Gia Lai : Quân nhân tử vong - đơn vị nói đột quỵ nhưng thương tích đầy mình
RFA, 01/12/2021
Một quân nhân nghĩa vụ ở tỉnh Gia Lai tử vong trong doanh trại, phía đơn vị thông báo là do đột quỵ, nhưng biên bản khám nhiệm tử thi cho thấy nhiều vết thương cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể.
Quân nhân Nguyễn Văn Thiên - Facebook Nguyễn Thuý Nga
Binh nhất Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, ở thôn 2, xã Nghĩa An, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai. Nhập ngũ theo diện nghĩa vụ hồi tháng 2 năm 2020, theo dự kiến là còn khoảng một tháng nữa thì ra quân.
Tuy nhiên, gia đình cho biết vào khoảng 23g ngày 29 tháng 11, phía đơn vị thông báo là Thiên bị đột quỵ và đề nghị gia đình cử người tới bệnh viện tỉnh Gia Lai để chăm sóc.
Thế nhưng khi gia đình gần tới nơi thì được thông báo là Thiên đã qua đời.
"Đầu tiên là nó điện về báo là em bị đột quỵ, cho hai người lên chăm sóc. Gần tới nơi thì nó báo là em chết rồi. Xong thì nó dẫn ra nhà xác của bệnh viện Gia Lai". Anh Nguyễn Hùng Anh, anh trai của quân nhân Thiên kể lại.
Ông Nguyễn Văn Thanh Nghĩa, chú của quân nhân bị tử vong, là một trong những người đầu tiên đến bệnh viện, cho biết khi ông tới nơi thì đã thấy sự hiện diện của pháp y quân đội, người nhà được thông báo là vì sự việc xảy ra trong doanh trại nên theo quy định là phải tiến hành khám nghiệm tử thi.
Quá trình khám nghiệm tử thi kéo dài từ 3g sáng cho đến 7g sáng ngày 30 tháng 11. Gia đình cho biết họ không được phép sao chụp lại biên bản khám nghiệm, mà chỉ được một nhân viên đọc cho nghe tóm tắt kết quả giám định.
Trong đoạn ghi âm mà gia đình cung cấp, nhân viên pháp y đọc nội dung biên bản khám nghiệm tử thi, trong đó tiết lộ nhiều chấn thương cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể của quân nhân Nguyễn Văn Thiên, bao gồm :
‘Nhiều điểm tụ máu và mạch máu bị vỡ trong não. Mô cơ ở vùng thái dương phải bị dập nát. Hai bên phổi phù nề, sưng huyết dữ dội, bên trong có nhiều dịch màu đỏ. Tim có nhiều điểm xuất huyết.’
Người nhà cũng xác nhận nhìn thấy nhiều vết bầm tím ở vùng đầu, mặt, cạnh sườn và toàn bộ vùng lưng trên thi thể của quân nhân này. Các hình ảnh video quay lại xác nạn nhân ở nhà được đưa lên Facebook cũng cho thấy các vết bầm trên đầu của nạn nhân.
Một điểm đáng chú ý khác trong biên bản khám nghiệm tử thi, được viên pháp y đọc, đó là Thiên được xác định tử vong từ lúc 22g ngày 29 tháng 11. Nhưng gia đình cho biết là họ chỉ được thông báo lúc 23g tối hôm đó là Thiên bị đột quỵ, và phải đến gần 12g khuya mới được biết là con em của mình đã qua đời.
Gia đình cũng cho biết là bên pháp y thông báo phải đợi từ 10 đến 20 ngày mới có kết quả chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của quân nhân Nguyễn Văn Thiên, trong khi đó phía Quân khu 5, đơn vị quân đội mà Thiên thực hiện nghĩa vụ, lại muốn tổ chức khâm liệm và mai táng theo nghi thức quân đội càng sớm càng tốt.
"Nó nói là bên gia đình phải đợi 10 đến 20 ngày, nhưng cái xét nghiệm tử thi nó chỉ có kết quả trong một đến hai ngày thôi, nhưng mà bên này nó phải kéo dài đến 10 ngày, thì gia đình tôi đang thắc mắc là tại sao phải kéo dài như thế ?"
Mà bên Quân khu 5 người ta có khuyên gia đình, nói chung là người ta khuyên gia đình là nên an táng luôn cho cháu được an nghỉ, nhưng bên gia đình chúng tôi không đồng ý. Bởi vì cháu tôi còn nhiều oan ức chưa sáng tỏ nên gia đình chúng tôi chưa đồng ý". Bà Nguyễn Thị Thu Hà, cô ruột của quân nhân Thiên nói với RFA.
Truyền thông Nhà nước vào ngày 1/12 trích thông tin được Đại tá Lê Tuấn Hiền thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai thông báo chính thức cho biết : "Thông tin trên mạng lan truyền rất nhanh với nội dung sai lệch, méo mó. Thực tế quân nhân trong Trung đoàn BB991 không có ai đưa hình ảnh anh Nguyễn Văn Thiên lên mạng. Trong khi vụ việc đã rất rõ, không có gì phải che giấu, khuất tất".
Ông Hiền được báo chí Nhà nước trích lời cho biết : "Hình ảnh vết bầm và vết mổ trên thi thể quân nhân Nguyễn Văn Thiên là do tự ngã và vết mổ khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau".
Ông Hiền cũng cho biết việc khám nghiệm tử thi quân nhân Thiên là do pháp y tỉnh Gia Lai đảm nhận chứ không phải pháp y quân đội. Ông này nói rằng theo quy định của pháp luật, biên bản pháp y không được chụp ảnh, chia sẻ, lan truyền ra bên ngoài. Trường hợp khi người nhà nạn nhân có khiếu nại thì sẽ cho xem đối chứng bản gốc biên bản khám nghiệm pháp y.
Phía gia đình nạn nhân cho biết khoảng ba ngày trước khi xảy ra sự việc, quân nhân Thiên có nói với bạn gái của anh rằng anh đã xô xát với một vài người trong đơn vị. RFA không có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.
Trước đó, hồi tháng 6 năm 2021, quân nhân Trần Đức Đô ở Bắc Ninh cũng đã tử vong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, phía quân đội kết luận là do tự sát, nhưng gia đình không đồng tình vì phát hiện nhiều vết thương trên cơ thể. Sự việc đã thu hút sự chú ý của dư luận cả nước.
*******************
"Chuyện này hoàn toàn bất ngờ. Em Thiên còn gọi điện nói chuyện với người yêu, trước đó gọi cho mẹ bình thường, vài ngày nữa con nghỉ phép về chơi rồi lên lại làm thủ tục ra quân. Nhưng chưa kịp làm thì xảy ra chuyện rồi".
"Tối hôm đó em đi nhậu, bị đánh, nhưng hiện tại gia đình không có nhân chứng, bằng chứng nên không làm gì được hết".
"Họ đã kết luận em bị đột quỵ, té ngã... chứ không có hứa điều tra thêm gì. Gia đình hôm qua đã xem tin báo chí đưa, nhưng mình không có cách nào hết, mình chỉ là dân đen thôi".
Ngày 2/12, phía quân đội cùng gia đình đã tổ chức tang lễ cho anh Nguyễn Văn Thiên tại quê nhà.
Sự việc này khiến nhiều người nhớ lại vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong cũng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hồi tháng 6/2021.
Gia đình nạn nhân chưa muốn tổ chức mai táng ngay, mà muốn chờ thêm kết quả điều tra để làm rõ cái chết của anh Thiên, nhưng dường như có "dồn ép" buộc gia đình phải làm tang lễ sớm.
Một người nhà của binh nhất Nguyễn Văn Thiên xin giấu tên nói rằng chính quyền địa phương thông báo sẽ cưỡng chế nếu gia đình không chịu đem chôn dù gia đình không muốn làm lễ tang ngày hôm nay vì cho là ngày xấu.
Bức xúc nhưng cũng bất lực, chị Trần Thị Tuyền nói với BBC :
"Mình chỉ là dân thường thôi, không tiếng nói, không có thế lực, bên đó dồn ép quá thì gia đình đành phải mai táng em. Chức còn thật ra gia đình vẫn không muốn, em ra đi oan ức quá, nhưng mình không chôn không được. Họ dàn xếp hết rồi, mình không mai táng em là không được".
Ngày 2/12, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói với BBC News iếng Việt vừa lo xong hậu sự cho cháu ruột của mình Nguyễn Văn Thiên.
Bà nói còn một tháng nữa là Thiên xong nghĩa vụ và được về với gia đình nhưng rốt cuộc lại qua đời không rõ nguyên nhân. Vì vậy, cả gia đình "suy sụp hoàn toàn, rất đau xót".
"Cháu gần về có hứa với gia đình chỉ còn một tháng sẽ về chăm lo, làm kiếm tiền cho ba mẹ đỡ khổ. Nhưng em nó chưa kịp về thì đã thế này, chúng tôi vừa buồn, bức xúc và mất mát quá lớn".
"Trong quá trình đi nghĩa vụ quân sự, Thiên chỉ nói một câu là thấy buồn chứ không nói gì thêm. Em nó vẫn điện về nói chuyện hỏi thăm ba mẹ. Lúc đầu nhận tin em bị đột quỵ đang cấp cứu ở bệnh viện thì gia đình hơi hoảng loạn vì nghĩ là còn hy vọng nên chỉ có hai người là ba và chú ruột của Thiên đến bệnh viện. Nhưng gần tới nơi thì được thông báo là em nó mất, trước 10 giờ đêm".
Bà Hà cũng nhấn mạnh, trước khi đi bộ đội người ta khám kĩ càng nên Nguyễn Văn Thiên trước đó không có tiền sử bệnh tật gì.
"Trước ngày mất ba ngày, em nó vẫn điện về nói chuyện với mẹ, thấy vẫn khỏe mạnh bình thường. Lúc ba và chú ruột lên nhận thi thể thì rất bức xúc vì thấy trên đầu em có vết bầm tím lớn, sau ót có dấu vết dài, thân thể có nhiều vết bầm nên đoán là do bị đánh".
"Pháp y người ta đến kiểm tra thì cũng có ghi lại và chẩn đoán sơ bộ là do đột quỵ chứ chưa có bằng chứng kết luận chắc chắn nào chính xác. Bây giờ gia đình vẫn chờ kết quả, họ báo là 10-20 ngày".
"Gia đình chúng tôi chất vấn rất nhiều về những vết thương nhưng người ta chỉ nêu nguyên nhân là em nó đi tắm, sau đó vô nằm trên giường và co giật. Gia đình không chấp nhận câu trả lời sơ bộ đó nên quân đội và công an họ nói sẽ đợi kết quả cuối cùng của pháp y".
"Nếu kết quả cuối cùng bên pháp y không hợp lý thì chúng tôi sẽ trưng cầu. Trong lúc đó, bên Quân khu 5 và các ban ngành như công an tỉnh đều thông báo với gia đình là bắt buộc phải chôn Thiên vì em đã tử vong 4 ngày rồi. Thứ hai nữa, thi thể của em đã được pháp y mổ xẻ rồi nên không giữ được lâu. Thứ ba nữa là vấn đề về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nên phải chôn em. Bên chính quyền cũng nói nếu mình không chịu thì họ sẽ lo việc chôn cất".
Bà Hà nói 8 giờ sáng nay 2/12 gia đình đã khâm liệm và 15 giờ chiều đã tiến hành lễ di quang cho Nguyễn Văn Thiên. Buổi lễ cũng có mặt của cán bộ Quân khu 5.
"Người ta đến chia buồn và hứa sẽ đưa ra kết quả sớm nhất cho gia đình".
Bà Hà cũng nói thêm, khi sự việc xảy ra thì không ai dám nói gì nhiều về cái chết của Thiên nên gia đình cũng không thăm hỏi gì được bạn bè hay đồng đội của Thiên.
"Gia đình giờ chỉ mong muốn kết quả khám nghiệm tử thi từ pháp y để làm sáng tỏ vụ việc của Thiên: Em chết vì nguyên nhân gì. Đột quỵ hay bị người ta đánh. Nếu như bị người ta đánh thì gia đình muốn đưa vụ việc ra ánh sáng để em ra đi được thanh thản".
Về cá nhân, bà Nguyễn Thu Hà nói rằng, lúc đầu khi nhận thi thể của Nguyễn Văn Thiên, bản thân bà cũng như ba và chú ruột của Thiên không tin là đột quỵ.
"Nhưng bây giờ các ban ngành đều nói với gia đình phải đợi kết quả nên mình cũng cũng không làm lớn sự việc gì dù gia đình rất đau lòng và bức xúc, chỉ biết chờ kết quả".
Bà Hà cũng nói thêm, bên phía đơn vị quân khu 5 và đồng đội của Thiên cũng tới viếng và giúp chăm lo một phần hậu sự.
Truyền thông trong nước ngày 1/12 trích dẫn lời Đại tá Lê Tuấn Hiền, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cho biết:
"Thông tin trên mạng lan truyền rất nhanh với nội dung sai lệch, méo mó. Thực tế quân nhân trong Trung đoàn BB991 không có ai đưa hình ảnh anh Nguyễn Văn Thiên lên mạng. Trong khi vụ việc đã rất rõ, không có gì phải che giấu, khuất tất".
"Qua kết quả khám nghiệm tử thi, tôi khẳng định vết bầm là do té ngã, vết mổ là do khám nghiệm tử thi, không phải bị đánh. Giữa đồng chí Thiên và đồng đội không có mâu thuẫn với nhau. Các nội dung trong thông cáo báo chí là đúng sự thật," ông Hiền nói thêm.
Về biên bản khám nghiệm tử thi, ông Hiền cho biết cơ quan khám nghiệm pháp y của tỉnh Gia Lai đảm nhận nhiệm vụ chứ không phải lực lượng pháp y thuộc Quân đội.
Ông cũng nói rằng theo quy định pháp luật, biên bản pháp y không được chụp ảnh, chia sẻ, lan truyền ra bên ngoài. Trường hợp khi người nhà nạn nhân có khiếu nại thì sẽ cho xem đối chứng bản gốc biên bản khám nghiệm pháp y.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật : "Quá trình khám nghiệm được tiến hành công khai dưới sự chứng kiến của các bên. Sau khi khám nghiệm, cơ quan pháp luật đã thông qua biên bản, tất cả cùng nghe và ký tên chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan pháp luật, nguyên nhân quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong là do tự té ngã, xuất huyết não.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai khẳng định hình ảnh vết bầm và vết mổ trên thi thể quân nhân Nguyễn Văn Thiên là do tự ngã và vết mổ khám nghiệm tử thi tạo nên, không phải do xô xát, đánh nhau".
Trang Dân quân Tự vệ, ghi địa chỉ điều hành website: Pleiku-Gia Lai, đăng bài viết rằng :
"Thông tin vụ việc đã được gia đình, Quân đội và pháp luật làm rõ. Đồng chí Thiên đã qua đời, em cần được an nghỉ giấc ngàn thu. Cố tình kích động, khoét sâu vào nỗi đau của gia đình và kích động nhân tâm là hành vi tội ác. Những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi nhọ và "đánh phá" Quân đội chắc chắn sẽ thất bại. Những ai chưa tỏ tường vụ việc nhưng lại làm thám tử điều tra online chắc chắn sẽ phải chịu xử lý nghiêm minh của pháp luật".