Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch Hà Nội "chịu trách nhiệm" như thế nào khi số ca Covid-19 liên tục tăng ?

Số ca nhiễm Covid-19 đang liên tục tăng cao từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội. Nhiều cư dân Thủ đô nhắc lại lời cam kết của Chủ tịch Chu Ngọc Anh là "sẽ chịu trách nhiệm nếu Hà Nội bung, toang". Vậy trong tình hình hiện nay Chủ tịch Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm như thế nào ?

covid1

Ảnh minh hoạ - Dân Trí/RFA edited

Số ca nhiễm liên tục lập kỷ lục

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 7/2, số người mắc Covid-19 trong cộng đồng liên tục oil mạnh, chỉ riêng trong ngày 28/2, Việt Nam ghi nhận 94.376 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với 12.850 ca và số người trở nặng, tử vong cũng tăng trở lại.

Việc F0 tăng nhanh dẫn đến tình trạng kit xét nghiệm Covid và thuốc cảm, giảm sốt, máy đo nồng độ ô-xy trong máy… trở nên khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, và không kiểm soát được.

Nhiều trường học ở Hà Nội lại phải cho học sinh học trực tuyến, chỉ sau khoảng hai tuần các em trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2.

Một giảng viên đang sinh sống tại Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA rằng tình hình dịch bệnh hiện nay đã lan tràn khắp thành phố :

"Tôi quan sát những người mà tôi biết hầu như đã lần lượt bị dính Covid. Bản thân gia đình nhà tôi lần lượt đều bị hết rồi. Đến bây giờ ở Hà Nội thì gần như là cái tỷ lệ người bị nhiễm bệnh nhiều hơn là người chưa nhiễm".

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác phòng chống dịch Covid thì hiện nay, do số F0 đã quá nhiều trong cộng đồng. Hệ thống y tế cơ sở đang bị quá tải, các nhân viên y tế phải làm việc với cường độ cao nhưng vẫn không thể đáứng yêu cầu. Do đó, nhiều người nhiễm bệnh phải tự tìm thuốc chữa trị tại nhà.

Chị Ngọc Linh, trả lời Đài Á Châu Tự do trong lúc đang tự điều trị Covid, cho biết đã cố gắng gọi cho y tế phường sau khi biết mình nhiễm bệnh, nhưng không có ai nghe máy : 

"Gọi nhưng mà không được, tức là gọi đến đường dây nhưng không có ai bắt máy. Bây giờ kiểu như số lượng bị nhiều quá cho nên nhiều khi các tuyến đầu người ta cũng quá tải, và trường hợp của em cũng không nghiêm trọng lắm thì em tự mua thuốc điều trị ở nhà".

Ngày 27/2, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cũng là trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Hà Nội phát biểu trong phiên họp trực tuyến với các quận huyện rằng số ca nhiễm trong nửa tháng tới sẽ tiếp tục tăng cao, có khả năng đỉnh dịch rơi vào khoảng giữa tháng ba. Tình trạng hiện nay là thách thức, tạo áp lực và khó khăn rất lớn cho hệ thống y tế cơ sở, nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ cộng với ý thức của người dân.

Lời hứa chịu trách nhiệm của Chủ tịch Hà Nội

Vào ngày 2/12/2020, ông Chu Ngọc Anh từng hứa là sẽ chịu trách nhiệm nếu Hà Nội "bung, toang". Cụ thể, người đứng đầu Chính quyền Hà Nội nhấn mạnh rằng Hà Nội quyết tâm không để có làn sóng dịch thứ ba, "Nếu địa bàn Hà Nội mà bung và toang, hứa với các đồng chí tôi chịu trách nhiệm, mà không hứa thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm".

Chị L.H, ở Hà Nội, cho biết cả gia đình mới vừa trải qua 14 ngày tự cách ly do nhiễm Covid, chị nói rằng liệu con số F0 tăng mạnh đến hơn chục ngàn ca mỗi ngày có được coi là "bung", là "toang" hay chưa :

"Cho đến giờ phút này tôi vẫn thường hay hỏi là Hà Nội mỗi ngày mấy ngàn ca thì có được cho là "bung và toang" chưa. Bởi vì ông ấy nói nói là "bung và toang", nhưng cũng không có một cái mốc nào cho biết con số bao nhiêu".

Theo vị giảng viên giấu tên, sự việc báo chí trong nước đưa tin nhiều về phát ngôn của ông Chu Ngọc Anh, có thể có hai khả năng. Thứ nhất là những đối thủ chính trị trong Đảng cố tình cho lan truyền lời hứa này, để nếu Hà Nội bùng dịch thì người dân sẽ vin vào phát ngôn này mà chỉ trích ông ấy. Thư hai là nó bộc lộ kiến thức của quan chức trong việc chống dịch thực sự có vấn đề :

"Bởi vì ông ấy nói câu đấy là vào thời điểm mà dịch bệnh đã lan rộng trên khắthế giới và các quốc gia khác đã có kinh nghiệm, để mình có thể nhìn thấy là việc mà nó lan tràn là khó tránh khỏi, không thể nào Zero-Covid như Trung Quốc được !

Thế thì qua việc này mới thấy được năng lực chuyên môn, năng lực điều hành xã hội cộng với kiến thức chuyên môn cơ bản của quan chức chúng ta là có vấn đề, có lỗ hỏng.

Về câu nói của ông ấy thì có hai góc độ, thứ nhất ông ý ngu thật, và thứ hai là ông ấy cũng đang bị người ta dìm".

covid2

Một người dân đứng sau rào phong tỏa ngăn ngừa dịch Covid-19 ở Hà Nội hôm 30/8/2021. AFP

Phản ánh sai lầm của lãnh đạo các tỉnh phía Nam

Đối chiếu giữa hai quan điểm chống dịch mà Việt Nam từng áp dụng. Ban đầu là chạy theo thành tích "Zero-Covid" như vào thời điểm từ tháng năm đến tháng 10 năm ngoái, thứ hai là "sống chung với dịch" như hiện nay. Những người dân Hà Nội mà RFA phỏng vấn cho rằng tình hình thực tế hiện nay phản ánh rõ ràng là Chính phủ đã sai khi ban hành chính sách phong tỏa hoàn toàn, nghiêm ngặt hồi năm ngoái.

Theo chị L.H, có lẽ là hiện nay chính quyền Hà Nội đã nhận ra sai lầm của dàn lãnh đạo ở các tỉnh thành phía Nam, nên để cho người dân tự cách ly điều trị :

"Nếu như ngay từ đầu Chính quyền xác định dịch này là phải sống chung với nó thì sẽ có một phương án khác và không đến mức độ lockdown (phong toả) toàn thành phố để mọi sinh hoạt bị đình trệ và gần như tê liệt. Việc tập trung vào một nơi để cách ly khiến tỷ lệ tử vong cao. Tôi nghĩ là nó phát sinh ở chỗ là người bệnh không được điều trị chăm sóc.

Còn hậu quả của nó thì không cần phải nói, cho đến tận bây giờ và đến một hai năm nữa ra chắc cũng chưa gánh hết. Bởi vì cái tỷ lệ mất việc, thất nghiệp và kinh tế đình trệ thì đến bây giờ đã thấy rất rõ.

Tôi nghĩ là mình may mắn hơn so với ở Sài Gòn thời điểm đó. Bởi vì nếu như bây giờ mà Hà Nội lại tiếp tục lockdown một lần nữa thì nói thật bản thân gia đình tôi và rất nhiều gia đình sẽ không biết xoay sở làm sao".

Giảng viên giấu tên nói, trước thực trạng số ca nhiễm Covid ở Hà Nội tăng cao, nhưng đa số là có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với khi phong tỏa toàn thành phố, thì đại đa số người dân mới nhận ra rằng việc cách ly nửa năm trước là sai :

"Bây giờ sự thật nó bày ra trước mắt như thế rồi thì phải biết suy nghĩ là vừa qua Chính quyền đã làm đúng hay sai. Cũng từ đây có thể nhìn thấy được năng lực điều hành của chính quyền Việt Nam đang có vấn đề rất là lớn. Mọi người không dám mở miệng ra để chê trách mà thôi !

Mình không biết là có phải do họ (chính quyền Hà Nội – PV) rút kinh nghiệm, thương dân và muốn điều hành đất nước tốt hơn hay không, hay chỉ đơn giản rằng là họ đang bị thiếu tiền và muốn thúc đẩy kinh tế phát triển để họ vơ vét. Tôi cũng hoài nghi cái việc là họ có thực sự vì dân hay không".

Làn sóng Covid-19 thứ tư ở các tỉnh thành phía Nam kéo dài từ cuối tháng tư năm ngoái. Trước tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta, Chính phủ Việt Nam liên tục ban hành các chỉ thị giãn cách, phong tỏa với cấp độ mỗi ngày một nghiêm ngặt hơn, nhưng số ca nhiễm không giảm.

Sau năm tháng phong tỏa hoàn toàn nhiều tỉnh thành phía Nam, Chính phủ quyết định mở cửa trở lại. Từ đó, Việt Nam chứng kiến cảnh hàng trăm ngàn người lũ lượt tháo chạy khỏi thành phố. Theo tổng cục thống kê, có khoảng 1,3 triệu người, đa số là công nhân và lao động tự do, rời bỏ các thành phố lớn về quê.

Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam đưa ra ngày 28/2 cho thấy số nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam là 40/250 người. Trong số đó có nhiều người chết do bị "nhốt" vào các trung tâm cách ly tập trung mà không được chăm sóc. Trách nhiệm đối với những trường hợp ‘chết oan’ ai phải chịu trách nhiệm là câu hỏi được nêu ra lâu nay.

Published in Việt Nam