Mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, ít nhất 60 người chết (VOA, 13/10/2017)
Đến cuối ngày 13/10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trung ương thống kê 60 người chết và 36 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, giữa lúc chính quyền Hà Nội cho rằng việc vỡ đê là có kế hoạch.
Cư dân vượt lũ tại tỉnh Sơn La, ngày 12/10/2017.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời văn phòng này cho biết có 60 người chết trong cơn bão số 11, trong đó tỉnh Hòa Bình có 22 người chết, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, và Bắc Cạn 1 người.
36 người mất tích thuộc các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An, và Hà Nam.
Hãng tin Reuters nói chỉ riêng tại tỉnh Hòa Bình có 19 người trong 4 gia đình bị chôn vùi do lỡ đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc rạng sáng ngày 12/10.
Trang Accuweather nói bão Khanun, Việt Nam gọi là bão số 11, với gió mạnh và mưa to đang hướng vào khu vực các tỉnh phía Bắc của Việt Nam từ ngày 15/10 đến ngày 17/10.
Báo Zing.vn nói thiệt hại về người trong đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần so với cơn bão vào tháng 9 khi ấy có 4 người tử vong cũng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Vào chiều 13/10, báo Tiền Phong cho biết tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ vừa qua của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội phát biểu rằng, việc đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ vỡ là "vỡ trong kế hoạch".
Đêm 11/10, rạng sáng ngày 12/10, một đoạn đê Hữu Bùi đã tràn gần 10 km.
Truyền thông trong nước trích lời ông Thịnh nói : "Đây là vùng chúng ta chủ động đã đưa nước vào bờ lũ sông Bùi để đảm bảo an toàn đê Tả Bùi. Nhìn vào thì dân tưởng là vỡ nhưng thực tế là tràn đê".
ông Thịnh cho biết thêm : "Người dân nhìn vào đó nói vỡ, có thể nói vỡ nhưng là vỡ trong kế hoạch, chứ không phải chúng ta bất ngờ trong việc ứng phó".
Không rõ việc vỡ đê có là nguyên nhân làm số người chết trong cơn bão này gia tăng hay không.
Ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc họp tại thành phố Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn để chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, và bảo vệ an toàn đê điều.
*****************
Việt Nam tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người (BBC, 13/10/2047)
Tính đến ngày 12/10 có 54 người chết vì mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, trong đó Thanh Hóa là nhiều nhất (17 người), trong khi mưa to có sấm chớp tại TPHCM cũng gây kẹt xe nghiêm trọng hôm 13/10.
Đưa thực phẩm cứu trợ đến nơi bị ngập lụt
Chính quyền đã và đang nỗ lực hộ đê và cấp cứu, gồm cả việc có kế hoạch dùng mìn phá phần đất lở ở Hòa Bình để tìm người bị mất tích.
Cũng có tin một số chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn bị hủy vì thời tiết.
Thiệt hại về người
Theo số liệu của Ban chỉ đạo trung ương Việt Nam về phòng chống thiên tai, tính đến cuối hôm thứ Năm, thiệt hại về người do trận mưa lũ vừa qua ở Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Bắc là :
Quân đội hộ đê ở Ninh Bình
Người chết : 54 người (Sơn La : 6 người, Yên Bái : 6 người, Hòa Bình : 17 người, Thanh Hóa : 14 người, Nghệ An : 9 người, Hà Nội 2 người).
Người mất tích : 39 người (Sơn La : 2 người, Yên Bái : 16 người, Hòa Bình : 15 người, Thanh Hóa : 5 người, Quảng Trị : 1 người).
Người bị thương : 31 người (Sơn La : 3 người, Yên Bái : 7 người, Thái Bình : 6 người, Hòa Bình : 9 người, Thanh Hóa : 5 người, Hà Tĩnh : 1 người).
Lụt ở Ninh Bình
Theo trang Dân Trí hôm 13/10 đưa tin đã tìm được thi thể nạn nhân thứ 10 trong 18 người bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Công tác này được chính quyền địa phương tiến hành từ 2 giờ sáng hôm 12/10, đến 10 giờ đêm thì tạm dừng vì trời tối, các phương tiện đào bới khó hoạt động, theo tờ báo.
Theo Thanh Niên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương xác định những ngày qua trên một số sông đã có lũ lớn, và xảy ra trên 60 sự cố trên các tuyến đê.
Trung tâm cảnh báo trong 12 giờ tới, sạt lở đất có thể xảy ra tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình và ngập lụt tiếp tục diễn ra ở Nình Bình.
************************
Lũ lụt làm 54 người chết và 39 người mất tích tại Việt Nam (RFI, 13/10/2017)
Số nạn nhân của mưa lũ và đất lở tại miền bắc và miền trung Việt Nam cho tới ngày 12/10/2017 đã lên đến 54 người thiệt mạng và 39 người mất tích.
Cảnh lũ lụt do bão. Ảnh vùng lân cận Hà Nội, ngày 13/10/2017. Reuters/Kham
Tỉnh Hòa Bình bị thiệt mạng nhân mạng nhiều nhất do những trận mưa lớn liên tục kể từ đầu tuần, với 17 người chết và 15 người mất tích ; tiếp đó là tỉnh Thanh Hóa với 14 người thiệt mạng. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại hai tỉnh này, còn tại tỉnh Ninh Bình, 200.000 người đã được lệnh sơ tán. Trong số các nạn nhân ở tỉnh Yên Bái, có một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bị nước lũ cuốn mất lúc đang chụp ảnh trên một chiếc cầu. Tại Nghệ An, hàng ngàn công an được điều đến canh giữ đê vì sợ đê vỡ.
Hàng ngàn quân nhân được huy động để tìm kiếm và hỗ trợ cho các nạn nhân, sau các vụ đất lở có liên quan đến mưa lũ. Hàng ngàn căn nhà bị phá hủy, 30.000 căn bị chìm dưới làn nước, nhiều đoạn đường bị ngập nước không thể di chuyển được. Tổng cộng 22.000 hecta ruộng lúa bị hư hai, 180.000 con trâu bò bị chết hoặc bị nước cuốn.
Hàng năm Việt Nam đều phải chịu đựng hơn một chục trận bão. Theo số liệu chính thức, từ đầu năm đến nay đã có gần 170 người chết và mất tích do thiên tai.
Vào giữa tháng Chín, một trong những trận bão lớn nhất trong những năm gần đây là Doksuri (Việt Nam gọi là bão số 10) đã tàn phá miền trung Việt Nam, làm 11 người chết.
Các cơn bão chủ yếu đến từ tháng Năm đến tháng Mười, vào mùa mưa, và duyên hải miền trung thường gánh chịu nhiều nhất. Năm ngoái, có 248 người Việt thiệt mạng vì thiên tai.
Thụy My
******************
Thanh Hóa : Bí thư phường 'thay quần áo ba lần' (BBC, 12/10/2017)
Câu chuyện bức ảnh hai nữ cán bộ địa phương ở Thanh Hóa đứng trên bè được kéo đi để 'thăm dân bị mưa lũ' đã gây ra nhiều phản ứng trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhưng nay có lời giải thích họ chỉ muốn nhanh chóng đi thăm dân.
Lũ lụt ở Việt Nam - hình chỉ có tính chất minh họa
Bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Đảng phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hóa nói với phóng viên một tờ báo Việt Nam hôm 11/10/2017 rằng sau một cuộc họp sáng ở phường, "khi nghe người dân báo cáo bị ngập nên mọi người không kịp về nhà thay quần áo mà mặc luôn váy đi thị sát tình hình".
Nhân vật trong bức ảnh được bình luận nhiều cũng giải thích :
"...Đi vào vùng nước ngập đến ngang bụng ở đường Thành Thái, một anh cán bộ trong phường thấy chúng tôi mặc váy lại đi vào vùng nước sâu nên bảo đứng lên bè để kéo đi cho tiện".
Mưa lụt tại Ninh Bình
"Chúng tôi cũng chỉ đứng lên đi một đoạn rồi cùng xuống lội bộ. Từ sáng đến giờ tôi thay ba bộ quần áo rồi. Không kịp về nhà, tôi phải đi mượn hàng xóm để mặc".
Truyền thông Việt Nam cho hay chỉ riêng tại Thanh Hóa, ngay phường Đông Thọ có 500 hộ dân cư bị ngập nước ở bốn khu phố và nước sông Hạc vẫn đang dâng lên.
Tới sáng 12/10, con số người chết đã lên đến 37 người, số người bị thương là 21 và 40 người vẫn mất tích.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn, mưa lớn tập trung chủ yếu ở nam Sơn La, bắc Nghệ An, trọng tâm vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, với lượng mưa 50-100mm.