Hôm 14 tháng Chín, Thông Tấn Xã Việt Nam công bố ảnh cho thấy ông Nông Đức Mạnh ngồi cạnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 70 thành lập Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ông Nông Đức Mạnh (thứ hai, trái qua) trong ảnh chụp đề ngày 14 tháng Chín. (Hình : Vnanet.vn)
Một ngày trước, mạng xã hội râm ran tin đồn cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh qua đời. Tin này được ghi nhận phát xuất từ một số blogger có nhiều lượt follow và có chủ đích gây bàn tán.
Đây không phải lần đầu có tin giả về các cựu lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua đời trong bối cảnh các báo nhà nước thường chậm trễ khi đưa tin về cái chết của những người thuộc diện "tứ trụ", cựu "tứ trụ".
Tuy đã không còn làm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được hơn chín năm, nhưng ông Mạnh vẫn thường xuyên xuất hiện cạnh người kế nhiệm–ông Trọng trong các sinh hoạt của đảng.
Hôm 14 tháng Chín, người ta thấy ông Mạnh kè kè bên ông Trọng trong lễ "50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh" và đi cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Bắc Kạn…
Sự nghiệp chính trị của ông Mạnh được đánh giá khá mờ nhạt, nếu không kể tin đồn rằng ông chính là con trai của Hồ Chí Minh. Một trong những phát ngôn "để đời" của ông Mạnh là câu nói được báo Khánh Hòa đăng tải hồi tháng Tám, 2003 : "Tôi ví dụ như để phát triển du lịch thì nông nghiệp phải phát triển theo hướng nào để hỗ trợ ? Ngoại thành Nha Trang phải trồng loại rau gì để cung cấp cho các khách sạn, Diên Khánh phải trồng cây gì và các huyện trong tỉnh phải trồng thứ gì, nuôi con gì, quy hoạch ra sao để có nền nông nghiệp sạch".
Phát ngôn nêu trên sau đó đã thành "chuyện cười" trên mạng xã hội mỗi khi các blogger đề cập về chuyện các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quen thói đến các địa phương chỉ đạo suông mà không có hiểu biết gì về tình hình thực tế.
Có lẽ vì ngại bị công luận đàm tiếu nên sau này, mỗi khi dự các lễ hội của đảng, ông Mạnh chỉ chụp hình chứ không lên tiếng "chỉ đạo" như trước.
Tuy đã lâu không còn là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, ông Mạnh vẫn gây bàn tán quanh chuyện ông cưới người vợ sau tên là Đỗ Thị Huyền Tâm, "đại biểu Quốc hội Việt Nam". Đài Á Châu Tự Do hồi tháng Năm, 2018 đưa bình luận về bà Tâm : "Trước khi trở thành ‘thứ phi’ của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải ‘tra tay vào còng’. Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu Tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên ‘mạnh’ hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn".
Về phần ông Nông Quốc Tuấn, con trai ông Mạnh và là phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam, giới quan sát đánh giá ông này khó có triển vọng được "cơ cấu" lên cao hơn sau khi đã bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII.
Ủy ban Dân tộc Việt Nam là cơ quan ngang cấp Bộ của chính phủ cộng sản Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp thuộc ủy ban quản lý theo quy định của pháp luật. (T.K.)
******************
Đức bố ráp, bắt 9 người Việt trong cuộc truy quét chống buôn người qua kết hôn giả (VOA, 13/09/2019)
Cảnh sát ở Berlin và 4 bang của Đức vừa đột kích 33 địa điểm được cho là có dính dáng đến hoạt động buôn người và bắt giữ 9 công dân Việt Nam tại đây, AP đưa tin ngày 13/9.
Đức là một trong những điểm đến của hoạt động buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu, thông qua ngả Đông Âu.
Theo các công tố viên Berlin, các cuộc đột kích nhắm vào các nghi phạm bị cáo buộc đã dàn xếp các cuộc hôn nhân giả và quan hệ cha con giả để được quyền cư trú tại Đức.
Chín người Việt Nam bị bắt giữ đều không có quyền cư trú phù hợp và cảnh sát đã tịch thu điện thoại di động, tài liệu và tiền mặt của các nghi phạm.
Tin cho hay có khoảng 300 cảnh sát đã tham gia vào các cuộc đột kích ở Berlin, Brandenburg, Sachsen, Mecklenburg-West Pomerania và North Rhine-Westphalia.
Đức là một trong những điểm đến khi bọn tội phạm buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu, thông qua ngả Đông Âu.
Giá đưa lậu một người sang Đức dao động từ khoảng 10.000 – 15.000 Euro (11.300 – 17.000 USD), theo đài DW. Trong đa số trường hợp, nạn nhân buôn người và gia đình họ sau đó đều trở thành con nợ của kẻ buôn người và buộc phải làm những công việc phạm pháp ở các quốc gia điểm đến để trả nợ.
Năm ngoái, cảnh sát liên bang Đức cũng đã lùng soát một khu trung tâm Việt Nam là chợ Đồng Xuân, một phần trong chiến lược truy quét lớn của nước này nhắm vào các mạng lưới buôn người thông qua kết hôn giả.
***********************
Nhà nước cộng sản Việt Nam thú nhận ‘tham nhũng tràn lan’ (Người Việt, 12/09/2019)
Trong chín tháng qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 214 vụ án tham nhũng với 487 bị can, tăng 56 người so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều vụ án kinh tế lớn "đã chứng minh được yếu tố tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp" được dư luận quan tâm.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị khởi tố về tội "nhận hối lộ". (Hình : Lao Động)
Theo báo VNExpress, sáng ngày 12 tháng Chín, 2019, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cộng sản Việt Nam, trình bày thẩm tra phúc trình của chính phủ về "Công tác phòng chống tham nhũng năm 2019", bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết trước đây một số các vụ án kinh tế lớn mà "dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng" nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được nên phải xử theo hướng kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được.
Điển hình như vụ hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, bị khởi tố về tội "nhận hối lộ".
Và vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh, phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoặc vụ năm cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong lúc thanh tra một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Hay như vụ ông Đặng Trường An, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu (Tây Ninh) nhận hối lộ…
Tuy nhiên, theo bà Nga tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, "tham nhũng vặt" vẫn chưa bị đẩy lùi. Đặc biệt, khi sự việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn "lợi ích nhóm", hay "sân sau" được đẩy mạnh, thì "loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…".
Chẳng hạn, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng "nhà nước mua đắt, bán rẻ" các tài sản lớn, thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn. Đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi với số tiền rất lớn như vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG ; vụ liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ; sai phạm tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam…
"Tình trạng này làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, là vấn đề cần được Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao… đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục", bà Nga đề nghị.
Theo báo Tiền Phong, về thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, theo phúc trình của chính phủ, trong giai đoạn điều tra, các cơ quan đã thu hồi được hơn 615 tỷ đồng (26,5 triệu USD) và hơn 11.800 mét vuông đất, kê biên 795 tỷ đồng (34,3 triệu USD).
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng (431,8 triệu USD).
Trả lời báo chí về việc giải quyết các vụ án tham nhũng lớn bị phanh phui kể trên, ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, chỉ cho biết "các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng". (Tr.N)