số những vụ tham nhũng bị đổ bể. 56 quan chức chính phủ trung ương cũng bị kỷ luật từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2018.
Ông Trọng nói rằng BCĐ sẽ cố gắng để tăng cường hệ thống kỷ luật, loại bỏ những hạn chế hiện có và đào tạo cán bộ để ngăn chặn tham nhũng hiệu quả hơn nữa.
Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 4.300 đảng viên tham nhũng ; kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400 ngàn tỷ đồng và 18.525 ha đất, theo chinhphu.vn.
Các phát biểu của ông Trọng lặp lại báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào tháng Tư. Báo cáo này đánh giá sự minh bạch và các thủ tục hành chính công của quốc gia thông qua một cuộc khảo sát toàn quốc.
Báo cáo cho thấy kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện nhiều nhất. Chỉ 17% người được hỏi cho biết họ trực tiếp trải nghiệm việc bị đòi hỏi hối lộ khi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm từ 23% trong năm 2016.
Hối lộ tại các bệnh viện công cũng giảm, chỉ 9% người trả lời nói rằng họ phải hối lộ, giảm từ 17% trong năm 2016.
Các vụ thu hồi đất cũng giảm xuống, với ít hơn 7% số người được hỏi báo cáo về việc này trong năm 2017, so với mức trung bình 9% mỗi năm từ năm 2013 trở đi, theo các báo cáo.
'Tham nhũng 'vặt' còn nhiều'
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục trong công tác phòng chống tham nhũng, như "tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", theo chinhphu.vn.
Ông nói tình trạng này "có chuyển biến nhưng chưa đạt như mong muốn, cần có giải pháp tích cực, chuyển biến mạnh hơn nữa".
Ông Trọng cũng đề cập đến tâm trạng lo lắng của toàn xã hội về thực trạng tham nhũng, và rằng "tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng "vặt" còn nhiều".
Bình luận về công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu trong báo cáo PAPI : "Mặc dù hướng thay đổi là tích cực, vẫn còn nhiều việc phải làm để chống tham nhũng", theo VnExpress.
Ông nói rằng kết quả khảo sát cho thấy cả hai xu hướng "đáng khích lệ và đáng lo ngại", đặc biệt là trong kiểm soát tham nhũng khu vực công.
*****************
Nợ công tính trên đầu người Việt Nam tăng thêm (RFA, 17/08/2018)
Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 35 triệu đồng nợ công quốc gia vì các dự án thua lỗ, và hàng loạt các dự án vay vốn ODA bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu.
Mô hình đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 "Bến Thành - Suối tiên". FB Tiệp Nguyễn
Thông tin vừa nêu được Bộ Tài chính cho biết vào ngày 17 tháng 8.
Dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về nợ công của Việt Nam trong năm 2018 cho thấy nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP, tiệm cận mức 65% GDP mà Quốc hội cho phép.
Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Việt Nam giải thích nguyên nhân nợ công tăng chủ yếu là vì các dự án kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí, các công ty tư vấn kém chất lượng, đưa ra các giải pháp thiết kế, tính toán không chính xác.
Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu ra một số trường hợp như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn từ Thăng Long – Trần Hưng Đạo : quá trình điều tra tổng mức đầu tư dự án đã phát hiện nhiều sai sót trong việc tính toán, chi phí đầu tư tăng từ 19.555 tỷ lên hơn 51.000 tỷ. Dự án tuyến tàu điện ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Tham Lương : công ty tư vấn đã không tính toán khối lượng và hạng mục chi phí trong báo cáo khả thi dự án, chi phí tăng từ 17.400 tỷ lên hơn 47.000 tỷ.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, nhiều dự án vay lại vốn nước ngoài của chính phủ và vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh đã sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ hoặc ứng vốn từ quỹ trả nợ quốc gia.
Tính đến trung tuần tháng 7 năm ngoái, Tạp chí The Econimist đưa ra đồng hồ nợ công của Việt Nam là hơn 94 tỷ đô la Mỹ. Cũng vào cùng thời điểm, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cảnh báo trong năm nay, nợ công của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng an toàn.
*******************
Việt Nam nhập từ Trung Quốc hơn bốn tỉ đô la hàng dệt (RFA, 17/08/2018)
Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam nhập vải vóc nhiều nhất để gia công thành hàng may mặc rồi xuất khẩu đi.
Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội. 2013. AFP
Báo chí trong nước trích dẫn nguồn từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho biết sau Trung Quốc, thì Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản là những nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa.
Trong tổng số giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm có hơn 4 tỉ đô là vải vóc, tăng hơn 18% so với năm trước.
Hiện tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành dệt may từ Trung Quốc. Số liệu hải quan Việt Nam cho thấy trong năm 2017, Việt Nam nhập khoảng 9 tỷ đô la hàng nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, chiếm gần 43% tổng trị giá hàng nguyên liệu dệt may nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc và các quốc gia Châu Á, sau đó gia công may thành quần áo rồi bán sang Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản.
Giá trị hàng may mặc của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 là hơn 16 tỉ rưỡi đô la Mỹ.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng may mặc Việt Nam là Hoa Kỳ, sau đó là Châu Âu, đứng thứ ba là Nhật Bản.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam là 31 tỷ đô la ; năm nay mục tiêu đề ra là 34 tỷ rưỡi đô la cho mặt hàng này.
Báo chí nói nợ công của Việt Nam năm nay có thể tăng lên hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán còn tăng nữa trong năm tới. Có báo nói là con số thực có thể cao hơn 65% GDP nhưng báo chí nhà nước Việt Nam nói là vẫn trong mức cho phép, tức là chưa đến mức nguy kịch. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu thực hư về chuyện này.
Những tòa nhà cao tâng đang được xây dựng trên bờ sông Sài Gòn. Hình chụp hôm 21/2/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, một số báo chí dẫn nguồn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà cho rằng nợ công của Việt Nam trong năm 2017 này có thể vượt hơn ba triệu tỷ đồng, tức là bằng 62,6% của Tổng sản lượng GDP và dự đoán là còn tăng nữa trong năm tới. Câu hỏi nhiều người đặt ra là con số này có thực sự đáng ngại không và vì sao ? Ông nghĩ thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trình bày trước về bối cảnh để thính giả chúng ta cùng hiểu chuyện rắc rối này. Thông thường, chúng ta có giới đầu tư tài chính trên thị trường trái phiếu là thị trường vay nợ. Họ cần có thống kê chính xác về các khoản nợ công, hay công trái, của một chính phủ, và tính bằng tỷ lệ bách phân của sản lượng kinh tế trong năm, gọi là GDP hay Tổng sản lượng. Sở dĩ như vậy vì họ muốn biết quốc gia ấy có khả năng trả nợ không, rồi căn cứ vào đó mà tính ra phí tổn cho vay, hay là phân lời, cao hay thấp. Đã mắc nợ nhiều mà đòi vay thêm thì xứ này phải trả phân lời cao và lãi đơn chồng lãi kép, gánh nợ sẽ còn cao hơn. Vì vậy thị trường tài chính thường theo dõi và thông báo dữ kiện về số công trái của các nước.
Về trường hợp Việt Nam, người ta nghiệm thấy là các khoản nợ đã tăng vọt, từ khoảng 31% Tổng sản lượng vào năm 2000 nay lên gấp đôi, là hơn 62%. Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì ngạch số nợ sẽ ở khoảng 63,3% trong năm nay và 64,3% vào năm tới cho nên nếu có nơi nói tới tỷ lệ nợ nần là 65% GDP thì người ta hiểu được. Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý là số nợ khi tính bằng tiền Việt Nam, nó lên tới con số chóng mặt là hơn ba triệu tỷ đồng, tức là số ba trước 15 số không, chưa kể các con số lẻ tẻ sau dấu phẩy !
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin hỏi ông một chuyện liên hệ là hôm 24 vừa qua trên tờ Asia Time Online, một nhà báo du lịch người Úc là James Clark có bài viết về ngạch số quá lớn của tiền đồng Việt Nam nếu so với đô la Mỹ vì một Mỹ kim ăn hơn 22 ngàn đồng nên chỉ cần có 44 đô la thì cũng là một triệu phú bằng đồng Việt Nam. Ông có đọc bài báo đó không và nghĩ sao khi có dư luận cho rằng bài báo là tín hiệu cho biết Việt Nam lại có thể sắp đổi tiền nữa ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có đọc bài báo và thấy tác giả có lý nhìn từ giác độ của du khách khi nêu vấn đề về sự tiện dụng vì đồng bạc Việt Nam có mệnh giá quá cao so với Mỹ kim, có lẽ chỉ thua đồng "rial" của xứ Iran. Chuyện thứ hai cũng hơi lạ là Việt Nam có tờ giấy bạc mang mệnh giá cao nhất thế giới là 500 ngàn hay nửa triệu ! Việt Nam là xứ hiếm hoi mà người ta nói chuyện bạc tỷ hay bạc triệu như xu hào của xứ khác. Vì vậy, việc đổi tiền hay đổi mệnh giá đồng bạc, như từ một vạn hay một triệu đồng cũ ăn một đồng mới là điều nên làm, mà nhiều xứ khác đã làm. Còn làm sao để vẫn giữ được sự tín nhiệm của mọi người về trị giá đồng bạc thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng có kinh nghiệm sau ba lần đổi tiền kể từ năm 1975.
Tôi còn nhớ lần đầu thì họ đột ngột trưng thu nhà tôi tại Quận Ba là một trong nhiều địa điểm đổi tiền và tôi chứng kiến sự bất mãn của nhiều người, kể cả bà Nguyễn Hữu Thọ hay ông Gaston Phạm Ngọc Thuần là lớp người thế giá của chế độ mới ! Sau đó là nạn lạm phát phi mã nên bây giờ mới có tờ giấy mang mệnh giá nửa triệu bạc ! Đấy là chuyện cười ra nước mắt rất khó quên. Trở lại chuyện nợ nần của Việt Nam ngày nay, thính giả của chúng ta có thể tự hỏi rằng con số này có thực sự đáng ngại không và tại sao đáng ngại ?
Nguyên Lam : Thưa ông quả là như thế. Khi số nợ công của Việt Nam lên tới hơn 62% của Tổng sản lượng GDP thì tình hình có đáng ngại hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chưa phân giải khoản nợ bằng ngoại tệ quy ra nội tệ hay bạc Việt Nam với hiệu ứng hay rủi ro ngoại hối của tỷ giá đồng bạc, tôi cho là tình hình đáng ngại vì nhiều lý do. Thứ nhất là tại sao lại mắc nợ nhanh và nhiều như vậy và thứ hai, nhà nước đi vay để làm gì mà có tính trước về khả năng hoàn trả không ? Câu hỏi khiến ta phải truy nguyên lên lý do đi vay. Thật ra đi vay là để tiêu trước, đi vay là vì chi nhiều hơn thu, nên khi chi thì phải biết là để làm gì sau này còn trả nợ là điều nhiều người khỏi cần nghĩ trước mà đẩy về sau.
Vụ nợ nần của Việt Nam xuất phát từ một hiện tượng được quốc tế quan tâm và cảnh báo vì nạn bội chi ngân sách - là chi nhiều hơn thu. Tỷ lệ bội chi từ 5% GDP vào năm 2000 đã vượt 6,5% vào năm ngoái mà chưa có dấu hiệu suy giảm dù nhà cầm quyền đặt chỉ tiêu là hạ tỷ lệ bội chi tới 3,5% GDP vào năm 2020. Khi xét vào cơ cấu chi thu của nền tài chính công quyền thì ta thấy số thu cho ngân sách Việt Nam tăng mạnh nhờ đà tăng trưởng sản xuất tới hơn 6% trong hơn 10 năm qua. Nhưng số thu đó không đáp ứng nổi mức tăng chi trong cùng thời kỳ.
Cho nên bài toán nợ nần và trả nợ của Việt Nam xuất phát từ tình trạng tăng chi của bộ máy công quyền và nếu không chấn chỉnh thì tìm đâu ra tiền để trả nợ ?
Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, Việt Nam chi cho ai và để làm gì đến độ không có khả năng trả nợ ? So sánh với nhiều xứ khác, từ Nhật Bản đến Trung Quốc hay Hoa Kỳ thì tỷ lệ nợ nần của Việt Nam là hơn 62% cũng không là quá lớn, thế thì vì sao đấy là chuyện đáng ngại ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhật Bản chủ yếu vay tiền người dân và họ chấp nhận thắt lưng buộc bụng để ra khỏi 25 năm suy sụp. Gánh nợ quá lớn của Trung Quốc là bài toán cho lãnh đạo vì nó liên quan tới chính trị, chẳng khác gì Việt Nam. Món nợ của Hoa Kỳ nguy ngập vì vay quá nhiều trong tám năm của Chính quyền Barack Obama và đang là đề tài tranh luận trong Quốc hội và trước dư luận. Trường hợp Việt Nam nguy kịch vì người dân không được quyền hỏi đi vay để làm gì nên chẳng giới hạn được việc đi vay mà sẽ còn è cổ gánh vác việc trả nợ. Vấn đề đáng ngại vì nó nằm trong cơ cấu chính trị. Đầu tiên, giới chức Bộ Tài Chính giải thích là công trái hay nợ công của Việt Nam sở dĩ tăng vọt chủ yếu là vì họ không quản lý được gánh nợ.
Y như trường hợp Trung Quốc, khối nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam là các khoản nợ xấu, khó đòi và dễ mất vì các đơn vị sản xuất này kém hiệu suất mà cứ tồn tại vì lý do chính trị sau hai chục năm nói về cổ phần hóa. Thứ hai, Việt Nam đi vay để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất nổi tiếng là vừa xây đã sập, mà sập rồi lại còn vay thêm để sửa nên chất thêm vào núi nợ. Cho tới nay, chưa thấy một ai trong guồng máy công quyền bị kỷ luật hay chịu trách nhiệm về các hồ sơ nhạy cảm về chính trị như vậy. Sau cùng, phải nói đến chuyện đáng ngại nhất của nợ nần là đi vay để nuôi bộ máy chính trị của đảng.
Nguyên Lam : Ông nói như vậy vì ngân sách quốc gia bị bội chi và đi vay là để tài trợ bộ máy đảng hay sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo thống kê của Bộ Tài Chính Hà Nội thì ngân sách công quyền dành 66,3% cho các khoản chi điều hành, 18,7% cho việc trả lãi cho các khoản tiền đã vay và 15% cho việc đầu tư của công quyền trong các dự án mình vừa nói ở trên. Bây giờ, xét vào các khoản chi điều hành thì chính phủ phải tài trợ cho bộ máy đảng và các ủy ban phụ thuộc của đảng, từ trung ương tới địa phương. Chúng ta có hiện tượng éo le là người dân đóng thuế để tài trợ việc điều hành hai bộ máy cưỡng bách song hành, của nhà nước và của đảng.
Nhà nước có cán bộ phục vụ từ trung ương tới địa phương và ăn lương do dân trả bằng thuế. Rồi đảng cũng có bộ máy từ Ban Chấp Hành Trung Ương xuống tới gần 60 tỉnh và năm thành phố do trung ương trực tiếp quản lý. Ngoài ra, Trung ương đảng còn có các ban bệ trải rộng và hoạt động song song với các cơ quan của nhà nước. Sau cùng, đảng còn có năm sáu đoàn thể lập ra để đoàn ngũ hóa quần chúng như Mặt Trận Tổ Quốc hay hội Liên Hiệp Phụ Nữ, v.v.., Cho nên bộ máy đảng và bốn triệu đảng viên vốn không sản xuất gỉ mà vẫn tiêu thụ tiền thuế của dân y như bộ máy nhà nước. Chúng ta không chỉ có sự bất công về đạo lý mà còn có sự phi lý về kinh tế khả dĩ giải thích vì sao Việt Nam mắc nợ và không có lối thoát.
Nguyên Lam : Nếu như vậy thì Việt Nam sẽ lấy đâu ta tiền để trả nợ ? Theo như ông nghĩ thì những kịch bản gì có thể xảy ra khi số nợ công lên cao đến 65% hoặc còn cao hơn nữa ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện dễ mà ai cũng tính ra hay nghĩ tới là tăng thuế để giảm mức bội chi và đi vay. Đấy là kịch bản gọi là "giết con gà đẻ trứng vàng" vì tăng thuế sẽ cản trở sản xuất và còn đánh hụt số thu. Kịch bản thứ hai là "xin vỡ nợ từng phần" như ta đang chứng kiến tại xứ Venezuela sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chính quyền Venezuela đang xin ân hạn khoản nợ đáo hạn trị giá 320 triệu đô la của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA phải thanh toán trễ nhất vào mùng hai này. Riêng trong Quý 4 thì họ phải trả ba tỷ rưỡi, nếu không thì vỡ nợ ! Việt Nam đang trôi dần tới chỗ đó trong vài năm tới mà người dân không biết và không được biết rằng khi đã vỡ nợ thì phải đi vay nặng lãi hơn và chất thêm gánh nợ mà đời sau sẽ trả.
Kịch bản sau cùng là người dân có thể viện dẫn quy luật quốc tế về các "khoản nợ ghê tởm" do một thiểu số đi vay và chia chác cho nhau mà dân không được biết. Trong giả thuyết đó các chủ nợ phải xóa nợ hoặc truy nã những kẻ đi vay bất chính chứ không thể bắt dân trả. Thế kỷ 20 có ba chục trường hợp như vậy đã trở thành án lệ hay tiền lệ cho các tòa án áp dụng.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam hực hiện
Nguồn : RFA, 31/10/2017
Tốc độ tăng của nợ công ở Việt Nam vào loại hàng đầu thế giới. Đây là đánh giá do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 3/10.
Giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới Kristalina Georgieva trong một chuyến công tác tại Hà Nội, 3/2017. AFP
Theo đánh giá này, nợ công của Việt Nam vào năm 2015 chiếm 61% tổng sản lượng quốc dân, tăng lên từ 51,7% vào năm 2010, tức là tăng đến 10% trong năm năm qua. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng nếu tốc độ tăng nợ cứ như thế thì Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về bền vững tài khóa trong tương lai.
Ngân hàng Thế giới nói rằng tuy Việt Nam có sự cải thiện trong cơ cấu của số nợ, nợ nước ngoài giảm đi, thay vào bằng việc vay trong nước, nhưng có đến 50% số nợ sẽ đáo hạn trong ba năm tới, điều đó sẽ tạo nên áp lực vay nợ mới để trả nợ cũ.
Theo Ngân hàng Thế giới thì với mức độ bội chi ngân sách như hiện nay là 5,6% tổng sản lượng quốc dân, mà số dư do thu ngân sách ngày càng ít, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết việc này, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam phải giảm bội chi ngân sách, tạo được một thị trường nợ trong nước, và tăng cường năng lực quản lý nợ công.