Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các vụ phá rừng tại Gia Lai, Hà Giang có dấu hiệu liên quan đến lãnh đạo địa phương

RFA, 15/06/2021

Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang hôm 15 tháng 6 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong vụ phá rừng ở xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Vụ này bị cho có dấu hiệu bao che từ Ủy ban Nhân dân huyện Mang Yang. Báo Tiền Phong đưa tin cùng ngày.

rung1

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm đếm khối lượng gỗ trong rừng bị tàn phá. Courtesy of Báo Gia đình & Xã hội

Trước đó, vào ngày 2 tháng 6, phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận tại khu rừng gần Ủy ban Nhân dân xã Hra khung cảnh lâm tặc đã dùng cưa xăng đốn hạ hàng loạt cây gỗ lớn, cây cổ thụ, xe máy ‘nối đuôi nhau’ vận chuyển gỗ ra khỏi cánh rừng.

Sau khi cảnh phá rừng bị phóng viên Báo Tiền Phong phát hiện, Ủy ban Nhân dân huyện đã ra thông cáo báo chí. Tuy nhiên, trong thông cáo, số lượng cây gỗ bị cưa hạ được nêu ít hơn thực tế nhiều. Theo Tiền Phong, ông Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai là người đã trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ khai thác lâm sản trên. 

Hạt Kiểm lâm huyện điều tra và xác định có hai nhóm đối tượng gồm sáu người ở thôn Phú Danh và làng Bok Ayơk, xã Hra, vào tiểu khu 489, xã Hra, khai thác gỗ vào đêm ngày 2 tháng 6.

Cũng tin liên quan đến lãnh đạo địa phương có dấu hiệu tiếp tay phá rừng, tại Vườn Quốc gia Du Già tỉnh Hà Giang, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già đã bị đình chỉ công công tác 15 ngày do có liên quan đến việc rừng nghiến cổ thụ bị tàn phá.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang ra quyết định vừa nêu hôm 15 tháng 6, đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã giao công an điều tra vụ việc và kiểm kê số lượng cây bị chặt hạ. Theo Báo Gia đình & Xã hội, số cây bị chặt lên đến hàng chục cây.

*******************

Thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây đánh bạc 1.500 tỷ đồng do băng nhóm giang hồ điều hành

RFA, 15/06/2021

Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/6 bắt giữ 23 người có liên quan đường đến dây cá độ bóng đá có giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng để điều tra hành vi Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc và Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày.

rung2

Những người bị bắt giữ ngày 14/6/2021 liên quan đường dây cá độ bóng đá. cand.com.vn

Tin cho biết, người đứng đầu đường dây này là Bùi Tuấn Anh, được nói là giang hồ có tiếng trong các băng nhóm xã hội đen ở vùng ven.

Tuấn Anh khai nhận rằng băng nhóm của ông hoạt động từ tháng 6/2019 ở khu vực giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Trước đó, tối 13/6, lực lượng công an đồng loạt ập vào 19 địa điểm khác nhau của đường dây này ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Sau khi khám xét nơi ở của những người trong băng nhóm do Bùi Tuấn Anh cầm đầu, công an thu giữ súng hoa cải, đạn, đao kiếm, mã tấu và các máy móc phục vụ việc tổ chức đánh bạc.

Truyền thông nhà nước cho hay băng nhóm này ngoài Tuấn Anh còn có Trần Thế Vinh, cũng được nói là giang hồ máu mặt chuyên sử dụng súng để đi đòi nợ hoặc giải quyết những phi vụ mâu thuẫn trong làm ăn.

********************

Trang web của VOV bị tấn công sau khi đăng hai bài viết chỉ trích bà Nguyễn Phương Hằng

RFA, 14/06/2021

Tổng biên tập báo điện tử VOV (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) hôm 14/6 cho báo chí trong nước biết, trang web của báo này đã bị liên tục tấn công từ ngày 13/6 sau khi báo này đăng tải hai bài viết chỉ trích bà Nguyễn Phương Hằng vì những nội dung được bà này đưa lên mạng xã hội qua các livestream.

rung3

Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và Huỳnh Uy Dũng trong một livestream gần đây - Ảnh chụp màn hình YouTube

Truyền thông Nhà nước trích nguồn tin từ lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) xác định thông tin VOV đã gửi công văn đề nghị Công an vào cuộc điều tra, và hiện Bộ Công an đã tiến hành điều tra, làm rõ nhóm đối tượng có liên quan.

Theo ông Ngô Triệu Phong, Tổng biên tập VOV, vào ngày 12/6, VOV đã đăng tải hai bài viết về bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam) gồm : "Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn : Đã đến lúc cần xử lý nghiêm" và "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".

Theo ông Ngô Triệu Phong, các bài viết ghi chép khách quan ý kiến các chuyên gia, không chụp mũ, không thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả, toà soạn. Nội dung chung của hai bài báo này là không thể lợi dụng mạng xã hội, livestream để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.

Theo truyền thông Nhà nước, trang web của VOV đã bị một số người sử dụng tài khoản ảo để tấn công, trong đó đỉnh điểm là tấn công DDOS (từ chối dịch vụ), tấn công Fanpage của báo, gửi email xúc phạm các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, xúc phạm phóng viên viết bài bằng những tin nhắn đe doạ, thoá mạ….

Bà Nguyễn Phương Hằng thời gian qua đã có nhiều lần thực hiện các livestream trên Facebook và YouTube. Các livestream của bà đã thu hút cả triệu lượt người theo dõi và được coi là mức kỷ lục ở Việt. Nam. Trong một số những livestream của mình, bà Hằng đã nói về các diễn viên và người nổi tiếng ở Việt Nam, đặc biệt là vụ danh hài Hoài Linh chậm trễ trong việc giải ngân khoảng 14 tỷ đồng cứu trợ cho người dân bị lũ lụt ở miền trung hồi năm ngoái.

Sau một loạt những livestream này của bà Hằng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chị đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, xử lý những người mà Bộ xác định là vi phạm trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hôm 14/6 cũng có bài phát biểu kêu gọi làm sạch không gian mạng. Ông Hùng nói :

"Nhiều khoảng trống đang tồn tại trên không gian mạng và đang bị lợi dụng. Rất nhiều cá nhân và tổ chức đang bị tổn thương trên không gian mạng và 'nỗi đau' này là trách nhiệm đầu tiên, trước hết thuộc về Bộ Thông tin và truyền thông".

Published in Việt Nam