Báo cáo định kỳ chất lượng biển miền Trung (RFA, 03/02/2017)
Liên quan đến thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra như vừa nêu ; Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam hôm nay lại có công văn yêu cầu 4 tỉnh khu vực bắc miền Trung nằm trong vùng bị nhiễm độc bởi hóa chất độc hại mà Formosa thải ra biển báo cáo định kỳ kết quả chất lượng môi trường biển.
Cảng cá Cửa Tùng, Quảng Bình. AFP photo
Công văn của Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ kết quả quan trắc chất lượng môi trường biển và thông báo cho địa phương cũng như Tổng cục Môi trường để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ cùng các phương tiện truyền thông.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng yêu cầu 4 tỉnh này cập nhật thông tin báo cáo định kỳ cho cộng đồng qua Cổng thông tin điện tử địa phương.
Đến nay hơn 10 tháng sau khi xảy ra thảm họa môi trường dọc các tỉnh bắc trung Bộ, một người dân tại Quảng Bình vào sáng ngày 3 tháng 2 biết dân chúng địa phương vẫn mù mờ về thông tin biển sạch, hải sản có thể tiêu thụ được như sau :
"Họ nói cá ăn được rồi, nhưng không rõ lắm. Người ta chỉ ăn cá khơi thôi, chứ cá ‘lộng’ thì có người ăn, người chưa ăn".
Sau khi sự cố môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, một Trạm quan trắc tự động được lắp đặt từ khu vực xả thải của Nhà máy Formosa đến Trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động các thông số xả thải của Formosa.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh chịu trách nhiệm giám sát hoạt động này.
*********************
Bị bắt giam vì lên tiếng vụ Formosa (RFA, 03/02/2017)
Anh Nguyễn Văn Hóa bị công an Hà Tĩnh bắt giữ từ hôm 11 tháng 1 năm 2017. Photo courtesy of danlambao
Cơ quan chức năng tại tỉnh Hà Tĩnh hôm nay chính thức đưa giấy thông báo về việc tạm giam anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, người đưa tin về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên ở 4 tỉnh miền Trung kể từ tháng tư năm vừa qua.
Chị của anh Nguyễn Văn Hóa cho biết lại tình hình liên quan việc người em bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ từ hôm 11 tháng giêng vừa qua đến nay :
Ngày 11/01 Hóa bị công an bắt mất tích. Chừng một tuần sau gia đình làm đơn gửi đến các cơ quan tỉnh, huyện, phường để nhờ họ đi tìm người giúp. Sau họ bắn giấy về nói Hóa đang bị tạm giữ tại Hà Tĩnh. Khi biết được tin đó người nhà mới ra Hà Tĩnh để xin gặp Hóa nhưng công an không cho gặp. Gia đình chỉ gửi được đồ ; sau đó đến nghỉ tết âm lịch nên đến hôm nay là ngày mồng 7 (tết) gia đình mới nhận được giấy tiếp và gia đình đang chờ đợi phía công an báo".
Nội dung giấy thông báo chính thức khẳng định anh Nguyễn Văn Hóa bị tạm giam với lý do được nêu ra là ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Tuy nhiên chị của anh Nguyễn Văn Hóa có nhận định về việc làm của người em là làm việc thiện thôi, đòi hỏi sự công bằng, sự thật. Viết về sự thật chứ Hóa không làm gì sai hết.
Anh Nguyễn Văn Hóa là một trong ba nhà hoạt động bị bắt giữ ngay thời điểm trước tết nguyên đán Đinh Dậu vừa qua. Hai người kia là nhà hoạt động Trần Thị Nga tại Phủ Lý, Hà Nam bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An bị cáo buộc chống người thi hành công vụ và vi phạm lệnh cưỡng chế.
Một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch lên tiếng về những vụ bắt bớ các nhà hoạt động vì tự do- dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua, kêu gọi phải trả tự do ngay cho họ. Lý do những người đó chỉ thực thi những quyền căn bản của con người như tự do ngôn luận theo đúng hiến pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế mà nhà cầm quyền Hà Nội tham gia ký kết.
****************
Ông Nguyễn Văn Hóa bị tạm giam vì vi phạm điều 258 Bộ Luật hình sự (BBC, 03/02/2017
Chị gái ông Nguyễn Văn Hóa cho biết ông bị bắt hôm 11/01/2017 và gia đình nhận thông báo Tạm giam bị can sáng 03/02 vì lý do vi phạm điều 258 Luật Tố tụng hình sự.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hóa hôm 03/02 cho biết mới nhận được thông báo "Tạm giam bị can" của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 20/01/2017 vì "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Trả lời BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của ông Hóa, cho biết ông bị bắt giữ hôm 11/01/2017 và bà cho biết lý do bắt giữ là cáo buộc "ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy". Tuy nhiên cho tới ngày 23/01 sau khi gia đình làm đơn gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía chính quyền.
"Trong năm 2016, việc Formosa đổ rác thải đổ ra biển khiến cá chết nhiều mà Hóa nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhất của Hà Tĩnh, Hóa cũng có lên tiếng đòi hỏi công bằng cho bà con người dân miền Trung khi thấy bất công mà bà con miền Trung phải gánh chịu".
"Trước đây những vùng biển mà quyền lợi của họ chưa được đền bù thỏa đáng thì họ biểu tình. Riêng Hóa cũng lên tiếng đòi quyền lợi cho bà con miền Trung, làm việc từ thiện giúp bà con thôi, còn Hóa không làm các việc gì khác đâu", bà Huệ nói.
Bà Huệ cũng cho biết thêm : "Từ ngày 27/01 người nhà có ra tỉnh xin gặp Hóa nhưng họ không cho nên chỉ gửi được quà thôi. Sau Tết âm lịch thì mùng 6, mùng 7 họ mới làm việc nên người nhà chuẩn bị đi ra gửi đồ cho Hóa vì họ không cho thăm, nhưng sáng nay thì nhận được giấy Hóa bị tạm giam với điều 258 đó".
"Vì công an không cho người nhà gặp từ hôm đó nên gia đình đang lo lắng. Mà từ nhà tới nơi Hóa bị giam giữ cũng xa lắm, gần cả 100 cây số".
Sáng 3/2/2017, gia đình ông Nguyễn Văn Hóa cho biết mới nhận được Thông báo Tạm giam bị can vì điều 258 Luật Tố tụng hình sự
Bà Huệ cho biết hiện gia đình cũng chưa thu xếp hay có được trợ lý nào về mặt pháp lý kể từ khi ông Nguyễn Văn Hóa bị giam giữ.
Theo luật sư Trần Thu Nam cho BBC biết thì thường có Quyết định Khởi tố một khi có Thông báo Tạm giam bị can, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hóa cho biết hiện chưa nhận được thông báo hay quyết định Khởi tố bị can hay Khởi tố vụ án nào.
Nguyễn Văn Hóa sinh ngày 15/4/1995 tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi gia đình ông Hóa sinh sống là một trong những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất trong vụ xả thải độc ra biển từ nhà máy của Formosa, gây thảm họa môi trường.
Trong Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra ngày 27/01/2017 đề cập tới một số vụ bắt giữ những người mà họ mô tả là lên tiếng phê phán và vận động nhân quyền cũng có nhắc tới trường hợp ông Hóa bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), có trụ sở tại New York, cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Nguyễn Văn Hóa và bà Trần Thị Nga (vẫn được biết đến với tên Thúy Nga), người cũng đang bị giam giữ với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
**********************
Phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang (RFA, 03/02/2017)
Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì). Courtesy of aovua.com.vn
Đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang.
Báo mạng motthegioi.vn hôm nay loan tin mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản thừa nhận dự án làm nghĩa trang tại khu đất rừng phòng hộ bị dân chúng địa phương phản đối ; nhưng Ban thường vụ tỉnh Vĩnh Phúc vào hôm mùng 6 tháng Giêng đã họp bàn và thông qua quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chỉ 2 ngày sau khi nhận được tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Hàng trăm hộ dân ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn phản đối với các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương về phê duyệt sử dụng 153 héc-ta đất trồng rừng phòng hộ tại núi Ngang để xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Người dân địa phương cho biết diện tích 153 héc-ta đất rừng phòng hộ vừa nêu đã được giao cho cá nhân và các hộ gia đình nhận trồng rừng cũng như chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Các hộ dân phản đối quyết định xây công viên nghĩa trang của Ủy ban tỉnh Vĩnh Phúc vì lo ngại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân chúng ở đây.
Dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng có tổng vốn đầu tư 685 tỉ đồng sẽ được xây dựng trong quý I năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.