Bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi tại Đà Nẵng (RFA, 28/03/2019)
Lực lượng chức năng Đà Nẵng vừa bắt giữ 1 container chứa hơn 9 tấn ngà voi nhập khẩu từ Congo vào cảng Tiên Sa vào ngày 20/3.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số ngà voi. Courtesy of baohaiquan.vn
Truyền thông trong nước loan tin ngày 28/3, trích dẫn thông tin từ Trưởng phòng Phòng Chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đưa ra trong cùng ngày, cho biết thêm đây là vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất nước tính từ đầu năm 2019 đến nay.
Tin cho biết, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, Cục Cảnh sát môi tường thuộc Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã khám xét một đơn hàng gồm 3 container của Công ty TNHH Tâm Kiều nhập khẩu vào Cảng Tiên Sa bằng tàu Sunshine Bandama.
Trong đó, 1 container chứa hơn 9.100 kg ngà voi được giấu kỹ trong các thanh gỗ xẻ và được che bằng mùn cưa, 2 container còn lại chất gỗ xẻ thành phẩm.
Lượng hàng này hiện đã bị niêm phong nhằm phục vụ công tác giám định và hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan sảnh sát điều tra, làm rõ.
Trước đó, vào ngày 1 tháng 2, Hải quan Hồng Kông đã bắt giữ một vụ buôn lậu lớn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng từ Châu Phi, thu giữ một lượng vảy tê tê kỷ lục cùng với hơn 1.000 ngà voi, trị giá lên đến gần 8 triệu đô la, tất cả đều đang trên đường chuyển đến Việt Nam.
Tình trạng ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác… vẫn tiếp tục bị nhập lậu vào Việt Nam bất chấp những luật lệ trong lĩnh vực chống buôn bán động vật hoang dã nguy cấp.
*******************
Công ty bán sỉ hàng may mặc Mỹ bị kiện vì nhập hàng may mặc trốn thuế từ Việt Nam (RFA, 28/03/2019)
Văn phòng công tố viên Geoffrey Berman ở New York hôm 27/3 ra thông báo kết quả vụ kiện dân sự giữa chính phủ Mỹ với một công ty bán sỉ hàng may mặc ở California chuyên nhập hàng may mặc từ Việt Nam trốn thuế.
Hình minh họa. Nữ công nhân trên ở nhà máy may 10, ngoại thành Hà Nội hôm 20/10/2015 - AFP
Theo đơn kiện, một nhà nhập khẩu của công ty Byer Calinfornia là Queen Apparel NY trong nhiều năm liền đã khai man giấy tờ hải quan để hạ giá trị hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. Byer dù đã biết điều này nhưng vẫn tiếp tục đưa đơn đặt hàng cho Queen để mua hàng từ Việt Nam.
Vụ kiện cuối cùng đã được giải quyết vào ngày 26/3 khi Byer thừa nhận trách nhiệm và đồng ý trả phạt là 325.000 đô la.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2018, ngành nay đạt doanh thu xuất khẩu là 36 tỷ đô la. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam với 40% kim ngạch xuất khẩu ngành này là vào thị trường Mỹ, theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế năm 2018. Phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam là hàng gia công cho các nhãn hiệu nước ngoài.
*******************
Dân còn khổ vì tro bụi đen ‘vô thừa nhận’ của Nhiệt điện Vĩnh Tân (Người Việt, 28/03/2019)
Bản tin hôm 28 tháng Ba của báo Thanh Niên khiến người đọc cười ra nước mắt khi xác nhận có tình trạng tro bụi đen xuất hiện dày đặc trong nhiều ngày ở khu nhà dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ở xã Vĩnh Tân. (Hình : Thanh Niên)
Lâu nay, người dân Bình Thuận đưa cáo buộc trên mạng xã hội rằng các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân chính là thủ phạm gây ra nạn tro bụi mù mịt.
Tuy vậy, theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận về tiến độ các dự án và ngăn chặn tình trạng khói bụi mùa khô, ông Nguyễn Trung Trực, phó chủ tịch huyện Tuy Phong, nói "chưa biết tro bụi đen là của ông nào".
Tờ báo còn dẫn lời hai giới chức của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Sở Tài Nguyên-Môi Trường Bình Thuận : "Khi có tin báo về tro bụi, nhà máy có đến kiểm tra thì do bụi từ các công trình đang xây dựng xung quanh. Riêng ngày 23 tháng Ba, tại xóm 7, xã Vĩnh Tân xuất hiện tro bụi màu đen. Sau kiểm tra phát hiện là titan rơi vãi từ một xe vận tải vận chuyển titan từ Lương Sơn-Bắc Bình đến cảng Vĩnh Tân. Tro than phát tán từ kho than của các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là có thật. Nhưng không ‘ông’ nào thừa nhận [là của họ], muốn chắc chắn phải lấy mẫu đi phân tích".
Bãi xả của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2. (Hình : Thanh Niên)
Báo Thanh Niên cũng đăng chỉ thị "suông" của ông Lương Văn Hải, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận : "Các nhà máy cần lưu ý, đây là mùa khô, gió ở Tuy Phong mùa này rất mạnh. Các nhà máy phải đặc biệt quan tâm việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không được để tro bụi phát tán sang khu dân cư".
Hoàn toàn không có biện pháp chế tài nào được nhắc đến nếu các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân được kết luận là nơi gây ra tình trạng tro bụi đen.
Trong vụ này, điều đáng quan tâm là theo các báo nhà nước, sau rất nhiều cuộc họp và tuyên bố đảm bảo môi trường, đến nay vẫn chưa có "lối ra" cho lượng tro xỉ được thải ra đồng loạt từ các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2.
Nguyên nhân được hiểu là do nhà chức trách "chưa ban hành các quy chuẩn về tro xỉ làm vật liệu xây dựng".
Hồi đầu tháng Ba, mạng xã hội xôn xao tin chính quyền huyện Tuy Phong chỉ đạo các trường học trong khu vực không được phép nhận 1,200 khẩu trang Nano do một nhóm các nhà thiện nguyện gây quỹ để trẻ em bảo vệ sức khỏe khỏi bụi than.
Thời điểm đó, theo trang Facebook của nhà báo tự do Mai Quốc Ấn, những người dân địa phương "rất muốn nhận khẩu trang cho con em họ", tuy nhiên đại diện huyện Tuy Phong "lấy lý do là nơi này không còn ô nhiễm nữa, nhận khẩu trang thì sợ bị thế lực thù địch lợi dụng".
Trong một diễn biến khác, công luận bàn tán về mức phạt "nhẹ hều" – 50 triệu đồng ($2,138) mà nhà chức trách dành cho nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 "do tự ý xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ dành cho chuyên gia trên khu đất sát biển với diện tích khoảng 3 hécta, nằm gần nhà máy".
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là nhà máy khiến các báo nhà nước ở Việt Nam tốn nhiều giấy mực vì các vụ bê bối coi thường pháp luật Việt Nam. Hôm 9 tháng Ba, báo Tuổi Trẻ cho hay nhà máy này "xả nước ra biển khi chưa được cấp phép, đó là chưa kể hàng loạt sai phạm về vấn đề môi trường trước và trong quá trình vận hành nhà máy". (T.K.)
***************
Việt Nam : Nhóm Cây Xanh công bố phim về "thảm họa Formosa", một thành viên của nhóm bị câu lưu (RFI, 28/03/2019)
Hôm 27/03/2019, tại Hà Nội, cô Cao Thị Thịnh, một thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Cây Xanh (Green Trees) tại Việt Nam, bị một số công an bất ngờ bắt giữ trên đường. Cô Cao Thị Thịnh được trả tự do vào 22 giờ cùng ngày, nhưng máy tính, điện thoại bị thu giữ.
Áp phích quảng cáo phim "Don't be afraid, Đừng sợ"@greentreesvn. org
Theo thông tin từ các thành viên của nhóm Cây Xanh (website greentreesvn.org), công an đặc biệt quan tâm đến bộ phim "Đừng sợ" của nhóm, vừa ra mắt hôm 16/03 tại Hà Nội. Nhóm Cây Xanh (tiền thân là nhóm Vì Một Hà Nội Xanh trên Facebook) là tác giả của bản báo cáo "Tổng quan thảm họa môi trường biển Việt Nam" 2016, nói về thảm họa do Formosa gây ra ở miền Trung.
Bộ phim "Đừng sợ", do nhóm thực hiện, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006.
Sau đây là một số ghi nhận của ông Nguyễn Quang A, người đã xem phim :
"Tôi thấy đây là một phim để làm tư liệu, để đào tạo, nâng cao dân trí rất tốt. Đó là một bộ phim thời sự nói về xã hội dân sự nói chung (ở Việt Nam) khá là rộng, nhưng cốt lõi của nó là xoay quanh vụ Formosa. Tức là gắn với một sự kiện nổi bật, để nói không chỉ về sự kiện đó, mà nói về xã hội dân sự nói chung.
Tôi nghĩ rằng đó là một lựa chọn khá là khéo của đạo diễn và những người làm bộ phim thời sự rất công phu này. Tôi đánh giá cao về mặt nghệ thuật… nhưng đối với các nhà chuyên môn họ có thể có ý kiến này có ý kiến kia. Đối với một bộ phim thời sự như thế cũng là điều bình thường".
Trọng Thành