‘Tín dụng đen’ – Bẫy nợ trên mạng (RFA, 30/09/2019)
Dễ rước nợ
Mượn nợ thông qua các trang web và các ứng dụng (app) trực tuyến đang trở thành một loại ‘bẫy nợ’ cho nhiều người dân Việt Nam hiện nay.
Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P lending) là hình thức các doanh nghiệp thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối với bên cần vay tiền, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng, giao dịch mà không qua ngân hàng. Screen capture
Theo các quảng cáo được đăng tải, thủ tục mượn nợ diễn ra chưa đến 30 giây. Người dùng không cần chứng minh tài chính mà chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân sau đó tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản.
Không dừng lại ở đó, trong các ứng dụng vay tiền hiện nay, khi đăng ký vay tiền, màn hình sẽ hiện lên yêu cầu cho phép truy cập danh bạ, hình ảnh và vị trí, như vậy có thể giúp tăng tỉ lệ hồ sơ được duyệt lên tới 99%. Vì thế những người đang cần gấp dòng tiền sẽ không ngần ngại đồng ý, nhưng phần đông họ không hề biết rằng khi họ không thanh toán kịp thời hạn, bên cho vay sẽ vào liên lạc với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người có tên trong danh bạ điện thoại người vay tiền để đòi nợ, thậm chí quy chụp người vay tiền là lừa đảo và dọa tung hình ảnh lên mạng xã hội.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định :
"Mỗi một nền tảng công nghệ mới đều đem lại hai mặt. Mặt tích cực là nó đem lại phương thức giao dịch mới, tiêu chuẩn mới giữa người cho vay hay nhà đầu tư và người đi vay tiền mà không cần qua định chế trung gian. Nó giúp tiết kiệm thời gian chi phí, nó đáp ứng nhu cầu của một số người dân và doanh nghiệp nhỏ khi có nhu cầu vay vốn, vay tiền nóng mà không có tài sản thế chấp. Thế nhưng cũng có rủi ro là nếu phát triển nhanh mà không có hành lang pháp lý kịp thời thì có thể xảy ra tranh chấp giữa các bên và rủi ro về công nghệ có thể bị hack, bị đánh sập, làm mất tiền cũng như có thể mất cả công ty. Cuối cùng là nó cũng có thể gây xáo trộn xã hội nếu những rủi ro đó xảy ra".
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính và ngân hàng lại cho rằng :
"Chính công ty cung cấp ứng dụng công nghệ thông tin không những là người chấp nối mà cũng có thể là người cho vay. Và rất nhiều người cho vay đó là biến tướng của tín dụng đen, tức là loại cho vay lãi suất rất cao và lãi suất cắt cổ. Bên cạnh đó cũng là hình thức chiếm đoạt tài sản trá hình, tức là họ cho vay trên danh nghĩa với lãi suất hạ, nhưng cộng tất cả các chi phí thì lãi suất có thể lên đến 400%, 500%, thậm chí 700%, 800%, trên cơ sở 1 năm".
Chúng tôi có liên lạc với một người từng tham gia trong nhóm ‘cho vay nóng’ tại thành phố Hồ Chí Minh và được cho biết thủ tục vay hiện hành :
Chỉ cần ra cột điện thì có hàng chục tờ rơi dán trên cột điện mời chào, chỉ cần gọi số này số kia là trong vòng 15 phút chỉ cần có giấy tờ tùy thân là có thể vay được tiền. Courtesy photo
"Vay 20 đưa chỉ còn 15 triệu thôi, thường thường chỉ cần chứng minh nhân dân, khi nào vay cái gì lớn mới cần thế chấp, tùy theo số tiền mà mình vay, có gì thế đó".
Vẫn theo lời người từng vay tiền này thì nếu tới hạn mà người vay chưa thanh toán hết số nợ thì vật thế chấp sẽ thuộc về người cho vay.
Tìm hiểu thêm những quy định pháp luật đối với việc cho vay nặng lãi, đài RFA có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam và được ông cho biết về tội cho vay nặng lãi theo Bộ luật Dân sự được xác định như sau :
"Mức trần lãi suất cho vay, mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm tiền vay đó. Trường hợp thỏa thuận quá giới hạn cũng không vượt quá 20% khoản tiền được vay, mức vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp bằng lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn đến thời điểm trả nợ".
Khó áp chế các đối tượng cho vay
Thống kê cho thấy có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến huy động vốn lãi suất cao với số tiền chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, để bắt giữ hết những đối tượng này không phải là điều dễ dàng, như lời Luật sư Nguyễn Văn Hậu :
"Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật, trốn tránh sự thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền".
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù chính phủ Việt Nam và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã rất cố gắng, nhưng theo ông có lẽ việc diệt trừ tín dụng đen vào thời điểm này là điều không thể. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra đề xuất để giúp kiểm soát tình hình :
"Việt Nam cần những quy định pháp luật về vấn đề hoạt động của các cơ quan Fintech (công nghệ tài chính), các công ty Fintech vấn đề cho vay ngoài ngân hàng ngoài các tổ chức tài chính theo các hình thức Peer to Peer (cho vay ngang hàng trực tuyến). Đồng thời chính quyền nên tăng cường những bộ phận, đơn vị kinh tế từ trước đến giờ hỗ trợ các vấn đề cho người dân nghèo vay chẳng hạn như quỹ tín dụng nhân dân, quỹ tiết kiện nhân dân rồi tăng cường hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng thì đó là cái chính phủ Việt Nam phải làm ngay và làm một cách mạnh mẽ.
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến Sĩ Cấn Văn Lực bày tỏ hy vọng :
"Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận thấy cái ưu và nhược điểm của công nghệ tài chính (Fintech) nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng, và cũng đã yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý các công ty Fintech cũng như cho vay ngang hàng. Tôi hy vọng thời gian tới chắc là không lâu, chắc là quý 2 năm 2019, hành lang pháp lý để quản lý các công ty Fintech cũng như cho vay ngang hàng sẽ được ban hành".
Hiện tại, theo pháp luật hiện hành, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu hình sự khi hội đủ 2 điều sau đây theo lời Luật sư Nguyễn Văn Hậu :
"Theo điều 210 quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định cho vay nặng lãi như sau : người nào giao dịch dân sự cho vay gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự hoặc thu lợi bất chính 30-100 triệu đồng hoặc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi này hoặc bị kết án tội này mà chưa được xóa án tích thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu số tiền thu lợi bất chính 100 triệu trở lên thì phạt tiền 200 triệu đến 1 tỉ và phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, người phạm tội có thể bị phạt từ 30-100 triệu đồng và sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm những công việc nhất định từ 1-5 năm".
Dù với mức phạt như vậy, nhưng tình trạng ‘tín dụng đen’ vẫn đang lan tràn mạnh mẽ. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng bày tỏ hy vọng pháp luật sẽ sớm có thêm điều khoản chế tài đối với hành vi cho vay nặng lãi, vì ‘cứ một ngày mà chưa có những quy định và những biện pháp chặt chẽ thì ngày đó lại càng nhiều thiệt hại hơn cho người dân và các tổ chức kinh tế’.
****************
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo đề xuất việc thi trên máy tính sẽ được triển khai giai đoạn 2021 – 2025 và trong giai đoạn này Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng cho phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Theo đó, thay vì thi 1 đợt trên giấy như hiện nay thì kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được tổ chức thi thành nhiều đợt trên máy tính ở các trung tâm khảo thí độc lập và lấy kết quả đợt thi cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và các trường đại học, cao đẳng dùng kết quả này để xét tuyển sinh nếu có nhu cầu.
Ảnh minh họa. RFA Edited
Với nhiều vấn đề tiêu cực trong ngành giáo dục xảy ra trong thời gian qua như chạy điểm, sửa điểm, nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La… hay việc mua bằng cấp, lộ đề thi và nhiều sai phạm khác trong ngành giáo dục bị phanh phui, dư luận xã hội đặc vấn đề rằng liệu việc thay đổi này có hạn chế được những vấn đề tiêu cực trong ngành giáo dục không hay lại là một đề xuất để hợp thức hóa việc "tiêu" tiền ngân sách ?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc đổi phương thức thi trên máy tính được xem là khả thi khi học sinh ở tất cả mọi vùng miền đều được cập nhật tin học do đó thi trên máy tính sẽ không khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là sẽ tổ chức kiểm soát thi cử như thế nào cho phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Tùng chủ tịch hội đồng Quản trị trường Đại học FPT trả lời với báo Dân Trí hôm 29/9/2019 khẳng định rằng, giải pháp thi trên máy tính cũng không thể khẳng định được sẽ hạn chế tiêu cực vì mỗi phương án đưa ra sẽ có người nghĩ cách để "lách luật" tìm kiếm kẽ hở trong đó.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự tại trường đại học ở Bỉ, chuyên gia giáo dục Việt Nam và hiện là cố vấn cấp cao Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng nhận định rằng, ông không tin ở máy móc.
"Hiện nay việc tiêu cực tại Việt Nam nó xuất phát từ cái tư duy của những người đặc biệt là giới lãnh đạo. Bởi vì họ chưa học được cái tôn trọng học vấn và cũng chưa có ý thức được việc học đàng hoàng tử tế cho xã hội, không những cho đất nước mà cho chính con cháu, gia đình mình mà họ nghĩ quan trọng là bằng cấp. Điều quan trọng là hiểu biết, kỹ năng để đóng vai trò tích cực trong xã hội. Nếu dùng máy tính để chống thì đâu có gì thay đổi vì tư duy nó như thế rồi thì cho dù dùng máy tính nó cũng thay đổi được gì đâu".
Riêng thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội khẳng định với chúng tôi rằng, cho dù thi bất cứ bằng phương thức nào thì vấn đề tiêu cực tại Việt Nam không thể giảm được, không thể chống và không thể ngăn vì nó đã ăn sâu vào bản chất.
"Đó là bản chất của một xã hội mà quan chức đều gian dối, bằng cấp bỏ tiền ra mua bằng thật nhưng chất lượng giả, nhiều nhà giáo, trường học sẵn sàng bán bằng thật cho những người đó như trường hợp tại trường Đông Đô ở Hà Nội nên bây giờ tìm giải pháp nào để chấm dứt vĩnh viễn, trong sạch tuyệt đối ngành giáo dục thì nó khó lắm, xã hội hiện nay gần như bất lực, phải có sự thay đổi toàn diện, từ bộ máy quan chức cho đến đạo đức mà nếu thay đổi được như thế thì nó là cuộc cách mạng rồi".
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định ;
"Chủ trương của tôi tất cả là do con người hết, nguồn máy có trong sạch hay không cũng là do con người mà thôi chứ không phải do máy. Tôi rất nghi ngờ về quyết định này, vì nếu để máy chấm thi thì nó hoàn toàn sẽ đúng nhưng khi có điểm thì phải nhập điểm thì cũng do con người nhập vô. Chúng ta đều biết là cuộc thi Trung học phổ thông 2018 thì nó sai ở rất nhiều khâu nhưng tôi đánh giá ở khâu nhập điểm, người thư ký ngồi nhập điểm để gửi cho thí sinh hoặc dán thì cái đó rất là quan trọng tại vì nếu họ nhận tiền thì họ chỉ sửa điểm thi là xong. Quan điểm của tôi tất cả cũng do con người làm ra cả, nếu con người đã không trong sạch thì cho dù là cái máy gì đi nữa thì nó cũng không trong sạch".
Hạ tầng kỹ thuật đủ đáp ứng ?
Ảnh minh họa. AFP
Việc tổ chức thi trên máy tính được chia thành nhiều đợt thi khác nhau và dự kiến sẽ phải chuẩn bị một số lượng máy tính khổng lồ để phục vụ các kỳ thi. Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm có khoảng gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, dư luận xã hội quan tâm lo ngại về kỹ thuật, máy móc thiết bị có đủ để đáp ứng số lượng thí sinh khổng lồ mỗi năm hay không.
Nhiều mối lo ngại được đặc ra trong đó có việc, khả năng để lọt đề thi, lộ đề thi ra bên ngoài là chuyện có thể xảy ra bởi trên hệ thống máy tính mọi thao tác liên kết, chia sẻ đều rất dễ dàng.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận định về vấn đề này rằng :
"…Tôi tin tưởng rằng vấn đề kỹ thuật tại Việt Nam nó được giải quyết rất là dễ, hiện nay những lập trình viên họ có thể làm những việc sai khiến máy móc làm những việc rất là hiệu quả thay cho con người, nhưng người lập trình viên cũng chỉ là con người thôi. Một khi có sự can thiệp của con người thì yếu tố con người vẫn là cần thiết, chỉ cần một khâu trong tất cả các khâu không trong sạch thì cũng chết".
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng khẳng định, việc thi cử trên máy tính là xu hướng của thế giới nhưng tại Việt Nam việc thực hiện được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhiều khó khăn nên nếu Bộ cân nhắc chưa thể thực hiện nổi, thì không nên làm.
"…vì hiện nay việc thi bằng lái xe trên máy tính nó cũng có nguồn đề sẵn rồi và kiến thức thì nó có thể công khai được nhưng thi văn hóa mà công khai được tất cả đề lên thì nó lại lộ đề, mà nếu không công khai cũng không được vì thi xong học sinh cũng truyền được nhau toàn bộ đề ra ngoài, nguồn đề ở đâu nên tôi cho rằng rất là khó và chưa thể tiến hành được vì nó rất phức tạp".
Đồng thời, thầy Khoa còn nhấn mạnh rằng cho dù bất luận như thế nào, tinh vi ra sao thì những việc tiêu cực chắc chắn vẫn xảy ra, không những ở việc thi mà ngay cả việc các quan chức cũng tìm cách này hay cách khác để tác động để chạy điểm, sửa điểm, nâng điểm.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ về quan điểm của mình rằng, để hạn chế tiêu cực, điều quan trọng nhất là làm cho tư duy con người và nhất là giới lãnh đạo thay đổi. Thêm nữa, theo Giáo sư Hưng, thì phải làm cho giá trị xã hội trở lại nề nếp, đạo lý của con người trở lại ngự trị chứ không phải vì đồng tiền. Và, ông nhấn mạnh : đây là sự thay đổi rất sâu đậm trong thể chế.
"…Qua thời gian bao nhiêu cố gắng, cải tổ, thay đổi hệ thống thi nhưng cái tiêu cực ngày càng nhiều, càng trầm trọng tại khu vực miền Bắc, miền cao. Tôi thấy vấn đề này thuộc về thể chế, tư duy xã hội, mà thể chế chịu trách nhiệm chính của toàn bộ vấn đề hiện nay. Vấn đề này nếu bộ máy của Bộ GD không thay đổi, không có gì đổi mới thì ngay cả các câu hỏi qua máy tính hay trực tiếp trên bảng thì nó cũng thay đổi nhiều đâu".
*****************
Việt Nam có thể trở thành nơi tiêu hủy rác của thế giới ? (RFA, 30/09/2019)
Vào những ngày cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu đề xuất về giải pháp xuất trả phế liệu nhựa nhập khẩu theo hướng như các nước Malaysia, Philippines đã áp dụng.
Rác phế liệu điện tử nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo
Việt Nam nhận xử lý rác hộ
Đề xuất này yêu cầu các hãng tàu trong vòng 30 ngày phải chở rác phế liệu ra khỏi Việt Nam, nếu không số rác nhập sẽ được tiêu hủy tại Việt Nam.
Đề xuất này đang được dư luận lo ngại Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi tiêu hủy rác của thế giới ?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường nhận định với RFA hôm 30/9/2019 :
"Tôi không nhất trí tiếp nhận ở Việt Nam, rồi nếu không chở về thì ta tiêu hủy. Việt Nam tiêu hủy thì có nghĩa Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp nhận rác trên thế giới và làm nhiệm vụ tiêu hủy thay, cũng sẽ rất tốn kém. Chưa kể tiêu hủy rác đó sẽ ảnh hưởng môi trường chung của Việt Nam. Vì vậy tôi cho rằng, đề xuất đó mang tính tiêu cực, là nói nhẹ. Còn nói thẳng ra là chúng ta không thể áp dụng giải pháp này".
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, kiêm Tổng Thư ký phụ trách văn phòng phía nam của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 30/9/2019 cho rằng, giải pháp tiêu hủy là giải pháp tình thế nhằm giải phóng rác thải phế liệu tồn đọng tại cảng :
"Vừa rồi, số containers rác nhập về không đủ điều kiện, không có chủ nhận, tồn đọng rất nhiều ở các cảng. Vì vậy Bộ TNMT đưa ra giải pháp để giải quyết tồn đọng ấy, một trong các giải pháp là đấu thầu làm nguyên liệu sản xuất, còn không làm được thì tiêu hủy… để giải phóng cảng".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nếu tiêu hủy thì phải giao cơ sở đủ biện pháp bảo vệ môi trường, chứ không tiêu hủy bừa bãi được. Muốn không ô nhiễm môi trường thì phải có tiền, để thuê những đơn vị có điều kiện tiêu hủy. Chứ không thể tiêu hủy bằng cách đốt bừa bãi được.
Ngoài ra, về phương án thời hạn 30 ngày xử lý các lô hàng tồn đọng cũng gây nhiều tranh cãi. Theo quy định, đối với lô hàng phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hải quan có văn bản thông báo yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong 30 ngày.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, không đồng tình với thời hạn này :
"Tôi không nhất trí, tiền lưu kho 30 ngày ai sẽ trả, nhà nước Việt Nam trả hay doanh nghiệp trả hay thế nào ? 30 ngày đó thì tiền lưu kho lưu bãi cũng không phải là nhỏ".
Tuy nhiên Tiến sĩ Trịnh Thị Long, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Môi trường và sinh thái, hôm 30/9, nói với RFA rằng, thời hạn 30 ngày đối với Việt Nam là hợp lý vì vướng mắc nhiều vấn đề về thủ tục :
Hướng giải quyết đem rác trả về nơi xuất xứ thì hiện nay chỉ là ý tưởng, chứ Việt Nam chưa quyết định hướng giải pháp đó - Ảnh minh họa Photo : RFA
"Với tất cả những thủ tục, giấy tờ của Việt Nam thì phải kéo dài đến một tháng mới giải quyết được, các nước khác thì họ làm nhanh. Còn nước mình thì thủ tục giấy tờ xác định người nhập, người chủ containers đấy… nhiều vấn đề về thủ tục. Nên không thể nhanh giống các nước được. Một tuần tống nó ra khỏi nước mình thì quá tốt rồi, nhưng mà mình- nghĩa Việt Nam không làm được như thế. Nên phải để một tháng, dĩ nhiên để một tháng thì sẽ ứ đọng, chiếm chỗ của hàng hóa khác, nhưng không còn cách nào khác".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thì không tỏ vẻ lo lắng lắm, ông cho biết hướng giải quyết đem rác trả về nơi xuất xứ thì hiện nay chỉ là ý tưởng, chứ Việt Nam chưa quyết định hướng giải pháp đó, mà chỉ xem xét khả năng đó có khả thi hay không. Ông nói tiếp :
"Như tôi biết, vừa rồi 1 số quốc gia trả rác về cũng rất căng thẳng, thậm chí đe dọa cắt quan hệ ngoại giao mới trả được. Còn ở Việt Nam còn bị khai không rõ từ đâu nhập về, không rõ chủ nhập hàng… chính vì vậy, việc trả về nơi xuất xứ cũng khó".
Chính quyền Malaysia vào tháng 5 năm 2019 đã tuyên bố trả hơn 3.000 tấn phế liệu nhựa không tái chế cho các nước phát triển. Chính phủ nước này cho rằng, các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi, và nêu đích danh ít nhất 14 quốc gia, trong đó có Bangladesh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc, Anh...
Cũng trong tháng 5/2019, Philippines đã thuê một công ty vận tải tư nhân để gửi 69 container rác trở lại Canada và để chúng trong vùng lãnh hải của nước này nếu chính quyền sở tại từ chối chấp nhận.
Mới nhất là vào ngày 18/9/2019, Hải quan Indonesia thông báo cho biết đang lên kế hoạch gửi trả lại các containers chứa rác bị nhiễm chất thải độc hại về Úc.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cho biết thêm :
"Nhiều nước đã có chở rác quay lại nơi xuất phát, Việt Nam cũng cần yêu cầu mạnh mẽ hơn, giải pháp cương quyết hơn, tích cực hơn, như vậy mới loại bỏ được hoàn toàn tình trạng rác thải chở từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, quan hệ giữa hai nước không chỉ có thương mại, bên cạnh thương mại còn nhiều quan hệ khác nữa, nên có thể dùng các quan hệ khác để ép các nước đó chở rác quay lại. Theo GS Võ, ở đây là nói chung, còn từng nước thì tùy mức độ quan hệ có thể đưa ra các điều kiện khác nhau.
Ngoài ra theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, phải xử phạt rất nặng các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng nhập khẩu rác, yêu cầu các doanh nghiệp này cũng phải bỏ tiền ra để đóng góp vào việc chở rác quay trở lại nơi xuất phát.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, đến hết tháng 6 năm 2019, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 503 container phế liệu, trong đó có 289 containers phế liệu nhựa, 106 containers phế liệu giấy, 98 containers phế liệu sắt thép…
Tính đến cuối tháng 7 năm 2019, phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trên toàn lãnh thổ Việt Nam là 11.500 containers, trong đó lượng phế liệu tồn đọng trên 90 ngày khoảng 7.250 containers.
*********************
Hơn 50.000 gia đình miền Tây sẽ thiếu nước mùa hạn mặn, nguy cơ bị đói (Người Việt, 28/09/2019)
Việc lũ đến muộn, thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự báo vấn nạn xâm nhập mặn ở miền Tây sẽ đến sớm và nặng hơn nhiều năm. Khi đó, khoảng 50.000 gia đình bị thiếu nước và có nguy cơ thiếu đói.
Dự báo Bến Tre sẽ là tỉnh chịu nhiều khô hạn.(Hình : Đại Đoàn Kết)
Chiều 27/09/2019, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về "Công tác Phòng chống sạt lở, hạn mặn mùa khô".
Báo VnExpress dẫn thông tin từ ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết do bùn cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, khai thác cát ngày càng gia tăng, cùng tình trạng biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện đồng bằng có tổng cộng trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800 cây số. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 hécta đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 gia đình ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
"Trong 10 năm qua, các tỉnh đã được giúp kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng (689,6 triệu USD) xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, trồng trên 4.300 hécta rừng ngập mặn và sẽ tiếp tục trồng thêm hơn 3.000 hécta. Dự kiến thời gian tới trung ương tiếp tục cung cấp thêm nguồn vốn hỗ trợ khoảng gần 4.500 tỷ đồng (193,9 triệu USD). Tuy nhiên, hiệu quả chống thiên tai vẫn chưa khả quan", ông Cường cho biết.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay mùa mưa lưu vực sông Mekong đến muộn, lượng mưa đạt trị số thấp. Dự báo "lượng mưa sắp tới ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, tổng lượng dòng chảy về đồng bằng thời gian tới sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm".
Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay xuất hiện vào đầu tháng Mười, ở mức trên báo động một khoảng 0.2 mét, sau đó sẽ giảm nhanh. Do đó dự báo nạn hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô sẽ đến sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.
"Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hécta lúa vụ Đông Xuân. Khoảng 50.000 gia đình bị thiếu nước, trong đó Long An, Tiền Giang, Bến Tre là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất", ông Cường cảnh báo.
Ông Cường cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị giảm diện tích lúa Đông Xuân từ 1,6 triệu hécta xuống còn 1,5 triệu hécta, gieo sạ sớm ngay từ tháng Mười, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt, nạo vét, khơi thông dòng chảy. Các tỉnh miền Tây chủ động trữ nước ngọt, hỗ trợ thiết bị chứa nước cho người dân.
Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài Chính "có phương án mua dự trữ 200.000 tấn gạo ngay từ đầu tháng Ba năm 2020 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ổn định giá và có gạo dự phòng cứu đói cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ nói chung chung : "Chính phủ, thủ tướng chính phủ quá sốt ruột về tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông và hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay những giải pháp xử lý dứt điểm hậu quả từ hiện tượng này".
Báo Tài Nguyên Môi Trường dẫn cảnh báo từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết "nguồn nước mùa khô 2019-2020 có nguy cơ nhiễm mặn, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra sớm hơn so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày và so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng (tùy vùng)".
Tin cho biết hồi năm 2016, đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 hécta đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng (237 triệu USD) làm hàng ngàn gia đình lao đao. (Tr.N)
******************
Hàng tấn cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh (RFA, 28/09/2019)
Truyền thông trong nước hôm 28/9 cho biết khoảng 2 tấn cá trích và cá nóc chết chưa rõ nguyên nhân trôi dạt vào khoảng 4 km bờ biển Hà Tĩnh.
Cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh Courtesy of Zing.vn
Đây là địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề của vụ công ty Gang thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc ra biển hồi năm 2016 làm hàng trăm tấn cá chết dạt lên bờ.
Theo báo Zing, vào khoảng 23h30 ngày 27/9, người dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, phát hiện cá chết bất thường, bị sóng đánh dạt vào bờ biển. Thống kê của chính quyền sau đó cho thấy có khoảng 2 tấn cá các loại chết dạt vào bờ. Người dân đã thu gom và chôn lấp theo quy định.
Zing trích lời ông Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết : "UBND huyện đã báo cáo sở, ngành chuyên môn của tỉnh. Chiều cùng ngày, đoàn công tác về lấy mẫu để xác định nguyên nhân. Số lượng cá chét cũng được thu gom, đưa về chôn lấp đúng quy định".