Chánh án Nguyễn Hòa Bình và câu hỏi về hai vụ án tại Đà Nẵng của Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy
RFA, 21/11/2023
Tại Phiên thảo luận ở Quốc hội về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao hôm 20/11, trong phần trả lời Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy thuộc Đoàn Đà Nẵng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình đã nói : "Đại biểu có đề nghị tòa án phải làm cái này, làm cái khác. Xem xét lại một vụ án có điều kiện của nó, điều kiện đó được ghi trong luật. Muốn xem xét lại thì đề nghị đại biểu làm đúng quy định như vậy chứ chúng tôi không thể căn cứ vào phát biểu tại hội trường của ai đó mà xem xét lại vụ án, cái này không đúng trình tự tố tụng".
Sáng 20/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp. Ảnh : Doãn Tấn/TTXVN
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Việt Nam hôm 21/11 nhận định với RFA về câu trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình :
"Khi Quốc hội đặt vấn đề ra thì các ban ngành đều phải trả lời cho người ta, vì người ta là đại diện cho người dân. Đó là nguyên tắc, việc được đặt ra để giải quyết, để xử lý… Nếu nói lật lại một vụ án để xem xét lại thì cơ quan chức năng phải làm. Còn những đầu mối lãnh đạo của các ngành thì phải tiếp thu và đặt vấn đề xử lý. Luật tất nhiên là có, nhưng có những cái luật không bao quát được, thì Đại biểu quốc hội là đại diện cho dân, thay mặt dân yêu cầu thì phải thực hiện, đấy mới là Quốc hội. Còn ông Bình nói như vậy thì tôi nghĩ ông ấy không hiểu về nguyên tắc đại biểu của dân, đại diện cho dân của Quốc hội".
Để tìm hiểu thêm về trình tự pháp luật trong vấn đề này, RFA hôm 21/11 liên lạc Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức, và được ông giải thích :
"Tất cả những vụ án hình sự có quy định rõ cơ quan nào được phép xem xét lại vụ án. Theo tôi biết, tất cả những vụ án giám đốc thẩm hay tái thẩm thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Tòa án nhân dân tối cao. Và khi đã Giám đốc thẩm và Tái thẩm rồi là thẩm quyền cao hơn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Như vậy khi có ý kiến của Đại biểu quốc hội ở nghị trường hay bằng đơn kiến nghị… thì đương nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trực tiếp đại diện của người dân có trách nhiệm xem xét lại vụ án đó, nếu thấy có oan sai thì sẽ yêu cầu bên Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án đó".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Hòa Bình nói không thể căn cứ phát biểu của Đại biểu quốc hội để xem xét lại vụ án… là ổng coi thường những tiếng nói được cho là đại diện của người dân - Luật sư Đài nói tiếp :
"Ông Nguyễn Hòa Bình không chỉ là một người đứng đầu của ngành tòa án Việt Nam, mà còn là đảng viên, một Đại biểu quốc hội. Và đặc biệt trong điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam, mỗi đảng viên đều phải tiếp thu lắng nghe ý kiến của người dân… thế thì khi ông Bình phát biểu như vậy rõ ràng ổng coi thường tất cả mọi tầng lớp người dân. Ông ta không xứng đáng là một người đại diện đứng đầu ngành tòa án tối cao, không xứng đáng là người đảng viên Đảng cộng sản, cũng như không xứng đáng là một Đại biểu quốc hội được coi là người đại diện cho dân".
Trước đó theo truyền thông nhà nước, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã nêu ba câu hỏi với ông Bình như sau : "Vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định giá trị tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở vụ án Phan Văn Anh Vũ và vụ án Trần Văn Minh ? Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì bản án phúc thẩm số 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định giá trị tài sản thiệt hại hay không ? Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật ?"
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 21/11 từ Sài Gòn nhận định với một góc nhìn khác :
"Bà Nguyễn Thị Kim Thúy với vai trò là Đại biểu quốc hội khi đặt ba câu hỏi xoay quanh vụ án Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh, thì cả ba câu này thật ra là một, đặc biệt câu thứ hai thì vụ án này đã có giám đốc thẩm. Mà giám đốc thẩm là bản án chung cuộc, không có quyền khiếu nại. Vì vậy đối với vụ án cụ thể Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh thì tôi cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình với vai trò là Chánh án tòa Tối cao đã trả lời đúng với quy định của pháp luật".
Ý kiến thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, có lẽ bà Nguyễn Thị Kim Thúy lầm lẫn, không rõ về quy trình giám đốc thẩm. Ông Già giải thích :
"Bản án Giám đốc thẩm coi như chung cuộc, không bất cứ ai có quyền can thiệp dù đó là Chủ tịch Quốc hội, thậm chí một Ủy viên Bộ Chính trị cũng không có quyền can thiệp vào quyết định Giám đốc thẩm".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng vụ án của Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh Trị là vụ án tham nhũng… Trong khi đó hiện nay, những vụ án quan trọng dính líu đến sinh mạng của một con người, ví dụ như tử tù Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng chẳng hạn… cũng đều có quyết định giám đốc thẩm như vậy… và theo luật cũng không thể thay đổi. Ông Già nói thêm :
"Hệ thống pháp luật hiện nay Việt Nam hiện nay đã được quy định như vậy rồi, và quan chức cao cấp cho đến một thường dân có lẽ họ không hiểu gì về pháp luật. Cái này lỗi lớn thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vì vậy thay vì bà Nguyễn Thị Kim Thúy đặt những câu hỏi này, thì nên đặt những câu hỏi rõ ràng hơn, cụ thể hơn, ví dụ như ‘bao giờ thì có tam quyền phân lập ?’… thì lúc đó người Việt Nam mới có được công lý".
Những câu hỏi của Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy và của tất cả Đại biểu quốc hội xoay quanh về mặt hệ thống và thực thi pháp luật Việt Nam… thì theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chỉ là câu hỏi mang tính chất hình thức, nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó chính là tam quyền phân lập.
RFA, 20/11/2023
"Bản thân tôi rụng rời hết chân tay, còn bà con dân oan ở Ngô Thời Nhậm khi nghe tin ông bị bắt thì mọi người đều rất buồn, có một người dám nói lên sự thật giúp bà con nhưng bây giờ bị "bịt mắt bịt miệng" thì bà con rất là vô vọng".
Quochoi.vn
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA về cảm xúc của mình khi hay tin ông Lưu Bình Nhưỡng, phó Ban Dân nguyện Quốc hội, cựu Đại biểu quốc hội bị bắt về tội "cưỡng đoạt tài sản" vào hôm 14/11 vừa qua.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiếng nói hiếm hoi từ Quốc hội lên tiếng một cách công khai về lệnh thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng vào đầu tháng 8 vừa qua. Ông Nhưỡng cũng đã nhắn tin trực tiếp cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tạm hoãn thi hành án, đồng thời tiến hành xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với tử từ này.
Ngoài ra, hôm 27/9, ông Nguyễn Trường Chinh còn được gặp trực tiếp ông Lưu Bình Nhưỡng để trình bày về những oan khuất trong vụ án của con trai mình :
"Nói chung vào buổi tiếp hôm ấy, ông ấy cũng hỏi cặn kẽ và cho tôi trình bày hết những oan sai của con tôi.
Ông ấy bảo "cái này thì tôi sẽ tiếp nhận đơn của bác và tôi sẽ đề đạt lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để có phương pháp giải quyết. Tôi sẽ làm hết sức của mình, còn được như thế nào đó là tùy vào cấp trên của tôi… Thành thử bác cứ chờ đợi. Tôi mong bác có nhiều sức khỏe để tiếp tục con đường tìm công lý cho con của bác".
Lúc chia tay ông ấy có dặn như thế".
Không chỉ lên tiếng trước các vụ án oan nổi cộm trong thời gian qua, ông Lưu Bình Nhưỡng còn quan tâm đến các vụ khiếu kiện đất đai lâu năm, điển hình như vụ ở Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã kéo dài hàng chục năm qua.
Ông Nguyễn Hồng Quang, một người dân khiếu kiện đòi đất ở Thủ Thiêm cho biết ông đã in tất cả hồ sơ, chứng từ khiếu nại và trao tận tay ông Lưu Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2022 :
"Chúng tôi lên gửi cho toàn bộ tập hồ sơ rồi. Ông ấy hứa nhiều lần là sẽ đeo đuổi cái vụ Thủ Thiêm cho tới cùng, cho tới khi giải quyết xong. Ông Nhưỡng hứa nhiều lắm và liên tục gặp người dân Thủ Thiêm, đến bốn năm lần".
Ông Quang cho biết, trước đây hay đến tận bây giờ, khi ông Lưu Bình Nhưỡng không còn là Đại biểu quốc hội mà chuyển sang làm bên Ban Dân nguyện, bà con Thủ Thiêm vẫn gởi đơn cho ông là vì :
"Vì tin tưởng ông Lưu Bình Nhưỡng, không phải ông ấy lo lắng cho dân oan, nhưng ông ấy là một người một giáo sư luật 20 năm, ông ấy cũng là một luật sư giỏi, ông ấy cũng là một người am tường về nội tình guồng máy và những tiêu cực, những ách tắc trì trệ trong guồng máy, ông ấy luôn luôn gần gũi người dân, vạch trần, lên tiếng nói cho người dân rất là sâu sắc".
Trong suốt 17 năm trời ròng rã kêu oan cho con trai của mình, ông Chinh đã từng gởi đơn đến rất nhiều các cơ quan hữu trách, các lãnh đạo tối cao qua các thời kỳ, và một số Đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, trong số tất cả những người mà ông gởi gắm niềm tin, Lưu Bình Nhưỡng là người hiếm hoi dám lên tiếng về các vụ án oan ngay trong nghị trường Quốc hội :
"Ông ấy đã từng nói về vụ Hồ Duy Hải rất mạnh mẽ trên thị trường Quốc hội, thì đó là một minh chứng cho thấy ông ấy là người đứng về phía người dân.
Ông ấy cũng nói về sự lạm quyền của công an, của nền tư pháp Việt Nam xuống cấp, ông ấy nói rất đúng thực tại luôn chứ không sai một cái gì. Gần 500 Đại biểu quốc hội thì chỉ có một mình ông ấy dám nói mà thôi.
Hồ Duy Hải là một tử tù bị cáo buộc là thủ phạm giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở Long An hồi năm 2008. Tuy nhiên, chứng cứ và thủ tục tố tụng của vụ án này bị cho là có nhiều sai phạm. Ông Hải và gia đình cho đến nay vẫn liên tục kêu oan.
Ông Quang nói vô cùng thất vọng đối với 500 vị đại biểu nhân dân. Những vụ đại án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn người dân như vụ Thủ Thiêm đã không được ai nhắc tới trong nghị trường. Trong khi đó, các vị đại biểu lại tranh luận về các vấn đề mà ông Quang cho là nhỏ nhặt, như "đấu giá sim điện thoại số đẹp" hay "đại biểu phải mặc áo dài khi đi họp"…
Vì vậy, khi một người quan tâm đến các vụ dân oan khiếu kiện như ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, ông Quang cảm thấy rất bất ngờ, buồn và hụt hẫng :
"Người dân chúng tôi hụt hẫng, buồn vì trong 500 anh em Đại biểu quốc hội, không có mấy người dám nói, riêng ông Lưu Bình Nhưỡng thì đã nói rõ ràng, rất mạch lạc, đi xoáy vào trọng tâm của vấn đề mà thực tế xảy ra".
Ông Lưu Bình Nhưỡng, trước khi bị bắt đã nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông bới các phát biểu khá thẳng thắn, dám chỉ trích khuyết điểm của cả "siêu bộ" Công an và Quốc hội. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến trong dư luận trái chiều về nguyên nhân ông này bắt, trong đó, có quan điểm cho rằng ông này bị "trả đũa" vì những phát ngôn của mình.
Tối ngày 14/11, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Ông Nhưỡng bị cáo buộc có liên quan đến Cường "Quắt" - người đứng đầu một băng nhóm giang hồ, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Lê Quốc Quân, người từng là học trò của ông Lưu Bình Nhưỡng khi ông này còn giảng dạy ở Đại học Luật Hà Nội nhận định về vụ bắt giữ người thầy của mình :
"Thầy đã có những phát biểu rất mạnh mẽ trực tiếp phê phán ngành công an, mà còn trực tiếp phê phán luôn cả Quốc hội "đừng đóng kín cửa chia chác quyền lực với nhau". Đó là những điều thực sự hiếm hoi trong điều kiện hiện tại.
Khi thầy bị bắt thì chắc chắn có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự kiện này và tôi nghĩ là có rất nhiều ý kiến bảo vệ và bênh vực thầy".
Ông Lê Quốc Quân còn cho rằng, việc bắt và cáo buộc tội danh "cưỡng đoạt tài sản" cho ông Lưu Bình Nhưỡng là một kế hoạch nhằm bôi nhọ danh tiếng người thầy cũ của mình :
"Người ta đưa tin liên quan đến chuyện "Cường Quắt", rồi lại tiến hành lập biên bản hai cánh cửa gỗ của nhà thờ họ của thầy, thì đó là những việc làm hoàn toàn có chủ đích là hạ nhục thầy, gán ghép thầy với những hoạt động của xã hội đen, giang hồ hoặc là tham lam.
Và điều tôi lo ngại là người ta có thể khởi tố thầy về những điều khác nữa, ví dụ điều gì đó liên quan đến tham nhũng".