Nguồn nước ô nhiễm gây ung thư và tử vong nhiều tại Việt Nam (RFA, 06/06/2017)
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân khiến hơn 9.000 người chết và hơn 100.000 trường hợp bị ung thư mỗi năm tại Việt Nam.
Công nhân môi trường đô thị dùng hóa chất tẩy sạch một hồ nước bị ô nhiễm ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Đây là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra tại hội thảo "Bồn tự hoại Septic Sơn Hà – Giải pháp xanh trong xử lý nước thải" tổ chức tại Hà Nội ngày 6/6.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định việc sử dụng bể phốt bằng bê tông để xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị không đảm bảo do các bể này có thể bị rò rỉ sau một thời gian chịu tác động từ môi trường, và sẽ tràn trực tiếp vào nguồn nước ăn và nước ngầm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các tác động của nguồn nước ô nhiễm tới sức khỏe con người và biện pháp xử lý nước thải ở Việt Nam.
********************
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng quy chuẩn (RFA, 06/06/2017)
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng trung bình năm theo quy chuẩn của Việt Nam.
Kẹt xe tại một đường phố chính ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 29 tháng một năm 2016. AFP PHOTO
Số liệu của Tổ chức phi chính phủ GreenID đưa ra tại Hội thảo "Chất lượng không khí ở Hà Nội – Tình trạng và các biện pháp khoa học và công nghệ" tổ chức tại Hà Nội hôm 5/6 cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình của Hà Nội năm 2016 là 121, thuộc nhóm không tốt cho người nhạy cảm.
Lượng bụi PM2.5 của Hà Nội được xác đinh cũng cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
GreenID xác định nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các nhà máy nhiệt điện than, khí thải giao thông, thải công nghiệp, đun nấu gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới gây nên.
*******************
Đề xuất chặt 1.300 cây : Dân Hà Nội 'tiếc và buồn, nhưng đành chịu' (BBC, 06/06/2017)
Một số người dân Hà Nội nói với BBC rằng họ 'tiếc và buồn, nhưng đành chịu' trước đề xuất chặt 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Dư luận từng xôn xao về việc tiêu thụ gỗ từ các cây xanh bị chặt ở Hà Nội năm 2015 không minh bạch
Đây là công trình do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây.
Thời hạn chặt hạ, đánh chuyển cây được ấn định trước ngày 30/9.
Liên quan đến vụ việc, báo Tiền Phong hôm 6/6 nói "cây sắp hết tuổi, không đảm bảo mỹ quan đô thị".
Chủ tịch Hà Nội nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Thế Thảo có quyết định chặt cây gây tranh cãi (hình chụp năm 2010)
Còn báo Tuổi Trẻ hôm 5/6 thì dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói : "Cây to đùng, mình cắt mình cũng tiếc chứ. Nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi, chẳng lẽ dừng lại không làm gì".
"Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân. Trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng có tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước".
'Ngụy biện'
Hôm 6/6, Nhà giáo Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội : "Tôi biết nhiều người Hà Nội cũng giống như mình, tiếc và buồn, nhưng chính quyền đã muốn chặt cây thì chỉ vì lợi ích của họ thôi".
"Mọi thông tin rằng những cây sắp bị chặt đều có tuổi, không hợp mỹ quan đô thị... đều chỉ là ngụy biện".
"Thực tế trên đường Láng, Kim Mã có hàng cây xà cừ 50, 60 năm tuổi có bao giờ đổ đâu".
"Người dân có phản ứng hay xôn xao trước việc này thì cũng đành chịu".
Cuộc tuần hành 'Vì cây xanh' tháng 3/2015 được cho là "quy tụ hàng trăm người dân"
"Thật sự là tôi bi quan lắm, ông Hoàng Trung Hải đã lên tiếng trên báo chí là cần cân nhắc việc di dời cây, nhưng đọc kỹ thì hiểu chính quyền đã quyết định rồi".
"Thời ông Nguyễn Thế Thảo chặt 6.700 cây, người ta đã thấy tệ rồi, đến bây giờ nếu họ lại chặt thêm đợt này nữa thì không còn gì để nói".
Ông Trang cũng bình luận thêm : "Các nhóm hoạt động kêu gọi biểu tình phản đối chặt cây sẽ không còn hiệu quả vì những người dẫn đầu phong trào đều bị chính quyền theo dõi, ngăn chặn ở nhà họ trước mỗi sự kiện".
Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà, thành viên nhóm Green Tree, nói với BBC : "Trong việc chặt cây, về mặt tuyên truyền, phía chính quyền luôn nói về sự "đồng thuận" trong mọi quyết định với người dân".
"Còn trong thực tế, người dân không hề được tham vấn ý kiến về các quyết định như chuyện sắp chặt hàng loạt cây".
"Những người dân mà tôi gặp trên đường Phạm Văn Đồng đa phần muốn một giải pháp để vừa mở rộng đường, vừa giữ được hàng cây lâu năm".
"Còn về phản ứng của người dân Hà Nội, tôi cảm nhận là họ sẽ không quyết liệt như năm 2015 với đề án 6.700 cây xanh".
"Điều này có thể là do chưa có cây nào bị chặt hạ, kể cả trên đường Phạm Văn Đồng".
"Nhưng điều khác biệt lớn nhất mà tôi thấy, đó là nhóm Green Trees đã đề xuất một giải pháp thay thế, cũng như việc sử dụng truyền thông mạng xã hội để phản ứng với đề án chặt cây xanh".
Cây xanh Hà Nội có thể chỉ còn là kỷ niệm - Ảnh minh họa
Trên mạng xã hội, nhóm Green Trees cho biết họ "tin chắc rằng nếu mọi dự án quy hoạch và phát triển đô thị đều có sự tham vấn đông đảo người dân và xã hội dân sự, bảo đảm minh bạch và dân chủ, thì mọi vấn đề đều có giải pháp".
"Chúng tôi đề nghị Ban quản lý dự án và các bên liên quan đưa ra bản vẽ quy hoạch chi tiết. Nếu nói bắt buộc phải chặt thì dựa vào tính toán nào", văn bản của nhóm viết.
Nhóm này đưa ra đề xuất : "Lưu ý đến việc lập, công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường ; Lưu ý đến việc tham vấn người dân và các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình triển khai dự án ; Hủy bỏ ngay lập tức kế hoạch chặt hạ, di dời cây trên đường Phạm Văn Đồng và trong khu vực dự án".