RFA, 03/06/2024
Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ trong ngày 3 tháng 6 năm 2024 xác nhận, ông Lê Anh Tú, tức sư Thích Minh Tuệ, đã tự nguyện dừng cuộc đi bộ để tránh gây mất trật tự an toàn xã hội. Dư luận không tin vào chữ "tự nguyện" từ Ban Tôn giáo Chính phủ được báo chí nhà nước loan tải, bởi ở Việt Nam có nhiều trường hợp gọi là bị "ép buộc tự nguyện".
AFP
Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo ; bản thân sư Thích Minh Tuệ cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.
Ni cô Diệu Hạnh nói với RFA suy nghĩ của mình khi hay tin sư Minh Tuệ tự nguyện dừng bộ hành, dừng khất thực :
"Làm gì có chuyện tự nguyện. Theo em, công an đã hăm dọa, yêu cầu thầy phải dừng bộ hành, mà dừng bộ hành với thầy Minh Tuệ nghĩa là bắt thầy dừng tu theo cách của thầy rồi. Như vậy là không có tự do tôn giáo, không có tự do tín ngưỡng. Sắp tới còn có chuyện quản lý tăng ni, phật tử bằng phần mềm càng chứng tỏ sư thầy không được tự do tu tập".
Một người dân Sài Gòn cho rằng, khi Ban Tôn giáo Chính phủ phát đi thông tin sư Thích Minh Tuệ tự nguyện ngừng cuộc bộ hành của ông, các báo đều đưa tin răm rắp mà không hề có một chi tiết nào cho thấy ai có thể thuyết phục ông dừng. Người dân này nói tiếp :
"Điều được bàn tán nhiều, là chữ 'tự nguyện' với cả truyền thống cách mạng bí ẩn của nó, từ chuyện Trịnh Xuân Thanh 'tự nguyện' về đầu thú, đến chuyện Trương Duy Nhất 'tự nguyện' đi từ Thái Lan về. Đó là chưa nói, thời sau 1975, dân miền Nam 'tự nguyện' đi kinh tế mới, 'tự nguyện' nộp vàng đi bán chính thức... cứ lấy lịch sử của chữ 'tự nguyện' màu XHCN, ai cũng có thể cảm nhận sâu sắc về chuyện dừng bộ hành của sư Minh Tuệ đầy tính 'tự nguyện'".
Chính quyền Việt Nam lâu nay được cho là sợ đám đông tụ tập nên dùng mọi cách để giải tán đám đông, cho dù đó chỉ là một chương trình lễ hội, âm nhạc không liên quan đến chính trị. Dư luận còn nhớ sự kiện xảy ra hôm 10 tháng 9 năm 2019, đám đông hâm mộ đi đón nam diễn viên Hàn Quốc Ji Chang Wook đã bị Cảnh sát cơ động hú còi báo động, sử dụng bình chữa cháy xịt thẳng vào đám đông. Cảnh sát còn dùng cả dùi cui chích điện để trấn áp, giải tán khiến người dân ngỡ ngàng.
Hay Luật biểu tình và Luật lập hội nhiều lần bị loại khỏi nghị trình Quốc hội với lý do "tạm hoãn vì cần chuẩn bị kỹ hơn", cho dù quyền biểu tình và quyền lập hội là hai trong số các quyền cơ bản của công dân, được ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013. Hai quyền này cũng được quy định trong Điều 19 và Điều 21 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, sư Thích Minh Tuệ đã bị ép buộc phải "tự nguyện" dừng bộ hành. Đó là cách Nhà nước Việt Nam thực hiện từ nhiều năm qua, trong nhiều lĩnh vực. Ông nói :
"Ở Việt Nam, tất cả những hoạt động gây ảnh hưởng đến số đông đều bị theo dõi rồi bị cấm đoán. Không cần ảnh hưởng gì lớn lao trên toàn xã hội, mà chỉ cần ảnh hưởng trên một địa phương nào đó là sẽ bị cấm đoán. Để phục vụ cho việc gọi là bảo vệ an ninh trật tự, chính quyền luôn luôn đề nghị người dân tự nguyện. Mà một khi đề nghị như vậy chỉ là cách nói thôi, chứ mục đích là ép buộc. Ví dụ học sinh đi học thì phụ huynh phải tự nguyện đóng góp, hay trong vấn đề hình sự hay dân sự, khi công an mời người dân nào đó lên đồn làm việc thì sau đó người dân này lại có đơn xin tự nguyện ở lại để phục vụ điều tra. Nhưng thật ra cái đó là ép buộc".
Ngoài việc đưa tin sư Thích Minh Tuệ tự nguyện ngừng bộ hành, truyền thông Nhà nước mới đây cho hay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, dự định sớm triển khai mở rộng cho cả nước nhằm quản lý hồ sơ người thụ giới, hồ sơ chuyển nội tỉnh, ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia…
Theo Bộ Công an, hệ thống quản lý tăng ni Phật tử gồm có ba phần mềm. Thứ nhất là phần mềm cho Phật tử. Phật tử phải đăng ký ghi danh Phật tử, đăng ký quy y tam bảo ; xem thông tin hành chính giáo hội, tin tức, sự kiện, các ngày lễ Phật giáo, nghe giảng pháp thông qua tài khoản VneID. Thứ hai là phần mềm quản lý tăng ni, gồm các chức năng như quản lý Phật tử, tăng ni ; quản lý hồ sơ thụ giới, hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh, hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia. Thứ ba là phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo, gồm các chức năng như xem thông tin cá nhân dành cho tăng ni, hồ sơ điện tử, tra cứu hồ sơ.
Một Phật tử không muốn nêu danh tính, nói với RFA quan điểm của mình về động thái mới trên :
"Có thể thấy rõ, Giáo hội Phật giáo Nhà nước được chọn làm chuột bạch để thử nghiệm phương thức kiểm soát chặt giới tăng ni như kiểu Trung Quốc, mà vốn tăng ni từ tỉnh A qua tỉnh B, sẽ có xác nhận cho phép của các chùa nơi đi nơi đến. Sẽ có hệ thống chấm điểm 'vâng lời', bao gồm không giao du với chùa phản động, tăng ni phản động... nếu vi phạm nhiều lần có thể bị cấm di chuyển ra khỏi chùa, 'sám hối' trong một thời gian hoặc nặng, có thể bị trục xuất ra khỏi hệ thống Phật giáo.
Điều này cho thấy không bao lâu nữa, những việc lên tiếng tự do theo lương tâm của mình như thầy Thích Minh Đạo sẽ ngày càng mất dần, những sư của Nhà nước sẽ ngại tiếp xúc với các chùa và các sư của Giáo hội Phật giáo Thống nhất hơn. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao Giáo hội Phật Giáo nhà nước lại phải bắt tay với công an để thực hiện những hàng rào kẽm gai cho tăng ni ?"
Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của đại tá Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội rằng : "Đề nghị các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được giao sử dụng hệ thống quản lý tăng ni Phật tử phải hết sức chú ý tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ bí mật cá nhân".
Nguồn : RFA, 03/06/2024
*****************************
Sư Thích Minh Tuệ ‘tự nguyện dừng đi bộ khất thực’, tại sao ?
BBC, 03/02/2024
Trang web chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cho biết nhà sư Thích Minh Tuệ đã ‘tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực’.
Hành trình tu hạnh đầu đà của nhà sư Thích Minh Tuệ đã tạo nên một hiện tượng nổi bật tại Việt Nam trong thời gian qua
Thông báo ngày 3/6 của Ban Tôn giáo Chính phủ nêu :
"Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo ; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật".
Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tương đương Tổng Cục trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ nêu :
"Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 03 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung".
Cũng theo thông báo này, "trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường ; đặc biệt, ngày 30/5/2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong ; tiếp theo đó là ngày 02/6/2024 có 02 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường".
Thông báo cho biết sau sự việc đáng tiếc nêu trên, "các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực".
Trước đó, vào sáng sớm hôm nay, nhiều thông tin trên mạng cho biết sư Thích Minh Tuệ đột nhiên "biến mất" sau khi đến địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế vào buổi chiều hôm trước, không ai rõ tung tích. Những người đi theo ông, trong số đó có nhiều người đi theo để sản xuất video đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, đã phải giải tán.
Phần cuối của thông báo là lời kêu gọi :
"Để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng".
Báo chí nhà nước kêu gọi 'cảnh giác thế lực thù địch'
Trong thời gian gần đây, khi hành trình của sư Thích Minh Tuệ ngày càng được công chúng quan tâm và ủng hộ, báo chí nhà nước cũng bắt đầu có nhiều bài viết kêu gọi "cảnh giác".
Vào ngày 26/5, báo An ninh thế giới đăng bài viết có nhan đề "Khi kiếp nạn sinh ra từ ‘ngáo’ mạng xã hội".
Không nói quá nhiều đến cách tu của sư Thích Minh Tuệ, bài viết này tập trung phê phán phản ứng của cộng đồng mạng trước hiện tượng sư Minh Tuệ, mở đầu bằng con số 87.200.000 kết quả tìm kiến trên Google của từ khóa "Thích Minh Tuệ".
Theo bài viết, con số này cho thấy "sự hiếu kỳ của thời đại mạng xã hội đã và đang tạo ra những kỳ dị xã hội mà có thể được dùng bằng hai tiếng ‘kiếp nạn’".
Bài viết cho rằng cách tu của sư Minh Tuệ "quá ư bình thường", nhưng lại được "ca tụng thái quá cũng như chê bai thái quá".
Công an dẹp đường và bảo vệ trật tự khi đoàn đi qua tỉnh Quảng Trị hôm 30/5
Tới ngày 30/5, một người đi theo sư Minh Tuệ, tên là Lương Thanh Sơn, đã tử vong và các bác sĩ chẩn đoán là do sốc nhiệt.
Thứ sáu 1/6, báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam có bài viết cho rằng hình ảnh bộ hành của sư Minh Tuệ đang bị "các thế lực thù địch" lợi dụng nhằm "phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam" và "chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta".
Báo này cũng dẫn lời đại diện chính quyền huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cáo buộc rằng nhóm người đi theo ông Minh Tuệ "đã xả rác, phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh".
Trước đó, sự cuốn hút của sư Thích Minh Tuệ đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.
Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố.
Nội dung chính của công văn này khẳng định sư Minh Tuệ "không phải tu sĩ Phật giáo".
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ cũng ra thông báo : "Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Hôm qua ngày 2/6, hàng loạt tờ báo nhà nước đăng tải thông tin liên quan tới sư Minh Tuệ.
Theo bài viết ngày 2/6 trên Báo Công an Nhân Dân, cơ quan chức năng huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã xác nhận có thêm hai người bị sốc nhiệt trong lúc bộ hành cùng sư Minh Tuệ.
Tuy nhiên, theo xác minh của báo Lao Động, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết không tiếp nhận trường hợp liên quan vào cấp cứu điều trị.
Cũng vào ngày 2/6, một bài viết trên báo Công Thương dẫn lời dẫn lời ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng "ông Tuệ nên tạm ẩn tu".
Điều gì đã xảy ra ở Thừa Thiên-Huế ?
Hôm qua 2/6, sau khi sư Thích Minh Tuệ cùng những người đi theo ông tới tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn đã được "điều hướng" sang đường tránh, thay vì đi xuyên qua trung tâm thành phố Huế.
Tới sáng sớm hôm nay, khi mọi người tìm tới khu vực sư Thích Minh Tuệ nghỉ vào đêm hôm qua thì không còn bóng dáng ông nữa.
Nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng, nói rằng chỉ muốn nhìn thấy sư Thích Minh Tuệ để biết ông vẫn đang an toàn.
Bên cạnh đó, có những bức hình chụp sư Minh Tuệ được một cán bộ công an lấy dấu vân tay đang được lan truyền trên mạng xã hội. Facebook chính thức của Kenh14.vn, một trang truyền thông tổng hợp nổi tiếng có giấy phép của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, cho biết sư Thích Minh Tuệ "được cán bộ công an hỗ trợ làm căn cước công dân".
Một hình chụp xe cảnh sát mang biển số 75A (tỉnh Thừa Thiên-Huế) chở một số người giống nhà sư (do hình ảnh không rõ) cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
BBC chưa độc lập xác định được thời điểm các bức ảnh được chụp.
Cũng trong buổi sáng hôm nay, đã xuất hiện các bức ảnh chụp một số nhà sư ăn tại một quán phở ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là những người từng đi trong đoàn của sư Thích Minh Tuệ.
Không có sư Thích Minh Tuệ trong những hình chụp này.
BBC đã liên lạc với quán phở nói trên và được xác minh đúng là những nhà sư kia đã đến quán vào khoảng 8 giờ sáng hôm nay ngày 3/6.
Họ đã ăn bún chay xì dầu.
"Các thầy kể lúc tối chính quyền vào cuộc tách mọi người ra hết, mỗi nhóm mỗi nơi, cho nên bây giờ các thầy cũng không biết thầy Minh Tuệ ở đâu", nhân viên quán thuật lại với BBC.
Theo lời nhân viên từ quán phở, sau khi ăn xong thì các nhà sư đã đón xe đi mỗi người một hướng.
Tuy nhiên, có một người trong nhóm (thường được dân mạng gọi là Kim Cang) rời quán vào buổi trưa và nói rằng sẽ đi tìm sư Thích Minh Tuệ.
Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng tại Thừa Thiên-Huế cho biết sau khi sư Thích Minh Tuệ dừng cuộc đi bộ khất thực, lực lượng chức năng "đã hỗ trợ đưa ông đến nơi mà ông mong muốn".
Tại đây, sư Thích Minh Tuệ đã được chính quyền địa phương hỗ trợ làm căn cước công dân "để có giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền công dân theo quy định pháp luật".
Nguồn : BBC, 03/02/2024
*****************************
Sư Minh Nhuận tố cáo Công an Việt Nam đột kích bắt sư Thích Minh Tuệ và toàn bộ đoàn đi bộ khất thực
Lê Anh, Thoibao.de, 03/06/2024
Theo tường thuật của sư Minh Nhuận thì vào khoảng 1-2 giờ sáng 3/6/2024 đã có hàng chục xe cảnh sát ập đến trong đêm, lúc sư Thích Minh Tuệ và đoàn đi bộ khất thực đang ngủ.
Sư Minh Nhuận tường thuật lại vụ việc
Sau đâu là tường thuật của sư Minh Nhuận về vụ việc :
Cứ 2 cảnh sát áp tải, lôi 1 người của đoàn này lên xe đặc chủng rồi chở họ đi.
Hình chụp xe cảnh sát mang biển số 75A (tỉnh Thừa Thiên-Huế) chở một số người giống nhà sư (do hình ảnh không rõ) ược lan truyền trên mạng xã hội.
Sư Minh Tuệ được một cán bộ công an lấy dấu vân tay để làm căn cước công dân tại đồn công an.
Sau khi phục kích bắt sư Thích Minh Tuệ, thì nhà nước Việt Nam cho báo quốc doanh đăng tin "ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực"Công an Việt Nam bắt sư Thích Minh Tuệ và đoàn đi bộ khất thực sáng 3/6/2024, lúc họ đang ngủ (ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội).
Đoàn xe của Công an Việt Nam chở sư Thích Minh Tuệ và toàn bộ đoàn đi bộ khất thực chia làm 3 hướng vào sáng sớm 3/6/2024 (Nguồn : người dân cung cấp).
Lê Anh
Nguồn : Thoibao.de, 03/06/2024
******************************
RFA, 03/06/2024
Ban Tôn giáo chính phủ (viết tắt là BTGCP) Việt Nam sáng 3/6 tuyên bố cho biết ông Lê Anh Tú (thế danh của sư Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc bộ hành khất thực, tuy nhiên hai vị sư đi theo trong đoàn tiết lộ điều hoàn toàn trái ngược.
Mạng xã hội/ RFA edited
Cơ quan thuộc Bộ Nội vụ có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đăng tải bài viết trên trang web chính thức cho hay, ông Tú hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân, tự tu hành theo đạo Phật và đã đi bộ hành từ Nam ra Bắc và ngược lại nhiều lần.
Ban Tôn giáo chính phủ cho rằng, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo sư Minh Tuệ gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường, trong đó có vụ một người đàn ông đi theo đoàn tên Lương Thanh Sơn đã bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong vào ngày 30/5/2024.
"Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.
Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực", cơ quan hành chính của Bộ Nội vụ viết.
TTXVN dẫn lời Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (Thừa Thiên Huế) là ông Lê Văn Thìn cho biết, tối 2-6, ông Lê Anh Tú và đoàn người đi bộ khất thực đã rời khỏi địa bàn xã ; người dân đi theo cũng đã giải tán, không còn tụ tập.
Trái ngược với tuyên bố của cơ quan Nhà nước, sư Minh Nhuận - người đi theo đoàn của sư Minh Tuệ nói trong một video được đăng tải lên Tiktok vào trưa 3/6, cho biết vào khoảng 1-2 giờ sáng cùng ngày khi đang nghỉ ở đỉnh đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, thì có hơn mười chiếc xe 16 chỗ mang biển xanh 75 (biển số xe của tỉnh Thừa Thiên Huế) và một chiếc xe 24 chỗ (biển số xe tỉnh Gia Lai) chở người đến khống chế các sư. Ông nói :
"Khi con đang ngủ, các anh em trong đoàn đang ngủ thì họ xô cửa, họ ào vào một cái một rồi họ nắm tay mọi người ra.
Hai người kèm một người (trong đoàn bảy mươi mấy người thì chắc phải có 100 người đó) là họ kề ra xe, họ chở đi họ chở một hướng đi Nam một hướng đi Bắc nhưng mà không biết sư Minh Tuệ và mọi người đang ở đâu.
Con và các huynh đệ thì chở ra Hà Tĩnh vô công an phường (xã-PV) Kỳ Trung lấy lời khai làm việc, ký cam kết này nọ buộc con phải ký là không đi chung đoàn và không vi phạm pháp luật".
Sư Minh Nhuận cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật và không làm gì sai trái nên đã không đồng ý hợp tác nên bị công an chở ra bãi đất trống xa trung tâm thành phố Hà Tĩnh và thả xuống.
Sư Phúc Giác (còn gọi là Kim Cang) trong một đoạn video khác cũng cho biết, khi sư Minh Tuệ đang ngồi thiền thì bị năm công an khống chế dí xuống đất.
"Một người tu đang ngồi thiền mà năm ông đè ra làm gì ? Thầy đâu có chống cự đâu mà người tu lấy gì mà chống cự. Ban ngày mời mình lên trụ sở hỏi han thì được chứ nửa đêm mà bắt người ta trói tay vào thì sao được ?" - vị sư xuống tóc nguyện đi theo sư Minh Tuệ khoảng hơn 10 ngày nay cho biết.
Cũng theo ông, có khả năng 71 vị đi theo đoàn đều được trả tự do rải rác ở các tỉnh thành, còn lại sư Minh Tuệ thì không biết tin tức.
Phóng viên gọi điện thoại cho Phòng tham mưu công an tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đoàn các sư nghỉ lại tối qua, để xác minh thông tin trên. Tuy nhiên viên công an trực máy khẳng định không biết sự việc và nói "trên mạng nói lung tung thôi, không đúng đâu".
Ngoài ra, hình ảnh của sư Minh Tuệ trên mình vẫn đang khoác y bá nạp, bị một người mặc sắc phục công an buộc lăn năm đầu ngón tay trong trụ sở để làm căn cước công dân, cũng được lan truyền trên mạng.
Phóng viên xác minh với công an huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của sư Minh Tuệ để hỏi về việc ông bị đưa trở về đây làm căn cước công dân, tuy nhiên người trực ban bắt máy từ chối trả lời và yêu cầu lên trụ sở gặp lãnh đạo để được cung cấp thông tin.
Một số sư bị đưa về Hà Tĩnh, buộc cởi y bá nạp và phải ghé quán ăn bên đường xin phở không ăn với nước tương. Ảnh Facebook
Một số video, hình ảnh khác cũng cho thấy khoảng năm vị sư trong đó có sư Kim Cang, sư Thích Tự Do... ghé vào quán Phở Hà Nội, ở cổng Formosa, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào trưa 3/6 để xin cơm chay.
Một người không nêu danh tính vì lý do an ninh đã gặp các sư ở quán ăn này khẳng định, các sư ăn bánh phở không với nước tương và tiết lộ bị công an buộc viết cam kết phải từ bỏ đoàn bộ hành trở về nhà. Người này khẳng định :
"Trước mắt các sư trở về nhà tiếp tục ăn chay, tu hành và chờ xem sư Minh Tuệ hiện đang ở đâu rồi tính tiếp".
Một người dân ở Sài Gòn muốn ẩn danh để bình luận một cách thoải mái, cho rằng chính quyền đã không thể kiểm soát được số người tin và bộ hành theo đoàn của các sư tu theo hạnh đầu đà nên đã đổ hết hệ thống công quyền ra để ngăn chặn dân chúng với lý lẽ thường thấy "không quản được thì cấm". Ông chia sẻ :
"72 vị khất sĩ cùng ngài Minh Tuệ đã không cánh mà bay hồi đêm qua... Nhưng ngọn lửa của chân pháp vẫn đang rực cháy. Có lẽ bấy nhiêu đó đã đủ cho thức tỉnh những người hữu duyên".
Một nhà quan sát về Phật giáo ở trong nước không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho rằng có khả năng sư Minh Tuệ đã bị bắt làm biên bản cam kết từ bỏ việc bộ hành như trong sáu năm qua, rồi bắt làm căn cước như một lý do chính và quay phim lại, chờ dịp để phát lên truyền hình Nhà nước.
"Sự kiện ông Thích Minh Tuệ được báo chí Nhà nước đưa tin là 'tự nguyện' không đi nữa, cách diễn giải đó giống như chuyện tù nhân tuyệt thực trong tù vì chế độ hà khắc được đưa tin là 'tự nguyện' không ăn cơm.
Đây là một trong những biểu hiện cụ thể cho thấy rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam chỉ là cái bánh vẽ mà Hà Nội đưa ra để giới thiệu với thế giới", người này nhận xét đồng thời cho rằng sư Minh Tuệ từ giờ trở đi sẽ không được để yên để tu hành "cho đến khi về một chùa nào đó và chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Nhà quan sát này cho rằng, sở dĩ cơ quan công an phải hành động trước khi đoàn của sư Minh Tuệ đến Đà Nẵng và vào các thành phố lớn của miền Nam là do :
"Từ Huế, người ta thấy số lượng người đi theo sư Tuệ đã lên đến cả ngàn, và điều này đối với công an cũng như là Ban tôn giáo sẽ không thể cho phép sư Tuệ bước vào miền Nam và trở thành một cuộc diễu hành vĩ đại cho tự do tôn giáo được".
Chiều 3/6, TTXVN cho biết cơ quan chức năng sẽ xử lý các trường hợp đưa thông tin sai lệch về trường hợp của sư Minh Tuệ.
Sở Thông tin và truyền thông Thừa Thiên Huế trong cùng ngày đã làm việc với ông Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1990, trú tỉnh Bình Dương, quản lý kênh Youtube "15s Bình Dương") về việc đăng tải các video có tiêu đề, ảnh bìa bị cho là thể hiện nội dung "giật tít", "câu view" với những thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương và gây hoang mang trong nhân dân.
Hãng thông tấn quốc gia trực thuộc Chính phủ Việt Nam cho hay, sau buổi làm việc, ông Tý đã nhận thức được việc đăng tải các nội dung trên đã tạo sự hiếu kỳ, tò mò khiến người dân tụ tập đông người làm cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Ông Tý đã viết bản tường trình và cam đoan không tái diễn việc làm tương tự ; đồng thời, chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau đó, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ông Tý gỡ bỏ các video đã đăng tải trên các kênh Youtube và mạng xã hội.
Nguồn : RFA, 03/06/2024
Sư Minh Tuệ, một người 6 năm qua lặng lẽ thực hành lối tu khổ hạnh (Hạnh đầu đà) --ngày ăn một bữa, áo mặc là những mảnh vải rách vá lại với nhau, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa, ngày đi lang thang từ nơi này sang nơi khác khất thực mà ăn, không nhận vật dụng, không nhận tiền cúng dường-- bỗng nhiên vì có người quay phim, chụp hình đưa lên mạng xã hội mà thành "hiện tượng", thành ra "nổi tiếng" bất đắc dĩ. Điều đáng nói là "cơn sốt" của xã hội Việt Nam về sư Minh Tuệ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Hiện tượng" sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.
Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết khác nhau về sư Minh Tuệ trong suốt thời gian qua, với đủ mọi lời khen chê, mọi cung bậc sắc thái cảm xúc, nhưng có một điều rõ ràng là "hiện tượng" sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.
Chuyện bình thường ở nhiều nước khác, lại trở thành bất thường ở Việt Nam
Chuyện các nhà sư tu khổ hạnh lặng lẽ đi khất thực từ nơi này sang nơi khác không phải là chuyện lạ ở một số quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Phật đông đảo, thậm chí ngay ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, dân chúng cũng đã từng bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi khất thực như vậy.
Nhưng như nhiều người cũng đã phân tích, tại sao bây giờ chuyện sư Minh Tuệ lại thành một hiện tượng? Thứ nhất, vì lâu nay hầu như hiếm có ai tu như vậy. Thứ hai, người dân được dịp so sánh với các ông "sư quốc doanh" trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Trúc Thái Minh… và rất nhiều ông sư khác. Các chức sắc Phật giáo này ở trong những ngôi chùa được xây nguy nga đẹp đẽ bằng tiền cúng dường, hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ, thậm chí đi xe hơi, xài điện thoại, đồng hồ đắt tiền, mặt mũi béo tốt, từ hành vi cử chỉ, lời nói cho đến lối sống còn đầy đủ sự tham lam sân si trần tục… Chẳng hạn như Thích Nhật Từ đi kiện một ông cụ già 90 tuổi chỉ vì một câu nói "ngu như bò", Thích Trúc Thái Minh lừa phật tử qua việc trưng bày cái gọi là "xá lợi tóc" ở chùa Ba Vàng, hoặc kêu gọi cúng sao giải hạn, hay Thích Chân Quang với những lời giảng xàm xí về kiếp trước, về nhân quả, khuyên phật tử phải cúng dường càng nhiều càng tốt, đe dọa không cúng thì sẽ không được phước báu…
Sư Minh Tuệ xuất hiện cho chúng ta thấy điều gì trong tâm lý đám đông, hiện trạng xã hội, hiện tình Phật giáo Việt Nam ?
Việc người dân kéo đàn kéo lũ đi theo sư Minh Tuệ, quay phim, chụp ảnh, sắp hàng đảnh lễ, quét rác, rải hoa trên đường đón sư Minh Tuệ và các huynh đệ đi qua, một mặt cho thấy người dân khao khát có những bậc chân tu, khao khát được nhìn thấy Phật giáo trở lại con đường giản di đúng với bản chất tự ngàn xưa ; nhưng mặt khác việc nhiều người tôn sùng, quỳ lạy, khóc lóc, đọc thơ, sờ vào người, đòi đổi nồi cơm điện, giành nhau cái bìa carton sư lót chai nước, xâm phạm sự riêng tư --sư Minh Tuệ đi vào nhà vệ sinh cũng chĩa máy quay… cho thấy sự mê muội, thói mê tín, quan niệm lệch lạc, hiểu sai về đạo Phật của một số người. Cũng giống như việc đi chùa nhét tiền vào tay tượng Phật, cúng bái để cầu mong làm ăn phát tài mua may bán đắt, nhiều người dường như có quan niệm cúng dường chỉ để xin phước báu? Bên cạnh đó là sự trục lợi của một số người làm YouTube, Tiktok.
Dư luận cũng nói nhiều đến thái độ ghen tị, sân si của một số nhà sư quốc doanh, một số "đệ tử" của các vị này hay những "nhà báo" bênh vực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ những bài viết, tấn công trực diện vào sư Minh Tuệ đăng trên trang Phật Giáo Đời Sống, như bài "Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ" của tác giả Lý Diện Bích chẳng hạn, vu khống, chụp mũ sư Minh Tuệ, lời văn bộc lộ rõ sư ganh ghét, tức tối về việc tu tập của sư Minh Tuệ (cả 3 bài viết này hiện đã lẳng lặng bị gỡ bỏ) ; rồi những cái sai trong văn bản của Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hạ thấp thầy Minh Tuệ, tuyên bố sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ/nhà tu, đưa tên tuổi, nhân thân của sư Minh Tuệ ra ; hay việc sư sư Thích Chân Quang làm video mắng thầy Thích Minh Tuệ là thằng, là ba trợn…
Giữa những người mang tiếng là tu hành mà không hề bớt sân hận đó thì một nhà sư có những lời giảng sâu sắc, chân thành, đúng đắn về hiện tượng sư Minh Tuệ là Hòa thượng Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại bị tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương của Hòa thượng khiển trách, bắt phạt quỳ sám hối, khiến vị Hòa thượng này phải xin rút lui khỏi mọi nhiệm vụ của giáo hội, "xin khép mình trong im lặng".
Điều tích cực là sự lên tiếng của rất nhiều facebooker, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhân sĩ trí thức, phật tử trên mạng xã hội đã có những tác dụng : Những bài viết tấn công sư Minh Tuệ bị buộc phải gỡ bỏ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải "mời" nhà sư Thích Chân Quang lên làm việc về những phát ngôn của mỉnh, và ngày 20/5 vừa qua trện báo điện tử của tỉnh Hải Dương đã có một bài viết rất đàng hoàng : "Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ".
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người chất vấn : đi tu như vậy thì làm lợi gì cho xã hội ? Ai cũng đi tu thì ai lao động, làm ra lúa gao, dệt vải, giữ gìn trật tự an ninh con đường sư đi. Đây gọi là lo bò trắng răng. Xã hội mỗi người một việc. Xã hội Việt Nam 100 triệu dân, có mấy người đi tu khổ hạnh được như thầy Minh Tuệ ? Nếu lên tiếng sao không lên tiếng về những nhà sư, chùa cao cửa rộng giảng bậy bạ làm mê muội dân chúng, hay hiện tượng du lịch tâm linh, kinh doanh chùa… nhằm móc túi người dân và làm cho Phật giáo càng băng hoại thêm.
Giữa tất cả những sự ồn ào, bất nháo cho thấy sự mê muội, thiếu ý thức của nhiều người do phải sống quá lâu trong một xã hội độc tài, lệch chuẩn, một điều an ủi khác nữa như đã nói là đám đông vẫn luôn khao khát điều tốt đẹp, khao khát những con người tử tế. Khi một người tử tế, một trí thức đúng nghĩa, một vị chân tu xuất hiện người ta nhân ra ngay. Khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ qua đời, nhiều người trong đó có những trí thức miền Bắc lần đầu mới nghe đến tên Ngài, mới tìm đọc những gì Ngài viết rồi ngưỡng mộ, chia sẻ, lan tỏa…
Những người như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát, hòa thượng Thích Quảng Độ và bao nhiêu bậc chân tu, thiền sư, học giả ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với trí tuệ cao vời, đã miệt mài làm công việc giảng dạy, viết sách, dịch kinh… đóng góp vào văn hóa, giáo dục ; cũng như đã làm gương cho đám đông qua chính bản thân các vị với một đời sống giản dị, đại bi đại trí đại dũng của mình.
Trong khi đó sư Minh Tuệ là người thực hành con đường tu tập của đức Phật thời xa xưa, không thuyết giảng, nhưng hình ảnh buông xả, từ bỏ tất cả của sư Minh Tuệ sẽ có những tác động. Khi nhìn thấy một người có thể từ bỏ, buông bỏ tất cả như vậy người ta sẽ tự đặt câu hỏi tại sao chúng ta không có thể buông bỏ một chút xíu gì đó trong tâm tính, trong ham muốn, cắt giảm bớt các nhu cầu, bớt phàn nàn sân si ghen tị v.v… để cuộc sống nhẹ nhàng hơn ?
Tuy nhiên, cái gỉ thái quá thì cũng có hại. Kể cả sự khen ngợi, ngưỡng mộ, sùng bái khi quá mức sẽ không chỉ làm phiền đến việc tu tập, sự bình an của sư Minh Tuệ và những người đi cùng, mà sẽ tạo cớ cho nhà cầm quyền ra tay.
Lại có những người cho rằng sự xuất hiện của sư Minh Tuệ thời gian qua tuy làm hại cho Phật giáo Việt Nam là lột mặt nạ những kẻ giả tu và phơi bày sự suy thoái, biến tướng của Phật giáo Việt Nam, nhưng lại vô hình trung làm lợi cho nhà nước cộng sản. Giữa lúc "thượng tầng chính trị" của đảng cộng sản đang bị khủng hoảng trầm trọng với những cuộc thay người, "đảo chính mềm" diễn ra liên tục, thì việc dân chúng chú ý đến sư Minh Tuệ, bàn bạc suốt ngày về sư Minh Tuệ cũng làm giảm bớt sự chú ý vào nội tình bất ổn này ? Nhưng chỉ cần sau khi bàn cờ ngã ngũ, mọi cái ghế đã được chia xong mà mối quan tâm cũng như ảnh hưởng của sư Minh Tuệ vẫn không giảm đi, thì nhà cầm quyền có thể sẽ ra tay "dẹp sạch" bằng bất cứ lý do vớ vẩn gì đó. Trong một chế độ độc tài mọi thứ từ hữu hình đến vô hình đều phải nằm "trong hệ thống", đều phải chịu sự kiểm soát của đảng, bất cứ cái gì khác đi, dù là một cách tu khác, cũng không được phép.
Chế độ độc tài toàn trị khiến mọi thứ đều lệch lạc, lệch chuẩn
Nhìn vào xã hội Việt Nam hiên tại dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy một sự sai lạc, lệch hướng, lệch chuẩn trong mọi lĩnh vực, xuất phát từ sự sai lầm của mô hình thể chế chính trị và hướng đi của đất nước. Đó là sự lệch chuẩn từ những giá trị trong cuộc sống, tiêu chuẩn đánh giá con người, lối sống--chạy theo vật chất, chạy theo những cái bề ngoài… cho tới văn hóa, đạo đức, tôn giáo… Bởi vì tất cả đều bị chính trị hóa. Phật giáo Việt Nam thì vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lâu nay đã trở thành một tổ chức "thần quyền", dựa vào nhà cầm quyền, ứng xử độc tài chẳng khác gì chính nhà nước này khi tự cho mình cái quyền xác nhận ai không phải là tu sĩ/nhà sư, ai tu khác đi thì không được công nhận, ai lên tiếng nói điều phải thì bị phạt, bị quỳ sám hối, ai tu tại gia thì bị triệt cho vào tù... ; còn những "ma tăng" suốt ngày rao giảng nhảm nhí, bậy bạ, hù dọa người dân để họ phải cúng dường cho mình có tiền sống phủ phê, có tiền hàng tỷ trong tài khoản, có sổ đỏ đất đai v.v… thì lại không hề gì.
Và hiện tình đó của Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thay đổi khi nào còn chế độ độc tài, còn chưa có tự do tôn giáo. Phải có tự do tôn giáo thì các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng mới có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng, mới có nhiều vị chân tu, trí thức, thiền sư xuất hiện tự do hoằng dương chánh pháp, in ấn sách vở, mở trường đại học, tổ chức những cuộc tranh luận sâu về triết học, về Phật giáo… Từ đó mới lại có thể có "thế hệ vàng" những nhà sư, thiền sư, trí thức có kiến thức uyên thâm, đạo hạnh cao vời như miền Nam trước đây và mới có thể nâng cao dân trí, giúp cho người dân có được sự hiểu biết đúng đắn về Phật giáo để không sa vào mê tín, dị đoan. Và những tổ chức tôn giáo độc lập, những nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ, hay người tu khổ hạnh như sư Minh Tuệ có thể được tự do tu hành miễn không làm hại gì ai.
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/05/2024
"Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện ?". Đây là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Thị Nở - Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Theo như chúng ta được học, Nam Cao hay một số tác giả khác trong thời "phong kiến, thực dân" viết truyện tố cáo chế độ, để cho chúng ta thấy được bước đường cùng của người dân vào thời đó. (Bước đường cùng cũng là tên một tác phẩm của Nguyễn Công Hoan với nhân vật chính - Anh Pha).
Trước Cách Mạng Tháng 8, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo đói có tính phổ quát trong toàn xã hội. Nghèo đói chủ yếu là do lạc hậu, không có khoa học kỹ thuật nên làm ra không đủ ăn. Do vậy, những gia cảnh như anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo là có thể có thực. Một nước Việt Nam nhỏ bé như vậy mà nhiều lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh. Điều đó cũng chứng tỏ chúng ta cũng phải có thực lực nào đó, xã hội phải có kỷ cương. Quan ra quan và dân ra dân. Những hiện tượng quan tham, hà hiếp nhân dân thì bất cứ ở xã hội nào cũng có. Vấn đề nó là mức độ. Nếu đó là một hiện tượng tràn lan thì xã hội đó không thể mạnh, không thể tự đứng vững chứ đừng nói đến đánh ngoại xâm.
Khổ một nỗi tôn giáo chính thống của ta là Đạo Phật cũng bị các quan dùng làm làm phương tiện để kiếm tiền nốt, nên nó lại còn xuống cấp hơn các lĩnh vực khác.
Qua một số tài liệu lịch sử, văn học, qua các lời kể của những người mà tôi đã trực tiếp gặp thì chế độ xã hội thời bấy giờ và trước nữa còn đỡ thối nát hơn chế độ bây giờ rất nhiều.
Thử hỏi có một xã hội nào mà tất cả các quan chức từ cấp cao nhất có thể bị bắt bất cứ lúc nào dưới bất cứ tội danh nào. Chức vụ càng cao thì càng phải bị bắt. Vấn đề chỉ là "ai sẽ vị bắt, bị bắt lúc nào, ai bắt ai ?
Đây rõ ràng đang là một thực tế, đang diễn ra hàng ngày trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ và được đăng đầy trên báo lề phải. Tại sao thì quý vị đều hiểu. Tôi khỏi phải dài dòng. Một khi các quan chỉ còn mỗi mục đích là kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp nhân phẩm, tính mạng của nhân dân thì xã hội đó không thể không xuống cấp và xuống cấp trên mọi lĩnh vực.
Khi mà xã hội mục ruỗng, người lương thiện tìm cách đến với tôn giáo. Khổ một nỗi tôn giáo chính thống của ta là Đạo Phật cũng bị các quan dùng làm làm phương tiện để kiếm tiền nốt, nên nó lại còn xuống cấp hơn các lĩnh vực khác. Đạo Phật, một thứ đạo với biết bao phẩm chất trở thành một tà đạo để bóc lột nhân dân, để tấn công người khác, để các "khầy" làm giầu, hưởng lạc… Tôi không cần nêu thí dụ cho dài bài viết.
Ở Việt Nam ta, bao nhiêu năm trôi qua, bọn tà đạo (Phật) ngang nhiên hoành hành, thậm chí còn được ca ngợi…
Ở một xã hội lành mạnh, nhà nước sẽ không bao giờ nương tay với các tà đạo khi bị phát hiện. Còn ở Việt Nam ta, bao nhiêu năm trôi qua, bọn tà đạo (Phật) ngang nhiên hoành hành, thậm chí còn được ca ngợi… Không thể có giải thích nào khác là chính chúng nó là quan hoặc bọn làm giầu cho quan.
Đang lúc chúng nó làm ăn phát đạt, thì tự nhiên lại xuất hiện ông sư Minh Tuệ. Ông không làm hại ai, ông tự tu đúng như một phật tử chân chính, ông chọn con đường tu khổ hạnh, hoàn toàn trái ngược với bọn "tu đểu" hưởng lạc, kiếm tiềm. Ông không tự quảng bá cho mình mà chính nhân dân phát hiện ra ông, nâng ông lên bậc thánh, điều mà ông không cần.
Không biết đây có phải là một siêu mưu của ông hay không để cứu đạo Phật ở nước ta bằng cách đối lập với những tay đầu trọc đểu. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhưng ông đã đạp bể nồi cơm của chúng và đương nhiên ông đã bị chúng tấn công bằng nhiều cách khác nhau, một cách hèn hạ và ngu xuẩn tiêu biểu qua một quyết định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do "khầy" Thích Thất Thiện ký, không công nhận Thầy Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo, không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam… (đỉnh cao của Tiếu Lâm).
Thầy Minh Tuệ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều phản ứng khác của bọn ngụy Phật giáo, kể cả những biện pháp tàn bạo nhất.
Nhiều đồng lõa của các sư đểu cũng lên mạng xã hội chửi bới người dân ngưỡng mộ Thầy Minh Tuệ…
Hàng ngàn người (có nơi 5 ngàn) theo chân Thầy, thể hiện một hiện tượng xã hội trong đêm tối Tắt Đèn (Ngô Tất Tố) có lóe lên một ánh sao nên nhân dân mới hiếu kỳ. Nó cũng thể hiện sự khát khao mong mỏi của người dân muốn thấy được những người như Thầy Minh Tuệ trong xã hội. Đồng thời nó cũng thể hiện cả sự thay đổi về nhận thức của người dân trước "Chính" và "Tà". Chính-Tà nay đã được người dân nhận biết. Đó là một nguy cơ đối với những kẻ thống trị tà giáo. Nó cũng là một hiện tượng "tức nước vỡ bờ" của Tắt Đèn.
Thầy Minh Tuệ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều phản ứng khác của bọn ngụy Phật giáo, kể cả những biện pháp tàn bạo nhất.
Điều này chứng tỏ câu nói : "Trong một xã hội khốn nạn, ai cho phép mày sống tử tế ?".
Hoàng Quốc Dũng
(17/05/2024)
*******************************
Hiểu một cách đơn giản về sư Minh Tuệ
Đặng Chương Ngạn, 14/05/2024
Ông đi tu, ông tu theo phương pháp hạnh đầu đà.
Hạnh đầu đà là phép tu khổ hạnh là một hình thức tu bắt cơ thể phải chịu đói khát đau đớn. Hình thức tu này có trước khi Phật giáo ra đời, chính thái tử Tất Đạt Đa trên con đường sáng lập đạo Phật đã từng tu khổ hạnh trong 6 năm đầu.
Ông đi tu, ông tu theo phương pháp hạnh đầu đà.
Thánh Tăng đệ nhất đầu đà trong giáo đoàn của Phật chính là Ma-ha-ca-diếp (còn gọi là Ca Diếp), ông là người đứng đầu Tăng-già sau khi Tất đạt đa Cồ đàm mất. Phật Thích Ca là người khai sinh và truyền bá đạo Phật, còn người kế thừa di sản của Phật để truyền lại cho đời sau chính là tôn giả Ca Diếp…
Có mười ba phương pháp hạnh đầu đà này đã được Đức Phật cho phép thực hành, gồm :
Hạnh y phấn tảo
Hạnh tam y
Hạnh khất thực
Hạnh khất thực từng nhà
Hạnh nhất tọa thực
Hạnh ăn bằng bát
Hạnh không nhận tàn thực, tức là không dùng thực phẩm dư thừa
Hạnh ở rừng
Hạnh ở gốc cây
Hạnh ở ngoài trời
Hạnh ở nghĩa trang
Hạnh ở chỗ nào cũng được
Hạnh ngồi (không nằm).
Sư Minh Tuệ đang thực hành theo 13 hạnh đầu đà này. Nên y phục của ông được may từ các mảnh vải nhặt được, ăn ngày một bữa, đi chân đất, ngủ ngồi, ngủ trong rừng, ngủ trong nghĩa trang, ngoài trời…
Ông đang đi trên con đường Đức Phật đã đi, Ca Diếp đã đi cách đây 2500 năm…
Chỉ khác, ngày xưa Đức Phật hạnh đầu đà hầu như không ai biết, Phật tu tập trong sự thịnh lặng, đơn độc một mình trên đường đi tìm sự giải thoát bản thân khỏi khổ đau của trần thế… Còn nay do truyền thông, do có nhiều youtuber, titoker, facebooker… nên sư Minh Tuệ đi đến đâu phật tử đều biết và vì vậy gây bão trên mạng xã hội…
Để giúp cho phép tu khổ hạnh của nhà sư, chúng ta không nên :
– Mang đến cho ông các tiện nghi : nệm, mái che mưa… ;
– Thức ăn ngon ;
– Quần áo lành, đẹp ;
– Không nên quét đường dọn sạch sỏi, đá… ông cần bước đi trên chân trần trên nền đất sỏi, đá…
Hãy giữ cho ông sự yên tĩnh…
Với phép tu hạnh đầu đà, sự bức hại, sỉ nhục, bạo lực, đánh, đập… sẽ giúp ông ấy mau đắc đạo.
Nếu có kẻ độc ác, ngu dại nào ra tay giết ông ấy lúc này, sẽ giúp ông ấy trở thành nhà sư tử vì đạo và hiển thánh.
Những điều ông nói, có thể sẽ được lan truyền, và sẽ hóa thành phần bổ sung cho kinh sách mới…
Đặng Chương Ngạn
Nguồn : facebook.com/dangchuongngan 14/05/2024)