Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 14 octobre 2017 19:20

Cạnh tranh hay ‘chơi xấu’ ?

Hàng loạt những chiếc taxi Vinasun vào ngày 8 tháng 10 chạy trên đường phố Sài Gòn với decal nền đỏ chữ vàng kêu gọi chấm dứt hoạt động của Grab và Uber. Sự việc thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng. Phóng viên RFA ghi nhận ý kiến của người dân tại Sài Gòn về vụ việc này.

choi1

Vinasun taxi với decal phản đối grab và uber. RFA

Phản đối Uber và Grab - Lệnh từ cấp trên hay tự phát ?

"Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh", "Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" là nội dung của những decal dán trên xe taxi Vinasun.

Trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng đó là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Ông còn nói, "Thậm chí, tài xế Uber, Grab cài vào công ty thiếu gì".

Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp xúc với một số tài xế taxi Vinasun tại trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, họ khẳng định đó là chính sách của hãng. Hôm đó khi họ nhận xe là decal đã được dán sẵn. Họ giải thích thêm, làm tài xế taxi cho hãng, không ai được thay đổi nhận dạng của xe, lấy đâu ra chuyện tự dán decal. Hơn nữa việc các tài xế tự phát dán decal giống nhau về hình dáng, nội dung và kích thước trên diện rộng như thế là chuyện không hợp lý.

Có gần 10 năm gắn bó với Vinasun trong vai trò tài xế, anh Nguyễn Ngọc Thành, hiện đang là đối tác taxi của Grab cảm thấy sự việc giải quyết theo hướng dán decal khẩu hiệu như vậy chưa thực sự hay.

"Nói chung là cạnh tranh trong vấn đề kinh doanh vận tải thì khá là nhạy cảm, nhưng cách này nói chung là cũng không hay lắm. Đại khái thì có nhiều cách khác hay hơn. Nhưng mà mình nêu đích danh tên doanh nghiệp người ta thì về mặt nào đó thì anh cho là nó không hay, vậy thôi".

Theo nhận định của anh, có nhiều hướng đi tốt hơn để cạnh tranh trong kinh doanh. Trong mảng vận tải, cần nhất vẫn là thuận tiện cho khách hàng và thái độ phục vụ của tài xế.

"Nếu mà muốn cạnh tranh lành mạnh thì phía taxi truyền thống thì thứ nhất là phải về vấn đề giá cả, thứ hai là phương tiện. Cái quan trọng nhất là thái độ phục vụ của anh em lái xe đối với hành khách, đó là điều quan trọng nhất. Tại vì khi mà phương tiện em có tốt, giá cả em có tốt, mà cái người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng là lái xe, mà thái độ em hoặc là cái gì đó không tốt thì đương nhiên khách hàng người ta sẽ không chọn dịch vụ đó. Tại nhu cầu của khách hàng bây giờ cao lắm. Người ta bỏ tiền ra, người ta muốn sử dụng dịch vụ tốt, chứ không ai người ta bỏ tiền ra mà sử dụng dịch vụ không như ý mình".

Ông Lewis A. Hassell, một tình nguyện viên người nước ngoài sống tại Việt Nam hơn hai năm cho biết ông thường ưu tiên sử dụng Grab và Uber do có thể biết chính xác giá cước và địa chỉ đến, giảm thiểu tối đa rắc rối do khó khăn về ngôn ngữ.

"Tôi chọn đi Uber đơn giản vì tôi có thể biết được chính xác địa điểm và có thể giao dịch dễ dàng thông qua thẻ tín dụng credit card. Rất đơn giản. Nên tôi nghĩ là nó khá thuận tiện, ngoài ra thì tôi cũng có trải nghiệm rất tốt khi sử dụng dịch vụ với họ. Xe tốt, gặp được các tài xế thú vị nữa".

Liêm, một bạn trẻ chạy Grab Bike chia sẻ về vấn đề nhận định, đây là hành động không hợp lý vì liên quan đến vấn đề cạnh tranh thì phải tùy thuộc vào độ thuận tiện, nhanh chóng của dịch vụ chứ không nên hành động như Vinasun.

"Nó không hợp lý ở chỗ giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ thì ở đâu người ta cần đến nhanh hay đến chậm thôi. Mà taxi truyền thống thì nhiều khi đến chậm hơn taxi thời buổi công nghệ, người ta cần thì có liền".

Ý kiến của tài xế và người dân về vấn đề này

Anh Đặng Đông Khâm, một người lái xe riêng, cho rằng cách phản ứng của Vinasun có thể chịu nhiều tác động ngược.

"Đó không phải là đối sách. Mà anh thấy làm như vậy chắc là marketing cho Grab với lại Uber thêm. Chớ nhiều người, anh ví dụ như chú bảo vệ ở đây chú không biết Grab, Uber là cái gì đi, giờ chú đọc được cái dòng chữ của Vinasun dán như vậy, thì nếu vậy chú thắc mắc, chú đi hỏi người ta. Hỏi anh đi, thì anh nói ờ, Grab với Uber rẻ hơn. Thì chú đó phải dùng Grab với Uber chứ. Đâu có dùng Vinasun nữa, đúng không ? Còn những người lớn tuổi hoặc những người ở vùng sâu vùng xa đi chăng nữa người ta đâu biết đến Grab và Uber, làm như vậy chẳng khác nào giới thiệu giùm người ta, marketing cho người ta".

Hồng Thanh, hiện là sinh viên, tuy ít sử dụng các dịch vụ taxi vẫn cảm thấy việc làm của Vinasun khá phản cảm và cho rằng, bản thân Vinasun cần có những bước tiến về dịch vụ tốt hơn thay vì đi chỉ trích đối thủ.

"Theo mình thấy thì việc taxi Vinasun làm như vậy thì họ cũng vì lợi ích lợi nhuận của họ, nhưng mà dùng cái phương pháp đấu tranh như vậy thì cũng hơi phản cảm bởi vì là Uber hay Grab thì họ cũng kinh doanh như Vinasun nhưng phương thức của họ nó hay hơn, tốt hơn thì được nhiều người đón nhận hơn".

Trong vai trò là một người gắn bó nhiều năm với Vinasun trước khi chuyển qua làm đối tác của Grab vì một số lí do về khung thời gian, bản thân anh Thành rất hài lòng với chính sách của Vinasun suốt gần 10 năm trời, và vẫn đang giữ thiện cảm về hãng. Anh Thành mong mỏi giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ lẫn xe ôm và Grab Bike có thể hài hòa được giữa hai phía để mọi người có thể thoải mái làm việc lo cho cuộc sống gia đình.

"Tâm nguyện của anh là làm sao, bằng cách nào những người có trình độ, những người lãnh đạo hài hòa được anh em, taxi truyền thống và công nghệ. Không riêng gì taxi Grab Car đâu, Grab Bike với xe ôm truyền thống cũng vậy. Có cách nào đó để dung hòa giữa hai anh em hai bên để làm chi ? Để người ta thoải mái làm việc, không căng thẳng trong công việc, kiếm tiền về lo cho gia đình, cho vợ con thôi, vậy là tốt rồi".

Sáng ngày 10/0, các decal trên taxi Vinasun đã được gỡ bỏ theo chỉ thị của lãnh đạo hãng.

Cạnh tranh bình đẳng là điều mà những người tham gia kinh doanh lương thiện mong mỏi. Cơ quan chức năng có thể giúp họ thông qua hệ thống luật pháp cũng như giám sát, xử lý minh bạch...

Tường trình từ Việt Nam

Published in Việt Nam