Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cựu bộ trưởng Son khai vụ Mobifone mua AVG là làm theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng (RFA, 18/12/2019)

Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18/12 khai trước tòa ông cho thực hiện thương vụ Mobifone mua AVG là theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng chính phủ. Người đứng đầu chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.

vn1

Ảnh minh họa : Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Nguyễn Xuân Phúc chụp ngày 21/3/2016 AFP

Truyền thông trong nước vào ngày 18/12 tường thuật rõ là dù bị mất ngủ vào đêm hôm trước, song tại tòa vào chiều ngày 18/12, ông Nguyễn Bắc Son khai báo khá rành mạch về vai trò của ông là người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông, đơn vị chủ quản của Mobifone mua AVG.

Theo lời khai của ông Nguyễn Bắc Son thì vào ngày 14/12 năm 2015, Bộ Thông tin và truyền thông nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của thủ tướng chấp nhận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận vai trò người đứng đầu khi bút phê vào tất cả các văn bản giao cho cấp dưới để hoàn thành thương vụ.

Trước tòa vào chiều ngày 18/12, ông Nguyễn Bắc Son cũng nói rằng ông đã xin ý kiến nhiều nơi trong thương vụ Mobifone mua AVG. Ông Son khẳng định đã giao cho người phó là thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông lúc bấy giờ, ông Trương Minh Tuấn, cùng thực hiện dự án và đã thực hiện công việc mua bán một cách thận trọng, có báo cáo chính phủ.

Ông Nguyễn Bắc Son cũng nhận tội và không cần luật sư bào chữa.

****************

Nhiều công ty bình phong được người nước ngoài lập để sản xuất ma túy ở Việt Nam (RFA, 18/12/2019)

Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an Việt Nam thừa nhận lâu nay có nhiều người nước ngoài lập công ty bình phong để sản xuất ma túy ở Việt Nam.

vn2

Ảnh minh họa : một máy dập thuốc lắc bị bắt ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/6/2017 - AFP

Thông tin vừa nêu được đưa ra vào ngày 17 tháng 12 tại Hội nghị Song phương Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 8 về hợp tác phòng chống, trấn áp tội phạm ma túy giữa hai nước láng giềng này với nhau.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, nhiều người Trung Quốc, Đài Loan móc nối với các đối tượng trong nước lập ra các công ty, doanh nghiệp ‘bình phong’ nhằm ngụy trang cho hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Tình trạng tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài ở Việt Nam được nhận định diễn ra phức tạp, đặc biệt ở khu vực phía nam. Đơn cử vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy Việt Nam phối hợp cùng phía Trung Quốc phá xưởng sản xuất chất ma túy lớn do người Trung Quốc cầm đầu tại xã Dak Hà, huyện Dak Hà, tỉnh Kon Tum.

Trong vụ này phía Việt Nam bắt giữ 7 nghi can quốc tịch Trung Quốc, phía Trung Quốc bắt giữ 18 nghi can liên quan.

Trên tuyến biên giới phía bắc qua 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu ; lực lượng chức năng hai phía báo cáo phát hiện và bắt giữ hơn 2.100 vụ buôn lậu ma túy với gần 3.600 đối tượng. Số ma túy bị tịch thu gồm trên 345 kilogram heroin, hơn 20 kilogram thuốc phiện, hơn 79 kilogram cây thuốc hiện, hơn 86 kilogram ma túy tổng hợp, hơn 38 ngàn viên ma túy tổng hợp…

Việc vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ cũng gia tăng trong thời gian qua.

****************

Trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam (RFA, 18/12/2019)

Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào hôm 18/12 báo cáo Chính phủ về việc triển khai thực hiện chỉ thị tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam.

vn3

Tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc. (Ảnh minh họa) - AFP

Theo Cục Kiểm Ngư Việt Nam 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm vì không có giấy tờ, không có nhật ký khai thác thủy sản, không có giấy phép khai thác mà đã vào khai thác tại vùng đánh cá chung ở phía Tây đường phân định, xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu cá này là các tàu lưới kéo và đa số là tàu vỏ sắt, công suất lớn, không có số hiệu và không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, cắt lưới bỏ chạy sang khu vực phía Đông đường phân định. Do đó, cục kiểm ngư đã lập biên bản và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc như vừa nêu.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay Cục Kiểm ngư đã tổ chức 20 đợt tuần tra, kiểm tra các hoạt động thủy sản, huy động 44 lượt tàu kiểm ngư với hơn 420 ngày bám biển.

Cục Kiểm ngư Việt Nam đã lập biên bản và xử lý hành chính hoạt động thủy sản đối với hơn 200 trường hợp và thu về ngân sách với số tiền hơn 634 triệu đồng, phạt cảnh cáo 254 tàu vi phạm và tiến hành trục xuất 42 tàu cá Trung Quốc vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam như vừa nêu.

Cũng theo Cục Kiểm ngư thì các lỗi mà tàu cá Việt Nam thường vi phạm là không mang theo hoặc không có đầy đủ các loại giấy tờ, chứng chỉ theo quy định, không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định, không có hoặc không mang theo đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc theo quy định. Hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật quá hạn khi hoạt động khai thác thủy sản và nhiều vi phạm khác.

*******************

Thủy điện thiếu nước, cán bộ trục lợi (RFA, 18/12/2019)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tính đến ngày 16/12, tổng lượng nước trong các hồ thủy điện trên toàn quốc đang bị thiếu hụt khoảng 11 tỷ m3, chiếm khoảng 1/3 lượng khi mức nước các hồ dâng bình thường.

vn4

Thủy điện Sơn La của Việt Nam AFP

Truyền thông trong nước loan tin hôm 18/12 cho biết với lượng nước thủy điện là khoảng 24 tỷ m3 hiện có, EVN quy ra lượng điện có thể sản xuất là khoảng 10 tỷ kWH và lượng thiếu hụt là gần 5 tỷ kWh.

Số liệu của EVN cho thấy lượng điện do các hồ thủy điện miền Bắc có thể sản xuất đang thiếu hụt khoảng 3,2 tỷ kWh, miền Trung hụt hơn 1,2 tỷ kWh và miền Nam là 0,45 tỷ kWh.

Nguyên nhân của tình trạng này được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nói vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu dù lưu vực có hồ thủy điện trên cả nước đã chuyển sang vận hành mùa khô. Theo đó, cùng với sự thiếu hụt nguồn nước trong mùa lũ, tuần suất nước về các hồ chứa vẫn tiếp tục yếu kém.

EVN nói đã huy động sản xuất điện từ các nguồn điện than, khí ngay trong mùa lũ, khai thác cao nguồn điện chạy dầu,… để tích lũy nước các hồ thủy điện nhưng việc tích nước lên mức bình thường là không thể đạt được.

Cũng liên quan đến tình trạng thiếu hụt nước thủy điện, một số cán bộ đã lợi dụng để trục lợi và bị đưa ra xét xử thời gian qua.

Mạng báo Pháp luật ngày 18/12 loan tin hôm 6/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên ông Đỗ Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa, 17 năm tù và 10 cán bộ liên quan từ 2 năm đến 16 năm tù giam vì tội danh ‘tham ô tài sản’.

Theo cáo trạng, trong hai năm 2014, 2015, các bị cáo đã lợi dụng chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, phục vụ tưới tiêu thủy lợi chống hạn để lập các hồ sơ khống nhằm chiếm ngân sách Nhà nước.

Các cán bộ của công ty Nam Khánh Hòa bị xác định thông đồng, ký khống các biên bản nghiệm thu, quyết toán các công trình thủy lợi để chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng tiền ngân sách.

*****************

Hà Nội : Không đun than tổ ong, đốt rơm rạ để giảm ô nhiễm không khí (RFA, 18/12/2019)

Truyền thông trong nước trích dẫn thông tin của Sở Tài nguyên và môi trường vào ngày 18/12. Theo đó, những nguyên nhân được Sở Tài nguyên và môi trường đưa ra gồm sự gia tăng của phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải ; các hộ kinh doanh dịch vụ đun bếp than tổ ong ; đốt rác tự phát ; các công trình xây dựng cuối năm tăng nhiều ; đối củi trong sinh hoạt... cũng là nguồn phát thải các chất ô nhiễm...

vn5

Hà Nội sẽ cấm dùng than tổ ong và đốt rơm rạ trên đồng ruộng để giảm ô nhiễm không khí trong thời gian tới - VnMedia -RFA edited

Riêng nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội có liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì trong ngày 18/12, EVN lên tiếng phản bác cho rằng thông tin này là không chính xác.

EVN khẳng định các nhà máy nhiệt điện của EVN đều đã trang bị hệ thống quan trắc tự động 24/24, và các thông số ô nhiễm trong khí thải, nước thải đều được truyền gửi online cho các Sở Tài nguyên và môi trường theo dõi. Và, những kết quả trong thời gian qua không có dấu hiệu tăng nồng độ bụi phát thải.

Để xử lý ô nhiễm không khí nghiêm trọng như thế, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường và kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện ; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao hồ đồng thời trồng thêm cây xanh. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hạn chế và tiến tới không đun than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng...

Hôm 14/12, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong các ngày 10 đến 13 tháng 12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 trong nhiều ngày vượt mức cho phép.

Tổng cục Môi trường hôm đó ra khuyến cáo "Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường".

Bộ Y Tế cũng có hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.

Bộ Y Tế cũng khuyên người dân nên dùng khẩu trang, vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình ở gần đường giao thông.

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Việt Nam