Biểu tình tiếp tục ở miền Trung và bắt bớ khắp nơi (RFA, 18/06/2018)
Hằng ngàn người dân tại miền trung Việt Nam vào ngày chủ nhật 17 tháng 6 tiếp tục xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối kế hoạch của chính phủ Hà Nội cho người nước ngoài đầu tư vào các đặc khu kinh tế.
Đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thị trấn Phan Rí Cửa bị đốt cháy sau cuộc biểu tình ngày 11/6/2018. AFP
Reuters loan tin dẫn nguồn từ những người chứng kiến các cuộc biểu tình. Theo Reuters những người biểu tình quan ngại việc cho thuê đất như thế có thể bị những nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm.
Song song đó những người biểu tình cũng quan ngại Luật an ninh mạng mới được thông qua sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Tin cho biết hằng ngàn người tại Hà Tĩnh sau khi dự thánh lễ ngày chủ nhật đã tiến hành biểu tình một cách ôn hòa. Họ giương những biểu ngữ với nội dung ‘Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày’ hay ‘Luật an ninh mạng giết chết quyền tự do’.
Biểu tình tại Hà Tĩnh như vừa nêu kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ mà không có đụng độ nào với phía công an, cảnh sát.
Trong khi đó thì tại những tỉnh, thành khác ở Việt Nam, an ninh được xiết chặt trong ngày chủ nhật với sự hiện diện của đông đảo công an, cảnh sát tại những khu vực công cộng.
Ở Sài Gòn đã xảy ra tình trạng bắt người như lời của cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé sau khi đi dự lễ tại Nhà Thờ Đức Bà ra, và chứng kiến một người khác mà cô biết bị đánh đập ngay tại trụ sở công an :
"Những thanh niên bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện vì khi đứng lên nói vì sao đánh người chảy máu thì họ tát tai, không cho nói. Chúng tôi ở phía ngoài, còn anh Trịnh Toàn ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh anh rất đau nên tôi nói với họ ‘Đừng đánh anh đó nữa ; đó là người anh em của chúng tôi ; anh em của anh đó chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh. Khi chúng tôi cùng đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả !".
Một người chứng kiến khác ở Sài Gòn cũng cho biết các lực lượng chức năng có mặt trong ngày 17 tháng 6 ở Sài Gòn mà anh này ghi nhận được :
"Gồm có Áo vàng, Áo xanh, Kiểm soát quân sự, An ninh Sở, An ninh Quận ; hầu hết các lực lượng đều có ở đó".
Theo báo chí trong nước có tất cả 310 người bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh sau cuộc những cuộc biểu tình hồi tuần trước 10,11/6/2018 nhằm phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Ngoài ra truyền thông nhà nước cũng cho biết công an đã "xử lý" những người bị cáo buộc có hành vi quá khích, kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự. Cũng theo báo chí Việt Nam, trong số những người bị cầm giữ có 7 người bị tạm giữ hình sự, 175 người bị "xử lý" hành chính.
Đặc biệt có một người bị cơ quan công an nói rằng đã giả dạng công an để quay phim chụp ảnh đám đông những người biểu tình.
Công an và an ninh trên đường phố Sài Gòn ngày 17/6/2018 Citizen photo
Liên quan tới những cuộc biểu tình tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, còn có hai công nhân bị cáo buộc ném đá vào lực lượng chức năng trong cuộc biểu tình tại Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân vào ngày 11/6, một công nhân bị buộc tội dùng ống sắt chia cho công nhân để tấn công cảnh sát cơ động.
Tại tỉnh Bình Thuận nơi diễn ra những vụ bạo động khi diễn ra biểu tình vào các ngày 10, 11, và 12/6, cơ quan công an Thành phố Phan Thiết đã khởi tối vụ án gọi là ‘gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công cộng’.
Báo Thanh Niên trong nước cho biết có 200 người bị tạm giữ ở Phan Thiết.
Tại thị trấn Phan Rí Cửa nơi trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy trong ngày 11/6, có 10 người đã bị khởi tố.
Tại Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có hai người cũng bị khởi tố với cáo buộc ‘kích động và gây rối trật tự công cộng’.
Trong các ngày 10, 11 tháng sáu nhiều ngàn người tại các tỉnh, thành ở Việt Nam đã xuống đường biểu tình chống dự luật đặc khu có thời hạn cho nước ngoài thuê đất 99 năm, và đạo luật an ninh mạng yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng mạng cho công an.
Đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, nhưng tại Phan Thiết đã biến thành bạo động đốt cháy Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận, trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Phan Rí Cửa, cùng nhiều xe cộ.
****************
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc "đỏ rực" (RFA, 18/06/2018)
Chốt phiên giao dịch ngày 18 tháng 6, VN-Index giảm 29,17 điểm (tương đương 2,87%), mất gần 1.000 điểm có được của 10 phiên giao dịch trước đó.
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Courtesy of tuoitre.vn
Tin do báo trong nước loan đi cùng ngày cho biết cùng với cổ phiếu tài chính lao dốc là tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt hai nhóm là cổ phiếu chứng khoán và tiện ích giảm giá mạnh nhất, khoảng 5,69% và 5,31%.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, nhóm 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của thị trường có tới 9 cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhiều cổ phiếu, gần 11 triệu cổ phiếu trên HoSE, tương đương 489 tỷ đồng và 950 ngàn cổ phiếu trên sàn HNX, tương đương 18 tỷ đồng.
Theo các ý kiến chia sẻ gần đây trên mạng xã hội, lý do thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc là do chính quyền Việt Nam thông qua luật An Ninh Mạng vào ngày 12 tháng 6 vừa qua. Luật này đưa ra nhiều quy định gây tranh cãi như yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.
*********************
Sạt lở nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long do các đập thủy điện của Trung Quốc (RFA, 18/06/2018)
Các đập thủy điện đầu nguồn do Trung Quốc xây dựng trên dòng sông Mekong đang gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hình chụp hôm 28/8/2001 : Đập thủy điện Đại Triều Sơn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - AP
Báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai công bố hôm 18/6 như vừa nêu.
Tại hội nghị công bố bản đồ các điểm sạt lở ở bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Hà Nội hôm 18/6, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai thuộc Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết vào trước năm 2010, khi Trung Quốc chưa hoàn thành các công trình thủy điện tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long không nghiêm trọng. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, khi nhiều dự án thủy điện và hồ chứa của Trung Quốc đã hoàn thành, mức độ sạt lở đã gia tăng nghiêm trọng.
Thống kê của Tổng cục cho thấy từ năm 2010 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở trên gần 800 km, trong đó có 55 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Các dự án hồ chứa nước ở thượng nguồn được cho biết đã làm giảm lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có 19 dự án hồ chứa đang được triển khai, trong đó có nhiều hồ chứa lớn thuộc Trung Quốc.
Ngoài ra tình trạng khai thác cát, gia tăng công trình và mật độ dân cư hai bên bờ sông, ven biển cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến tình hình sạt lở thêm phức tạp.
******************
Người dân Bình Định phản đối nạn khai thác cát vì lo ngại sạt lở (RFA, 18/06/2018)
Nhiều người dân ở khu vực Long Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gần đây phản ánh tình trạng khai thác cát ồ ạt trên bờ sông Côn chạy qua khu vực gây sạt lở mạnh, hủy hoại hoa màu và nhà cửa của người dân.
Hình minh họa chụp hôm 18/12/2016 : một cậu bé đang chèo thuyền đi qua những căn nhà bị ngập lụt thuộc tỉnh Bình Định - AFP
Báo Lao Động trích lời người dân địa phương cho biết tình trạng này đã diễn ra từ năm 2012 trở lại đây và người dân đã phản đối nhưng nạn khai thác cát vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch ủy ban nhân dân phương Nhơn Hòa cho báo Lao Động biết tình trạng xâm thực tại bờ sông là do hoạt động của khai thác cát và ảnh hưởng từ lũ lụt. Ông cũng cho biết thêm là vào tháng 4 năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho một doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn thuê hơn 2 hecta đất tại sông Côn đoạn chảy qua khu vực Long Quang để khai thác cát. Tuy nhiên người dân đã phản đối khi công ty triển khai máy móc ra bờ sông.
Hiện có gần 100 hộ dân ở khu vực này được xác định là nằm trong vùng sạt lở cần di dời khi có lũ lớn xảy ra.
******************
Việt Nam phải điều tra cáo buộc tra tấn sau khi bắt giữ hằng loạt (RFA, 18/06/2018)
Cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người biểu tình bị giam qua đợt bắt giữ hằng loạt vào cuối tuần qua, đồng thời những đơn vị liên quan phải tiến hành cuộc điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.
Anh Trịnh Văn Toàn bị đánh chấn thương sọ não đang được điều trị ở bệnh viện ở Sài Gòn hôm 17/6/2018 - FB Khánh Trần
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trụ sở tại Anh Quốc, ra kêu gọi như vừa nêu vào ngày 18 tháng 6.
Theo Ân Xá Quốc Tế, có khoảng 150 người bị bắt giữ tùy tiện khi tham gia những cuộc biểu tình diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng 6 trên khắp đất nước Việt Nam nhằm phản đối dự thảo luật khu hành chính đặc biệt.
Tổ chức này cho biết nhận được nhiều báo cáo của hằng chục người nói rằng họ bị tra tấn khi bị bắt ; trong số này có người cho hay họ bị đánh bằng gậy gỗ khi từ chối không mở khóa điện thoại cho công an.
Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, ông Minar Pimple, lên tiếng rằng những báo cáo về tra tấn người biểu tình như thế là vô dùng đáng quan ngại. Do đó cơ quan chức năng Việt Nam cần phải tiến hành điều tra ngay, toàn diện về những cáo buộc được đưa ra đồng thời qui trách nhiệm đối với bất cứ nghi can nào gây ra hành động tra tấn.
Theo ông Minar Pimple thì cơ quan chức năng Việt Nam không thể dùng cớ duy trì trật tự xã hội như là một lệnh bài nhằm hành hạ và giam cầm người biểu tình. Họ bị tước mất quyền tự do, quyền bày tỏ ý kiến, quyền tập trung ôn hòa và quyền được hỗ trợ pháp lý.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng làn sóng bắt bớ vào cuối tuần qua chỉ là sự trả thù đối với những người chỉ muốn bày tỏ quan ngại của họ về một chính sách của chính phủ.
Nguyên thủ Việt Nam hôm 24/6 đã gửi lời thăm hỏi người đồng nhiệm ở quốc gia láng giềng sau khi xảy ra vụ lở núi chết chóc.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã gửi điện hỏi thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi biết tin về vụ lở núi ở tỉnh Tứ Xuyên.
Tin cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chuyển lời tới Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Ông Trần Đại Quang đã gửi điện hỏi thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi biết tin về vụ lở núi ở tỉnh Tứ Xuyên
Hơn 100 dân làng Tân Ma có thể đã thiệt mạng, sau khi một trận lở đất tại vùng núi hẻo lánh của Trung Quốc chôn vùi hơn 60 ngôi nhà.
Reuters dẫn lại Tân Hoa Xã đưa tin thêm rằng tới ngày 24/6 các nhân viên cứu hộ mới chỉ tìm thấy 6 thi thể.
Đây là lần đầu tiên báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đưa tin liên quan tới quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh, sáu ngày sau khi một quan chức quốc phòng đầy quyền lực của Trung Quốc "đột ngột cắt ngắn chuyến thăm" tới "nước cộng sản anh em".
Việt Nam tới nay vẫn chưa nêu lý do về việc ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hủy một sự kiện giao lưu quân sự và bỏ về nước hôm 18/6. Còn Bắc Kinh nói rằng việc đó liên quan tới chuyện sắp xếp lịch làm việc.
Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm 22/6 viết : "Các cơ quan truyền thông nước ngoài cho rằng việc hủy này có thể xuất phát từ chuyện bất đồng song phương về việc Việt Nam khoan dầu và khí ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông".
Việt Nam khoan dầu và khí ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông
Tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan này viết thêm : "Phía Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào. Dường như quan hệ Việt – Trung sẽ tiếp tục sóng gió vì tranh chấp Biển Đông trong tương lai".
Hoàn cầu Thời báo, tờ từng chỉ trích Việt Nam xích lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ, cho rằng "Trung Quốc và Việt Nam phải tránh để tranh chấp vượt khỏi tầm kiểm soát".
"Lịch sử cho thấy rằng một sự đối đầu giữa hai nước theo chủ nghĩa xã hội sẽ thực sự thảm khốc vì cả hai đều có khả năng lớn trong việc huy động dân chúng", tờ báo cảnh báo
Các nhà quan sát cho rằng vụ ông Phạm Trường Long cho thấy "sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Việt - Trung".