Mỹ nói sẽ ‘dốc sức’ cho quan hệ với Việt Nam bất chấp tình thân với Nga
VOA, 23/06/2024
Mỹ tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam liên quan tới Nga và "hoàn toàn dốc sức" cho tương lai chung của hai nước, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ phát biểu hôm thứ Bảy tại Hà Nội, hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin rời đi sau một chuyến thăm cấp nhà nước nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2024.
Mỹ và Nga hiện đang đối đầu ngày càng gay gắt về cuộc chiến tranh mà ông Putin phát động vào năm 2022 nhắm vào Ukraine, với quan hệ giữa hai cường quốc này đã xuống thấp tới mức chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Việt Nam duy trì quan hệ hữu hảo với cả Moscow lẫn Washington và xem cả hai đều là đối tác chiến lược toàn diện của mình.
Dù chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga khơi lên những chỉ trích từ phía Mỹ, Mỹ nói vẫn xem trọng mối quan hệ đang có với Việt Nam và vẫn tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ đó.
"Chúng tôi hết sức tôn trọng Việt Nam. Chỉ Việt Nam mới có thể quyết định làm sao để giữ gìn chủ quyền và thăng tiến những lợi ích của mình một cách tốt nhất", Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nói trong một cuộc họp báo hôm 22 tháng 6 khi được yêu cầu bình luận về chuyến thăm của ông Putin.
"Điều tôi tự tin là Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bao giờ đồng lòng hơn lúc này về viễn kiến chung cho khu vực và thế giới mà chúng ta muốn sống trong đó".
"Chúng tôi hoàn toàn dốc sức vào thành công của Việt Nam, vào tương lai chung của người dân hai nước chúng ta", ông nói thêm.
Ông Kritenbrink đến Việt Nam hôm 21 tháng 6 để tái khẳng định cam kết của Mỹ đối việc thực thi Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước đã đồng ý khi Tổng thống Joe Biden đến thăm vào tháng 9 năm ngoái, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, lưu ý rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng thương mại hiện nay đạt tới mức cao nhất từ trước tới nay vào khoảng 124 tỉ đôla.
Một cấu phần trọng yếu khác của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là đầu tư của Mỹ vào việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Kritenbrink nói đây là một trong những khía cạnh hợp tác sẽ mang lại lợi ích hữu hình cho cả hai nước.
"Tôi nghĩ khi nhìn vào tương lai của nền kinh tế thế giới, nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực bán dẫn", ông nói. "Và tôi nghĩ một số công tác chúng ta đang thực hiện trong những lĩnh vực đó có lẽ là một trong những công tác quan trọng nhất xuất phát từ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện".
Trả lời câu hỏi về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam bãi bỏ quy chế nền kinh tế phi thị trường, ông Kritenbrink nói đây là quy trình về mặt quản lý và pháp lý mà bộ đảm trách và không nói một kết luận có lợi cho Việt Nam liệu sẽ được bộ đưa ra hay không.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã ráo riết vận động để Mỹ xem xét lại viẹc nước này phân loại Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường. Một sự định danh như vậy nghĩa là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Thương mại Mỹ đã nói họ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam "một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ" và sẽ đưa ra quyết định vào tháng 7.
"Tôi cho rằng mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Việt Nam chưa bao giờ quan trọng hơn so với lúc này. Và tầm quan trọng của mối quan hệ đó sẽ chỉ tiếp tục phát triển", ông Kritenbrink nói.
Nguồn : VOA, 23/06/2024
**************************
Mỹ khẳng định cam kết đối tác chiến lược toàn diện
RFA tiếng Việt, 20/06/2024
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương - ông Daniel Kritenbrink sẽ đến Hà Nội vào hai ngày 21 và 22/6 để khẳng định cam kết của Mỹ với Việt Nam trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo thông tin về chuyến đi này hôm 20/6.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink phát biểu tại mộ lễ ký bản ghi nhớ với Philippines ở Manila, Philippines hôm 21/5/2024 - AFP
Theo thông báo, vị cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội trong chuyến thăm này sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam thịnh vượng, độc lập.
Chuyến thăm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Hà Nội vào hai ngày 19 và 20/6. Trong chuyến thăm này, ông Putin và Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định cam kết làm sâu hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao cao nhất với Nga vào năm 2012 trong khi mới chỉ nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất vào tháng 9 năm ngoái nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội.
Chỉ trong vòng hai năm qua, Hà Nội đã liên tục tiếp ba lãnh đạo cấp cao nhất của ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nga - cũng là ba nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Báo chí Nhà nước Việt Nam gọi đây là chiến lược ngoại giao cây tre uyển chuyển của Việt Nam giữa các nước lớn.
Trước chuyến thăm của ông Putin - người đã bị Toà Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ với cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh trong cuộc chiến xâm lược Ukraine - Hà Nội đã bị Hoa Kỳ chỉ trích.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết : "Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình".
Hà Nội hiện cũng có những căng thẳng ở Biển Đông với Bắc Kinh nơi Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước đang tranh chấp trong khu vực.
Hồi đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nguồn : RFA, 20/06/2024