Vụ Vũ ‘Nhôm’ : Giám đốc công an Đà Nẵng sẽ bị cách chức hay khởi tố ? (CaliToday, 27/04/2018)
Tiếp sau năm 2017, năm 2018 vẫn có vẻ là thời hoàng kim của giới nhà báo và blogger ‘thân đảng’ trong cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ nhưng ẩn chứa không ít sắc thái ‘phe cánh chính trị’ kèm lợi ích nhóm cũ - nhóm mới.
Liệu số phận của ông Lê Văn Tam sẽ ra sao - chỉ bị mất chức hay còn bị khởi tố điều tra, thậm chí bị tống giam như hàng loạt tướng công an đã bị gần đây ? Ảnh : Tin không lề
‘Mặt trận’ Đà Nẵng. Cuộc chiến giữa một nữ nhà báo bề ngoài lẻ loi là Dương Thị Hằng Nga với nhân vật quyền thế Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc công an Đà Nẵng, đã tưởng như chỉ như trứng chọi đá, nhưng đang mang lại kết quả bất ngờ ‘đá sắp vỡ’.
Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên nhà báo Hằng Nga đăng tải trên facebook của cô một status về gia đình của Đại tá Lê Văn Tam đang sống trong ngôi biệt thự Làng Europe ở khu vực có giá đất cao nhất tại Đà Nẵng với giá trị ngôi biệt thự này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hằng Nga cũng tung ra một dấu hỏi lớn : có phải Đại tá Lê Văn Tam đã nhận tiền của Vũ ‘Nhôm’ để mua ngôi biệt thự này ?
Status và những hình ảnh của nhà báo Hằng Nga về biệt thự của Đại tá Lê Văn Tam lập tức lan truyền với tốc độ cao trên mạng xã hội, khiến ngay sau đó ông Lê Văn Tam phải lên tiếng thanh minh trên báo nhà nước là ngôi biệt thự đó chính là của ông ta nhưng không phải do nhận tiền từ Vũ ‘Nhôm’.
Trong khi đó, một số dư luận viên bị nghi là thuộc ngành công an (không biết công an cấp bộ hay của Đà Nẵng), đã hùng hổ cáo buộc nhà báo Hằng Nga vu khống Đại tá Lê Văn Tam và đòi khởi tố nữ nhà báo này.
Nhưng cũng an toàn như năm 2017 dù đã tố cáo đích danh Vũ ‘Nhôm’ có nhiều hoạt động phi pháp, vào lúc này nhà báo Hằng Nga vẫn tỉnh bơ và tự do. Nữ nhà báo này còn chọc tức thêm Đại tá Lê Văn Tam và cho rằng việc cô bị Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh vào năm 2017 là do Đại tá Tam được ‘chỉ đạo’ bởi Vũ ‘Nhôm’.
Trong những ngày qua, đã không có bất kỳ một động tác ‘dằn mặt’ nào từ phía Công an Đà Nẵng đối với nhà báo Hằng Nga - một hiện tượng khiến nhiều người dân Đà Nẵng phải thật sự ngạc nhiên và liên tưởng đến một thế lực chính trị đủ mạnh đang ‘chống lưng’ cho Hằng Nga.
Nhà báo Hằng Nga lại không giấu giếm thế lực chính trị đó : Chủ tịch đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Trong cuộc chiến Huỳnh Đức Thơ - Nguyễn Xuân Anh vào cuối năm 2017, trong khi Nguyễn Xuân Anh phải chịu kỷ luật đảng, mất ghế ủy viên trung ương và chức bí thư Đà Nẵng thì Huỳnh Đức Thơ lại bình chân như vại, cho dù trách nhiệm quản lý tài nguyên và nhà cửa của ông Thơ là trực tiếp hơn nhiều so với ông Anh.
Chưa kể cái nhà máy thép - mà Huỳnh Đức Thơ là một trong những chủ sở hữu lớn nhất - đã ngày đêm xả khí thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị dân Đà Nẵng phản ứng rầm trời nhưng ông Thơ vẫn không bị sao cả.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa đến phần hấp dẫn nhất của nó.
Đến ngày 27/4/2018 thì bức màn bí mật bắt đầu được hé mở. Một quan chức là Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng, cho biết ‘Bộ Công an đang điều tra vụ nhà của Đại tá Lê Văn Tam’.
Nhà báo Hằng Nga đã ghi điểm : 2 - 0, sau khi đã dẫn 1 - 0 trước Đại tá Tam khi tung hình ảnh về ngôi biệt thự trăm tỷ của ông này.
Đến lúc này, vấn đề của Đại tá Lê Văn Tam không còn đơn thuần là phản ứng hay tìm cách trả đũa nhà báo Hằng Nga nữa, mà mang tính sống còn hơn nhiều là phải đối phó với Bộ Công an.
Hoặc sự nghiệp chính trị của Đại tá Lê Văn Tam có thể đi đứt chỉ ít lâu nữa.
Bài học kinh nghiệm gần nhất cũng tại Đà Nẵng. Vào gần cuối năm 2017 và không bao lâu sau khi Nguyễn Xuân Anh bị cú knock - out tại Hội nghị trung ương 6, tân bí thư Đà Năng là Trương Quang Nghĩa đã bất ngờ thông tin cho cử tri thành phố này về vụ Út ‘trọc’ và Vũ ‘Nhôm’. Chỉ vài ngày sau bản thông báo không chính thức đó, có lệnh bắt Vũ ‘Nhôm’.
Nhưng vì sao Vũ ‘Nhôm’ đã vuột khỏi mắt trinh sát công an Đà Nẵng vào tháng Mười Hai năm 2017 - đó vẫn là một bí ẩn và có thể liên quan cả đến đường dây đã giúp cho Vũ ‘Nhôm’ đào thoát khỏi Việt Nam.
Có lẽ Đại tá Lê Văn Tam phải chịu một phần trách nhiệm liên đới ấy, ít nhất về chuyện đã để sổng Vũ ‘Nhôm’ ngay tại Đà Nẵng.
Còn ngay trước mắt, cú đánh gót của ông Nguyễn Thanh Quang đang bắn đi tín hiệu như điều tương tự mà ông Trương Quang Nghĩa đã làm : Giám đốc công an Đà Nẵng Lê Văn Tam có thể bị ‘sờ gáy’ trong những ngày tới, mà ‘biệt thự trăm tỷ’ có thể chỉ là cái cớ.
Liệu số phận của ông Tam sẽ ra sao - chỉ bị mất chức hay còn bị khởi tố điều tra, thậm chí bị tống giam như hàng loạt tướng công an đã bị gần đây ?
Thiền Lâm
**********************
Bộ Công an đang xác minh tài sản của Giám đốc công an Đà Nẵng (CaliToday, 26/04/2018)
Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng doàn Đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng đã cho cử tri biết Bộ công an đang xác minh tài sản, trong đó có căn biệt phủ có giá trên 100 tỷ của Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng Lê Văn Tam.
Đại tá Lê Văn Tam và căn biệt phủ nghi ngờ là do Vũ "nhôm" tặng. Ảnh : Vietnambiz
Chỉ 7 ngày sau khi nhà báo Dương Hằng Nga, một người được cho là làm nhiệm vụ khai quang dư luận, tung tin về căn biệt phủ của Giám đốc Công an Đà Nẵng Lê Văn Tam, ngày 26/4, ông Nguyễn Thanh Quang trong lần tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê đã cho biết Bộ Công an đang cho điều tra xác minh khối tài sản này. Trong đó, phần quan trọng là căn biệt phủ có phải do ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" biếu tặng cho ông Tam hay không.
Rõ ràng trong việc thanh trừng nội bộ chính quyền thành phố Đà Nẵng, nhà báo Dương Hằng Nga, dù một cây bút hạng xoàng nhưng đã được sử dụng một cách hữu hiệu. Sau khi chỉa mũi dùi vào ông Lê Văn Tam dư luận đặc biệt chú ý đến khối tài sản khổng lồ của ông này, mà quên đi tài sản của ông Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ còn gấp nhiều lần. Đó là chưa nói các vi phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định cũng nghiêm trọng gấp nhiều lần ông Tam. Thứ nữa, ông Thơ còn là người góp phần hủy hoại môi trường, đầu độc nhiều thế hệ bằng việc mở nhà máy chế biến thép ngay tại khu dân cư, khiến người dân ở đây liên tục kiện cáo.
Tại buổi tiếp xúc, một cử tri có tên Nguyễn Quang Nga tỏ ra bất bình trước việc ông Vũ "nhôm" chỉ là một thợ nhôm bình thường lại có thể khống chế chính quyền, thâu tóm nhiều đất đai tại thành phố Đà Nẵng. Cử tri Nga có thể là người đã được phe nhóm của Huỳnh Đức Thơ cài vào nên cố tỏ ra ngây thơ, sự thật Vũ "nhôm" không hề là một anh thợ nhôm bình thường, mà đó là Thượng tá tình báo Công an, người làm bộ phận kinh tài cho rất nhiều tướng công an đang nắm giữ vai trò tối cao trong bộ máy chính quyền trung ương cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Vũ "nhôm" là sản phẩm được tạo ra từ bọn cường quyền nhằm tạo ra "nhóm lợi ích" để bảo vệ quyền lợi của mình. Người tạo ra Vũ "nhôm" không ai khác chính là cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, một người mà nếu không có đợt "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ông vẫn còn được coi như vị thánh ở xứ Đà Nẵng.
Quan chức, lãnh đạo cộng sản Việt Nam không ai là không tham nhũng. Điều này dễ dàng nhận thấy qua những chiếc xe họ đi, qua khối tài sản họ sở hữu hoặc qua tòa nhà mà họ ở. Vấn đề chỉ là cuộc thanh trừng sẽ nhắm vào ai mà thôi. Giám đốc công an thành phố Đà Nẵng trở thành nạn nhân trong cuộc thanh trừng, chỉ vì ông là người thuộc phe nhóm của cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến trước đây. Nay, để cắt đứt toàn bộ tầm ảnh hưởng của cựu Bí thư trước đây, ông Lê Văn Tam trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng.
Ông Lê Văn Tam hay cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đều là những kẻ cực kỳ tàn ác. Tội ác của họ đã được bàng dân thiên hạ thấy rõ trong vụ bách hại giáo dân Cồn Dầu vào năm 2010.
Cồn Dầu là giáo xứ có đông giáo dân sinh sống từ lâu nay. Nơi đây khung cảnh hữu tình đã trở thành miếng mồi ngon của những kẻ khát tiền như : Nguyễn Bá Thanh, Trần Văn Minh. Do đó, Thanh, Minh đã quyết định cưỡng chiếm 100ha đất của giáo dân Cồn Dầu để xây dựng khu đô thị sinh thái. Giáo dân Cồn Dầu đứng lên chống lại. Chính quyền Đà Nẵng mà người trực tiếp chỉ đạo chính là cựu Chủ tịch Trần Văn Minh (nay đã ngồi tù vì đang bị điều tra) đã sai Lê Văn Tam cùng hàng ngàn công an đàn áp giáo dân. Cuộc đàn áp vô cùng kinh hoàng, ít nhất một giáo dân bị lính của Lê Văn Tam bắt lên đồn rồi đánh chết. Tàn nhẫn hơn, trong đám tang của một cụ bà 82 tuổi, Lê Văn Tam đã cho công an đến cướp quan tài, bắt hàng chục người vì sợ đám tang sẽ bùng nổ thành chống đối chính quyền.
Dân oan bị mất nhà, đất ở Cồn Dầu bao năm đòi công lý nhưng vẫn chưa được. Ảnh : Internet
Có đến hơn 50 tín đồ công giáo Cồn Dầu vì chịu không nỗi sự bắt bớ, đàn áp của chính quyền Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo của bộ 3 : Nguyễn Bá Thanh (bí thư), Trần Văn Minh (Chủ tịch) và Lê Văn Tam nên đã bổ trốn sang Thái Lan tỵ nạn. Cho đến nay, vấn đề của giáo xứ Cồn Dầu vẫn chưa được giải quyết xong, hệ lụy của nó mang lại vô cùng nghiêm trọng.
Người Quan Sát
********************
Quan chức nhận tài sản phi pháp do Vũ "nhôm" biếu, tặng có bị xử lý triệt để ? (CaliToday, 26/04/2018)
Bộ Công an Việt Nam cho biết là 9 dự án và 31 nhà, đất công sản mà ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" có được có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đang bị điều tra. Tuy nhiên, dư luận quan tâm là chính quyền Việt Nam sẽ xử lý khối tài sản phi pháp này như thế nào nếu như phát hiện có phần tài sản mà Vũ "nhôm" dành để biếu, tặng cho các quan chức, đặc biệt là quan chức lãnh đạo cấp cao ?…
Vũ "nhôm"
Như báo đài Việt Nam đã thông tin cũng như tại văn bản số 817/ANDT (P4) của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi Chủ tịch Ủy ban Thành phố Đà Nẵng phối hợp điều tra, xác minh, cung cấp những thông, tài liệu để làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 09 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản mà Vũ "nhôm" có được theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
9 dự án đó là :
1. Công viên An Đồn (năm 2010) ;
2. Khu đô thị Harbuor Ville của Công ty CP Đầu tư Mega (năm 2008) ;
3. Khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012) ;
4. Dự án Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (năm 2007) ;
5. Khu dịch vụ du lịch nhà hàng-café-bar và bến du thuyền (khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Đà Nẵng, phía Tây cầu Rồng, năm 2015) ;
6. Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1 : 181ha, năm 2008) ;
7. Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (năm 2009) ;
8. Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010) ;
9. Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007).
Và 31 nhà, đất công sản gồm :
1. 16 Bạch Đằng (2015) ;
2. 20 Bạch Đằng (2009) ;
3. 158 Bạch Đằng (2006) ;
4. 07 Bạch Đằng (2009) ;
5. 100 Bạch Đằng (2010) ;
6. 86 Bạch Đằng (chủ cũ) (2007) ;
7. 318 Lê Duẩn (hoán đổi) (2014) ;
8. 57 Lê Duẩn (2010) ;
9. 17 Lê Duẩn (2006) ;
10. 354 Hùng Vương (2004) ;
11. 81 Hùng Vương (2004) ;
12. 89 Hùng Vương (2004) ;
13. 45 Nguyễn Thái Học (2007) ;
14. 47 Nguyễn Thái Học (2010) ;
15. 49 Nguyễn Thái Học (2007) ;
16. 73 Nguyễn Thái Học (2011) ;
17. 106 Trần Phú (2008) ;
18. 37 Pasteur (2010) ;
19. 39 Pasteur (2011) ;
20. 02 Hải Phòng (2010) ;
21. 82 Trần Quốc Toản (2004) ;
22. 107 Hoàng Hoa Thám (2016) ;
23. 22 Cô Giang (2007) ;
24. 32 Lê Hồng Phong (2004) ;
25. 34 Hoàng Văn Thụ (2009) ;
26. 11 Phạm Hồng Thái (25) (2001) ;
27. 121 Phan Châu Trinh (2012) ;
28. 319 Lê Duẩn (2010) ;
29. 36 Bạch Đằng (2007) ;
30. 38 Bạch Đằng (2008) ;
31. 38 Bạch Đằng mở rộng (2009).
Đây là khối tài sản mà Vũ "nhôm" có được từ năm 2014 trở về trước, thời kỳ Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của những quan chức lãnh đạo chủ chốt như ; cố Bí thư thành ủy Nguyến Bá Thanh và hai cựu Chủ tịch thành ủy là các ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Hiện tại ông Thanh đã qua đời, còn ông Minh và ông Chiến vào ngày 17/04 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát lệnh khởi tố với hai tội danh : "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015. Ông Minh đang bị tạm giam và ông Chiến bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Từ những thông tin do Bộ Công an cung cấp, báo đài Việt Nam cho biết hiện số dự án và nhà, đất công sản này có cái chuyển nhượng sang người khác, có cái đổi công năng và cũng có dự án Đà Nẵng đang thương lượng để lấy lại…
Khối tài sản của Vũ "nhôm" có được từ những hoạt động phi pháp chắc chắn không chỉ dừng ở mức 9 dự án và 31 nhà, đất công sản này. Đơn cử như khối tài sản 200 tỷ đồng do ông Trần Phương Bình - nguyên tổng giám đốc ngân hàng Đông Á đã xuất quỹ sai nguyên tắc để chi cho Vũ "nhôm", lúc bấy giờ Vũ "nhôm" lấy danh nghĩa là người đại diện pháp lý của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 để mua cổ phần của ngân hàng Đông Á.
Số tài sản nêu trên có lẽ phía Bộ Công an đã có những tài liệu chứng minh sai phạm và chắc chắn quyết định số phận của chúng giờ chỉ việc chờ đến ngày Vũ "nhôm" và đồng bọn ra tòa. Theo luật pháp Việt Nam, Tòa án là cơ quan có quyền quyết định xử lý khối tài sản phi pháp của bị cáo và Cơ quan thi án sẽ thực hiện theo quyết định của Tòa án. Thông thường, các tài sản phi pháp của các bị cáo nếu tịch thu được sẽ bị bổ sung công quỹ.
Tuy nhiên, dư luận Việt Nam đặt câu hỏi vậy số tài sản của Vũ "nhôm" đã thực hiện việc biếu tặng, chuyển nhượng cho các đảng viên, quan chức lạnh đạo cấp cao của Việt Nam có bị tịch thu hay không nếu số tài sản này thực sự nằm trong khối tài sản hoạt động phi pháp ? Ví dụ một số tài sản sau có liên quan đến Vũ "nhôm" đang bị dư luận hoài nghi như việc ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng sử dụng ô tô và 2 căn nhà số 45&47 Nguyễn Thái Học, đều là nhà công sản có liên quan đến Vũ "nhôm". Ngay cả thư ký của ông Xuân Anh là ông Hồ Ánh vào năm 2013 cũng từng được Vũ "nhôm" dưới danh nghĩa là cho mượn nhưng ủy quyền toàn quyền sử dụng lô đất và nhà tại địa chỉ 51 Nguyễn Thái Học. Hoặc là vào năm 2016, công ty của Vũ "nhôm" đã tặng cho Công an Đà Nẵng 50 chiếc xe mô tô Yamaha Exciter và 4 mô tô đặc chủng.
Chưa hết, trong những ngày gần đây dư luận Việt Nam đang đồn đãi nhau việc đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an Đà Nẵng có nhà biệt thự ở làng biệt thự Euro Village, địa chỉ số 24/26 đường Hoa Phượng Đà Nẵng có trị giá từ mấy chục tỷ cho đến gần 100 tỷ đồng bị hoài nghi là do Vũ "nhôm" biếu tặng. Ngay sau đó, qua báo đài ông Tam thừa nhận ông có nhà biệt thự ở làng biệt thự Euro Village nhưng lại cho rằng thông tin căn biệt thự này do Vũ "nhôm" biết tặng là thông tin tào lao. Cho đến hiện tại, dư luận Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ Cơ quan điều tra Việt Nam rằng ; có vào cuộc xác minh nguồn gốc căn biệt thự nói trên từ đâu mà đại tá Tam có được ? Nó có phải là tài sản hợp pháp mà đại tá Tam lao động cực nhọc trong quãng thời gian dài tích góp hay không ? Nhiều nhà quan sát đánh giá với mức lương công chức như đại tá Tam dù lao động cả đời cũng khó tích góp đủ tiền để tậu căn biệt thự gần trăm tỷ đồng.
Một câu hỏi nữa là khối tài sản phi pháp mà Vũ "nhôm" có được nếu như không có sự "lót tay" chia chác lợi ích cho các đảng viên, quan chức đặc biệt là các đảng viên, quan chức lãnh đạo cấp cao thì Vũ "nhôm" bằng khả năng nào để thực hiện những việc làm phi pháp trong chuỗi thời gian rất dài ? Nếu như cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện có một phần tài sản phi pháp mà Vũ "nhôm" dành để biếu, tặng cho các đảng viên, quan chức đặc biệt là quan chức lãnh đạo cấp cao thì chính quyền Việt Nam nói chung sẽ xử lý như thế ? Có mạnh tay thu hồi số tài sản phi pháp này hay không ? Theo quan điểm của người viết, thừa nhận chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đang tiến hành quyết liệt ở Việt Nam nhưng ít nhiều cũng chừa phần "nương tay" nào đó đối với các đảng viên, quan chức đặc biệt là những đảng viên, quan chức lãnh đạo cấp cao để giữ phần thể diện cũng như phòng ngừa trường hợp "đánh chuột to sẽ vỡ bình".
Vũ "nhôm" cũng như bao quan chức tham nhũng, tham ô khác ở Việt Nam, thời gian tại vị sẽ triệt để tích góp tài sản phi pháp rồi sau đó chuyển cho người thân quen hoặc chuyển ra nước ngoài phòng khi có "biến động" nếu thoát thân được thì cũng không đến nỗi trắng tay, còn nếu bị bắt thì cơ quan pháp luật Việt Nam cũng rất khó thu hồi lại toàn bộ.
Quê Hương