Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng Cộng sản Việt Nam và ‘nhất thể hóa’ qua bình luận mạng xã hội (BBC, 01/10/2018)

Mạng xã hội ngày Chủ nhật 30/9 xuất hiện nhiều tin tức gợi ý rằng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá kỹ phương án "nhất thể hóa" hai chức danh Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước.

rail1

Tổng thống Vladimir Putin đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Sochi hôm 06/09/2018

Thông tin chưa chính thức nói phương án sáp nhập chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ đưa ra Hội nghị Trung ương 8 bỏ phiếu.

Câu chuyện này xuất hiện trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột, và Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản sẽ họp từ ngày 2/10 để bàn về nhân sự cao cấp nhất.

Nhà báo Đà Trang của tờ Tuổi Trẻ viết trên Facebook : "Sự quan tâm dành cho Hội nghị Trung ương 8 (từ 2 đến 6-10) tăng mạnh sau diễn biến mới nhất chiều nay".

"Một số phây viên đã sớm đưa thông tin NHẤT THỂ HOÁ. Kết quả (tuyệt đối) cuộc họp cuối ngày cho thấy thông tin này là chính xác".

Trong khi đó, cây bút Huy Đức bình luận trong ngày 30/9 :

"Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất "biên chế" sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ".

Ông Huy Đức nhận xét :

"Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước".

Sau khi tin đồn loan đi, từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải dùng chức năng "thăm dò dư luận" trên Facebook, mời độc giả bỏ phiếu về việc "nhất thể hóa".

Cuộc "thăm dò dư luận" chưa kết thúc, nhưng sau 6 tiếng kể từ mở ra, đã có hơn 1.100 netizen tham gia biểu quyết, và nhiều người bình luận.

"Cách bầu/hay lựa chọn ra chủ tịch nước là điều tôi quan tâm trước khi quyết định trả lời đồng ý hay không đồng ý", Facebooker Phạm Hữu Tình viết trên trang của luật sư Hải.

"Thứ nhất, việc này là bất hợp hiến. Thứ hai, việc này cũng không hợp lòng dân đâu", một Facebooker khác, có tên là Liêm Thanh Phan viết.

Một số người khác lên tiếng ủng hộ phương án này.

"Xu hướng hiện nay là lãnh đạo có quan tâm đến dư luận và lắng nghe ý kiến của người dân hơn so với trước đây. Đóng góp ý kiến trên mạng xã hội là việc làm cần thiết, việc nhất thể hóa là phù hợp với tình hình nước ta hiện nay", Facebooker Vu Nguyen Trong bình luận.

Nhà báo Lê Kiên, từ tờ Tuổi Trẻ, phân tích làm sao để "hóa giải nỗi lo nhất thể" :

"1. Mở rộng dân chủ trong đảng. Thực hiện cơ chế đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư, Bí thư cấp ủy, trên cơ sở tranh cử rộng rãi.

2. Sửa đổi điều lệ đảng, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực ; Ủy ban Kiểm tra trung ương độc lập, người đứng đầu cq này được bầu trực tiếp tại đại hội ; quy định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành TW, Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra trung ương.

3. Sửa đổi Hiếp pháp, xây dựng một Quốc hội mạnh mẽ, thực quyền, hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp".

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng đây có thể là thời điểm phù hợp.

"Quyền lực càng lớn trách nhiệm càng cao. Trách nhiệm càng cao hành động càng quyết liệt. Hành động càng quyết liệt, kết quả càng lớn. Đây là thời vận để... nhất thể hóa chức danh. Qua thời vận này rồi, sẽ rất lâu mới có thể đến".

Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản sẽ diễn ra ở Hà Nội từ 2 đến 6/10.

Ngoài công tác nhân sự, hội nghị này dự kiến sẽ thông qua Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Hội nghị này cũng sẽ bàn việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.

Hai chức danh

Tuần qua, trả lời BBC về phương án hợp nhất hai chức vụ cao cấp trong 'tứ trụ' ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Cao Phan, người hiện đang làm việc tại Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đại học Bình Dương, bình luận :

"Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một.

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại việc kiểm soát quyền lực khi hai chức này gộp làm một.

Tiến sĩ Jonathan London từ Đại học Leiden, Hà Lan trả lời Bàn tròn Thứ Năm của BBC trên Facebook tuần qua nêu ý kiến Việt Nam có nên chăng cần xem ví dụ của Trung Quốc để một ông Tập Cận Bình nắm hai chức vụ.

Nhà bất đồng chính kiến, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin cũng nêu ra vấn đề này trên Diễn đàn BBC rằng qua ví dụ của ông Tập Cận Bình, từ chỗ chỉ đại diện cho 90 triệu đảng viên của Trung Quốc, được đóng dấu hợp thức đại diện cho toàn quốc gia Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân" thì "đây có phải việc hiển nhiên, có lợi cho dân nước không" ở Việt Nam hay không.

Ngược lại, nhà văn Đoàn Bảo Châu thì viết trên Facebook cá nhân về khả năng tiết kiện được tiền bạc, thủ tục như sau :

"Tôi ủng hộ nhất thể hóa bởi sự thay đổi này có nghĩa là sẽ bớt đi được một vị trí to đùng, hữu danh vô thực. Cứ tưởng tượng mà xem, để đi cùng với một chức danh như vậy thì cả một bộ máy phục vụ riêng Chủ Tịch Nước sẽ đi theo, chi phí sẽ đội lên biết bao nhiêu mà đất nước thì đang nghèo, nợ công tăng vù vù, sự tiết kiệm là điều cần thiết.

"Trong quan hệ ngoại giao với các nước, các thủ tục cũng bớt rườm rà, kế hoạch viếng thăm, bàn bạc và kí kết việc gì đấy được lập ra cũng mạch lạc, hiệu quả hơn. Từ trước đến nay, mỗi khi có một khách nước ngoài thì việc phối hợp lịch giữa văn phòng của chủ tịch nước, tổng bí thư hay thủ tướng cũng đã là một sự phiền toái không cần thiết".

*****************

Không lãnh đạo địa phương nào bị quy trách nhiệm trong tai nạn đường sắt (RFA, 01/10/2018)

Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Việt Nam xảy ra suốt 12 năm qua, từ năm 2005 đến năm 2017, ở các địa phương có tuyến đường này đi qua ; thế nhưng vẫn chưa có một lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm.

rail2

Ảnh minh họa : Trong tổng số vụ tai nạn đường sắt, từ năm 2005 đến năm 2017, có đến 60% xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang. Courtesy : Ảnh chụp màn hình nld.com.vn

Truyền thông trong nước, vào ngày 1 tháng 10 dẫn nhận định vừa nêu của Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh tại cuộc họp bàn về Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia, diễn ra trong những ngày cuối tháng 9 năm 2018.

Cục trưởng Cục Đường Sắt, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết từ năm 2005 đến năm 2017 có đến 60% trong tổng số vụ tai nạn đường sắt là xảy ra trên các lối đi tự mở và đường ngang, trong đó tai nạn xảy ra trên lối đi tự mở chiếm hơn 42%. Hiện, tuyến đường sắt quốc gia có gần 4200 lối đi tự mở và hơn 1500 đường ngang các loại.

Phó Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh mặc dù những giải pháp trong Đề án được thực hiện trong nhiều năm, thế nhưng qua địa phương bị xóa bỏ gần hết và nhiều địa phương không làm đường gom, hàng rào do kinh phí duy tu, bảo dưỡng quá lớn và chưa có một giới chức lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm khi xảy ra tai nạn đường sắt, thậm chí là chủ tịch xã.

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý đề xuất về Đề án liên quan xử lý trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương các cấp, cá nhân lãnh đạo trong tai nạn đường sắt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đề án vừa nêu sẽ được hoàn tất trong tháng 10 và trình lên Chính phủ trong tháng 12 tới đấy.

*****************

Dự án dầu khí của Tập đoàn Nhật tại Việt Nam có khả năng bị hủy (RFA, 01/10/2018)

Dự án tham gia xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Việt Nam của Tập đoàn Nhật JXTG Nippon Oil & Energy đang đối diện khả năng phải hủy.

rail3

Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. AFP

Mạng báo Nikkei loan tin ngày 1 tháng 10 cho biết đối tác địa phương của JXTG Nippon Oil & Energy là Tập đoàn Xăng Dầu Quốc gia Việt Nam, Petrolimex, có vừa kiến nghị chính phủ về việc dừng dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong với trị giá khoảng 6 tỉ USD tại tỉnh Khánh Hòa, với lý do đưa ra là tập trung nguồn lực vào các dự án khác.

Tuy nhiên theo Nikkei thì quyết định của Petrolimex có liên quan đến nỗi lo nguồn cung ứng dư thừa ở Việt Nam. Việc có thêm nhà máy thứ ba trong bối cảnh hiện nay là không cần thiết vì hai nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã đi vào hoạt động.

Dự án nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa được Petrolimex kết hợp cùng với tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy góp vốn đầu tư từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư 4,4 đến 4,8 tỷ USD. Nhà máy sử dụng 300 ha mặt đất và 300 ha mặt biển với công suất đạt 200.000 thùng một ngày tương đương 10 triệu tấn một năm.

Cuối năm 2014, Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy cùng với Petrolimex Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Quy mô dự án được định giá lại từ 6 tỷ đến 7 tỷ USD.

Published in Việt Nam