Vừa qua tại Khu di tích lịch sử Tràng An tại tỉnh Ninh Bình, một công trình xây dựng hình thành ngay tại vùng lõi và cơ quan chức năng nói không biết gì.
Cây cầu dài hơn 1000 mét xây dựng lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu du sản Tràng An, Ninh Bình. Courtesy : Hình chụp từ màn hình video của zing.vn
Hoạt động này bị cho là vi phạm luật khu di sản của Việt Nam cũng như của UNESCO vì tổ chức này công nhận Khu di tích lịch sử Tràng An là di sản thế giới vào ngày 23 tháng 6 năm 2014.
Liệu có biện pháp gì đối với công trình vi phạm đó ?
Trước hết, trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế định nghĩa về di sản thế giới như sau:
"Những di tích thuộc về di sản cấp quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là di sản quốc tế được UNESCO công nhận, về nguyên tắc phải giữ nguyên trạng khi nó được công nhận là di tích".
Trong buổi trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định rằng việc Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Huyền Vũ thuộc khu di tích lịch sử Tràng An với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản.
Theo đó, trong Luật di sản Văn hóa do Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương ký vào ngày 12 tháng 7 năm 2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2002, khoản 3 điều 13 có ghi rõ nghiêm cấm xây dựng trái phép trong phạm vi thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng vi phạm của Công ty Du lịch Tràng An là điều rất rõ ràng:
"Trong Luật di sản có quy định rõ những di tích quốc gia đặc biệt thì tất cả các công trình trong lõi di tích khu vực 1 lúc làm không được xâm phạm, và khi làm bất cứ điều gì đều phải xin phép, luận chứng kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về mặt văn hóa, vấn đề môi trường và rất nhiều các vấn đề khác".
Dưới sự chỉ đạo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Trường Yên đã gửi tổng cộng 5 văn bản đến Công ty Du lịch Tràng An đề nghị ngưng thi công, thu dọn nguyên liệu và trả lại nguyên trạng di tích Tràng An. Tuy nhiên đơn vị thi công đã phớt lờ, tiếp tục thực hiện công trình và đưa vào sử dụng.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, công trình này đã được chính quyền địa phương làm ngơ :
"Tất cả những cái này đều có văn bản đình chỉ, nhưng tất cả chỉ là hình thức, và có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Không thì một công trình sờ sờ như thế làm từ năm 2017 đến giờ mới phát hiện ra. Theo tôi nghĩ không phải làm lén lút".
Ngoài ra, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kết luận thanh tra, ý kiến, nhưng việc này thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh trong vấn đề ra quyết định thanh tra:
"Phải ra lệnh và thi hành cưỡng chế chứ không thể để người ta kéo dài xong cản như vậy. Đứng về phương diện xã hội mất vào đấy rất nhiều tiền, phí nguồn lực xã hội.
Nếu được ngăn cản ngay từ đầu thì nguồn lực không bị tiêu tán".
Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 33 Luật di sản Văn hóa có ghi rằng: Bộ Văn hóa - Thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Nói rõ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình:
"Quản lý về mặt chính quyền cũng như cơ quan văn hóa có trách nhiệm rất lớn trong việc này, không thể đổ thừa chỉ có một công ty xây dựng. Việc quản lý nhà nước của Việt Nam sai phạm rất lớn".
Theo Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Lương Hồng Quang, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng. Đồng thời đưa ra một góc nhìn khác:
"Ở đây, có sự thỏa hiệp để ngầm ẩn bên trong chia sẻ lợi ích hay không thì phải đặt vấn đề như vậy".
Hiện tại, công trình đường lên núi Cái Hạ được yêu cầu tháo dỡ khẩn cấp dưới sự giám sát, thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh và thanh tra của Sở Văn hóa Du lịch, quản lý nhà nước vì theo Luật Luật di sản Văn hóa có quy định rõ bên nào làm ra thì bên đó phải chịu trách nhiệm dỡ bỏ. Đồng thời đơn vị thi công phải di dời tất cả các thứ và trả lại gần như nguyên vẹn hiện trạng cũ.
Tuy vậy để khu di tích Tràng An trở lại trạng thái ban đầu một cách hoàn toàn là điều không thể. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, cây cối đã bị chặt, phần đá bị phạt đi để làm cự cho cầu đều không thể phục hồi. Ông nói thêm:
"Theo tôi nghĩ sau khi dỡ xong phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chứ không phải dỡ xong rồi bỏ đấy được".
Nói với truyền thông trong nước, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết Tràng An là di sản được UNESCO công nhận, nên về mặt quản lý còn phải chịu sự điều tiết của công ước quốc tế. Nếu không xử lý triệt để, khả năng UNESCO có ý kiến và xem xét lại danh hiệu đã công nhận với Tràng An là khó tránh khỏi.
Nhận định trên được bà Bích Liên đưa ra hoàn toàn có căn cứ vì trước đây, Ủy ban Di sản thế giới đã quyết định bỏ tên thung lũng Dresden Elbe của Đức khỏi danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2008. Lý do được đưa ra vì một tòa án Đức cho phép xây dựng cây cầu bốn làn xe nằm ngay trung tâm của Thung lũng Dresden Elbe. Việc này có khả năng dẫn đến việc xóa bỏ cảnh quan văn hoá của Dresden.
Liên hệ vấn đề này với tình trạng của khu di tích Tràng An hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu Tràng An sẽ bị UNESCO thu hồi danh hiệu như thung lũng Dresden Elbe của Đức?
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu giải thích rằng việc này tùy thuộc mức độ vi phạm về diện tích bao nhiêu, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, sinh thái thế nào... Sau khi có thẩm định thì UNESCO sẽ đưa ra các hình thức đối với Việt Nam. Trong đó, bà đưa ra trường hợp tệ nhất:
"Mức độ trầm trọng hoặc khuyến cáo nhiều lần không được phía quản lý nhà nước Việt Nam coi trọng và nguy hại nhiều đến cảnh quan thì có thể bị tước danh hiệu di sản văn hóa của Thế giới".
Trên thực tế, tiếng nói của UNESCO đối với chính quyền Việt Nam sẽ có giá trị giúp đẩy nhanh tiến độ ngăn chặn những công trình ảnh hưởng đến các di tích lịch sử hay du lịch sinh thái. Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nêu ra những ví dụ trong trường hợp này:
"UNESCO đã đề nghị chính thức với chính phủ dừng lại dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng, hay không cho thực hiện cáp treo ở động Sơn Doong . Đó là những tín hiệu rất đáng mừng".
Những du khách đã từng tham quan Tràng An trước khi công trình đường lên núi Huyền Vũ được khởi công đều bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp sẽ phối hợp cùng nhau để trả lại một di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam một cách sớm nhất và hoàn thiện nhất.
********************
Chính phủ Việt Nam và Samsung đe dọa những nhà hoạt động và công nhân (RFA, 20/03/2018)
Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc hôm 20/3 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về điều kiện làm việc của công nhân nữ ở các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, và việc các nhà hoạt động về quyền của người lao động bị xách nhiễu vì điều tra tình trạng làm việc ở Samsung.
Hình minh họa. Một công nhân đang sửa một tấm biển quảng cáo ở một cửa hàng điện tử Samsung ở trung tâm Hà Nội hôm 20/7/2000. AFP
Hồi tháng 11 năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khỏe (IPEN) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) công bố báo cáo cho biết các nữ công nhân Việt Nam làm việc cho những nhà máy của Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe vì điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Samsung Điện Tử Việt Nam sau đó đã đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc được đưa ra trong báo cáo.
Tuy nhiên, theo thông báo mới của UN, giới chức Việt Nam đang tiến hành điều tra về báo cáo này.
Các chuyên gia của UN cho biết họ rất quan ngại khi biết rằng một số những người tham gia nghiên cứu cho báo cáo đã bị giới chức chính quyền triệu tập. Cụ thể là bà Phạm Thị Minh Hằng, người đứng đầu báo cáo, đã bị yêu cầu phải đến gặp giới chức chính quyền vào hôm 19/3 sau khi trở về từ một cuộc họp về các biện pháp bảo vệ tránh hóa chất độc tại Stockholm, Thụy Điển.
Các chuyên gia của UN yêu cầu Samsung phải làm rõ những cáo buộc cho biết các công nhân của công ty này bị đe dọa sẽ bị kiện nếu nói chuyện với người ngoài về tình trạng làm việc của họ, sau khi báo cáo hồi năm ngoái được công bố.
Tuyên bố của UN cũng khẳng định việc đe dọa những nhà hoạt động về quyền của người lao động và của công nhân không chỉ vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến mà còn đóng góp vào việc giúp cho những người vi phạm quyền của người lao động không bị trừng phạt. Những vi phạm như vậy làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của chính phủ và các công ty liên quan đến các vấn đề nhân quyền theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền.
******************
Bạo lực sắc tộc tại Việt Nam trong tình hình giới hạn tự do tôn giáo (RFA, 20/03/2018)
Bốn gia đình người sắc tộc Hmong tại Việt Nam bị tấn công vì không chịu từ bỏ niềm tin Thiên Chúa Giáo của họ.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 20/12/2015 cho thấy những người thiểu số Hmong đang bán những con chó con tại một chợ phiên vào Chủ nhật ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. AFP
Tổ chức Nhân Dân Và Các Quốc Gia Không Có Được Đại Diện- UNPO vào ngày 19 tháng 3 loan tin vừa nêu dẫn nguồn từ World Watch Monitor. Theo đó vụ tấn công xảy ra vào ngày 1 tháng 3 khiến 4 người phải nhập viện để điều trị các vết thương trên đầu và tay do bị tấn công.
Bốn gia đình người Hmong có tổng cộng 24 thành viên được cho biết vừa cải đạo sang Thiên Chúa Giáo.
Bản tin của UNPO cho biết có những báo cáo nói rõ chính quyền địa phương Việt Nam nơi những tín đồ Thiên Chúa Giáo Hmong cư ngụ thường yêu cầu họ phải bỏ đạo; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê của họ.
Ước tính có chừng 400 ngàn người trong tổng số 1 triệu người sắc tộc thiểu số Hmong tại Việt Nam là tín đồ Thiên Chúa Giáo, hoặc theo các giáo phái Tin Lành hoặc Công Giáo La Mã.
Tổ chức có tên Open Doors trong Danh Sách Theo Dõi năm 2018 xếp Việt Nam vào hạng 18 những quốc gia nơi mà tín hữu Thiên Chúa Giáo phải đối diện với tình trạng bách hại nhất trên thế giới.
**************************
Vẫn có thể lách quy định ghi âm, ghi hình hỏi cung ? (VOA, 20/03/2018)
Bốn cơ quan nhà nước Việt Nam mới đây ban hành thông tư quy định việc ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung, thẩm vấn. Một luật sư bình luận với VOA rằng đây là một bước tiến tích cực, song không loại trừ vẫn xảy ra việc "lách luật".
Công an áp giải ông Truyễn, người lãnh án ba năm rưỡi tù giam năm 2007 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện "ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh" trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/3 năm nay cũng chứa đựng các quy định về sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình.
Theo thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện việc này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình. Việc ghi âm hoặc ghi hình phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hìnhthì không được tiến hành hỏi cung, thông tư nêu rõ.
Kết quả ghi âm hoặc ghi hình được sử dụng để phục vụ truy tố và làm cơ sở "xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai", theo báo chí Việt Nam, dẫn lại quy định trong thông tư.
Vẫn theo thông tư, điểm đặc biệt nữa là kết quả ghi âm, ghi hình còn có thể được sử dụng "để kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai ; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra".
Luật sư Trần Thu Nam đưa ra ý kiến với VOA về các quy định mới này :
"Tôi nghĩ rằng nó sẽ giảm thiểu vấn đề bức cung, mớm cung, nhục hình. Nó giảm thiểu được vấn đề về cắt xén lời khai rồi là các thủ thuật khác. Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực đảm bảo cho quá trình điều tra được khách quan hơn".
Tuy thông tư liên tịch đã có hiệu lực nhưng nó cũng quy định rằng chậm nhất đến ngày 1/1/2020, việc ghi âm hoặc ghi hình trong điều tra, truy tố, xét xử mới được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Luật sư Nguyễn Thành Công thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh nói với báo Tuổi Trẻ rằng điều này đồng nghĩa là trong vòng gần 2 năm, từ nay đến hết năm 2019, nếu luật sư phát hiện điều tra viên không ghi âm, ghi hình khi động hỏi cung thì không thể kiến nghị đó là sai phạm. Ông đề nghị việc ghi âm, ghi hình hỏi cung "cần được áp dụng sớm hơn".
Trong khi đó, luật sư Trần Thu Nam lưu ý rằng dù quy định mới là một tiến bộ song những người thực hiện hỏi cung vẫn có thể "lách luật" :
"Tôi có thể lấy ví dụ một số trường hợp đã xảy ra là họ đánh trước, họ dằn mặt trước, họ ép trước khi ghi âm, ghi hình, ép cung, rồi dọa nạt, chẳng hạn như thế. Sau đó họ hướng dẫn người đó khai như thế nào. Sau đó họ ghi lời khai và ghi âm lại. Những tình huống như vậy sẽ bất lợi cho bị can".
Trên báo Tuổi Trẻ, một giảng viên Học viện Tư pháp không muốn nêu tên cũng tỏ ý hoài nghi. Người này được báo trích dẫn nói rằng "Khi bị can chịu sự quản lý của anh, anh muốn hỏi cung lúc nào cũng được. Việc hỏi cung được tiến hành 20 lần nhưng anh chỉ ghi âm, ghi hình có 10 lần. Việc này không ai có thể kiểm soát được".
Vị giảng viên nói thêm việc kiểm soát càng khó khi "cơ quan có trách nhiệm điều tra được quyền quản lý hết các tư liệu ghi âm, ghi hình".
Thông tư liên tịch vừa có hiệu lực được xem là bước cụ thể hóa điều khoản trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều khoản đó có mục đích chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự.
Báo chí Việt Nam hồi tháng 3/2015 nói trong vòng 3 năm kể từ thời điểm đó về trước, đã có 226 người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ vì "bệnh lý và tự sát". Kể từ đó đến nay, không có thông tin thêm về số người chết trong các nhà tạm giam, tam giữ ở Việt Nam.