Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình UBND Thành phố xem xét và để người dân góp ý về vấn đề cho thuê vỉa hè lòng đường sau khi cách đây ít lâu, tại thành phố này vừa có chiến dịch dọn dẹp vỉa hè trả cho người đi bộ.
Chợ đồ cổ vỉa hè ở Hà Nội hôm 3/2/2016.AFP photo
Vậy vấn đề nhà nước cho thuê vỉa hè lòng đường tại các đô thị nên hay không và dư luận xã hội nói gì về việc này ?
Thời gian gần đây, trên các thành phố lớn ở Việt Nam rầm rộ tiến hành chiến dịch lấy lại vỉa hè lòng đường để trả cho người đi bộ. Vấn đề này cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân lâu nay phải "bám" vỉa hè để mưu sinh.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang lập mới danh mục những tuyến đường cho phép sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường có thu phí, để trình UBND Thành phố xem xét và để người dân góp ý.
Trả lời câu hỏi nhà nước có nên cho người dân thuê vỉa hè vào các mục đích kinh doanh hay không ?
Bà Bé ở một người bán hàng tại vỉa hè ở khu vực Quận Ba cho biết, lâu nay việc vẫn có việc thu phí sử dụng vỉa hè dù là không chính thức và chính quyền lâu lâu cũng đến nhắc nhở hoặc phạt lấy lệ. Bà nói :
"Tôi chấp nhận đóng phí thuê vỉa hè, song với điều kiện phải cấp giấy cho phép sử dụng lòng lề đường chỗ này".
Bà Thúy một chủ cửa hàng ở khu trung tâm Hà nội bày tỏ :
"Theo tôi việc nhà nước cho thuê vỉa hè là không hợp lý, vì việc đó sẽ ảnh hưởng đến việc đi ra vào các nhà có mặt đường. Như vậy khi cho thuê vỉa hè thì nó sẽ ảnh hưởng đến các hộ đó như thế nào ?"
Ông Đức một cán bộ hưu trí ở Quận Hoàn Kiếm thấy rằng, ở các đô thị lớn số người bám vào vỉa hè để mưu sinh là con số không nhỏ. Nếu nhà nước cho thuê vỉa hè để kinh doanh sẽ giúp họ ổn định cuộc sống. Ông cho biết :
"Theo tôi để vừa đảm bảo sự an toàn cũng như việc mưu sinh của một số người, thì nên cho họ khai thác những chỗ ấy. Còn 1,5 m thì để giành cho người đi bộ".
Người dân buôn bán dọc lề đường thành phố Sài Gòn. AFP photo
Từ Hà nội Kiến trúc sư Đặng Văn Hà, thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, theo điều 35 Luật Giao thông Đường bộ đã quy định vỉa hè chỉ giành cho người đi bộ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam như hiện nay thì việc đặt vấn đề cho thuê vỉa hè là phù hợp. Theo ông lâu nay chi phí bảo trì vỉa hè hầu như là không có, nên tình trạng vỉa hè nhếch nhác là phổ biến. Việc cho thuê vỉa hè sẽ tăng thu ngân sách để đáp ứng nhu cầu này. Ông lưu ý :
"Cần phân rõ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào cho người phải mưu sinh bằng các hoạt động trên vỉa hè, như kinh doanh hàng ăn, trông giữ xe máy, ô tô v.v... Song cũng cần phân rõ phần vỉa hè nào là để đi bộ, phần nào còn dư thì bố trí ưu tiên cho hoạt động của những người phải mưu sinh bằng các hoạt động trên vỉa hè, như kinh doanh hàng ăn,trông giữ xe máy, ô tô…"
Đề cập tới vấn đề cho thuê vỉa hè, trên trang facebook của Tiến sĩ Chinh Ngoc Tran có viết rằng, ngay cả với một số tuyến phố có công trình vỉa hè rộng hoàn toàn có thể dành lại một phần vỉa hè để cho người dân thuê làm dịch vụ kinh doan, ẩm thực. Đây là việc cần thiết và thấu tình, đạt lý để hướng tới sự cân bằng giữa vấn đề sử dụng vỉa hè và mỹ quan đô thị.
Khi được hỏi về các giải pháp cần thiết để việc cho thuê vỉa hè có hiệu quả ?
Một lãnh đạo đội quản lý trật tự đô thị Quận 1, Thành phố HCM yêu cầu không nêu danh tính cho biết, vấn đề này mới ở mức chủ trương của Thành phố nhưng chưa chính thức. Ông nói :
"Muốn đảm bảo được hiệu quả thì các lực lượng chức năng phải duy trì cái tuần tra kiểm soát thường xuyên, để đạt được sự ổn định như lúc đầu chiến dịch".
Theo Kiến trúc sư Đặng Văn Hà việc thu phí thuê vỉa hè đã tồn tại từ rất lâu, nhưng không được công khai và minh bạch. Nguồn thu đó cần được tái sử dụng để chỉnh trang đô thị. Ông cho biết :
"Trên cơ sở các hợp đồng xác định rõ trách nhiệm giữa nhà nước và các cá nhân. Trong quá trình thực hiện cần phải tăng cường khâu giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, phải có cơ chế minh bạch để tránh tình trạng bảo kê, trục lợi. Những đơn vị quản lý việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh phải là tổ chức của Nhà nước và phải đảm bảo công khai về giá cho thuê".
Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định rằng, hiện ở Việt Nam có hai nền kinh tế : chính thức và phi chính thức. Do đó, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng đối với loại hình kinh tế thứ hai và cần bố trí cho họ tới những khu phố dành riêng cho hoạt động buôn bán. Riêng đối với các khu vực vỉa hè sau khi có sự điều tra, tính toán nhận thấy có thể cho phép buôn bán thì hoàn toàn có thể đề ra hướng cho người dân thuê. Hình thức này nhiều nước đã áp dụng và thu được những kết quả khá tích cực.
Anh Vũ, thông tín viên RFA
********************
Thiếu lao động kỹ thuật cao tại Việt Nam liên quan đến giáo dục thế nào ? (RFA, 12/06/2017)
Ngày 7 tháng sáu, trên tạp chí quốc tế chuyên về kinh tế là Forbes có đăng bài phân tích của tác giả Ralph Jennings cho rằng Việt Nam hiện thiếu hụt người lao động có kỹ thuật cao, vì thế sẽ mất phần trong những dự án đầu tư đòi hỏi công nhân có trình độ cao, mà cụ thể là sẽ không cạnh tranh được với Trung Quốc, nước hiện có đến 24% số người trong tuổi lao động có trình độ cao, có thể đảm đương những công việc hiện đại.
Ảnh minh họa chụp tại Hải Dương tháng 1 năm 2017. AFP
Sau đây là nhận xét về vấn đề thiếu hụt người lao động có kỹ năng của một số chuyên gia kinh tế và giáo dục trong nước.
Một người làm trong lĩnh vực giáo dục là Tiến sĩ Trần Vinh Dự, hiện là Chủ tịch trung tâm quốc tế của đại học Broward của Mỹ tại Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ tại Sài Gòn cho rằng khoảng cách về kỹ năng của công nhân giữa Trung Quốc và Việt Nam là đương nhiên vì Trung Quốc mở cửa phát triển kinh tế thị trường trước Việt Nam, có cơ hội tiếp cận kỹ thuật nước ngoài nhiều hơn.
Tuy nhiên ông và một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy Ban chính sách phát triển của Liên Hợp Quốc, hiện sống ở Hà Nội cho rằng nhận xét của Forbes về sự kém hấp dẫn của Việt Nam trong các dự án đầu tư kỹ thuật cao cũng có phần hơi thổi phồng, vì đã có những công ty như Intel của Mỹ chuyên sản xuất các bộ vi xử lý cho máy tính đã chọn Việt Nam, tương tự như vậy công ty Samsung của Hàn Quốc sản xuất hầu như toàn bộ điện thoại thông minh của họ tại Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói :
"Intel cũng có đi thăm Ấn Độ và Trung Quốc, và quyết định đặt ở Việt Nam vì người công nhân Việt Nam học nhanh và khéo léo. Samsung thì cũng đã đầu tư một trung tâm nghiên cứu và triển khai, và Samsung cũng đã sử dụng hơn 1.000 kỹ sư phần mềm của Việt Nam. Có nghĩa là toàn bộ các phần mềm của điện thoại thông minh của Samsung hiện nay là do các kỹ sư Việt Nam làm".
Theo thông tin của hãng Samsung đưa ra vào năm 2016, được báo mạng Việt Nam Vnexpress trích dẫn thì trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động có đến 80% nhân viên là người Việt Nam.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, bài phân tích của tạp chí Forbes cũng có một phần sự thật vì hiện nay các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu nhắm vào ưu thế giá công nhân rẻ, ví dụ như giá công nhân ở Việt Nam rẻ hơn vùng Quảng Đông, nơi phát triển kinh tế rất mạnh mẽ ở Trung Quốc đến 2,5 lần.
Theo ông Doanh, từ lâu các nhà quan sát kinh tế đã có cảnh báo Việt Nam không thể dựa mãi vào ưu thế công nhân giá rẻ :
"Cảnh báo đó thì Việt Nam có biết và cũng có những nỗ lực, thế nhưng mà các nỗ lực và hành động không theo kịp các mong đợi của doanh nghiệp, và có lẽ cần phải có nỗ lực nhiều hơn nữa".
Các nỗ lực đó theo ông Doanh nằm ở ba vấn đề : vấn đề chính sách phải có tính dự báo được, điều thứ hai là các cơ sở hạ tầng cho việc làm ăn kinh tế phải được cải thiện, và vấn đề thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực, trong đó có công nhân kỹ thuật cao.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, ở tầm mức quốc gia, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc đào tạo công nhân kỹ thuật cao cần được tổ chức lại :
Công nhân xây dựng tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp năm 2016. AFP
"Có vấn đề của ngành giáo dục Việt Nam, và cũng có vấn đề của hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam. Hệ thống đào tạo nghề đó hiện đang được chia cho hai bộ, một là Bộ giáo dục và đào tạo, và hai là Bộ lao động. Việc hai bộ cùng phụ trách một lĩnh vực như vậy thì cũng không làm cho lĩnh vực đó mạnh lên, cho đến nay thì cũng còn có nhiều vấn đề".
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện đang sống ở Hà Nội thì một vấn đề rất lớn đặt ra cho các trường dạy nghề ở Việt Nam là không biết đào tạo để làm gì :
"Ở Việt Nam mình kỹ thuật cao đào tạo ra rồi có việc làm hay không ? Cái này giống như là con mèo đuổi theo cái đuôi của mình, cái nào đi trước cái nào đi sau. Mình đào tạo rồi ra có việc làm hay không, hay là có việc làm rồi mới đào tạo ? Đào tạo ra phục vụ cho doanh nghiệp nào ? Đối với vấn đề đào tạo thì cái khó khăn nằm ở chổ đầu ra, chỗ việc làm".
Ông Trần Vinh Dự lại nhìn thấy một trở ngại trong vấn đề văn hóa của người Việt Nam đã tạo nên một tình cảnh thiếu hụt công nhân có kỹ thuật :
"Đào tạo công nhân thì nằm ở các trường cao đẳng hoặc trung cấp, có khuynh hướng nghề nghiệp. Cái này rất cần nhưng mà ở Việt Nam mình luôn bị đặt ở mức yếu theo nghĩa là người Việt không thích học các trường cao đẳng hay trung cấp. Họ thường thích tấm bằng đại học hơn, vì cái đó nghe nó sang, nó oai hơn. Đó là một điều đặc thù mang tính văn hóa, còn lâu mới khắc phục được".
Tâm lý thích học đại học hơn học nghề của dân chúng, cũng như vấn đề đầu ra của việc đào tạo đã tạo nên một số lượng lớn các cử nhân trẻ vừa tốt nghiệp của Việt Nam không có việc làm. Theo con số được Bộ lao động và thương binh xã hội đưa ra vào tháng hai năm 2017, con số này lên đến 200 ngàn người. Theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư được tổ chức Healey trích dẫn về nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thì tổng số người được đào tạo từ các trường dạy nghề và cao đẳng chiếm 7% lực lượng lao động, trong khi người có trình độ đại học và sau đại học chiếm 9%.
Để khắc phục nạn thiếu công nhân có tay nghề cao, ông Trần Vinh Dự nói rằng đã có một mô hình rất thành công ở Việt Nam là công ty lắp ráp ô tô Trường Hải đóng trên địa bàn vùng quê tỉnh Quảng Nam. Công ty này đã chọn con em nông dân để đào tạo miễn phí và sau đó làm việc cho
"Các trường đào tạo nghề thì thường đứng riêng, không có các liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không hỗ trợ kinh phí để các trường đào tạo nghề có kinh phí để đào tạo. Sự liên kết giữa hai bên không có mấy. Về phía trường thì không có đào tạo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Trường không có kinh phí đào tạo thì phải lấy học phí của học sinh, lấy cao quá thì học sinh không có năng lực để trả. Mà lấy thấp thì không thể đào tạo tốt được. Thành ra đấy là một mắc xích bị đứt, nếu mà nối được thì giúp cho việc đào tạo nghề trở nên rất hiệu quả".
Một mô hình đào tạo công nhân kỹ thuật cao khác được nhà nước Việt Nam thúc đẩy trong những năm qua là chương trình đưa công nhân đi làm việc và đào tạo ở Hàn Quốc và Nhật Bản, gọi là thực tập sinh. Trên trang web của Bộ lao động và thương binh xã hội, trong phần nói về chương trình Nhật Bản có nói là những thực tập sinh này sẽ được thực tập kỹ thuật tại Nhật.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mục đích đào tạo công nhân có tay nghề qua các chương trình này không thành công :
"Các công nhân đi Hàn Quốc và Nhật Bản thì chủ yếu là muốn tìm nguồn thu nhập cao hơn. Đến nơi họ cũng không được bồi dưỡng và đào tạo lại vì họ không có ngôn ngữ là đủ trình độ để tham gia các lớp đào tạo đó. Cho nên họ chỉ là những công nhân làm những công việc mà công nhân Nhật Bản và Hàn Quốc không muốn làm nữa, và giao cho công nhân Việt Nam làm. Đến khi về thì những người công nhân đó cũng không nâng cao lên được trình độ bao nhiêu".
Để có thể đào tạo nhiều hơn công nhân có tay nghề và có việc làm thay vì cử nhân mà thất nghiệp, theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự thì ngoài chuyện thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và trường học, Bộ giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay cũng đã nhìn thấy tâm lý văn hóa chuộng đại học hơn học nghề của người Việt và đã có những biện pháp để có thể thay đổi tâm lý đó :
"Giảm chỉ tiêu của đại học năm nay xuống. Tổ chức phân luồng sớm, để cho các em có ý thức sớm được em nào thích hợp với bậc học gì, cao đẳng, đại học hay trung cấp, để vào đến lớp 12 không bị cái tâm lý bầy đàn là cả lớp kéo nhau đi học đại học".
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ngành giáo dục Việt Nam cần cải tổ mạnh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Theo ông có ba điều cần phải làm : phải khuyến khích tự do trao đổi giữa thầy và trò trong giáo dục để khuyến khích suy nghĩ sáng tạo, phải có những trang thiết bị máy móc hiện đại, và cần phải khuyến khích việc rèn luyện thể chất cho thế hệ trẻ.
Trong bài viết của Ralph Jennings trên tạp chí Forbes, tác giả có nói rằng Việt Nam là quốc gia coi trọng giáo dục, và tương đối thành công ở lĩnh vực tiểu học. Theo tác giả, nếu muốn tăng cường sự cạnh tranh của mình trong tương lai, lĩnh vực giáo dục của Việt Nam vẫn sẽ là điều chủ chốt.
Kính Hòa, phóng viên RFA
********************
Việt Nam 'làm tượng đài hoành tráng quá' (BBC, 12/06/2017)
Xây công trình tượng đài 'cần căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử', theo ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam.
Một người đi qua tượng đài Điện Biên Phủ
Công trình tượng đài N'Trang Lơng, Đắk Nông, với mức đầu tư 147 tỉ đồng đang bị đình trệ khiến khơi lại dư luận xã hội về hiện tượng xây tượng đài hàng loạt ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam trong những năm qua.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây điều tiếng vì có ngân sách tới 411 tỷ đồng dù đoạt huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Đây là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên diện tích 15 ha ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, có chiều cao 18,5m làm từ đá hoa cương Bình Định.
Dư luận cũng đã nêu ý kiến về một loạt các dự án tượng đài với kinh phí quá lớn khác như công trình tượng đài Hồ Chủ tịch tại tỉnh Sơn La với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Chưa kể dư luận đã nhiều lần lên tiếngvề hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành : tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)... đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong mau chóng bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh.
Tượng chiến sĩ tại Tượng đài Điện Biên Phủ
Trả lời BBC Tiếng Việt về các công trình xây dựng tượng đài như vậy, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói :
"Tượng đài là công trình văn hóa kỷ niệm và quốc gia nào cũng cần phải có vì nó là một phần của lịch sử. Nhưng vấn đề là phải làm thế nào để có sự nhìn nhận cho đúng.
"Hiện nay chúng ta có xu hướng làm tượng đài quy mô quá và thiếu sự chuẩn bị thật kỹ càng nên sinh ra vấn đề dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến.
Để giải quyết vấn đề này, Kiến trúc sư Luyện cho biết làm tượng đài phải tùy từng vị trí nó ở đâu.
"Vị trí quy hoạch chỉ có một không gian nhất định thì chỉ cho phép làm lớn bao nhiêu đó thôi chứ không phải muốn làm lớn tới bao nhiêu thì làm. Nếu chúng ta làm một cách có bài bản thì phải như vậy, chứ không phải chủ quan người nào quyết định muốn như thế thì là được", kiến trúc sư nói.
Đây cũng là một ý được kiến trúc sư khác, ông Phạm Thanh Tùng, nêu ra trong bài Tượng đài cho ai ? gửi tới báo Tuổi trẻ mới đây. Ông cho rằng "nhiều vị trí đặt tượng đài không phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị bởi sự thiếu kết hợp trong lập quy hoạch xây dựng với chủ trương xây dựng tượng đài".
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, hai yếu tố gồm khuôn khổ, kích thước tượng đài và ý nghĩa lịch sử của tượng đài sẽ quyết định quy mô của công trình sẽ hoành tráng đến đâu.
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cần Thơ (ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn Trực Luyện nói thêm : "Ngoài vấn đề quy hoạch và có xu hướng làm tượng đài hoành tráng quá, không nên, thì còn tình trạng làm tượng đài không theo bài bản chuyên môn chặt chẽ.
"Muốn có bài bản thì cần có nghiên cứu chuẩn bị, có hội đồng xét duyệt. Thành viên tham gia Hội đồng xét duyệt tượng thì tùy tính chất của từng tượng đài nhưng không thể thiếu kiến trúc sư, nhà quy hoạch, lịch sử, văn hóa, những thành viên tham gia hội đồng xét duyệt tượng đài.
Ông kết luận rằng trong tương lai cần phải căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử mới có thể làm có kết quả tốt được.
Tượng đài hay tượng thờ ?
Một điểm đáng chú ý được Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu trên báo Tuổi trẻ đó là :
"Việt Nam vốn không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài bắt đầu du nhập vào Việt Nam theo xu hướng tượng đài của Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ công tác tuyên truyền, vinh danh chiến thắng".
Và kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng Việt Nam còn nghèo nên việc xây dựng tượng đài cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng. Ông nói
"Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân. Xây dựng tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa", kiến trúc sư Tùng được trích lời cho biết.
*********************
Giá trị thủy sản giảm gần 2% do ô nhiễm biển (RFA, 12/06/2017)
Cần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản
Giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm ngoái giảm gần 2% so với mức trung bình của cả giai đoạn 2013-2016.
Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận như vừa nêu trong báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nguyên nhân được người đứng đầu ngành Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết chủ yếu do anh hưởng nặng nề của thiên tai và tình trạng mà ông này gọi là ‘sự cố ô nhiễm môi trường biển’ ở 4 tỉnh miền Trung.
Trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011- 2015 so với gian đoạn 2000-2005 giảm khoảng 14% ; trong đó nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%.
Các nhóm nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam thống kê chủ yếu gồm cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc… Ước tính số này dao động từ 4 triệu đến 4 triệu 6 trăm ngàn tấn trong giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên số này chưa bao gồm nguồn lợi hải sản trong các hệ sinh thái vùng ven biển, nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng dốc thềm lục địa, vùng biển sâu từ 200 thước trở ra và các gò nổi.
Thống kê cho thấy trên cả nước Việt Nam có gần 111 ngàn tàu đánh cá với chừng 650 ngàn lao động trực tiếp trên biển và hằng triệu lao động trên bờ.
Vấn đề Formosa là một trong hai vấn đề mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ nêu lên trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 sẽ được tiến hành từ ngày 13 đến 16 tháng 6.
Truyền thông trong nước trích phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa rằng ông này sẽ tập trung chất vấn việc Formosa sửa chữa, khắc phục các lỗi xong chưa. Thế nhưng ông cho biết quan tâm đặc biệt của ông là môi trường biển : đến nay đã khôi phục được môi trường biển bị ô nhiễm hay chứa hoặc khôi phục được bao nhiêu. Bên cạnh đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân chịu tác động.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương thuộc đoàn Quảng Bình, một trong bốn tỉnh được đưa vào danh sách chịu tác động bởi thảm họa môi trường biển ô nhiễm do Formosa gây nên, cho biết sẽ chất vấn về những giải pháp làm sạch môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội miền Trung, đặc biệt ngành du lịch.
Đại biểu Phan thị Bình Thuận thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết khi chất vấn về giám sát đầu tư công cũng sẽ đề cập đến vụ việc Formosa xả thải ra biển ; tình trạng không phát hiện, xử lý những sai phạm kịp thời để ngăn chặn thiệt hại như ở các dự án kém hiệu quả…
Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 6, bốn bộ trưởng các bộ Nông nghiệp - Phát triển - Nông thôn, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, Văn Hóa - Thể thao - Du lịch sẽ trả lời chất vấn của các vị đại biểu trong kỳ họp hiện nay.