Việt Nam không có ‘tiến bộ đáng kể’ trong minh bạch tài khóa
VOA, 28/06/2021
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra Báo cáo Minh bạch Tài khóa hàng năm mới nhất, trong đó nói rằng vẫn chưa có những "tiến bộ đáng kể" trong minh bạch về nguồn thu ngân sách của chính phủ cũng như nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 26/1. Báo cáo mới được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cho biết chính phủ Việt Nam không có tiến bộ đáng kể trong việc minh bạch các nguồn thu ngân sách.
Báo cáo mới nhất được đưa ra hôm 25/6 khá giống với những nhận định mà Bộ Ngoại giao Mỹnêu ra trong báo cáo thường niên hồi tháng 6 năm ngoái, trong đó cho rằng Việt Nam không có tiến bộ trong việc công khai các nguồn thu của chính phủ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đưa ra báo cáo minh bạch tài khóa theo uỷ quyền của Quốc hội Mỹ. Báo cáo thường niên này nhằm đánh giá tính minh bạch tài khóa của các chính phủ nhận viện trợ của Mỹ, trong đó có Việt Nam, để giúp đảm bảo rằng các khoản tiền của người đóng thuế Mỹ được sử dụng một cách thích hợp và tạo cơ hội đối thoại với các chính phủ về tầm quan trọng của tính minh bạch tài khoá.
Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá minh bạch tài khóa của 140 chính phủ được liệt kê trong Báo cáo gốc Minh bạch Tài khóa 2014 + Guinea Xích đạo, trong đó xác định liệu các chính phủ này có đạt các tiêu chuẩn tối thiểu hay không và cũng xác định xem các chính phủ không đạt tiêu chuẩn tối thiểu này đã tiến hành các biện pháp nào để đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tiến tới đáp ứng các yêu cầu mà Mỹ đề ra.
Báo cáo 2020 cho thấy Việt Nam không nằm trong số 76/141 quốc gia được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài khoá. Theo đánh giá mới được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cho năm nay, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn này do không đạt được những tiến bộ đáng kể nào.
Các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính theo tiêu chí toàn cầu của Mỹ được xác định là việc công khai với công chúng các tài liệu ngân sách quốc gia, gồm thu nhập và chi tiêu, và các hợp đồng và giấy phép của chính phủ về khai thác tài nguyên thiên nhiên, gồm đấu thầu và phân bổ nhượng quyền, theothông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 25/6 khi công bố báo cáo năm 2021.
Trong phần đánh giá về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Việt Nam đã "công bố các đề xuất về ngân sách điều hành và ngân sách được ban hành ra công chúng" nhưng lại "không công bố báo cáo cuối năm của mình trong một khoảng thời gian hợp lý".
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tin về nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp nhà nước không được công bố rộng rãi ở Việt Nam và mặc dù các tài liệu về ngân sách được công bố công khai, bao gồm cả các khoản thu từ tài nguyên thiên nhiên, nhưng chính phủ ở Hà Nội "duy trì các tài khoản ngân sách không minh bạch". Bộ này nói rằng thông tin cơ bản về các hợp đồng khai thác tài nguyên thiên nhiên không được cung cấp công khai. Đánh giá này tương tự với các nhận định của Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp ngay yêu cầu bình luận của VOA về đánh giá mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ về minh bạch tài khóa của chính phủ Việt Nam.
Theo USAID, Mỹ đã viện trợ hơn 1,8 tỷ USD cho Việt Nam trong hơn 20 năm qua, trong đó hơn 706 triệu USD được dùng cho việc trợ giúp y tế ở quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm minh bạch hóa ngân sách của chính phủ, trong bối cảnh tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại quốc tế. Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng Việt Nam có những tiến bộ đáng kể so với thập niên 1990 trong việc minh bạch tài chính. Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 cho thấy điểm số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó, tăng 23 điểm so với năm 2017.
Báo cáo Minh bạch Tài khóa của Mỹ, được Quốc hội Mỹ uỷ quyền là một công cụ để xác định những khiếm khuyến cũng như sự hỗ trợ cho những thay đổi cần thiết, đưa ra các đề xuất để Việt Nam cải thiện tính minh bạch tài khoá, trong đó gồm việc công bố báo cáo ngân sách cuối năm trong một khoảng thời gian hợp lý và công khai thông tin về nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng như công bố thông tin cơ bản về việc trao quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.
*********************
Hàng nghìn nhà đầu tư bị lừa bởi các sàn giao dịch bất hợp pháp tại Việt Nam
RFA, 28/06/2021
Hàng ngàn nhà đầu tư Việt Nam bị lừa đảo bởi các sàn giao dịch ngoại hối giả với những lời dụ dỗ, lời hứa lợi nhuận cao khiến hàng nghìn người tiền mất tật mang. Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 28/6.
Ảnh minh họa - RFA Edited
Trước đó, vào ngày 24/6, Công an Hải Phòng vừa triệt phá một mạng lưới sàn giao dịch ngoại hối khu vực phía Bắc với 16 sàn giao dịch, hơn 115.700 tài khoản giao dịch và hơn 7.500 tỷ đồng tương đương 326 triệu USD tiền giao dịch. Trong đó, sàn giao dịch Hitoption.net với gần 1000 nhà đầu tư .
Cơ quan chức năng quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai người là Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền bị cho là người đứng đầu sàn giao dịch Hitoption. Cả hai bị bắt để điều tra về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Sau khi sàn giao dịch được thành lập, những người tổ chức đã điều hành và quảng cáo sàn giao dịch này xuất xứ từ Anh Quốc và cam kết lãi suất ổn định từ 6-15%/ tháng, người đầu tư có thể rút tiền vốn và lãi về bất cứ lúc nào trong vòng 100 ngày, nếu các nhà đầu tư giới thiệu người mới thì được hưởng thêm 1,5% hoa hồng.
Cơ quan chức năng Thành phố Hải Phòng xác nhận có hơn 30 người đã đầu tư vào sàn giao dịch này với tổng số tiền lên tới hơn 16 tỷ đồng nhưng sau một thời gian khi nhà đầu tư yêu cầu rút tiền thì không cho rút và điều chỉnh chế độ tự động khiến các nhà đầu tư liên tục bị lỗ dẫn đến hết tiền trên tài khoản. Mở rộng điều ra cơ quan chức năng phát hiện còn 16 sàn giao dịch khác với hơn 115.000 tài khoản giao dịch với tổng số tiền lên tới hơn 7.500 tỷ đồng và số tiền đã rút là hơn 611 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra khẳng định chưa có sàn giao dịch ngoại hối nào được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận nên đây là phương thức và thủ đoạn mới để chiếm đoạt tài sản, vấn đề phức tạp, mới phát sinh xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ quốc gia, an ninh kinh tế.