Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ công tác thi hành án hình sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân từ ngày 1/7/2004 đến ngày 31/3/2024. Nguyên nhân được truyền thông nhà nước loan, do có một số vụ án hình sự xử xong, tòa án không (hay nói cách khác là quên) ra quyết định thi hành án dẫn đến hết thời hiệu thi hành ; hoặc một số trường hợp không ra các quyết định thay thế khi bản án được tòa án cấp trên sửa, dẫn đến giam giữ người tù quá thời hạn (với những bản án đang được thi hành).

quen1

Cảnh dẫn giải một bị cáo ra tòa Thành phố Hồ Chí Minh - AFP

Điều này được nói gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tòa án nhân dân, không đảm bảo sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.

Quên hay chiêu trò ?

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA, không thể có chuyện quên ở đây vì mỗi phiên xử, mỗi bản án đều được ghi vào chỉ tiêu. Nếu thiếu phải xử cho đủ. Ông giải thích thêm về quy trình sau phiên xử :

"Tức là tòa ra bản án có hiệu lực. Sau đó tòa phải gửi cho các cơ quan thi hành án hình sự ở các nơi. Nhưng nếu họ tuyên án xong họ "giấu" bản án đi, hoặc nói là có chuyển đi nhưng không biết bên kia có nhận được hay không. Nhiều khi đó là "chiêu trò" của họ. Tức là tòa cứ tuyên nhưng cố tình không chuyển bản án cho cơ quan thi hành án, thì cơ quan thi hành án đâu có biết có bản án mà ra quyết định thi hành án.

Bên Viện kiểm sát thì đâu có theo dõi xem bản án đó có được gửi tới các cơ quan thi hành án hình sự hay không. Đó có thể là một lỗ hổng của hệ thống tòa án, và là mảnh đất cho họ "kiếm ăn". Bởi vì có trường hợp vẫn thi hành án bằng cách đi tù, nhưng chỉ tù cái tên, còn người vẫn ở ngoài".

Luật sư Miếng kể thêm, ông từng tham gia bào chữa cho một vụ án hình sự. Sau phiên tòa, thân chủ của ông bị tuyên án treo. Tòa án nhờ ông cầm bản án về giao cho phường, dù đó không phải trách nhiệm của ông.

Hệ thống tư pháp Việt Nam, qua một số vụ xảy ra gần đây được một số chuyên gia luật pháp cho rằng, cần phải thay đổi tận gốc, tức phải thay rượu chứ không chỉ thay bình.

Mới hôm 25/12/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Tại hội nghị, Bộ tư pháp nhìn nhận những bất cập còn tồn tại và nêu quyết tâm hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật.

Căn cứ theo Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.

Ai chịu trách nhiệm ?

Trước đó, ngành tư pháp Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi. Tháng 6/2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tháng 10/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên họp thứ hai năm 2022 thảo luận về đề án : "Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Hôm 6/11/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội rằng việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trước khi ông Bình tuyên bố như thế, tử tù nhiều năm kêu oan là Lê Văn Mạnh đã thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Ân Xá Quốc tế đã gọi việc thi hành án này là kinh tởm, Human Rights Watch cho đây là "một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam". Hiện còn hai trường hợp tử tù khác cũng đang kêu oan đã nhiều năm là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.

Với thông tin từ truyền thông nhà nước về việc một số vụ án hình sự xử xong mà quên ra quyết định thi hành án, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA :

"Sau khi công chúng chưa hết bàng hoàng về thông tin ngành tòa án xin phép quốc hội được phép xử oan sai với mức độ 9.000 bản án trong một năm, thì họ lại tiếp tục bất ngờ khi nghe tin về việc nhiều bản án hình sự đã xét xử, nhưng tòa án đã không ban hành quyết định thi hành án khiến chúng hết thời hiệu để thi hành hoặc tù nhân bị giam quá thời hạn. Thực trạng trên cho thấy ngành tòa án Việt Nam không chỉ không đảm đương được trách nhiệm cố hữu của mình là ban phát công lý mà còn làm phát sinh thêm những sự rối rắm cho nền tư pháp.

Chúng làm cho tất cả các đặc tính căn bản của một nền tư pháp như công bằng, tôn nghiêm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chế độ trong nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quốc dân về thực trạng tồi tệ của nền tư pháp".

Cũng theo Luật sư Mạnh, do nền tư pháp không được tin cậy nên công chúng thường tự ra tay giải quyết các tranh chấp của mình bằng các biện pháp tiêu cực, như tự mình hoặc nhờ người hành hung, đe dọa bằng vũ lực… chứ không nhờ đến biện pháp tài phán, vốn là một biện pháp giải quyết tranh chấp văn minh của xã hội.

Ba năm trước, Tòa án Nhân dân Tối cao cũng ra yêu cầu đối với các tòa án để đảm bảo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành đúng quy định, tránh vi phạm trong việc ra quyết định thi hành án, ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự, gửi quyết định thi hành án.

Cụ thể, tòa án phải rà soát lập danh sách kết quả ra quyết định thi hành án, uỷ thác ra quyết định thi hành án để xác định số bản án/số bị án mà tòa đã ra quyết định thi hành án, số bản án/số bị án còn lại tòa chưa ra quyết định thi hành án. Trong đó cần chú ý đến những trường hợp bị án bị kết án phạt tù nhưng đang tại ngoại.

Nguồn : RFA, 05/03/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam