Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam đứng đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp

RFA, 26/03/2021

Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp năm 2020. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn đánh giá của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và đưa tin ngày 26/3.

thunhap1

Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp năm 2020. Screenshot wipo.int

Bảng xếp hạng của WIPO đánh giá các quốc gia trên 80 chỉ số đổi mới như nghiên cứu và phát triển, đầu tư mạo hiểm và sản xuất công nghệ cao.

Theo đó, WIPO phân tích các nước đổi mới nhất trong từng nhóm thu nhập của Ngân hàng Thế giới (WB), dựa trên dữ liệu từ Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) của WIPO ; từ đó, đưa ra thứ tự trong bảng xếp hạng năm 2020.

Việt Nam được nói đứng vị trí thứ hai về xuất khẩu ròng công nghệ cao và có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, làm cho cán cân thương mại chuyển biến mạnh mẽ.

Cụ thể, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Hà Nội tăng từ 22,9% trong năm 2016 lên 50% năm 2020.

Việt Nam dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 vẫn thu hút được nhiều cam kết đầu tư mới cũng như bổ sung nguồn vốn lớn của các tập đoàn công nghệ thế giới trong những tháng đầu năm 2021.

Cuối tháng 1 vừa qua, tập đoàn Intel của Hoa Kỳ đã có khoản đầu tư công nghệ cao lớn nhất vào Việt Nam khi điều chỉnh bổ sung, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn lên tới hơn 1,5 tỷ USD tại đất nước hình chữ S.

********************

Ngành điện than Việt Nam trước áp lực của chống biến đổi khí hậu

Thanh Phương, RFI, 15/03/2021

Trong chiều hướng thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều tập đoàn quốc tế đang phải rút ra khỏi các dự án nhà máy điện than, bị xem là gây nhiều ô nhiễm và làm gia tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính. Ngành điện than Việt Nam cũng đang gặp tình trạng như vậy.

thunhap2

Một nhà máy điện than ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 18/07/2019. Dưới áp lực của các cổ đông muốn đẩy mạnh việc chống biến đổi khí hậu, một số tập đoàn đã rút khỏi hoặc ngưng tài trợ các dự án điện than.  Reuters - Shivani Singh

Để sản xuất đủ điện nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Nhưng theo hãng tin Reuters và báo Nikkei Asia ngày 26/02, tập đoàn Nhật Mitsubishi đã quyết định rút ra khỏi dự án nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, ở tỉnh Bình Thuận, một dự án có tổng đầu tư khoảng 2 tỷ đôla, dự kiến ​​đi vào hot động năm 2024. Theo báo chí Vit Nam, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã xác nhận thông tin nói trên. Cũng theo lãnh đạo cơ quan này, cơ cấu cổ phần Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 có 29% là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là cổ phần của OneEnergy, liên doanh giữa Mitsubishi với Tập đoàn CLP của Hồng Kông.

Áp lực của các cổ đông

Quyết định của Mitsubishi cho thấy là các công ty năng lượng và các công ty tài chính quốc tế, trong đó có các công ty của Nhật Bản, nay không còn ủng hộ mạnh mẽ các dự án điện than, dưới áp lực của các cổ đông và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Một ví dụ mới nhất : Theo hãng tin AFP ngày 11/03/2021, dưới áp lực của các cổ đông, tập đoàn ngân hàng Anh Quốc HSBC, trong đại hội cổ đông lần tới ngày 28/05, sẽ đề nghị ngừng tài trợ cho ngành công nghiệp than từ đây đến năm 2040.

Riêng Mitsubishi đã cam kết giảm đầu tư vào điện than để theo đúng các mục tiêu của quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Theo Nikkei Asia, đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi một dự án điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than nào mới sau dự án Vũng Áng 2 mà tập đoàn này có tham gia. Thay vào đó, Mitsubishi có kế hoạch góp phần phát triển các dự án năng lượng ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/03/2021, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định về quyết định của Mitshubishi :

"Theo thiết kế thì nhà máy này có công suất lên tới 2.000 MW, một đơn vị phát điện chiếm một phần khá lớn trong tổng công suất điện than của Việt Nam hiện nay. Mitsubishi rút ra khỏi dự án này. Ngoài ra còn có thông tin là những ngân hàng như Standard Chatered đang rút lại tiền tài trợ cho dự án thứ hai là Vũng Áng 2 với công suất 1.200 MW, nhưng Mitsubishi và chính phủ Nhật nói là họ vẫn ở lại dự án này.

Tại sao họ rút khỏi Vĩnh Tân 3 ? Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đó là những tập đoàn lớn và họ đã cam kết góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu, mà điện than thì phát ra khí CO2 rất nhiều. Nhiều công ty khác của các nước lớn cũng đi theo hướng ấy. Thành ra chuyện đó mình cũng đã lường trước".

Áp lực trong nước

Không chỉ bị áp lực bên ngoài, ngành điện than Việt Nam còn bị áp lực của dư luận trong nước, một phần là do các nhà máy điện than có thể gây ô nhiễm không khí, theo lời giáo sư Phạm Duy Hiển :

" Ở Việt Nam nói chung thì công chúng phản đối các nhà máy điện than, một phần vì nó làm tăng lượng khí CO2 gây biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác nó có thể gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay đã khá là nặng, nhất là ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có nhiều nhà máy điện than chạy suốt ngày đêm. Không khí ở những nơi như Hà Nội có thể bị ảnh hưởng, khiến cho dân chúng không chấp nhận điện than.

Nhưng tôi có hỏi những người bạn ở EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thì họ nói là các nhà máy điện than mới có quy trình công nghệ tương đối tốt. Thứ hai là họ luôn luôn có các sensor (bộ cảm biến) đặt ở những nơi phát thải. Những sensor đó truyền luôn các tín hiệu về Sở Tài nguyên và môi trường ở địa phương. Do đó, không có nhiều nguy cơ các nhà máy này thải ra nhiều khí, bụi".

Nhưng sức ép của dư luận trong nước ngày càng tăng. Theo tờ Lao Động ngày 04/03/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vào ngày 02/03 đã gửi đến Bộ Công Thương thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia. Các tổ chức này kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó phải có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Thư kiến nghị nhấn mạnh : "Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nó làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia".

Nhưng trước mắt, cũng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, chắc là EVN sẽ tìm những đối tác mới để làm nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, bởi vì những nhà máy đó rất lớn, không thể dừng lại được. Thật ra thì bản thân Việt Nam cũng đang đi theo hướng từ bỏ dần dần điện than để gia tăng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo :

"Theo quy hoạch điện mới, gọi Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026-2030. Còn trong giai đoạn từ 2020-2026 thì vẫn phải xây theo như kế hoạch, tổng cộng công suất của 15 dự án là 18.000 MW. 

Thêm vào đó, mình cũng không có đủ than, do đó, theo báo cáo chính thức của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập 12 triệu tấn than để sản xuất điện. Con số này đến năm 2025 sẽ tăng lên thành 30 triệu và đến năm 2030 sẽ tăng lên thành 50 triệu.

Cho nên, trước mắt, các dự án nhà máy điện than vẫn tăng về công suất so với các nguồn điện khác. Ví dụ như năm 2020, nhiệt điện than chiếm 44% tổng sản lượng điện, nhưng đến năm 2030, dù có tăng về tuyệt đối, nhưng tỷ lệ sẽ giảm xuống còn 40%. Vì sao ? Là bởi vì chúng ta đang có phương án dùng dầu và khí. Dầu và khí hiện chỉ chiếm 17% tổng công suất trong năm 2020, nhưng tới năm 2030 sẽ tăng lên 21%.

Một điểm đáng mừng thứ hai, giúp cho ta giải quyết vấn đề, đó là năng lượng tái tạo. Khả năng phát điện của các nhà máy điện dùng sức gió và mặt trời hiện nay chỉ có 5%, nhưng đến năm 2030 sẽ tăng lên 15%. Trước đây ít ai ngờ là năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời, lại chiếm phần đáng kể như thế, nhưng nhờ các chính sách của nhà nước, mà thực chất là chính sách trợ giá, cho nên các nhà đầu tư nhảy vào xây dựng rất là nhiều. Với một hệ thống điện tương đối mạnh ở Việt Nam mà năng lượng tái tạo hiện nay đã chiếm 5% và sẽ tăng lên thành 15% trong năm 2030, thì đó là một tỷ lệ rất lớn.

Như vậy là trong cơ cấu điện của Việt Nam thì các nhà hoạch định chính sách cũng đã thấy rõ và cũng có cách để làm sao mà, mặc dù điện than vẫn tăng, nhưng tỷ lệ của nó giảm đi, trong đó đặc biệt phải nói là việc nhập khí hóa lỏng hiện nay đang rất là mạnh. Tỷ lệ về khí nói chung, trong đó khí hóa lỏng là chính, hiện nay là 17%, sẽ tăng lên thành 21%, một khối lượng rất đáng kễ.

Nhưng có một vấn đề, đó là việc tiếp tục thực hiện các dự án điện than sẽ gây khó khăn cho việc tuân thủ các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra về chống biến đổi khí hậu, theo lời giáo Phạm Duy Hiển :

" Trước đây chính phủ Việt Nam cam kết mạnh về việc này là bởi vì 5 năm về trước, Việt Nam có chương trình phát triển điện hạt nhân. Mà phát triển điện hạt nhân với quy mô như hồi đó thì rõ ràng là Việt Nam có thể giải quyết cam kết của mình về khí phát thải CO2 là rất tốt. Nhưng chương trình điện hạt nhân nay đã bị hủy, cho nên Việt Nam đứng trước khó khăn : thực hiện cam kết đó như thế nào ?"

Tiết kiệm năng lượng

Thật ra thì trong chiến lược phát triển điện năng, có một hướng khác mà Việt Nam có thể làm, đó là tiết kiệm năng lượng. Giáo sư Phạm Duy Hiển nhắc lại điều mà ông vẫn nhấn mạnh từ lâu nay, đó là hiệu quả tiêu thụ điện năng của Việt Nam vẫn còn rất kém so với nhiều nước :"Việc họ rút ra khỏi các dự án ấy (nhiệt điện than) cũng sẽ gây khó khăn, nhưng sẽ không đến mức mà mình không làm gì được. Tuy vậy, việc nhập khẩu than quá nhiều thì rất là không tốt. Nếu phát triển đất nước mà cứ dựa vào tài nguyên thiên nhiên của mình thì không ổn.

Giải pháp lâu dài nhất để giải quyết những vấn đề điện năng nói chung, mà trong đó có điện than, vẫn là quy hoạch lại nền kinh tế theo hướng không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nội địa. Thứ hai, còn rất dư địa để điều chỉnh, để thực hiện kế hoạch phát triển điện năng.

Thực chất chúng ta tiêu thụ điện hiện nay vẫn còn rất dễ dãi. Không có bất cứ nước nào mà vẫn giữ hệ số đàn hồi bằng 2. Hệ số đàn hồi là tỷ số giữa tăng trưởng điện năng trên tăng trưởng kinh tế GDP. Hệ số này ở đa số các nước là thấp hơn 1, ở Việt Nam thì cứ gần bằng 2. Trong những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019, tăng trưởng điện năng có giảm bớt, những vẫn ở mức gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2019 trở về trước, tăng trưởng điện năng là 10%, trong khi tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ là 5 hoặc 6%".

Trong chiều hướng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng để góp phần đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Việt Nam vừa nhận được sự hỗ trợ tài chính của của quốc tế. Theo thông báo của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ngày 08/03/2021, định chế tài chính quốc tế này, thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), vừa ký hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu đôla với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. 

Theo lời bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, "thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc : đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp".

Thanh Phương 

*****************

Bài toán xe máy cũ dân nghèo phải dùng và nạn phát thải

RFA, 15/03/2021

Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Việt Nam là nơi có khoảng 50 triệu xe máy.

thunhap3

Bài toán xe gắn máy và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP

Trong năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh số bán hàng đã giảm 17% nhưng vẫn đạt khoảng 2,71 triệu chiếc.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Nikkei Asia ngày 15/3, xe máy, phương tiện phổ biến nhất ở Việt Nam, bị cho là mối đe dọa carbon thực sự của Việt Nam. Đặc biệt là những chiếc xe hai bánh cũ thải ra nhiều khí CO2 gây trở ngại cho quá trình khử carbon.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen thường xuyên nâng cấp xe lên các mẫu xe mới ; ngoài ra đối với tầng lớp nghèo việc đổi một chiếc xe mới không dễ dàng gì.

Không chỉ vậy, thị trường dành cho các loại xe điện thân thiện với môi trường tham gia vào hệ thống giao thông còn khiêm tốn.

Về phía Nhà nước, để giảm lượng khí thải từ xe máy, chính phủ trung ương cũng như chính quyền tại các địa phương đưa ra những đề xuất như cấm xe máy vào trung tâm thành phố, thu phí kiểm định khí thải trên xe máy, thu hồi xe máy cũ có lượng xả thải cao. Hiệp hội Xe máy Việt Nam cũng khuyến nghị họ sẽ thu lại xe máy cũ, phụ tiền đổi xe mới…

Theo số liệu được báo nhà nước Việt Nam đăng tải ngày 9/6/2020, Việt Nam hiện có khoảng hơn 50 triệu ô tô và xe máy chưa đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, trong tổng số 53,5 triệu của cả hai loại phương tiện giao thông đang lưu hành.

Trao đổi với RFA tối 15/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề rất khó vì ở Việt Nam hiện nay số lượng người nghèo, người có thu nhập thấp sống dựa vào xe máy rất nhiều, do đó việc chuẩn bị cho mình một xe đạt tiêu chuẩn môi trường là cực kỳ khó.

GS. Đặng Hùng Võ giải thích thêm vì sao những phương án đưa ra vẫn chưa đem lại hiệu quả tích cực :

"Tất cả các thứ tôi có cảm giác hơi khó đi vào cuộc sống. Hiện nay ngay Hà Nội nhiều ngõ rất nhỏ chỉ xe máy đi vào được lại bảo người ta không dùng xe máy ở Hà Nội cũng đã vài lần đưa ra câu chuyện này nhưng cũng không xong bởi vì không dùng xe máy nữa thì với quy hoạch ô tô, phương tiện giao thông công cộng nhiều nơi không vào được. Chính vì vậy gây khó cho những người ở trong những ngõ rất nhỏ đó.

Sự phát triển ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác ở kích cỡ nhỏ hơn cũng chưa đặt được tính đồng bộ để có thể tạo điều kiện hạ tầng để hiện đại hóa được. Chính vì vậy nó đưa ra cái đúng là ai cũng thấy rất cần phải thay đổi nhưng không đủ điều kiện để thay đổi".

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Trịnh Thị Long, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Môi trường & Sinh thái cho rằng cần có quy trình để xem xét việc xả thải từ xe máy, đặc biệt là đối với xe máy cũ bởi vì :

"Vì cũ rồi nên phát thải nhiều, phát thải nhiều gây ô nhiễm môi trường nên bây giờ mình phải kiểm soát lại. Đầu tiên phải kiểm tra xem những xe nào cũ quá thời hạn rồi phải xử lý phát thải là đúng, giống xe ô tô vậy thôi".

Vẫn theo Tiến sĩ Trịnh Thị Long, sau khi có được danh sách những loại xe quá hạn, xả thải nhiều hơn mức cho phép ra môi trường, lúc đó mới có thể đưa ra biện pháp thuyết phục hơn, đặc biệt đối với biện pháp thu hồi xe cũ :

"Thật ra thu hồi thì cực chẳng đã mới phải thu hồi nên mình có thể làm từ từ. Những xe nào quá cũ, không thể nào chấp nhận được, ở ngưỡng bao nhiêu thì mới thu hồi. Thay vì thu hồi thì hỗ trợ người ta một khoản tiền nào đó để người ta có thể bù vào mua xe khác thì làm được. Còn thu hồi triệt để để người ta bó chân bó tay chắc là khó".

Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15/3 cũng đã bắt đầu đợt kiểm tra, xử lý người sử dụng xe cơ giới cũ nát, xe tự chế, xe cà tàng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao trật tự xã hội.

Trong đó, nội dung xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn, kèn, thắng hoặc có nhưng không có tác dụng cũng sẽ được kiểm tra trong đợt này.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, chỉ trong buổi sáng 15/3, cảnh sát giao thông các cấp đã xử lý khoảng 200 trường hợp vi phạm.

Tờ Nikkei nhận định rằng trong hai nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay, các nhà máy phát thải khí nhà kính hai bánh này đang là một vấn đề cấp bách hơn các nhà máy đốt than.

GS. Đặng Hùng Võ cho RFA biết ông hoàn toàn đồng ý với nhận định vừa nêu và cho rằng đối với nguyên nhân thứ nhất, để giải quyết vấn đề xe máy gây phát thải, ông cảm thấy bế tắc đối với những phương án đưa ra từ trước đến nay :

"Bản thân tôi cũng thấy quá nan giải. Ngân sách Việt Nam hiện cũng rất khó khăn, còn ở những nước có nguồn dự trữ ngân sách thì có thể đưa ra một loạt giải pháp như hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, quy hoạch lại và đồng thời quản lý, kiếm soát việc phát triển đô thị, không còn những ngõ quá nhỏ nữa… nó phải là một khối lượng khá lớn, thế nhưng liệu Việt Nam ngân sách hiện nay tôi tin rằng không đủ thực thi chuyện này".

Published in Việt Nam

Phải thoát bẫy thu nhập trung bình trong mười năm tới và xa hơn thế nữa là nội dung buổi hội thảo chủ đề Mô Hình Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040.

thunhhap1

Công nhân trong một công ty may mặc ở Hà Nội. AFP

Đó là buổi hội thảo hôm 20 vừa qua, phối hợp giữa Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới củng với Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng chính phủ.

Phát biểu của thủ tướng Vương Đình Huệ và của các chuyên gia tham dự được báo chí trong nước cho là hiến kế giúp Việt Nam trở thanh nước thu nhập trung bình cao.

Nói một cách khác, tiến tới thu nhập trung bình cao là mô hình tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình hiện tại. Theo lời phó thủ tướng Vương Đình Huệ, xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu mong muốn còn quan trọng hơn nhiều.

Số liệu chính thức cho thấy năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam sấp sỉ 1.000 USD, được coi là mức thu nhập trung bình. Ngay lúc đó giới quan sát kinh tế đã cảnh báo Việt Nam sẽ bị rơi vào một cái bẫy gọi là bẫy thu nhập trung bình bởi nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác sức lao động rẻ và đơn giản.

Đến đầu 2019, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư nhắc lại cảnh báo vừa này, nói rằng Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình vì chi phí lao động thấp, sản xuất có giá trị thấp và công nghệ thấp.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, từng làm trong ngành phát triển và cải cách hành chính ở Afghanistan, Iraq và Việt Nam, cho biết dựa theo tỷ lệ của Ngân Hàng Thế Giới thì :

Trong thu nhập trung bình có 2 hay 3 cấp, từ 1.000 tới 2000 là thu nhập trung bình thấp, từ 2000 tới 3.000, 4.000, 5.000 hay 6.000 là trung cấp, trên 10.000 đô la thì mới là mức thu nhập trung bình cao.

Bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) là các nước mà thu nhập trung bình không qua được 2.00, 3.000 hay 4.000 nghĩa là không ra khỏi được mức thu nhập trung bình thấp. Từ mức trung bình thấp tới mức trung bình cao hơn nữa là khó, rất nhiều nước trên thế giới đi vào mức trung bình thấp mà không qua được, cứ nằm ở cái độ 2.000, 3.000, 4.000 đô la/ đầu người/một năm. Đó gọi là cái bẫy thu nhập trung bình.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định về mức thu nhập trung bình hiện tại của Việt Nam :

Chúng ta đã đạt cái mức trung bình trong một thời gian khá dài rồi, năm nay là sấp sĩ 2.500, nhưng để đạt được mức 12.000 đô la một đầu người lại là một quá trình rất dài và khó khăn.

Thu nhập bình quân 12.000 USD một đầu người một năm được xem là mức thu nhập của một quốc gia đã trở thành giàu có. Theo thủ tướng Vương Đình Huệ, cách để thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành một đất nước có thu nhập trung bình cao hơn thì một là tiệm tiến và hai là đột phá, nhảy vọt, đi tắt đón đầu. Đi con đường này như thế nào là câu hỏi được ông Vương Đình Huệ nêu ra. 

Trong khi đó, ông Vũ Viết Ngoạn, tổ trưởng Tổ Tư Vấn Kinh Tế của thủ tướng chính phủ, góp ý rằng giai đoạn 2021 đến 2030 vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định cho vấn đề Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.

Một chuyên gia kinh tế tài chính khác, tiến sĩ Ngô Trí Long, phân tích :

Thực trạng thu nhập trung bình của Việt Nam theo số liệu cuối 2018 là 2.584 USD bình quân một đầu người thì vẫn là mức thu nhập trung bình thấp. Ngay trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam thì đến 2030 sẽ là 3.500 nhưng mà đạt đến mục tiêu ấy rất là khó. Bình quân hàng năm của tốc độ tăng thu nhập trên đầu người vào khoảng từ 100 đến 150, năm nào cao nhất là 150. Thế thì đây là kỳ vọng, là ước vọng của lãnh đạo Việt Nam cũng như người dân Việt Nam.

Ước vọng đó còn rất nhiều những gian nan, những trắc trở, tiến sĩ Ngô Trí Long nói tiếp, nếu không cẩn thận thì Việt Nam không những rơi vào mà còn quanh quẩn mãi trong bẫy thu nhập trung bình thấp :

Là vì trong khi Việt Nam tiến một bước thì người ta đã tiến mấy bước, bây giờ cuộc tọa đàm hội thảo diễn ra như vậy thì mục tiếu là làm sao để Việt Nam cất cánh, có nghĩa là nâng thu nhập trung bình đầu người bằng thu nhập bình quân của thế giới trong những năm tới, có thể là mười mấy nghìn đô.

Đối với giám đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, cuộc hành trình để Việt Nam đi trên con đường có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu, những thành tựu mà Việt Nam đạt được hơn 30 năm qua không chắc bảo đảm thành công trong tương lai.

Chính vì thế, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi, cần đổi mới mô hình tăng trưởng để trở thành đất nước có thu nhập cao hơn vào năm 2030 cũng như tiếp sau đó. Ông khuyên Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa căn bản vào tăng năng suất..

Đó là bản tin trên báo mạng Dân Trí tiếng Anh hôm 22 vừa qua, dẫn lời các chuyên gia tại hội nghị về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra một ngày trước đó, cho thấy Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện năng suất lao động trong 10 năm qua và vẫn đang đứng thứ 3 từ dưới lên trong khối ASEAN.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), cho biết năng suất lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN khác, chưa kể đến Singapore hay Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vẫn theo ông Nguyễn Đức Thành, thiếu nguồn đầu tư, môi trường làm việc trong lúc sử dụng công nghệ thấp khiến Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước thu nhập thấp ở ASEAN và châu Á.

Từng làm việc trong lãnh vực cải cách hành chính ở Việt Nam, tiến sĩ Đinh Xuân Quân cho rằng Việt Nam có thể thoát được mà cũng có thể không thoát được bẫy thu nhập trung bình :

Hiện Việt Nam làm gì, xuất khẩu cái gì, sản xuất cái gì ? Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, gạo, cà phê vân vân… Đó là những gì mình đã có rồi nhưng chưa có chế tạo cái gì mới hết. Thí dụ làm điện thoại Samsung thì Việt Nam chỉ ráp thôi chứ có chế cái gì mới đâu. Muốn qua được cái bẫy thu nhập trung bình thì mình phải đủ sức tham gia vào chế biến chứ không phải chỉ đi làm công cho người ta thôi.

Hiện giờ kinh tế Việt Nam chỉ một là khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình, hai là đi làm mướn cho người khác, do đó chưa có cái kỹ nghệ công nghiệp gì đặc biệt cho Việt Nam cả.

Nếu có thể so sánh thì thoát bẫy thu nhập trung bình đầu người không chỉ là chuyện khó đối với Việt Nam mà thôi, tiến sĩ Đinh Xuân Quân nêu thí dụ :

Ai cũng tưởng Malaysia đã thoát khỏi mức trung bình được mà rốt cuộc vẫn chưa ra khỏi. Các nước Đông Nam Á ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thì chỉ có Singapore thôi. Singapore tự chế, dùng trí tuệ nhiều hơn là tay chân, do đó họ thoát ra được. Nhưng các nước như là Indonesia, GDP của họ cao hơn Việt Nam, họ chừng 3000, 4.000 thôi nhưng mà họ nằm đó nhiều năm rồi, đó là cái bẫy mà các kinh tế gia gọi là cái bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam và các nước này hiện giờ chưa có nước nào trên 10.000 đô la/ đầu người/ một năm trừ Singapore. Á Châu thì có Đài Loan và Nam Hàn thôi.

Vẫn theo lời ông, muốn vào nguồn có thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải có sự đóng góp của điều gọi là lao động có trí óc, có trí tuệ :

Ở đây thì Việt Nam còn ít về vấn đề trí thức, nghĩa là trí thức công nghiệp còn thấp. Việt Nam vẫn tới được mức thu nhập trung bình thấp hai ba ngàn, nhưng muốn từ 3.000 mà nhay lên 10.000, 11.000, 15.000 thì cần nhiều thay đổi. Trong thay đổi có vấn đề thay đổi tổ chức, về vấn đề doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được sản xuất vẫn được vay tiền một cách dễ dàng trong lúc doanh nghiệp tư nhân có đầu óc có trí tuệ muốn vay muốn mượn thì rất khó.

Tại cuối buổi hội thảo Mô Hình Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 mà chủ đề là mức thu nhập trung bình cao hơn, giám đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Nguyễn Xuân Thắng cũng đồng ý thể chế là yếu tố then chốt để vận hành mô hình kinh tế mới, bao gồm bà trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường. Ông nói các cơ quan chức năng sẽ phải tiếp thu và tận dụng ý kiến đóng góp của giới khoa học cũng như các nhà kinh tế nhằm hoàn thiện và định hướng thực hiện cho tương lai của kinh tế Việt Nam.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 22/03/2019

Published in Diễn đàn