Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gấp rút cấp sổ hồng để tăng nguồn thu thuế ?

RFA, 07/03/2024

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấp gần 65.000 sổ hồng cho người dân, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm 2023. Đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ nhà đất đã giúp thành phố tăng nguồn thu thuế từ mua bán nhà đất lên 955 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với hai tháng đầu năm 2023.

sohong1

Ảnh minh họa sổ đỏ, sổ hồng - Photo : baochinhphu.vn

Sổ hồng và sổ đỏ là những thuật ngữ quen thuộc của người dân khi nói đến quyền sở hữu, sử dụng đất và nhà ở. Sở Tài nguyên và môi trường cho biết đang đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hơn 81.000 căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại đã được thẩm định đủ điều kiện cấp sổ nhưng gặp các vướng mắc.

Một số nhóm vướng mắc được nêu ra là nhóm chờ thuế ; nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp sổ ; nhóm bất động sản mới ; nhóm dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung ; nhóm dự án có vướng mắc khác ; nhóm dự án đang thanh tra, điều tra.

Câu chuyện sổ hồng, sổ đỏ từng gây nhiều phiền hà cho người dân vì sự chậm trễ, trong đó có lý do các chủ đầu tư vi phạm pháp luật. Bà Dung, hiện kinh doanh nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Vừa rồi chị có mua một căn hộ chung cư nên chị có biết. Khi mua thì mình sẽ trả theo tiến độ. Ví dụ mình trả làm 10 lần thì sau khi trả hết 10 lần đó họ mới ra sổ hồng cho mình. Nhưng nhà đầu tư họ rất khôn. Họ xây một lần cả chục lô, mỗi lô họ xây một ít rồi bán chứ không phải hoàn tất từng lô. Đến khi xây xong hết mới có đợt gọi là ra sổ hồng. Có những dự án không hề có sổ hồng. Mình có quyền vào ở nhưng khi mua bán thì chỉ giấy viết tay thông qua chủ đầu tư. Bây giờ cấp sổ rồi thì mua bán dễ dàng, nhà nước tha hồ thu thuế".

Một người dân khác không muốn nêu tên, đang chờ sổ hồng cho căn hộ chung cư ông mua ở Quận 9 từ 8 năm qua, cho RFA biết :

"Những chung cư có chủ đầu tư vi phạm thì treo đó. Mặc kệ người mua. Còn căn hộ thì giờ họ cấp sổ hồng mau để thu tiền. Họ không làm vì quyền lợi của người dân đâu. Họ cấp sổ nhiều thì thu tiền nhiều. Tiền cấp sổ rồi tiền thuế mua bán nhà nữa".

Theo người dân này, còn hàng trăm dự án đã bàn giao cho người mua vào ở nhiều năm, nhưng sổ hồng vẫn không có do nhà nước chưa tính được tiền sử dụng đất. Dù việc tính tiền sử dụng đất không phải trách nhiệm của dân, nhưng hậu quả thì dân gánh. Hôm 4/5/2022, báo Pháp Luật có bài viết "Thành phố Hồ Chí Minh : Hàng loạt dự án chờ được nộp tiền sử dụng đất". Bài viết lý giải việc hàng chục ngàn căn hộ không thể ra sổ hồng cho cư dân vì cơ quan chức năng chưa tính xong tiền sử dụng đất.

Chiều ngày 5/7/2023, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên giải trình về công tác cấp sổ hồng cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố. Tại buổi giải trình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường lưu ý vấn đề thẩm định giá để giải quyết cho các dự án.

Ông Cường nói : "Tinh thần chung là thông tin để người dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể và kiểm soát thời gian xử lý các công việc. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước và tiếp tục tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ cấp sổ hồng".

sohong2

Hơn 81.000 căn nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được cấp sổ hồng. Ảnh : Gia Linh

Sổ đỏ hay sổ hồng là cách người dân dùng để chỉ giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc. Sổ đỏ là Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất được Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành. Sổ hồng là Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sở hữu đất ở được Bộ Xây dựng ban hành. Về giá trị pháp lý, cả sổ đỏ và sổ hồng đều có giá trị như nhau, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất, sở hữu nhà đất.

Đến khi nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 19/10/2009, hai loại sổ trên đã hợp nhất, được gọi là Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy này được áp dụng trong phạm vi toàn quốc đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Luật Đất đai ở Việt Nam ra đời đã hơn 30 năm với nhiều lần sửa đổi, tuy nhiên vẫn quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Điều này có nghĩa người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng, cho...

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, từng nói với RFA rằng, chính sách đất đai của Việt Nam tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội mà không ai có thể kiểm soát nổi và cũng không thể thay đổi. Ông nêu lý do :

"Tôi thì cho rằng đây là điểm khác nhau giữa mô hình kinh tế nhà nước chỉ huy tập trung và mô hình kinh tế thị trường. Ở mô hình kinh tế nhà nước chỉ huy tập trung thì đất đai không có thị trường, không có giá trị, do nhà nước điều hành cụ thể. Ai dùng thì nhà nước giao, ai không dùng dùng nữa thì nhà nước lấy lại.

Còn khi vào cơ chế thị trường thì chắc chắn là đất đai nó có giá trị của nó và nó phải tạo lập thị trường đất đai thì mới phát triển kinh tế được. Thế nhưng Việt Nam hiện nay thì đang lưỡng lự, hay nói cách là đang bị rối giữa cái sự rành mạch của cơ chế nhà nước chỉ huy tập trung và cơ chế kinh tế thị trường. Cái rối nó thể hiện ở cơ chế Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Mới đây, chiều 6/3/2024, Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo hình thức trực tiếp tại Bộ Tài nguyên và môi trường và kết nối trực tuyến tới 500 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và cả cấp huyện trên cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định :

"Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra ; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân".

Trước đó vào ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm Quốc hội Khóa XV, các đại biểu tham dự thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất.

Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của các đại biểu cũng như các lãnh đạo trong nước cho rằng, luật sửa đổi lần này có nhiều điểm tiến bộ. Trong khi đó nhiều người dân, đặc biệt những người phải khiếu kiện lâu nay về đất đai, bày tỏ chẳng kỳ vọng gì vào những thay đổi dù có luật mới được thông qua và thi hành.

Nguồn : RFA, 07/03/2024

**************************

Dùng mạng xã hội tuyên truyền luật : phát kiến hay lạc hậu ?

RFA, 08/03/2024

Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm 7/3/2024 đã nói về hiện tượng mà ông cho là ‘khá mới’, đó là sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai. Theo ông Huệ đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.

sohong3

Dùng mạng xã hội tuyên truyền luật

Ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 8/3/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng dùng mạng xã hội để quảng bá thông tin thì không có gì mới. Theo ông Quân, bây giờ ông Huệ nói vậy thì cho thấy Quốc hội Việt Nam còn quá lạc hậu, không nắm bắt kịp công nghệ truyền thông hiện nay. Ông Quân nói tiếp :

"Ngoài ra việc Quốc hội muốn dùng mạng xã hội để tuyên truyền luật cũng là một chiến lược mị dân và định hướng dư luận. Cũng sẽ giống như các trang báo tuyên truyền của nhà nước hiện nay, thậm chí có khi còn tệ hơn. Minh chứng là những năm qua, các trang mạng xã hội lề đảng thường xuyên đưa ra những lập luận có lợi cho nhà nước nhưng có hại cho dân. Ví dụ những vụ nhà nước cướp đất của dân ở Đồng Tâm, hay vườn rau Lộc Hưng"...

Chưa kể theo ông Quân, luật pháp Việt Nam hiện nay như một "đám rừng", sửa đi sửa lại mãi vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều mâu thuẫn giữa các điều luật với nhau. Ông Quân nhận định thêm :

"Đặc biệt là những điều luật liên quan tới nhân quyền. Nếu nhà nước xây dựng những TikToker, Blogger tuyên truyền theo kiểu đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm như các trang Tifosi, Cánh Cò thì càng có hại cho người dân".

Ngoài ra ông Quân cho rằng, lập ra những kênh như ông Huệ nói, thì sẽ tốn thêm ngân sách :

"Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ trước từng ví ngân sách nhà nước như dòng sông đã cạn. Mà bây giờ ông Vương Đình Huệ muốn bày vẽ ra thêm những thứ không cần thiết này thì rất lãng phí và tốn kém. Nhưng chắc là tốn ngân sách, tốn tiền thuế của dân mà lại có thêm tiền vào túi quan chức nên họ mới bày vẽ như vậy".

Còn ông Quang, một người dân ở miền Trung Việt Nam, hôm 8/3/2024 khi trao đổi với RFA lại cho rằng nếu thực hiện đúng sẽ mang lại hiệu quả :

"Ở Việt Nam hiện nay theo quan sát của tôi thì phần lớn những người có tuổi đời 15 tuổi trở lên thì ai cũng có 1 tài khoản Facebook, thậm chí có người 2-3 tài khoản. Khi mà việc lấy ý kiến của người dân về các dự luật cũng như dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thông qua cơ quan báo chí kể cả truyền hình, phát thanh… có phần bị hạn chế vì người dân ít đọc, ít nghe, ít xem thì mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu nhất để nhà cầm quyền nắm bắt được các ý kiến cũng như trạng thái cảm xúc, thái độ của người dân một cách kịp thời được phản ảnh trên từng trang Facebook mà họ thể hiện".

Tuy nhiên ông Quang cho rằng, điều này chỉ có ở những người quan tâm đến nhiều vấn đề về chính trị, xã hội... của đất nước ! Do đó theo ông Quang, mạng xã hội là một lợi thế để Quốc hội cũng như nhà cầm quyền nói chung xây dựng chính sách, luật... sát với thực tiễn, đồng thời cũng qua mạng xã hội mà biết được mức độ thi hành các luật đã ban hành như thế nào, một cách ít tốn kém nhất, trong quá trình vận hành và quản lý đất nước ! Dó đó, việc chủ tịch Quốc hội nói ‘Nghiên cứu truyền thông các luật qua mạng xã hội là nhằm mục đích như vậy’.

sohong4

Phần mềm Lắng nghe mạng xã hội – SocialBeat. Courtesy SocialBeat.

Trước đó vào ngày 27/2/2024, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho ra mắt phần mềm Lắng nghe mạng xã hội – SocialBeat. Theo cơ quan này, SocialBeat là phần mềm có khả năng thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác… được cho là sẽ giúp cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh có thông tin đầy đủ, đa chiều về ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên mạng.

Dù đã dùng nhiều biện pháp, công cụ nhằm kiểm soát mạng xã hội, nhưng đến nay chính quyền Việt Nam lại tiếp tục ra mắt phần mềm SocialBeat để thu thập dữ liệu từ Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác… nhưng lại được cho là ‘lắng nghe dân’… (!?)

Trở lại với phát biểu của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ về sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, cựu Trung tá Vũ Minh Trí hôm 8/3/2024 nêu nhận định với RFA :

"Thứ nhất ông Chủ tịch quốc hội chỉ nói mạng xã hội, nhưng không nói mạng nào ? Là Facebook hay là Lotus của Bộ Thông tin và truyền thông ? Cũng giống như Trung Quốc có mạng xã hội, nhưng tất cả mạng xã hội ở Trung Quốc đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản Trung Quốc. Vì không nói rõ mạng nào nên không thể nói là tốt hay xấu. Ta thấy một thực trạng thế này, các vị Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Tổng bí thư, các bộ trưởng, thứ trưởng... cho đến những người công chức, đặc biệt công an quân đội... thì hầu hết không sử dụng công khai mạng xã hội mà những người dân bình thường như chúng tôi hầu như ai cũng dùng đó là Facebook, nên không hiểu các vị đó tương tác với xã hội kiểu gì ?

Ông Trí cho rằng, đáng ra cán bộ công chức phải dùng Facebook để tương tác với xã hội. Nhưng theo ông Trí, khi người công chức viên chức đi làm thì đã có những quy định, gợi ý hạn chế không sử dụng mạng xã hội Facebook. Ông Trí nói tiếp :

"Nếu mà dùng Facebook để tương tác với dân thì chúng tôi rất hoan nghênh, đấy là cách rất tốt để thu thập ý kiến nhân dân. Nhưng nếu bắt phải dùng những mạng do Việt Nam tạo ra mà chẳng ma nào dùng, mặc dù chi rất nhiều tiền như mạng Lotus, mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông quảng cáo sẽ vượt Facebook, thì chắc chắn sẽ vô tác dụng".

Ngoài ra theo ông Trí, việc sử dụng mạng xã hội hay sử dụng hòm thư hay điện thoại đường dây nóng để tiếp thu ý kiến nó chỉ là hình thức, nó không chứa đựng được nội dung thông tin người ta muốn truyền tải. Ông Trí nêu dẫn chứng :

"Tôi còn nhớ cách đây đúng một năm, chính ông Chủ tịch quốc hội phát biểu : ‘nếu góp ý sửa đổi luật đất đai mà trái với chủ trương của đảng, trái với hiến pháp thì không tiếp thu’. Tức là chưa nghe người ta nói mà các ông ấy đã đặt một vòng kim cô, vạch một ranh giới như vậy, thì còn nói gì nữa. Ý tôi muốn nói trong thâm tâm người ta cũng không thật sự muốn tiếp thu những ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân".

Tóm lại cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, phát biểu của Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ chỉ là hình thức, còn về nội dung bản thân chính quyền không muốn tiếp thu những gì mà không có lợi cho họ. Vì mọi ý kiến khác cho sử dụng mà xã hội a, b, c... là vô ích, mị dân và không có tác dụng.

Để có một góc nhìn khác, RFA hôm 8/3/2024 liên lạc Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang phải lánh nạn tại Hoa Kỳ vì sự trấn áp của Chính quyền Việt Nam, và được ông cho biết :

"Đọc dòng tin về ông Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ vừa mới phát hiện ra tính tích cực của mạng xã hội trong việc tuyên truyền luật pháp đến với người dân, tôi thật sự cám cảnh vì sự lạc hậu của ông ấy.

Nhưng kể ra, trễ còn hơn là không bao giờ. Tuy nhiên, tôi không rõ ông ấy có thật sự muốn đón nhận sự tương tác của người dân trong việc góp ý, xây dựng luật pháp cho quốc hội hay không ?"

Vì lẽ, thực tế từ nhiều năm nay, dù ông ấy không kêu gọi, nhưng người dân vẫn rất thường xuyên góp ý về chính sách, luật pháp chính các mặt đời sống xã hội… Nhưng một khi lời góp ý của họ trái ý với chính quyền, thì không phải quốc hội mà là cơ quan điều tra sẽ xuất hiện trước cửa nhà người góp ý".

Đồng thời Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, giá như ông Chủ tịch quốc hội biết lợi ích khác của mạng xã hội, nơi phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, nó đã khác biệt với ý đảng, với những điều mà các đại biểu quốc hội phát biểu tại nghị trường đến mức độ nào.

Nhưng với những gì đã từng biết về chế độ, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông không thấy tích cực gì về ‘phát hiện mới’ của ông Chủ tịch quốc hội về mạng xã hội.

Nguồn : RFA, 08/03/2024

Published in Việt Nam

Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ lấy ý kiến Nhân dân, tài sản đất đai thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì sẽ cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện. Các thành viên sẽ được ghi đầy đủ họ tên, năm sinh.

sohong1

Ghi tên của các tất cả các thành viên, cả những người không đóng góp công sức vào mà được hưởng quyền lợi thì đó là chuyện phi lý. Ảnh minh họa - AFP

Dự thảo, được nói, là một điểm mới so với quy định của pháp luật đất đai hiện nay, nhưng lại gây nhiều phản ứng trong công và dân luận.

Gây xung đột

Một số độc giả bày tỏ ý kiến trên báo chí nhà nước về chủ đề này như : "Mai mốt lấy vợ cho con, xách cái sổ hồng ra thêm người nên phải làm lại, nhà thông gia bớt đứa con gái do gả qua nhà chồng xách ra làm lại, mỗi năm tụi nó đẻ một đứa xách ra làm tiếp. Nhà tổ đứng tên nhiều người, có sổ hồng chung, nhưng họ dù ở riêng thì ghi vô làm sao, hay hủy luôn sổ hồng ? Luật gì thông minh quá vậy ?" ; hoặc "Rồi đây gia đình nào muốn bán đất lại phải hỏi ý kiến mấy đứa con chẳng có công sức gì khai sinh ra miếng đất, thậm chí muốn sang tên cho thằng con đạo hiếu, gạch tên thằng đang trốn trại cũng bất thành... Luật như này thì hại dân rồi".

Ông Kế, một người dân miền Trung chia sẻ quan điểm của ông với RFA qua ứng dụng facebook messenger :

"Nếu luật được thông qua đúng như dự thảo thì đây sẽ là mầm móng của nguy cơ xung đột trong gia đình vì các thành viên trong gia đình ai cũng có phần, có quyền lợi trong đó. Từ xung đột lợi ích sẽ dẫn đến tổn thương tình cảm. Giả sử mang sổ hồng thế chấp ngân hàng để vay vốn, nếu một trong các thành viên có tên trong sổ không đồng ý thì việc đi vay sẽ bất thành, điều này sẽ xảy ra xung đột. Đó là chưa nói đến vấn đề thừa kế !

Đúng là "tối kiến". Tất nhiên "tối kiến" này còn phải bàn chứ chưa phải đã thành một điều khoản của Luật, nhưng như vậy mà họ cũng đưa vào dự thảo thì "hết ý" luôn !"

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để nhân dân góp ý từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023. Tại hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở phía Bắc chiều 25 tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Đất đai phải là tâm tư, tiếng nói của người dân ở các vùng, miền khác nhau. Ông hy vọng luật sửa đổi lần này sẽ tháo gỡ ngay các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn ; phát huy nguồn lực này để phát triển kinh tế.

Cải tiến hay cải lùi ?

Luật sư Đặng Trọng Dũng nhận định về điều khoản trong dự luật ghi tên tất cả thành viên trong hộ trên sổ hồng :

"Dự thảo mà muốn ghi tên của tất cả thành viên trong hộ là cái cách ngày xưa người ta làm. Chứ hiện nay thì đúng như nhiều người nói, nếu như ghi tên của các tất cả các thành viên, cả những người không đóng góp công sức vào mà được hưởng quyền lợi thì đó là chuyện phi lý.

Do đó tôi nghĩ rằng, những người nào mà muốn được ghi tên trong hộ gia đình thì phải có một điều gì chứng minh là họ có quyền lợi và nghĩa vụ trong hộ đó, chứ chỉ ghi một cách thô thiển, tức là ghi đầy đủ, kể cả những người mới sinh ra, là chuyện vô lý vô cùng.

Nên chăng chỉ ghi những người nào có nghĩa vụ, có công sức đóng góp vào trong tài sản đó một cách cụ thể, chứ ghi một cách máy móc như ý đồ của người soạn ra văn bản dự thảo này thì không nên".

sohong0

Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33 quy định trên sổ hồng sẽ ghi tên của chủ hộ và các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, một tháng sau đó, Bộ này lại ban hành Thông tư số 53 ngưng hiệu lực quy định về việc ghi tên thành viên hộ gia đình sử dụng đất trên sổ hồng theo Thông tư 33 trước đó.

Còn với dự thảo mới, ghi tên tất cả các thành viên trong hộ gia đình vào sổ hồng, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn có khuyết điểm :

"Nó là dự thảo nhưng chắc sẽ là chính thức đấy, bởi vì ý của nó là cũng muốn để cho mọi thứ nó chặt chẽ. Đất đai này là tài sản của ai thì phải làm rõ ra đến tên từng người, chứ chỉ ghi hộ gia đình thì nó không rõ những người được hưởng giá trị của tài sản ấy.

Về mặt luật pháp thì đúng là có lợi, tức là tài sản của ai thì ghi đúng tên người ấy. Tài sản của cả hộ gia đình thì phải ghi tên các con và phải ghi là bởi không biết hộ gia đình gồm có những ai. Con thì có đứa đóng góp vào việc tạo lập gia đình ấy nhưng có đứa thì sau khi được cấp giấy nó mới sinh ra. Nó không đóng góp gì cả.

Chỉ có một cái điều nó có khuyết điểm, tức là sợ rằng các địa phương không hiểu đúng như vậy. Phải tìm cách giải thích trong cái quá trình thực thi pháp luật để không thực thi sai".

Một số chuyên gia trong lĩnh vực đất đai và cả người dân mà chúng tôi trò chuyện, tìm hiểu, đều cho rằng, điều cần thiết khi sửa Luật Đất đai là phải xóa bỏ nội dung Điều 5 của Luật đất đai năm 2003 : "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý".

Họ cho rằng, với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện.

Và, nếu duy trì chính sách này thì người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng.

Về mặt này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, từng nhận định với RFA vào tháng 5 năm 2022 rằng, chính sách đất đai hiện nay của Việt Nam tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội mà không ai có thể kiểm soát nổi. Tuy vậy, Nhà nước cũng không thể thay đổi chính sách đó !.

Nguồn : RFA, 28/02/2023

Published in Việt Nam