Tuần trước, ông Lâm Thiếu Quân, một quan chức, đồng thời là một trí thức của nhà nước, đang phục vụ cho hệ thống chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, trong một cuộc họp với Sở giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đã đề xuất dự án thu phí đầu vào trung tâm thành phố. Đề xuất này nhanh chóng gây dư chấn trong nhân dân. Bởi hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều vấn đề trục trặc, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến mật độ dân cư, an ninh trật tự, tình trạng ngập lụt và mất vệ sinh vào mùa mưa, tình trạng kẹt xe… Giờ lại thêm một đề xuất thu phí vào trung tâm thành phố, chắc chắn ý tưởng này sẽ có vấn đề để bàn.
Hồ Con Rùa, một biểu tượng của Sài Gòn trước 30/4/1975 còn sót lại - TTVN
Ông Luật, một cán bộ hưu trí ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ : "Cái đó trái với lương tâm, trái với chính sách. Bởi vì từ thành phố qua thành phố mà phải đóng thuế, qua trạm thì quá bất cập. Đây không phải từ một nước này qua một nước khác mà phải đóng. Cái này thì nên xin dân người ta ủng hộ chứ không nên đặt trạm, qui định như vậy. Các trạm BOT đã bỏ rồi thì các ông lại quen thói, lại dựng nó lên để tiếp tục khai thác…".
Câu hỏi mà ông Luật đặt ra xuyên suốt cuộc nói chuyện là lẽ nào ngân sách thành phố đã có vấn đề, bị thiếu hụt nên phải tìm cách thu chỗ này, buộc chỗ nọ để vá víu ? Bởi theo chỗ quan sát suốt quá trình công tác của ông Luật thì hiếm có thành phố nào trên cả nước lại có ngân sách lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh. Bởi các nguồn thu từ thuế doanh nghiệp, Sài Gòn đứng đầu cả nước, các nguồn thu từ cho thuê đất công, nguồn thu từ viện trợ và rất nhiều nguồn thu chiết khấu từ VAT cũng như giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, khai thác tài nguyên… Nhìn chung là rất cao.
Thế nhưng hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh lại cần một khoản tiền mà theo ông Luật là bất hợp lý từ việc đánh phí vào những ai muốn đến trung tâm thành phố nghe ra có vẻ không ổn chút nào. Vì thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố công thương nghiệp lớn nhất trên cả nước, vấn đề di chuyển trong thành phố này càng thông thoáng, càng tự do bao nhiêu thì sức thương mại càng mạnh bấy nhiêu.
Và chặn đầu vào để đánh thuế thông qua tấm vé thu phí là một lựa chọn sai lầm nếu không muốn nói là hồ đồ. Bởi đề xuất này vô hình trung trở thành một trở ngại cho những ai muốn vào thành phố buôn bán, đầu tư. Nhất là lĩnh vực thương nghiệp, một lĩnh vực mà nhu cầu đi lại, giao thương mạnh hơn mọi lĩnh vực, đặc biệt trong phân khúc buôn bán nhỏ lẻ, người ta phải đi ra, đi vào thành phố thường xuyên, nếu như phải liên tục đóng phí mỗi khi ra vào thì người ta buộc phải suy nghĩ lại có nên tiếp tục buôn bán ở thành phố hay chọn một tỉnh khác để làm ăn.
Nhưng đây chỉ mới là một vấn đề nhỏ. Còn hàng loạt vấn đề về du lịch, người nghèo vào thành phố, người lao động thường xuyên vào ra thành phố… Tất cả sẽ gặp trở ngại khi nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu phí vào trung tâm thành phố. Và giả sử có thêm một trạm thu phí vào thành phố thì trạm này sẽ gọi là trạm gì ? Gọi BOT cũng không đúng vì nó sẽ được xây dựng trên tiền thuế của dân, ngay cả thành phố hình thành, hiện hữu và phát triển cũng dựa trên tiền thuế của dân, bây giờ dân phải đóng thêm một lần thuế để đi vào lần thuế thứ nhất hay sao ? !
Một cư dân thành phố Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ : "Việc dựng trạm thu phí đi vào thành phố thì tôi thấy không hợp lý. Di chuyển là hành động tự nhiên của con người, vào Sài Gòn hay ra Hà Nội là một nhu cầu tự nhiên, không có lý do gì để áp đặt người ta phải đóng thuế. Điều này cho thấy người dân đã bị súc ruột trong lúc nhà cầm quyền đang bước chân vào một nửa của sự thất bại, sụp đổ trong kinh tế…".
Theo vị này, thành phố Sài Gòn, mà bây giờ gọi là thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên xấu xí, xa lạ với cư dân Sài Gòn gốc bởi có qúa nhiều thứ xa lạ ghé đến. Nạn trộm cướp gia tăng đột biến ở thành phố này, nạn kẹt xe, nhà cửa trở nên lộn xộn, các con sông bị lấn chiếm, một số con kênh biến mất, rồi thêm chuyện một hệ thống qui định nghe có vẻ trái khoáy, không hợp lòng dân đã áp đặt lên thành phố này khiến cho nó càng trở nên xấu xí, xa lạ.
Vị này muốn nhấn mạnh đến vấn đề chính sách, một chính sách tử tế rất cần thiết cho thành phố Hồ Chí Minh, bởi chỉ có một chính sách tử tế mới có thể cứu nổi thành phố này thoát khỏi những cái tệ, cái xấu không đáng có. Giải thích về cái gọi là chính sách tử tế, vị này nói rất đơn giản, đó là một chính sách giáo dục tử tế, một chính sách y tế tử tế và một chính sách an sinh xã hội tử tế. Chỉ cần ba chính sách này tử tế sẽ kéo theo các chính sách khác tử tế.
Bởi thành phố này trở nhên chộn rộn và chụp giật là do thiếu chính sách giáo dục, chính sách y tế và chính sách an sinh xã hội tử tế. Người ta sẽ không còn bình tĩnh để suy nghĩ đến điều tử tế một khi sáng ra mở mắt, bước xuồng đường là có hàng trăm khoản phí đang réo gọi, từ tiền nộp học cho con cái đến tiền bảo hiểm y tế, tiền viện phí nếu bệnh tật, tiền điện, tiền nước, tiền gởi xe, tiền chợ búa… Mọi khoản phí quấn lấy con người và người ta loay hoay trong các khoản phí này.
Bên cạnh đó, các khoản phí mà dân sài Gòn vẫn gọi là phí trời đánh khi ra đường hay kinh doanh, ví dụ như ra đường thì gặp công an giao thông xin bánh mì đểu, mở khách sạn, nhà hàng thì bị công an khu vực thăm đểu để nhận phong bì. Mà một khi văn hóa phong bì thấm nhuần trên thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chắn một điều là người ta chạy đua để có cái mà phong bì và để lấy lại cái đã mất bởi phong bì. Giờ lại thêm một khoản phí vào trung tâm thành phố nữa thì nghe ra có vẻ quá mệt mỏi, nặng nề khi làm cư dân thành phố Hồ Chí Minh.
Vị này chia sẻ thêm : "Và những người làm những cái hành động dựng trạm thu phí này không vì cái chung. Còn rất nhiều cái khác để thay đổi cơ sở hạ tầng, thay đổi, ổn định giao thông một cách hiệu quả mà không phải tốn kém nhiều như họ đã nói. Trong lúc nền kinh tế đang lụn bại, lẽ ra phải tạo cơ hội cho người dân làm ăn, sinh sống thì họ lại bắt chẹt thêm nhân dân, làm cho nhân dân thêm gánh nặng… Điều này cho thấy thời đại hiện tại còn kinh khủng hơn của Tắt Đèn của Ngô Tất Tố nữa !".
Vị này tha thiết kêu gọi các trí thức nhà nước hãy nên nghĩ tới những điều tử tế, hãy nghĩ đến quyền lợi và nỗi khổ của người dân nhiều hơn là nghĩ đến cơ hội thăng tiến hoặc cơ hội được lòng cấp trên. Bởi hơn bao giờ hết, nhân dân đã quá khổ và cần một chính sách tử tế thực sự của nhà nước !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
***************
Mới đây, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi công văn đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị cho thu thêm 1 đô la Mỹ mỗi khách qua đêm . Mục đích được nói để tạo quỹ phát triển du lịch riêng cho thành phố.
Du khách đến Sài Gòn… không biết đi đâu
Bà Anna, một du khách người Nga từng du lịch nhiều nước Á - Âu cho biết, bà sẽ không đến Thành phố Hồ Chí Minh nếu khoản thu này thực sự được áp dụng. Theo bà thì khoản thu gây nên cảm giác thành phố không có lòng hiếu khách.
Anna : Không, không. Tôi không thích bởi vì đây không phải vấn đề về tiền bạc. Đây là vấn đề về thiện chí của bạn đối với du khách. Nếu chỉ vì tôi đến đây mà tôi bị tính phí thì nó đồng nghĩa với việc thành phố này không muốn sự có mặt của tôi nữa. Biểu hiện không có tính hiếu khách.
Dù đã du lịch qua khoảng 30- 40 quốc gia, Aiden đến từ Úc cho biết anh hoàn toàn chưa từng thấy khoản phí như vậy và cho biết nhiều người sẽ thấy khoản phí này không hợp lý.
Aiden : Tôi đã đến rất nhiều quốc gia rồi và không nhớ chính xác, khoảng 30-40 quốc gia gì đó. Nhưng chưa từng có một quốc gia nào tính loại phí đó cả. Hoàn toàn không có.
Tôi nghĩ còn tùy vô mỗi quốc gia và thành phố nếu họ muốn kiếm thêm tiền. Nếu thành phố muốn thì dĩ nhiên họ nên làm. Sẽ có rất nhiều người sẽ không muốn trả khoản tiền này, nên sẽ có rắc rối trong việc bắt mọi người chi ra khoản 1 USD đó.
Trong khi đó, những ý kiến khác mà phóng viên chúng tôi có dịp ghi nhận đều xoay quanh vẫn đề nguồn quỹ thu được từ loại phí đề xuất trên liệu có được sử dụng đúng mục đích hay không.
Ông Tom Lancaster đến từ Úc bày tỏ quan điểm cho rằng, thu phí như thế sẽ không công bằng đối với những người chọn nơi đây làm địa điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu số tiền được dùng đúng mục đích thì cũng có thể chấp nhận được.
Tom Lancaster : Tôi đến Thái Lan 2 lần và một số quốc gia khác trên thế giới và không có nơi nào tính phí tôi vì tôi ở lại đó qua đêm tại thành phố cả, những nơi khác cũng vậy.
Nhưng tôi nghĩ nếu họ bỏ tiền vào việc phát triển du lịch, đó là ý tốt. Miễn là không bỏ vào túi chính phủ để chi cho việc khác là được.
Thomas, một du khách Pháp có hơn hai tuần trải nghiệm tại Việt Nam sau chuyến đi Đông Nam Á kéo dài vài tháng, cũng nhận định rằng chi phí này sẽ không thành vấn đề nếu như chúng thật sự được dành cho việc phát triển du lịch.
Thomas : Ấn tượng đầu tiên của tôi là số tiền này không quá lớn. Chỉ là một số tiền nhỏ thôi. Theo tôi thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc người ta sẽ sử dụng chúng vào việc gì.
Nếu như việc tính phí này được sử dụng cho những mục đích tốt và quan trọng với người dân tại đây thì tại sao lại không thu. Tuy nhiên thì nếu tôi ở 7 ngày và phải trả 7 USD... tôi cũng không rõ nữa. Tức là vấn đề nằm ở chỗ họ sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì. Tôi thấy thế.
Mặc dù không phản đối, Thomas chia sẻ đây là lần đầu tiên anh nghe về loại phí này. Tại Pháp nơi anh sống, thuế du lịch sẽ được nộp vào ngân sách chung chứ không mang tính cục bộ cho từng địa phương.
Thomas : Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến việc đề xuất ra loại phí này. Thành phố muốn đánh thuế người du lịch… Tại vì ở Pháp những hoạt động du lịch sẽ bị đánh thuế nhưng nó sẽ được nộp vào ngân sách chung của Pháp. Tôi chưa bao giờ nghe việc sẽ đánh thuế riêng cho việc du lịch đặc biệt là tại một thành phố riêng như vậy.
Thomas có trải nghiệm tương đối tốt về độ thuận tiện khi du lịch tại thành phố trên phương diện giao thông. Anh cho biết việc di chuyển từ sân bay đến trung tâm thành phố bằng xe bus 109 khá rẻ và thuận tiện, do có nhân viên hướng dẫn bằng tiếng anh.
Tuy nhiên giao thông công cộng cũng là mảng mà theo anh, thành phố nên đầu tư vào nếu khoản phí thực sự được thu và chi cho sự phát triển du lịch của thành phố.
Thomas : ...sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì để phát triển du lịch tại đây ? Giao thông công cộng. Với tôi, đây là chìa khoá cho một thành phố hạnh phúc. Thành phố duy nhất mà bạn có thể vui vẻ hạnh phúc là thành phố mà bạn có thể đi bộ được, hoặc là đi phương tiên công cộng được.
Tôi thấy tiếng ồn từ xe cộ, tiếng bóp kèn, v.v… rất là phiền. Do đó, thành phố nên đầu tư vào một hệ thống giao thông công cộng yên tĩnh, chẳng hạn như tàu điện, xe lửa, xe bus điện là tốt nhất để đi khắp thành phố. Đây cũng là điều mà thành phố cần phải cung cấp.
Du lịch lâu nay thường được mệnh danh là ‘ngành công nghiệp không khói’. Nhiều người thừa nhận Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này khi có được những cảnh quan thiên nhiên mà hiếm nơi nào có được.
Tuy nhiên cách thức khai thác đến nay vẫn thiếu hiệu quả do nhiều chính sách bị chỉ ra là bất cập. Trong khi những tồn tại chưa được giải quyết, thì cơ quan chức năng như Sở Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh lại đưa ra đề xuất vấp phải phản ứng như biện pháp thu thêm mỗi du khách chừng 1 đô la Mỹ khi ở lại qua đêm tại thành phố này.
Nhóm phóng viên
******************
Nhiều cuộc đình công với qui mô từ hàng trăm đến hàng ngàn công nhân ở Việt Nam trong hai tháng vừa qua với mục đích đòi quyền lợi thoả đáng cho người làm việc được báo chí trong nước loan tin khá chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và kết quả.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đình công đòi quyền lợi ngày 31/8/2017 - Courtesy of thanhnien.vn
Chỉ trong hai tháng 9 và 10 đã xảy ra bốn cuộc đình công của công nhân, trong đó có ba vụ diễn ra ở miền Trung và một vụ ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Đó là công nhân của Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá ; công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn dệt may U World Sports Việt Nam đóng tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam ; công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành đóng tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Mei Sheng Textiles Việt Nam tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tường thuật của báo chí trong nước cho thấy những vụ đình công này có những điểm khá tương đồng, về mục đích, hình thức diễn ra sự việc và kết quả. Hàng trăm ngàn công nhân của các nhà máy, xí nghiệp thực hiện việc đình công với mục đích đòi hỏi quyền lợi mà theo họ là chính đáng và đã có thoả thuận giữa ban giám đốc và người làm việc. Cũng có những nơi công nhân bức xúc vì những "quy định vô lý như "trường hợp nhà có người chết, tai nạn, ốm đau phải báo trước 3 ngày mới được nghỉ" (trường hợp công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành).
Cách thức diễn ra các vụ đình công qua ghi nhận của báo trong nước cho thấy đó là các công nhân đồng loạt ngưng tiến độ công việc và cùng tập trung ra trước hoặc sân, hoặc bãi đậu xe của nhà máy cho đến khi có những buổi đối thoại với lãnh đạo công ty.
Trả lời RFA tối thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt cho biết đó là những đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ông Đoàn Huy Chương cho biết những cuộc đình công này được "sự hướng dẫn của những người hiện nay còn giấu mặt".
"Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hòa, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được".
Nói rõ thêm về vai trò những "người dấu mặt" đã "hiện diện" trong các cuộc đình công, ông Đoàn Huy Chương cho biết :
"Những anh em trong nghiệp đoàn độc lập hướng dẫn cho những người đình công về các quyền lợi và luật để họ hiểu rằng đình công như thế nào để tránh sự đàn áp của chính quyền địa phương".
Liên quan đến luật và quyền lợi, RFA đặt vấn đề với Thạc sĩ luật Hoàng Việt, từ Sài Gòn, ông cho biết Bộ luật lao động của Việt Nam đã qua rất nhiều thời kỳ thay đổi và hiện tại là Bộ Luật 2012 với những điều lệ ông cho là khá tiến bộ. Tuy nhiên chỉ có một vấn đề duy nhất liên quan đến quyền đình công và các thủ tục đình công của công nhân.
"Cho đến nay ở Việt Nam chỉ có 1 tổ chức duy nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và dưới nó là các công đoàn được thành lập ở các công ty nhà máy xí nghiệp.
Trong Luật Lao động Việt Nam qui định là một cuộc đình công của công nhân phải do các công đoàn lãnh đạo thì mới được xem là hợp pháp.
Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả".
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, có hai lý do cho điều này mà Việt Nam còn hạn chế, thứ nhất là do luật, thứ hai là do thực thi pháp luật.
Điều quan trọng hơn, theo nhận định của ông Hoàng Việt, "công đoàn không phải là đại diện cho giới lao động nhiều mà đại diện cho giới chủ nhiều hơn".
Đồng ý với nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt, ông Đoàn Huy Chương đưa ra ý kiến về vai trò khác nhau của công đoàn nhà nước và nghiệp đoàn độc lập.
"Công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách chính đáng và dùng hết tâm huyết của mình để làm việc có lợi nhất cho người lao động.
Còn công đoàn nhà nước thì tuy rằng họ hưởng lương của công nhân, thêm vào đó họ hưởng lương của nhà nước vì công đoàn này do Đảng Cộng Sản lập ra, nên mọi việc họ đều theo sự hướng dẫn của Đảng cộng sản, không bảo vệ người lao động".
Trở lại với những cuộc đình công lớn gần đây ở các tỉnh miền Trung cho thấy, bằng hình thức ngưng việc, chính những người công nhân đã đứng lên đòi quyền lợi chính đáng như đề nghị công ty tăng lương cơ bản cho phù hợp mức sống hiện tại ; khi công nhân nghỉ ốm đau, có việc quan trọng đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần ; không quá ép sản lượng đối với công nhân ; đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho nữ công nhân…
Hoặc bắt buộc nhà máy, công ty phải chấm dứt những quy định như công nhân không được mang nhiều nước, thức ăn vào chỗ làm ; những phụ nữ có thai cũng không được mang sữa vào để uống dặm, các nữ công nhân không được mặc áo khoác chống nắng để vào chỗ làm…
Những đòi hỏi này, theo ông Chương, tuy không được đáp ứng hoàn toàn, nhưng các nhà máy đã chấp nhận khoảng 50%.
"Những nghiệp đoàn độc lập luôn luôn theo sát họ và luôn luôn hướng dẫn cho những người công nhân biết những gì nên đòi và những gì không nên đòi.
Đó tạm gọi là sự thành công của người công nhân".
Khi nói về những hoạt động nhằm để truyền tải cho người công nhân nhiều hơn nữa nhận thức về quyền lợi cho chính họ, ông Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA những kế hoạch trong tương lai.
"Sắp tới đây những công đoàn độc lập sẽ hướng dẫn cho người công nhân hiểu về cách đình công và đòi hỏi những quyền lợi của mình 1 cách hiệu quả, hướng dẫn cho họ những luật, chỉ dẫn cho họ luật quốc tế và những gì Việt Nam đã ký kết với quốc tế".
Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định dựa trên khái niệm khá tổng quát về tổ chức xã hội dân sự, mà theo ông là một cách hiểu khác của nghiệp đoàn độc lập.
"Ở Việt Nam hiện giờ chưa có đủ điều kiện để phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi".
Chia sẻ này khá tương đồng với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, trong một lần đề cập đến nghiệp đoàn độc lập với RFA, ông có ý kiến khá tích cực về tương lai của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam : "Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn".