Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phản đối kéo dài việc chặn xe giao thông dù không bị lỗi ! (RFA, 02/06/2020)

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 1/6 cho biết sau 15 ngày thực hiện tổng kiểm soát phương tiện, đơn vị đã xử phạt gần 14.500 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.501 phương tiện, tước bằng lái đối với hơn 1.500 tài xế và phạt tiền hơn 8,2 tỷ đồng.

phat1

Ảnh minh họa. AFP

Đợt kiểm soát các phương tiện giao thông gồm cả xe khách, container, xe hơi, xe máy trong phạm vi thành phố được triển khai trong 1 tháng, từ ngày 15/5-14/6. Theo đó, cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng tất cả các loại xe vừa nêu để kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn cho rằng phía cảnh sát giao thông cần dừng lại hành động chặn xe để kiểm tra người tham gia giao thông không vi phạm :

"Thật ra theo nguyên tắc, công dân có quyền tự do đi lại, đây là quyền được ghi trong Hiến pháp. Việc người dân không vi phạm mà dừng họ lại thì bản thân việc đó đã vi phạm Hiến pháp. Vì vậy điều này không nên khuyến khích và không nên duy trì. Lực lượng công an Giao thông đường bộ thực hiện điều này không có cơ sở pháp lý. Các cơ quan nhà nước hoặc lực lượng giao thông chỉ được làm những điều luật pháp cho phép thôi, bản thân việc này vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân. Nên bãi bỏ ngay lập tức".

Đáng quan tâm, tuy việc dừng xe người đang tham gia giao thông vấp phải nhiều phản đối và trái với những điều luật định, nhưng đại diện Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh được báo trong nước dẫn lời vào ngày 1/6 cho biết sẽ tiếp tục duy trì các nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trong thời gian tới.

Trao đổi với RFA qua Facebook Messenger, anh Khôi Nguyên, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn cho rằng sở dĩ phía công an thành phố vẫn muốn tiếp tục duy trì kiểm tra, phớt lờ phản ứng dư luận là vì :

"Anh thấy công an phớt lờ lần một để thử vận may, ai vè may quá hốt hơn 8 tỉ trong 15 ngày ngon ơ nên việc duy trì là chuyện đương nhiên, không bàn cãi. Điều cần thắc mắc là chính phủ để cho Bộ Công an muốn làm gì thì làm như vậy mới không chấp nhận được".

Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cũng có nhận định về dự kiến của công an Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu :

"Nhà nước Việt Nam độc đảng hay còn gọi là cảnh sát trị thì họ muốn làm gì thì làm chứ việc đó rõ ràng vi phạm quyền tự do đi lại của người dân. Người ta chị bị dừng đi lại khi có lỗi, phạm luật còn người ta không phạm luật, không thông báo cứ thế kiểm tra rõ ràng anh vi phạm nhân quyền, coi thường quyền con người quá mức".

Còn theo Nhạc sĩ Lê Thiệu, đợt tổng kiểm tra giao thông mà chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chỉ đem đến sự bất tiện và mất thời gian của người dân.

"Đang chạy xe tự nhiên thích dừng trong khi người ta có công chuyện gấp, vô kiểm tra giấy tờ mất 15-20 phút mới được đi nếu đủ giấy tờ, còn không đủ thì phạt. Đợt dịch vừa rồi nói chung người dân ai cũng bị thiệt hại, cả toàn xã hội đều bị thiệt hại nên giờ người ta bung ra. Vừa mở lệnh giãn cách thì ai cũng lao đầu vào kiếm cơm, nhất là những người lao động tự do nên đi rất nhiều. Có những người họ khổ thì trong thời gian đó bảo hiểm người ta hết hạn chưa kịp đóng hoặc cần có những chi tiêu khác cần thiết hơn bảo hiểm như đóng tiền học cho con, lo cơm gạo. Nếu chính quyền như vây là rất ác với dân nghèo".

phat2

Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Courtesy : vov.vn

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Lê Thiệu, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng không chỉ ông mà người dân cũng không thể đồng tình với đợt tổng kiểm tra giao thông diễn ra trong một tháng. Đặc biệt sau khi hết cách ly thì người dân cần phải đi lại để mưu sinh, phục hồi kinh tế thì việc này ảnh hưởng rất nhiều đến người dân cũng như doanh nghiệp, kể cả quá trình phục hồi lại nhịp sống bình thường.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động Trần Bang cũng nêu lên tình trạng nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hay trên cả nước nói chung mà theo ông là chuyện công khai từ trước đến nay.

"Những năm trước sinh viên thi trên đài truyền hình có nói cảnh sát giao thông viết tắt (csgt) là con sâu gặm tiền. Những đứa trẻ ngồi sau lưng bố mẹ đi học lớp 1, lớp 2 đã biết là khi cảnh sát tuýt còi, dơ gậy ra là bố mẹ phải đưa tiền, trẻ con còn biết chuyện đấy. Nếu không đưa thì bị đi trễ, giữ xe gây phiền hà nên dân mình cứ đưa tiền cho nhanh".

Do đó, với thói quen đưa tiền để bôi trơn đã có lâu nay, ông Trần Bang cho rằng đây cũng chính là nguyên nhân khiến cảnh sát giao thông tuần tra, hay theo cách gọi của ông là ‘đứng đường’ nhiều hơn, kể cả ngay sau khi vừa kết thúc cách ly.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động ở Sài Gòn cũng bày tỏ quan ngại liệu con số 8,2 tỉ mà Bộ Công an thành phố công bố có thật sự minh bạch?

"Rõ ràng ngoài việc phạt được 8 tỉ còn số tiền không vào ngân sách, không thống kê, báo chí không ai biết được bao nhiêu vì để mua được chức ‘đứng đường’ tốn khá nhiều tiền thì đây là đợt để họ thu hồi, bù lỗ cho việc mua chức ‘đứng đường’ và bù lãi. Thứ trưởng Bộ Công an cách đây mấy năm cũng từng nói là không hiểu ra ‘đứng đường’ được gì mà người ta cứ phải chạy ra ‘đứng đường’".

Số liệu mà Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt công bố cho thấy chỉ trong 15 ngày nhưng đã xử phạt được hơn 1.300 người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn, hơn 1.800 xe lưu thông sai làn đường, phần đường, 729 trường hợp chạy vào đường cấm, ngược chiều. Ngoài ra cảnh sát còn phát hiện hơn 1.300 người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, 1.023 lái xe vượt đèn đỏ và 1.010 trường hợp không có bằng lái hoặc đăng ký xe.

Với kết quả đạt được như vừa nêu, lãnh đạo PC08 nhận định rằng chỉ sau nửa tháng triển khai cao điểm tổng kiểm soát phương tiện, tình hình trật tự giao thông trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực.

Truy nhiên, nhiều người dân cho rằng để đạt được kết quả như công bố của PC08 mà cách thức thực hiện vi phạm Hiến pháp Việt Nam thì phía Bộ Công an cần xem xét lại. Điển hình như bày tỏ của anh Khôi Nguyên :

"Đã là năm 2020 chứ có phải những năm 80, 90 đâu mà cảnh sát như cha như mẹ muốn thì kêu người khác tấp vào? Nói đơn giản là không sai phạm thì được đi, nhưng lúc đó có xin lỗi người dân vì làm mất thời gian của dân, vì xâm phạm quyền dân hay không thì không báo nào nhắc tới. Trước đây có ông lãnh đạo nói câu ‘Nếu sai, chúng ta chịu trách nhiệm trước dân, nếu dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật’. Vậy chứ cái này sai rành rành chưa thấy xin lỗi mà còn định tiếp tục tận thu thì ai giải quyết?"

*******************

Thêm vụ đình công tại công ty Đài Loan ở Bình Dương (RFA, 01/06/2020)

Gần 100 công nhân của công ty G.R.A của Đài Loan đã tập trung trước công ty ở khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương yêu cầu công ty trả sổ bảo hiểm để họ nhận các khoản trợ cấp nghỉ việc theo qui định.

phat3

Liên tiếp từ 26/5 đến 1/6 hơn 10.000 công nhân tại 2 công ty Đài Loan ở Bình Dương đình công đòi quyền lợi - RFA and courtesy of tienphong.vn

Theo đại diện của Công an đồn tại Khu công nghiệp Mỹ Phước nói với truyền thông trong nước ngày 1 tháng 6 thì phía công ty đã giải thích và có thông báo cuối tháng 6 sẽ giải quyết hết các chế độ cho công nhân, nhưng công nhân không đồng ý.

Trong khi đó, trả lời trên mạng báo Tiền Phong, ông Đặng Tấn Đạt – Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho hay, những người tập trung ở công ty đa số đã nghỉ việc nay quay lại đòi bảo hiểm. Liên đoàn Lao động đang làm việc với phía doanh nghiệp để giải quyết cho công nhân.

Tuần trước vào ngày 26/5, cũng tại Bình Dương, theo nguồn tin của RFA thì hơn 10 ngàn công nhân công ty Chí Hùng của Đài Loan cũng đã đình công đòi quyền lợi. Nguyên nhân được biết Công ty Chí Hùng thông báo công nhân sẽ phải nghỉ việc không lương 2 tháng do không có đơn hàng nhưng không thông báo cụ thể lúc nào công nhân sẽ đi làm trở lại. Vì lo lắng nên các công nhân đã đình công đòi lãnh đạo công ty giải thích.

Cuộc đình công đã trở nên tồi tệ hơn khi một nữ công nhân đang mang thai ngất xỉu vì bị chích điện và 4 công nhân khác bị công an bắt giữ. Tuy nhiên, sau sự vụ trên hầu hết báo chí trong nước đều đăng tải thông tin cho rằng một số công nhân bị kích động, có hành vi gây rối đã bị đưa về trụ sở công an làm việc.

Trả lời với truyền thông trong nước vào ngày 30/5, đại diện Công ty Chí Hùng cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 7 và 8 công ty không có đơn hàng nên sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động với một số công nhân. Dù vậy, phía công ty chưa thông báo cụ thể về tình hình và chế độ hỗ trợ công nhân nên một số công nhân hiểu nhầm rồi đình công để đòi quyền lợi.

Hiện công ty vẫn đang sản xuất. Riêng các chính sách hỗ trợ (trong trường hợp tiếp tục thiếu đơn hàng dẫn tới phải tạm hoãn hợp đồng lao động), công ty sẽ thông báo sau ngày 20/6. Trong thời gian tới, công ty có khả năng thực hiện 2 phương án : Phương án 1- thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động và không trả lương trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, còn việc hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động sẽ có thông báo sau ngày 20/6/2020. Phương án 2- đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điểm C, Khoản 1, Điều 38 Bộ Luật Lao động 2012.

Được biết, qua giải thích của công ty, đến ngày 30/5, công nhân tại Công ty Chí Hùng đã hết đình công và trở lại làm việc.

Published in Việt Nam