Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoãn phiên tòa xét xử hai người giúp đỡ nạn nhân Formosa (RFA, 25/01/2018)

Sáng ngày 25/1/2018 theo dự kiến phiên tòa xét xử nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và anh Nguyễn Nam Phong sẽ diễn ra nhưng bị hoãn vào phút chót với lý do luật sư bào chữa vắng mặt.

hoan1

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình - Courtesy Human Rights Watch

Việc hoãn phiên tòa sơ thẩm ngày hôm nay theo luật sư Hà Huy Sơn là một kế hoạch "đã được chuẩn bị từ trước".

Luật sư Hà Huy Sơn nói :

"Việc hoãn phiên tòa này thì chúng tôi cũng đã dự tính từ trước. Do trong phiên tòa có 4 luật sư gồm luật sư Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và luật sư Ngô Anh Tuấn. Riêng luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho cả hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong. Ngày hôm nay luật sư Ngô Anh Tuấn có cái lịch tham gia phiên tòa ở nơi khác, nên anh làm đơn báo xin hoãn không thể tham gia được. Theo luật quy định, khi luật sư vắng mà bị cáo vẫn yêu cầu cần có luật sư thì tòa bắt buộc phải hoãn".

Luật sư Hà Huy Sơn giải thích thêm :

"Tòa cũng đã dự trù, nếu ra phiên tòa ngày hôm nay hỏi ý kiến anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong, mà một trong hai người có ý kiến cần luật sư Ngô Anh Tuấn thì tòa phải hoãn. Sự chuẩn bị từ trước ở đây thể hiện ở chỗ, tòa án huyện Diễn Châu là cơ quan xét xử nhưng mượn trụ sở của tòa án tỉnh Nghệ An ở Vinh nên họ mang cả con dấu của tòa án huyện Diễn Châu theo, vì tòa án Diễn Châu cách đó 40-50 km. Tôi cho rằng có chuẩn bị từ trước đối với tình huống hoãn phiên tòa là như thế".

Không chỉ dự trù cho tình huống phải hoãn phiên tòa, mà chính quyền tỉnh Nghệ An còn bố trí rất đông công an, cảnh sát, tìm cách ngăn cản những người tham dự phiên tòa. Nhiều nhà hoạt động tại Nghệ An đã được cơ quan công an gửi giấy mời làm việc vào đúng ngày xét xử hôm nay. Trong số đó có cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Nghĩa, Trần Thị Tô. Họ là những người sống gần trụ sở tòa án và đều được "mời đi làm việc" trong ngày 25/01/2018.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Thị Minh Hạnh, chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt, từ Sài Gòn ra Nghệ An dự phiên tòa cũng bị công an Nghệ An chặn, bắt giữ và có hành vi mà bà gọi là "hành xử côn đồ" ngay tại sân bay Vinh. Bà Minh Hạnh cho biết nhà cầm quyền Nghệ An đã nhúng điện thoại của bà vào nước, lấy mất của bà hơn 1 triệu đồng và ép buộc bà trở lại Sài Gòn ngay trong đêm 24/1.

Cô Minh Hạnh tường thuật lại :

"Khi thấy tôi bước xuống máy bay, thì an ninh đã bắt lôi tôi đi. Họ đưa tôi vào một phòng không có ai cả. Họ lục soát tất cả các đồ đạc, lục tung tất cả các đồ đạc, lấy đi hai chiếc điện thoại thường và một chiếc Iphone. Khoảng một lúc sau họ lại quay lại tiếp tục lục túi xách và cướp của tôi 1,1 triệu đồng và họ nói đây là tiền vé máy bay mà tôi phải về hôm nay. Tôi nói tôi không có nhu cầu đó. Họ hành xử rất côn đồ, thậm chí giơ tay dọa nạt và đánh đập và buộc tôi phải chấp nhận những yêu cầu của họ. May mắn tôi gạt được cánh tay của họ. Những người nam rất to con hung hãn để gây áp lực cho tôi".

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là một thành viên của phong trào Lao Động Việt có tham gia đấu tranh cho quyền lợi của các ngư dân bị thiệt hại do thảm họa Formosa. Nhà cầm quyền cáo buộc ông tội "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Ông Nguyễn Nam Phong, người giáo xứ Song Ngọc là tài xế của linh mục Nguyễn Đình Thục trong đợt đi kiện Formosa vào ngày 14/2/2017 bị quy tội "chống người thi hành công vụ" theo khoản 2 điều 257.

Hai ông bị bắt do có liên quan đến việc đồng hành và giúp người dân Quỳnh Lưu đi kiện Formosa chiều 14/2/2017. Trong sự kiện đó có hàng trăm người bị đánh, trong đó có ít nhất 29 người phải cấp cứu ở bệnh viện hoặc các trạm y tế. Ông Nguyễn Nam Phong là người lái xe của linh mục Nguyễn Đình Thục lúc đó và đã không mở cửa xe để bảo vệ hai nữ tu, và giáo dân bên trong xe khi công an bẻ gạt nước, đập mạnh vào cửa xe.

Trong Đơn Đề Nghị được làm nhân chứng trong phiên tòa xử hai ông, linh mục Nguyễn Đình Thục đã nhận định :

"Việc anh Phong không mở cửa xe vừa là thực hiện theo yêu cầu của chủ xe, vừa là lương tâm và trách nhiệm của một tài xế, thể hiện lòng can đảm bảo vệ những người trong xe. Việc làm này hoàn toàn vô tội và đáng khen ngợi".

Ông Brad Adams của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) trong thông cáo trước phiên tòa này kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động và nhấn mạnh Việt Nam không có dấu hiệu nào cho thấy đã giảm bớt tình trạng đàn áp nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong vòng 14 tháng qua. HRW đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.

Tiến Thiện

****************

Hai án lớn Trịnh Xuân Thanh : 'Đúng qui trình tố tụng nhưng cần tính nhân văn’ (RFA, 25/01/2018)

Vào ngày 24/1, Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên tòa mới xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và bảy đồng phạm trong vụ án "Tham ô tài sản tại PVP Land".

hoan2

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).  AFP

Phiên xử này diễn ra hai ngày sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án chung thân trong phiên xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Luật pháp cho phép nhưng chưa từng xảy ra

Vào tối 24/1, RFA có liên lạc với Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng trong cùng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) với ông Trịnh Xuân Thanh, thì ông cho biết đang trên đường đi công tác, không thuận tiện để chia sẻ ý kiến.

"Tôi đang trên đường cao tốc từ Hà Nội đi Nam Định, nên không trả lời được".

Luật sư Hoàng Văn Hướng, từ Sài Gòn cho chúng tôi biết trong suốt bao nhiêu năm hành nghề luật sư, ông chưa thấy phiên toà hình sự nào với cùng một bị cáo lại diễn ra liên tục như thế. Thời gian quá ngắn sẽ gây hạn chế và khó khăn cho các luật sư bào chữa.

Ông kể lại những gì được nghe từ các đồng nghiệp tham gia trực tiếp trong phiên xử.

"Tôi có nghe một số luật sư tham gia ở vụ án này nói rằng thời gian chuẩn bị cho vai trò bào chữa rất khắc khe. Thật ra các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thực hiện theo những qui định chung và theo thời hạn của cơ quan tố tụng. Nhưng riêng với cá nhân một người như thế thì tôi nghĩ là các luật sư sẽ rất vất vả vì hồ sơ và các trích lục rất dày, phải có thời gian để nghiên cứu, hoặc kể cả quyền thu thập thêm các chứng cứ".

Ý kiến của luật sư Hoàng Văn Hướng khi đề cập đến thủ tục hồ sơ vụ án đồng nhất với nhận định của luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, đã chia sẻ khi trả lời BBC Tiếng Việt.

Ông nói : "Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh "Cố ý làm trái…", "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC và vụ "Tham ô tài sản" tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn".

Đây cũng là ghi nhận của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông nói rằng cá nhân ông chưa gặp những phiên xử liên tiếp như thế trong quá trình hành luật.

Nhưng theo ông, lý do ông Trịnh Xuân Thanh hầu toà trong 1 vụ án khác chỉ hai ngày sau khi bị kết án trong vụ án trước là do tính chất của quá trình phạm tội. Ông nói :

"Do tính chất của vụ án về tham nhũng, đặc biệt là các cử tri rất quan tâm. Với bức xúc của người dân như vậy, tôi cho rằng đem ra xét xử sớm như vậy là đáp ứng lòng mong mỏi của chuyện chống tham nhũng".

Cũng chính luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC Việt ngữ rằng thông thường, rất ít các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Theo suy luật của ông thì "Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử".

Chính luật sư Hoàng Văn Hướng cũng nói rằng ông không thể bình luận về 1 nguyên nhân đặc biệt nào, nhưng cũng như luật sư Nguyễn Văn Hậu đã chia sẻ, "quyết tâm chống tham nhũng" là điều ông có nghĩ đến.

"Thực tế có thể các cơ quan tố tụng đã sắp xếp thời gian xét xử để hoàn thành nhiệm vụ, rõ ràng là hiện nay Việt Nam đang có 1 quyết tâm rất lớn về phòng chống tham nhũng từ trên xuống dưới. tôi cho rằng đây có thể là 1 áp lực".

Luật sư Nguyễn Phương Đông, cho chúng tôi biết ông không theo dõi tiến trình của vụ án, nhưng dựa theo qui trình tố tụng của pháp luật Việt Nam, ông nói rằng việc toà xử vụ án thứ hai chỉ hai ngày sau vụ án thứ nhất là không sai.

"Trong luật tố tụng không quy định về việc này. Mà luật không cấm thì người ta không bị coi là làm sai".

Về phía luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông có ý kiến khác. Theo ông, quá trình phạm tội của ông Trịnh Xuân Thanh nói riêng và toàn vụ án nói chung đã được điều tra trong thời gian dài. Cho nên, không ngạc nhiên khi vụ án được đem ra xét xử trong thời gian nhanh chóng.

Thêm vào đó, ông đưa ra lý do Toà án Nhân dân Hà Nội tách hai vụ án riêng biệt vì tính chất nghiêm trọng, bị cáo là những người có chức vụ cao trong nhà nước, và tình tiết của vụ án quá nhiều.

"Từ trước đến nay ít có những vụ nào xét xử gần như vậy. người ta tách ra 2 vụ, không muốn nhập vô vì họ muốn làm rõ, vì đây là những người có chức vụ. Trước đây thì có quan điểm là nhập lại sẽ hay hơn, nhưng vì nó phức tạp quá nên người ta tách ra làm 1 vụ riêng, tội cố ý làm trái và tội tham ô có liên quan 1 đơn vị khác".

Tính nhân văn

Tuy rằng luật sư Nguyễn Văn Hướng cũng đồng ý rằng các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng không sai với qui định của tố tụng, nhưng với góc độ cá nhân tham gia hoạt động bào chữa, luật sư Hướng chia sẻ ông mong muốn vụ án đảm bảo được tính nhân văn.

"Nhìn về góc độ nhân văn của hoạt động bào chữa với tư cách giúp đỡ các thân chủ thì tôi thấy điều ấy cũng không phù hợp. Rõ ràng là nó cũng phải có 1 thời gian nhất định vì 1 con người đem ra xét xử thì không thể 1 ngày mà hàng chục ngày. Thêm vào đó, chế độ giam giữ cũng có những khó khăn riêng".

Ông chia sẻ mong muốn cá nhân của riêng ông rằng nếu có thể thì thời gian xét xử kéo dãn ra từ 1 đến 2 tháng.

"Đặc biệt hơn nữa việc tố tụng cho những phiên toà lớn thế này thì cần phải có thời gian cho người bào chữa cũng như tâm lý cho những người tham gia tố tụng khác".

Suy nghĩ này cũng chính là chia sẻ của luật sư Đặng Đình Mạnh khi trả lời báo chí rằng "Hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ. Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này".

Quan điểm ở góc độ nhân văn của các luật sư hoàn toàn có cơ sở khi hôm thứ tư 24/1, là ngày đầu tiên bắt đầu phiên xử vụ án thứ 2, báo chí trong nước thuật lại câu trả lời của ông Trịnh Xuân Thanh với Hội đồng xét xử : "Ở vụ án trước, bị cáo đã nhận án chung thân rồi, còn gì nữa đâu mà phải nói dối". Câu trả lời cho thấy có vẻ như đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, những gì diễn ra trong vụ án thứ hai không còn quan trọng nữa ?

Published in Việt Nam