Triển lãm Quốc phòng : Việt Nam thể hiện "khả năng răn đe", hướng đến xuất khẩu thiết bị quân sự
Việt Nam chi khoảng 120 tỷ đồng, từ nguồn tài trợ và từ nguồn tài chính xã hội hóa, để tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ hai (19-22/12/2024). Đây là cơ hội để Việt Nam "chứng minh nền công nghiệp quốc phòng tự lực, tự chủ, tự cường, song vẫn sẵn sàng hợp tác với các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến để học hỏi", đặc biệt là những khách mời quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Israel, Pháp, Anh, Tây Ban Nha.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12/2024 tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Việc tổ chức triển lãm quốc phòng là một thay đổi lớn trong quân đội Việt Nam, thường vẫn khá bí mật. Triển lãm quốc phòng quốc tế lần này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quân đội Việt Nam ? Nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, Canberra, Úc, trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.
***
RFI : Việt Nam tổ chức triển lãm quốc phòng lần thứ hai, từ 19-22/12/2024. Triển lãm này dường như trở thành hoạt động thông lệ hai năm một lần. Sự kiện có ý nghĩa như thế nào cho Việt Nam và bộ Quốc Phòng ? Hà Nội trông đợi gì từ các nhà cung cấp thiết bị quân sự quốc tế tham gia ?
Nguyễn Thế Phương : Sự kiện này sẽ mang hai hàm ý. Thứ nhất là gửi thông điệp tới trong nước rằng Quân đội Việt Nam có đủ khả năng và đủ sức mạnh để có thể bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Việt Nam ở trên biển cũng như trên bộ. Đây là thông điệp rõ ràng và là thông điệp quan trọng nhất mà thông qua cuộc triển lãm lần này, có thể đưa ra.
Thứ hai là với nước ngoài. Ở đây có một điểm là từ trước đến nay, truyền thống Quân đội Việt Nam là khá bí mật, bí mật trong cả quá trình phát triển, trưởng thành, đặc biệt hơn là bí mật trong quá trình phát triển vũ khí. Khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây, sau một số cuộc thảo luận nội bộ, có vẻ như đảng và quân đội nhất trí rằng, thông qua triển lãm quốc phòng, quân đội sẽ có thể giới thiệu một số năng lực cho nước ngoài biết và từ đó sẽ gia tăng khả năng tạo dựng hình ảnh, cũng như gia tăng khả năng chống chịu trước những sức ép từ bên ngoài, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là "khả năng răn đe".
Điểm thứ ba là hoạt động triển lãm sẽ giúp cho Việt Nam tiếp cận được các nhà thầu quốc phòng nước ngoài quan trọng, nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quân đội theo hướng tăng cường mối quan hệ giữa quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam với ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia mà Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt. Điểm này cũng nằm trong chính sách được tiến hành từ 5, 6 năm trở lại đây, bởi vì chiến tranh Nga-Ukraina, rồi những vấn đề về tranh chấp, xung đột khắp thế giới cho thấy một trong những cái cốt lõi nhất để có thể giúp cho Việt Nam và quân đội Việt Nam giữ vững được năng lực bảo vệ chủ quyền, đó là tự chủ, hoặc theo một số người nói là "tự chủ chiến lược".
Việt Nam kỳ vọng gì ? Nếu thông qua những gì đã được công khai, rõ ràng triển lãm quốc phòng lần thứ 2 này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với triển lãm quốc phòng lần thứ nhất. Nếu nhìn vào các quốc gia tham gia triển lãm quốc phòng, có thể thấy là hầu như tất cả các nền công nghiệp quốc phòng lớn đều có mặt, đặc biệt hơn là những nền công nghiệp quốc phòng có vẻ như đang đối đầu nhau, ví dụ Nga - Mỹ, Iran - Israel đều tham dự. Điều đó giúp cho Việt Nam mở rộng không gian tương tác với các nền công nghiệp quốc phòng khác nhau, qua đó học hỏi kinh nghiệm từ họ, đặc biệt là từ những nền công nghiệp quốc phòng có tính tự chủ cao, học hỏi thêm một số công nghệ quốc phòng mà từ trước tới nay Việt Nam chưa tiếp cận được, cũng như mở rộng mối quan hệ để có thể thúc đẩy hơn hợp tác về công nghiệp quốc phòng trong tương lai.
Ngoài ra, cũng hoàn toàn có khả năng là trong triển lãm lần này, sẽ có một số hợp đồng quốc phòng giữa Việt Nam và các nước được công bố. Chưa biết cụ thể là như thế nào, nhưng khả năng đó cũng rất là cao.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam năm 2024 là dịp để Bộ Quốc phòng giới thiệu những sản phẩm quốc phòng mới được các doanh nghiệp quốc phòng trong nước nghiên cứu, sản xuất.
RFI : Theo thiếu tướng Lê Quang Tuyến, phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, trong triển lãm năm 2022, có 5 hợp đồng được ký kết và năm nay dự kiến sẽ có các hoạt động tương tự. Như anh đề cập, quân đội Việt Nam có khả năng ký một số hợp đồng. Vậy những hợp đồng này có thể sẽ liên quan đến những hạng mục nào ? Việt Nam trông đợi gì từ những hợp đồng này ?
Nguyễn Thế Phương : Thực ra, ở thời điểm hiện tại, rất khó nêu ra cụ thể những hợp đồng đó là gì, nhưng chắc chắn nó sẽ liên quan tới quá trình hiện đại hóa quân đội, theo đó Việt Nam có thể mua thêm một số vũ khí, khí tài, ví dụ liên quan tới không quân và một số loại công nghệ và vũ khí, khí tài liên quan tới lục quân. Không hẳn là Việt Nam sẽ mua một vũ khí mới hoàn toàn, nguyên chiếc, mà có thể là những hợp đồng mang tính chuyển giao công nghệ, hoặc những cái tạm gọi là MOU - ý định thư hoặc nghị định thư - mà Việt Nam tham gia vào việc chế tạo một số bộ phận của các loại vũ khí nào đó. Đây cũng là những điểm cần nhắc tới, bởi vì, như đã nói, mục tiêu là cải thiện năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và sẽ phải liên quan tới một số loại công nghệ lõi và công nghệ nguồn.
Thông qua triển lãm lần này và có thể là một số hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác khác, vấn đề chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn, hoặc là Việt Nam tiếp cận một phần nào đó thông qua chuỗi sản xuất vũ khí, sẽ giúp cải thiện năng lực chế tạo của Việt Nam, bên cạnh việc Việt Nam có thể mua một số loại vũ khí hiện đại. Nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào những quân chủng, binh chủng mà Việt Nam mong muốn tiến thẳng lên hiện đại, ở đây sẽ có hải quân và không quân. Ngoài ra sẽ có một số MOU có thể liên quan tới những lực lượng khác, ví dụ tác chiến điện tử, hoặc là tình báo tín hiệu hoặc những vấn đề tương tự.
RFI : Triển lãm quốc phòng cũng là dịp để giới thiệu đến các đối tác quốc tế những vũ khí, trang thiết bị do Việt Nam chế tạo, được nhấn mạnh là "có những vượt trội". Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện xuất khẩu những loại trang thiết bị quân sự nào ?
Nguyễn Thế Phương : Theo một số thông tin gần đây, Việt Nam xuất khẩu một vài thứ khá đơn giản, ví dụ đạn dược, một số cấu phần của súng cho bộ binh và thuốc nổ. Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất của một nền công nghiệp quốc phòng mà muốn phát triển một cách bền vững, đó là phải tìm hiểu và mở rộng thị trường cho sản phẩm quốc phòng đó. Triển lãm quốc phòng lần này cũng là dịp để Việt Nam có thể tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu, cũng như tìm hiểu thông lệ trong việc buôn bán, trao đổi các mặt hàng vũ khí quốc phòng với các đối tác, tại vì danh sách các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu hiện nay không phải là lớn lắm.
Ngoài đạn dược, các cấu phần của súng, thuốc nổ, thì lác đác đâu đó còn là những mặt hàng có liên quan tới tàu. Nhưng tàu ở đây không phải là Việt Nam tự làm mà là liên doanh với một công ty nước ngoài, cụ thể ở đây là Damen (Hà Lan). Đã có thông tin Việt Nam xuất khẩu một số dạng tàu chở quân và tàu đổ bộ cho một số nước ở châu Mỹ Latinh và châu Phi chẳng hạn, nhưng sản phẩm đó là sản phẩm liên doanh. Điều này phần nào đó cũng cho thấy rằng việc hợp tác giữa một công ty Việt Nam và một công ty nước ngoài trong việc xây dựng và chế tạo các loại vũ khí, khí tài là một bước đi đúng đắn, sẽ giúp cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình tiếp cận công nghệ và qua đó giúp cho các tổ hợp quốc phòng Việt Nam trưởng thành hơn.
Sắp tới, tham vọng của Việt Nam là xuất khẩu một số loại vũ khí, khí tài công nghệ cao. Chẳng hạn trước đây Viettel cũng đã có hợp đồng tạm gọi là xuất khẩu một số "mô hình huấn luyện" cho các quốc gia như Indonesia, hoặc xuất khẩu các loại radar, máy bay không người lái. Triển lãm lần này cũng là dịp để họ tìm hiểu nhu cầu của thị trường về những sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam đã tự sản xuất được.
RFI : Theo Reuters, Iran được cho là tham gia triển lãm quốc phòng ở Hà Nội trong khi nước này đang bị trừng phạt quốc tế. Tương tự, tập đoàn Nirinco Group của Trung Quốc, nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Liệu quyết định này có tác động đến hình ảnh của Việt Nam ?
Nguyễn Thế Phương : Thực ra, biện pháp trừng phạt đó sẽ liên quan tới việc mua sắm hơn là chỉ tham gia vào triển lãm. Họ đến Việt Nam mở gian hàng và họ có một số catalogue và trưng bày một số loại vũ khí hạng nhẹ. Điểm đó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới "trừng phạt". Trừng phạt là liên quan tới việc mua vũ khí của Iran, mua công nghệ của Iran, của Trung Quốc trong một số mảng cụ thể, chứ không phải là tất cả các mảng.
Còn bảo là có ảnh hưởng tới hình ảnh hay không, thực ra cũng không ảnh hưởng mấy, bởi vì thông qua triển lãm này, Việt Nam còn gửi một thông điệp ngược lại. Chính sách đối ngoại của Việt Nam gần đây vẫn hay nói tới "ngoại giao cây tre", cho nên việc mời cả Iran, Trung Quốc chứng tỏ rằng trong mảng an ninh quốc phòng nói riêng, Việt Nam chơi với tất cả các nước và đối xử với tất cả một quốc gia như nhau, bất kể là họ đang có đối đầu hay có căng thẳng.
Riêng về trường hợp của Trung Quốc, từ khoảng một năm trở lại đây, giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai bên dày đặc hơn. Việc cho phép tập đoàn Norinco tham gia triển lãm quốc phòng cho thấy mối quan hệ an ninh quốc phòng song phương có một điểm đáng để nhắc tới, chứ không phải là buồn tẻ như từ trước tới nay. Còn việc Việt Nam có mua hay không hoặc mua như thế nào thì đó lại là chuyện khác, không bàn tới. Chưa kể rằng họ mang vũ khí tới triển lãm này không phải chỉ giới thiệu cho Việt Nam, mà còn cho các nước khác nữa, bởi vì Việt Nam mời đại diện của hầu như tất cả các nước Đông Nam Á và các nước mà có quan hệ với Việt Nam tới tham gia triển lãm. Các nước này có thể mua bán, họ sẽ đặt hợp đồng qua lại lẫn nhau, chứ không phải chỉ cho Việt Nam. Vấn đề này cũng nên hiểu rõ như vậy.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Canberra, Úc.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 16/12/2024
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng 2019 tại trụ trở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thủ đô Washington DC, với sự đồng chủ trì của ông Randall Shriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh.
Ông Shriver nhấn mạnh hợp tác quốc phòng tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương ; cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai nước phát triển ; đặc biệt là trên các lĩnh vực an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa…
TTXVN trích lời ông Randall Schriver khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam ; mong muốn một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
TTXVN cho biết Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng trao đổi về Sách trắng Quốc phòng mới của Việt Nam cùng một số sáng kiến của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 và đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ để Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Trong khuôn khổ đối thoại, ông Vịnh đã tới chào Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện, và trao cho nhà làm luật Hoa Kỳ "hộp đất đặc biệt" lấy từ sân bay Đà Nẵng sau dự án tẩy độc dioxin, theo Tuổi Trẻ Online.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ và Việt Nam tuyên bố hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Chi phí cho dự án ở Đà Nẵng gồm khoảng 110 triệu đôla tài trợ của chính phủ Mỹ và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Vào tuần trước, đại diện của hai chính phủ Việt Nam và Mỹ tiến hành lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, chính phủ Mỹ cam kết tài trợ 300 triệu đôla cho dự án này.
Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tuyên bố phía Hoa Kỳ sẽ chuyển cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai vào năm tới. Đây là một trong những lớp tàu lớn nhất trong trong hạm đội Tuần duyên Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 20/11, Bộ trưởng Esper lên tiếng tố cáo các hành động bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông nói : "Các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột".
******************
Hà Nội không muốn làm mất lòng ai trong Sách trắng Quốc phòng (RFA, 13/12/2019)
Một nhà quan sát cho rằng 'Sách trắng Quốc phòng Việt Nam không có gì mới lắm và Hà Nội không muốn làm mất lòng ai cả'.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch ở Hà Nội hôm 20/11/2019 - AP - Hình minh họa.
Nhận định trên được đưa ra nhân sự kiện Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đang dự Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2019 ở thủ đô Washington hôm 11/12. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Hà Nội vừa công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được ghi nhận "có một điều chỉnh nhỏ đối với chính sách ‘ba không’.
Báo nhà nước Việt Nam cho hay, tại Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2019, hai bên đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác năm 2019, xác định phương hướng hợp tác năm 2020 và các năm tiếp theo phù hợp với Bản ghi nhớ về Thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015, hiện thực hóa các nội dung được hai bên thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2019 của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hôm 13/12, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore, bình luận với RFA về Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2019:
"Nó cũng không khác mấy đâu. Nó cũng là cái lịch mà người ta đặt ra với nhau, chủ đề đối thoại mà người ta đặt ra với nhau từ trước, năm 2011 rồi 2015 và năm ngoái. Không có thay đổi gì nhiều đâu. Một cái đối thoại quốc phòng có những cái gì thì năm nay vẫn thế thôi".
"Vẫn các chủ đề về chính trị khu vực, hợp tác quốc phòng, vượt qua khung khuôn khổ hai nước, tức là với ASEAN, Indo-Pacific, một số nước khác, một số khối khác mà hai bên tham gia từ trước".
"Rồi thì các phần khác là hợp tác về cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm người mất tích, trao đổi thông tin về người Việt mất tích trong chiến tranh. Ngoài ra là có việc trong chủ đề cũ vẫn bàn thì nay bàn kỹ hơn về việc Mỹ mong muốn Việt Nam tham gia tích cực hơn vào khung Pacific".
Đề cập về Sách trắng Quốc phòng Việt Nam vừa được công bố toàn văn trên mạng, ông Hà Hoàng Hợp nói:
"Sách trắng lần này không khác gì nhiều, khác rất ít so với cuốn năm 2009. Về mặt bản chất thì nó vẫn thế. Lần này, họ nêu ra hai điểm không phải mới là ‘hòa bình’ và ‘tự vệ'. Lần trước họ nhấn mạnh phần ‘tự vệ', còn phần ‘hòa bình’ thì nó chỉ nhấn là Việt Nam ‘yêu thương hòa bình’ thôi".
"Có hai điểm có vẻ như là mới, thay vì là ‘ba không' thì nay là ‘bốn không'. Trước đây, ‘ba không, một có' thì nay ‘bốn không, một nếu hay là một tùy'.
"Về Cơ bản thì Sách trắng vẫn như hồi 2009 trong khi từ 10 năm nay thì tình hình khu vực, quốc tế thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là có hai chuyện. Một là tình hình Biển Đông căng thẳng hơn trước rất nhiều, Trung Quốc bộc lộ các hành xử không phù hợp với luật pháp quốc tế, đe dọa sử dụng vũ lực, làm thay đổi hiện trạng, trong đó có việc quân sự hóa các đảo bồi đắp".
"Hai là cái đấu tranh tương tác giữa các nước lớn. Đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc làm cho khu vực khó khăn lên và Việt Nam nhận thức rất rõ về hai cái chuyện này nhưng mà nội dung của Sách trắng thì lại không có gì mới lắm".
Về suy đoán cho rằng Sách trắng Quốc phòng mới cho thấy Việt Nam tỏ ra thận trọng để không muốn làm mất lòng Trung Quốc, ông Hà Hoàng Hợp nhận định:
"Về chừng mực nào đó, Việt Nam không muốn làm mất lòng ai cả, kể cả
Trung Quốc. Việt Nam từ trước đến nay vẫn như thế thôi. Họ tuyên bố một cái gì đó mà liên quan Trung Quốc thì họ không nói rõ. Với các đối tác khác thì cũng thế. Nhưng mà trong cái hành động cụ thể thì thấy rằng có độ lệch giữa lời nói chưa rõ với kết quả hành động. Chứ không hẳn là họ không muốn làm mất lòng Trung Quốc".
Năm 2020, Mỹ và Việt Nam đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995 - 12/7/2020).
Trong Sách trắng Quốc phòng công bố gần đây nhất vào năm 2009, Việt Nam duy trì chính sách "ba không" bao gồm : không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Sách trắng tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.
Sách trắng khẳng định phương châm bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.
Lấy phương châm "hòa bình, tự vệ" chỉ đạo, chính sách Quốc phòng mới của Việt Nam đã tăng từ 3 lên 4 "không", đó là : không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019
Bọc trong cái vỏ "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019", công bố ngày 25/11/2019 tại Hà Nội, nhìn chung không thay đổi so với Sách trắng năm 2009. Nhưng thời điểm ra đời của Sách trắng lần này xẩy ra 30 ngày sau khi Tầu khảo sát dầu khí Hải Dương-8 (HD-8) của Trung Quốc kết thúc lịch tìm kiếm, bắt đầu từ ngày 03/07 đến 24/10/2019 ở vùng biển Tư Chính, bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam (khoảng 370 cây số), tính từ bờ biển Vũng Tầu.
Đã có từ 30 đền 40 tầu chiến và cảnh sát biển Trung Quốc yểm trợ và bảo vệ HD-8 trong suốt thời gian hoạt động, bao gồm cả 3 lần ra vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam như ao nhà của Bắc Kinh mà không gặp bất cứ sự chống cự nào của lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam.
Điểm mới tướng Vịnh
Do đó, điểm "không" mới thứ bốn là "không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế" đã giải thích đầy đủ lý do tại sao Việt Nam Cộng sản đã không có bất cứ hành động quân sự nào nhằm ngăn cản, hay chống lại các hoạt động của HD-8 ở vùng biển Tư Chính, kể cả việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm và thắng kiện năm 2016.
Việt Nam là nước nhỏ và tiềm năng quân sự cũng rất yếu so với nước láng giềng thù nghịch Trung Quốc nên điểm "không" thứ 4 mới không phản ảnh sức mạnh quân sự của Việt Nam mà chỉ là cách nói khoe mẽ rằng chúng tôi không tấn công quân sự trước, trừ khi bị tấn công.
Bằng chứng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đã nói khi công bố Sách trắng rằng : "Chúng ta chỉ sử dụng tình huống tự vệ khi đất nước bị xâm phạm. Trước hết là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ đất nước, lợi ích quốc gia dân tộc, ổn định chế độ…".
Ông Vịnh, con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam, đã qua đời ngày 6 tháng 7 năm 1967 do một cơn nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo về tình hình miền Nam.
Tướng Vịnh nói tiếp : "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 xác định rõ quan điểm của Việt Nam trong đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đó là : Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế ; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thông lệ quốc tế ; và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi lợi ích quốc gia bị xâm phạm" (Quân đội Nhân dân, 25/11/2019).
Tướng Vịnh, 62 tuổi (sinh 15/05/1957), từng đứng đầu Tổng cục II, Tổng cục Chính trị Quân đội, chuyên gia tình báo và đối ngoại Quốc phòng. Ông nói rất hăng về "tự vệ" và "bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ" khi trình bày về Sách trắng, nhưng lại là người, được nhiều người thạo tin ở Hà Nội nhìn nhận, nổi tiếng "thân Trung Quốc", chỉ sau có Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Một trong những thái độ "nói chung chung, không dám chạm đến Trung Quốc ở Biển Đông" của Tướng Vịnh được chứng minh trong cuộc trò chuyện với báo chí tại Hà Nội ngày 17/07/2019, 14 ngày sau khi Trung Quốc đem HD-8 vào hoành hành bất hợp pháp ở Tư Chính.
Ông Vịnh nói : "Chúng ta cần khẳng định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của cả thế giới và các vấn đề phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để đi đến sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực".
Theo Thượng tướng Vịnh : "Cọ sát chiến lược của các nước lớn là điều tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng cọ sát ấy không được và không nên ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác trong khu vực, mà vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là một ví dụ".
"Chúng ta một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương tại các hội nghị quân sự quốc phòng tới đây".
Tướng Vịnh có ý nói đến các Hội nghị Quốc phòng trong tương lai trong năm 2020, khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch khối ASEAN (Hiệp hội các nước Động Nam Á).
Ông nói thêm : "Chúng tôi không mong muốn quân sự hóa, cạnh tranh chiến lược tạo ra các xung đột ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh trong khu vực… Chúng ta không muốn và không để các mâu thuẫn xung đột từ bên ngoài đem vào giải quyết".
Tuyệt nhiên, vào lúc cả nước Việt Nam xôn xao và căm phẫn trước "cuộc xâm lăng" mới của HD-8, Tướng Vịnh đã không nói một chữ về Tư Chính. Ông cũng không dám lên án Trung Quốc, khi ấy, đang xâm lăng lãnh thổ và chà đạp lên quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Sách Trắng - Biển Đông
Cũng vì thời điểm công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, chỉ sau vụ Tư Chính lắng xuống, dư luận vẫn chờ xem đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam có động thái gì khác để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng mọi người đã thất vọng khi thấy tất cả báo, đài chính thống của đảng tiêu biểu như báo điện tử Trung ương đảng, báo Chính phủ, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giài Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình nhà nước v.v… đều không viết gì về vấn đề Biển Đông ghi trong Sách Trắng.
Ngược lại, tất cả chỉ tập trung nói : "Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được bố cục thành ba phần.
Phần thứ nhất : Bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng" với nội dung tập trung khái quát tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam ; chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam ; chính sách quốc phòng Việt Nam ; hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng ; đấu tranh quốc phòng.
Phần thứ hai : Xây dựng nền quốc phòng toàn dân" gồm bốn nội dung chính, trong đó có nội dung về xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng ; lãnh đạo, quản lý quốc phòng ; xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quân sự và xây dựng "thế trận lòng dân" ; xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc…
Phần thứ 3 của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 có chủ đề : "Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ", thông tin khái quát về truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam ; lịch sử hình thành, phát triển, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và phương hướng xây dựng của Quân đội nhân dân Việt Nam ; phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.
(Quân đội Nhân dân, 25/11/2019)
Riêng báo VietnamNet của Bộ Thông tin và truyền thông đã có bài tường thuật về Sách Trắng và tình hình Biển Đông.
Theo đó, Sách trắng nhận định : "Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hoà bình, ổn định của Việt Nam".
Làm gì có "chuyển biến tích cực" mà hoang tưởng như thế ? Trung Quốc đã không ngừng tấn công, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ở Biển Đông. Quan trọng hơn, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tuyên bố các bãi đá và đảo ở Biển Dông, chiếm 3/4 tổng diện tích 3.5 triệu cây số vuông là của Tổ tiến họ để lại, và sẽ quyết tâm bảo vệ không để mất một ly !
Báo VietnamNet viết tiếp : "Sách Trắng nêu rõ, những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực".
Nhưng nước nào đã và đang có hành động ngang ngược như thế, nếu không phải là Trung Quốc ? Tại sao Sách Trắng không dám chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ chủ động đàng gây bất ổn ở Biển Đông ?
Cũng chỉ có các tầu lớn nhỏ có võ trang của Trung Quốc đã đâm chìm nhiều tầu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa mà phần đông báo, đài nhà nước chỉ dám viết là "tầu lạ" hay "tầu nước ngoài"
Tướng Vịnh lại mập mờ
Phát biểu trước báo chí và ngoại giao quốc tế tham dự buổi công bố Sách trắng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói như người trên cung mây rằng : "Một số hoạt động mới xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa trên Biển Đông đã làm phức tạp hóa tình hình, đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế cũng như những thỏa thuận về hòa bình, an ninh thế giới cũng như Châu Á - Thái Bình Dương".
Ông nói : "Quan điểm của Việt Nam là phản đối bất kể quốc gia nào tiến hành quân sự hóa hay có các hoạt động đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình.
Chúng tôi đấu tranh với những việc này và biện pháp là vừa đấu tranh nhưng vừa hợp tác. Đấu tranh để nêu quan điểm lập trường, nhưng cũng hợp tác để cùng tìm ra lợi ích chung, cùng giải quyết những bất đồng, khác biệt và cùng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định".
Thêm lần nữa, ông Vịnh lại tránh cái tên húy Trung Quốc, không dám nêu đích danh nước này đã "xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa trên Biển Đông".
Nhưng ông lại cổ xúy việc "tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung".
Tướng Vịnh nói khơi khơi : "Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ; lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam".
Như vậy, ngoài chuyện sợ Tầu trên đất liền, ngoài Biển Đông, trong Quốc hội và tại các diễn đàn Quốc tế, nay Việt Nam lại sợ Tầu cả trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 thì có chuyện gì mạt rệp hơn để nói về đảng cộng sản Việt Nam nữa không ?
Phạm Trần
(27/11/2019)
Việt Nam – Israel đối thoại chính sách quốc phòng lần đầu (RFA, 09/10/2018)
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Israel lần thứ nhất vừa diễn ra sáng ngày 8 tháng 10 năm 2018 tại Hà Nội.
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Israel lần thứ nhất vừa diễn ra sáng ngày 8 tháng 10 năm 2018 tại Hà Nội. Courtesy mod.gov.vn
Bộ Quốc phòng Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày.
Phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì và phía Israel do ông Udi Adam, Tổng Vụ trưởng Bộ Quốc phòng Israel dẫn đầu.
Tại buổi đối thoại, Bộ Quốc phòng hai nước đã thảo luận phương thức cụ thể nhằm đưa hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Israel tiến triển hơn nữa. Hai ông Nguyễn Chí Vịnh và Udi Adam cũng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Israel thời gian gần đây.
Cũng tại đối thoại, hai nước đồng ý sẽ tăng cường hoạt động thăm viếng giữa hai nước nhằm nâng cao hiệu quả các nhóm làm việc chung của Bộ Quốc phòng hai nước. Cụ thể, tăng cường hợp tác về đào tạo, tiếp tục tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước cũng như hợp tác trong một số lĩnh vực khác như khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng…
Sau buổi đối thoại, vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã có buổi gặp gỡ ông Udi Adam, Tổng Vụ trưởng Bộ Quốc phòng cùng phái đoàn Bộ Quốc phòng Israel tại trụ sở Bộ Quốc phòng.
Tại buổi gặp gỡ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch bày tỏ vui mừng khi ông Udi Adam cùng phái đoàn Bộ Quốc phòng Israel sang thăm Việt Nam và tham dự Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Israel lần thứ nhất.
Ông Ngô Xuân Lịch cũng cho rằng kết quả của cuộc đối thoại lần này sẽ góp phần mở ra những cơ hội hợp tác mới, hiệu quả hơn giữa quân đội hai nước. Tin cho biết vào năm ngoái, Việt Nam mua vũ khí của Israel với giá trị giao dịch hơn 140 triệu đô la Mỹ.
*******************
Mười bốn viên chức quân đội Việt Nam bị kỷ luật (RFA, 09/10/2018)
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc họp thứ 9 vào ngày 9/10, ra quyết định kỷ luật 14 viên chức quân đội, trong đó có 6 người bị tước quân tịch, một người bị giáng cấp, 5 người bị cảnh cáo và khiển trách hai người.
Ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) trong một phiên tòa quân sự 30/7/2018. Screen Capture
Đồng thời có một số tổ chức đảng cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Tuy nhiên danh tánh, chức vụ của những người bị kỷ luật không được báo chí công khai nêu ra.
Quân ủy trung ương là tổ chức lớn nhất của đảng cộng sản trong quân đội Việt Nam. Trong cơ chế duy nhất một đảng lãnh đạo như hiện nay, cơ quan này có quyền lực rất lớn trong quân đội, và trên chính trường Việt Nam.
Người đứng đầu quân ủy trung ương hiện nay là ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Cũng liên quan đến những viên chức quân đội bị kỷ luật, vào cuối tháng 10 tới đây Tòa án Quân sự sẽ mở phiên phúc thẩm xử ông Đinh Ngọc Hệ, biệt danh Út trọc, cùng hai bị cáo khác là Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm.
Ông Lâm và ông Thắm là các giám đốc các công ty quốc phòng do quân đội quản lý.
Ông Đinh Ngọc Hệ vốn là một Thượng tá quân đội Việt Nam, đã bị tòa án quân sự tại Quân khu 7, khu vực Sài Gòn và Miền Đông Nam bộ, xử 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, và sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả.
Ngoài ra còn có một bị cáo khác từng giữ những chức vụ cao cấp khác cũng bị án trong vụ này là ông Bùi Văn Tiệp, nguyên sư đoàn trưởng, với 2 năm tù treo.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trong nước nhân dịp đầu xuân, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng trong năm 2017 Việt Nam tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Tàu chiến Gepard được trang bị các hệ thống vũ khí và tên lửa của Nga. Courtesy of baogiaothong.vn
Nói về quan hệ với nước ngoài của Việt Nam, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch nói rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương, trong đó ưu tiên các quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ông cũng nói là sẽ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các nước lớn nhưng không nói rõ là nước nào.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng cho biết là Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc tuần tra chung trên biển với các quốc gia láng giềng, cũng như tham gia công tác bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên thế giới.
Xin nhắc lại là trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục mua sắm vũ khí để tăng cường quân đội, và việc này được giới quan sát cho là nhằm đối phó với chính sách lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam có các hợp đồng cung cấp tàu ngầm từ Nga, vay tín dụng quốc phòng từ Ấn Độ, nhận viện trợ tàu tuần duyên từ Nhật Bản, và các trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng lên trong thời gian gần đây.