Khoảng chừng hai năm nữa Liên Hiệp Châu Âu sẽ thử nghiệm áp thuế carbon đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Tuy chưa nằm trong danh sách bị đề xuất áp thuế carbon trong năm 2023 nhưng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này như nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ điện tử… đều đang đứng trước nguy cơ có thể bị áp thuế trong giai đoạn 2023-2026, do phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như nhiệt điện than, dầu, khí…
Dự kiến EU sẽ bắt đầu đánh thuế từ năm 2023 - Ảnh : Reuters/RFA edited
Các mặt hàng chủ lực đều có thể bị áp thuế
Thuế carbon được xem là một biện pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính vì nó khiến các nhà sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chi trả những phí tổn xã hội môi trường gây ra, có thể dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, đây cũng là một trong những cách nhằm khuyến khích và tạo nguồn đầu tư cho các mô hình phát triển sạch.
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Cố vấn Nhóm đối tác Chuyển dịch năng lượng bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (SMEP) cho rằng thuế carbon là vấn đề Việt Nam cần quan tâm vì rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU có nguy cơ bị đánh thuế carbon do trong quá trình sản xuất có sử dụng trực tiếp nhiên liệu hóa thạch như than, xăng, dầu, khí đốt... và/hoặc sử dụng điện hoặc các sản phẩm khác làm từ nhiên liệu hóa thạch, ông nói :
"Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dự kiến bị đánh thuế carbon nếu sử dụng điện từ các nhà máy điện than, xăng dầu. Với hiện trạng nguồn phát điện, hệ thống truyền tải điện ở Việt Nam, tất cả các nguồn phát điện hóa thạch hay năng lượng tái tạo đều phải hòa chung vào nguồn điện lưới quốc gia nên không thể phân biệt được, đâu là điện sạch (không chịu thuế carbon) và nguồn năng lượng hóa thạch (phải chịu thuế carbon)".
ông Hiệp cho biết hiện việc áp dụng quy chế xác nhận cấp "tín chỉ xanh" cho các mặt hàng sản xuất "không carbon" để không bị đánh thuế của EU còn chưa được minh định rõ ràng và áp dụng phổ biến cho nông dân và doanh nghiệp.
Ông Hiệp cũng nói thêm, dự kiến trong năm đầu tiên áp dụng thuế carbon, EU sẽ áp thuế với những mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, có lượng khí thải lớn như xi măng, luyện kim, sắt thép, giấy, thủy tinh, phân bón... Các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt nam như nông sản, giầy dép, dệt may, thủy sản, hàng điện tử tuy không có tên trong danh sách bị đánh thuế trong năm 2023 nhưng "không loại trừ khả năng những mặt hàng này sẽ bị áp thuế" trong những năm tiếp sau.
Từ con tôm, hạt gạo đến trái thanh long của Việt Nam đều có nguy cơ bị đánh thuế carbon. Ảnh : AFP
Nhìn vào nhóm hàng nông sản, một trong những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vào Châu Âu, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy trong một tọa đàm bàn về thuế carbon do GreenID tổ chức vào ngày 19/5 vừa qua cho biết : Ngành nông nghiệp và thủy sản Việt Nam hiện đang sử dụng cũng như phải chi trả khá nhiều cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm liên quan trong quá trình sản xuất chế biến.
Ông Thủy đưa ra dẫn chứng rằng hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 58-62% giá thành của hoạt động đánh bắt cá trên biển ; chi phí điện trong nuôi tôm chiếm 59-64% giá thành, điện cũng chiếm 32-34% giá thành sản xuất thanh long và 7-12% trong chế biến gạo. Đặc biệt, ông khẳng định : Tất cả các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam sang EU, từ con tôm, hạt gạo đến trái thanh long đều có nguy cơ bị đánh thuế carbon và thiệt hại cho người nông dân Việt Nam sẽ là không nhỏ. Do đó, ông Thủy cho rằng :
"Tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải chịu thuế bảo vệ môi trường ở khối EU hoặc bất cứ bên hợp đồng nào người ta áp vào. Như vậy khi có thuế này, đương nhiên chi phí đầu vào của sản xuất đối với người nông dân sẽ tăng lên và giá cạnh trạnh tranh của chúng ta gặp khó khăn, giá trị sinh lời, thu nhập của người nông dân sẽ hạn chế đi rất nhiều".
Hiện mức thuế carbon trung bình của Châu Âu đã lên tới 60USD/tấn carbon, ước tính phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng của Việt nam là 381,1 triệu tấn CO2 và nông nghiệp là 100,8 triệu tấn CO2 vào năm 2020.
Từ những số liệu nêu trên, Tiến sĩ Hiệp cho rằng nếu Việt Nam không đẩy mạnh cắt giảm khí nhà kín thì khi áp dụng, thuế carbon sẽ trở thành một "gánh nặng" đối với doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam. Ông cũng cho biết không chỉ có EU mà Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng đang cân nhắc áp dụng loại hình thuế này.
Nông dân phớt lờ, doanh nghiệp lúng túng
Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong một trao đổi gần đây với RFA cho biết vấn đề thuế carbon còn rất mới đối với người nông dân Việt Nam, ông nói :
"Cái này còn tương đối mới với hàng nông sản của Việt Nam nên cho tới giờ chúng ta mới vừa nói đến vấn đề về lượng carbon mình thải ra. Mới chỉ nói thôi còn hiểu và làm thế nào để giảm phát thải carbon mình chưa làm".
Giáo sư Xuân cho biết nông nghiệp hiện là nguồn phát thải lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau năng lượng. Các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kín trong nông nghiệp như sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng tái tạo) thay cho nhiên liệu hóa thạch, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh thay phân bón hóa học hay các kỹ thuật bón phân mới để giảm phát thải khí nhà kín hiện đã sẵn có nhưng người nông dân còn chưa "mặn mà".
Người nông dân Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều tới vấn đề khí thải và bảo vệ môi trường. Ảnh : AFP
Nguyên nhân mà Giáo sư Xuân đưa ra là do người nông dân lo ngại việc áp dụng những giải pháp này sẽ phải đầu tư công sức mà lại làm giảm năng suất, sản lượng. Trong khi đó, thời điểm EU đánh thuế carbon chưa cận kề và Chính phủ cũng chưa có những khuyến cáo về vấn đề này. Tuy vậy, Giáo sư Xuân cho biết ông tán thành việc áp thuế carbon :
"Tôi rất tán thành việc EU có quy định đó để bên đây mình bắt buộc phải thay đổi cách làm. Nếu không ai bắt buộc thì mình vẫn làm theo cách cũ. Mình siết vô về lâu dài sẽ ít tốn tiền hơn, tốt cho sức khỏe nhưng tốn công, phải hy sinh một chút về năng suất".
Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Trường đại học Cần Thơ- trong một trao đổi với RFA đầu tuần này cũng cho rằng người nông dân Việt Nam hiện vẫn còn quan tâm nhiều đến hiệu quả sản xuất kinh tế hơn vấn đề môi trường, do đó, cần sớm có những hoạt động tập huấn cho họ.
Riêng đối với các doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, một số doanh nghiệp có nhận thức về vấn đề thuế carbon nhưng còn gặp nhiều lúng túng trong việc ứng phó :
"Một số doanh nghiệp biết về thông tin này nhưng họ còn đang lúng túng không biết mình phải làm gì. Để làm giảm phát thải khí nhà kín, họ sẽ phải thay đổi và đầu tư. Ví dụ đối với một doanh nghiệp dệt may, muốn đối phó với thuế carbon, họ phải thay đổi công nghệ hoặc thay đổi quy trình làm sao tiết kiệm được năng lượng và giảm khí thải nhiều hơn và có thể phải trang bị thêm những hệ thống để có thể sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ có thể lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà để lấy điện".
Ông Tuấn cho rằng với những thay đổi này sẽ giúp doanh nghiệp có được giấy chứng nhận về việc giảm phát thải, nhờ đó được hưởng mức thuế thấp hơn khi vào EU. Tuy nhiên để được làm được như vậy, doanh nghiệp rất cần có những hướng dẫn cụ thể và chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều này cần phải làm "càng sớm càng tốt" với các bước đi có sự hỗ trợ của Chính phủ và các nhà khoa học.
Nhiều doanh nghiệp muốn giảm phát thải khí nhà kính nhưng còn lúng túng vì không có nguồn lực, thiếu hướng dẫn và hỗ trợ từ Chính phủ. Ảnh : Reuters
Về phía Chính phủ, Tiến sĩ Tuấn đánh giá cao một số chương trình được Chính phủ triển khai trong những năm gần đây như Chương trình sản xuất sạch hơn (Cleaner Production) của Bộ Công thương, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường hay Chương trình chuẩn bị hình thành thị trường carbon trong nước của Liên bộ Công thương, Tài nguyên và môi trường… Tuy nhiên cũng như nhiều nhà khoa học và môi trường khác, ông không khỏi quan ngại trước xu hướng đi ngược lại những nỗ lực này khi Bộ Công thương lên kế hoạch phát triển hàng loạt nhà máy nhiệt điện than trong bản Quy hoạch điện 8 mà Bộ này đang trình Chính phủ.
Ông cho rằng việc dự kiến tăng tới gần 17GW nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2030, gần tương đương với tổng công suất điện than hiện có (khoảng 20GW) sẽ mang đến rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế trên nhiều mặt đồng thời chặn lại con đường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trong một thời gian dài.
"Quy hoạch này, nếu chúng ta làm không cẩn thận, đầu tư rồi sẽ làm chúng ta lỡ dở trong một thời gian [tuổi thọ trung bình của một nhà máy nhiệt điện than là 50 năm]. Nếu có thay đổi về chính sách, thay đổi về kỹ thuật và thay đổi về thị trường kinh tế thế giới thì sẽ rất rủi ro cho chúng ta" - ông Tuấn nói tại hội thảo về QHĐ 8 do Liên Hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức cuối tuần trước.
Ông cũng cho biết nhiều tài liệu gần đây đều khẳng định nguồn năng lượng tái tạo "đủ sức" để Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững nguồn năng lượng quốc gia, đặc biệt ở phía Nam từ Nam trung bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu đi theo xu thế phát triển xanh, Việt Nam không những giải được bài toán thuế carbon mà còn thu hút nguồn tín dụng xanh đang gia tăng mạnh trên thế giới đồng thời giảm bớt được nỗi lo về môi trường, sức khỏe.
Cần cơ chế, chính sách cụ thể
Trong khi Chính phủ vẫn quẩn quanh với bài toán nhiệt điện than, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tìm đến với các nguồn năng lượng sạch và xanh để giải bài toán thuế carbon, thể hiện trách nhiệm xã hội môi trường của mình.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Samsung, Nike… đã nhanh nhạy chuyển hướng đầu tư phát triển hoặc mua nguồn điện năng lượng tái tạo hoặc áp dụng cả hai hình thức này nhằm lấy cho mình "chứng chỉ xanh", tạo vé vào thị trường lớn có khả năng áp thuế carbon như EU và Mỹ.
Phân tích về kiến nghị được mua điện năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất vừa qua của Samsung, ông Tuấn nói :
"Samsung đã đề nghi trực tiếp mua điện mặt trời, không sử dụng điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam vì trong thành phần của điện của EVN có tỷ lệ nhiệt điện than khá lớn. Họ muốn sử dụng điện mặt trời gần như 100% trong sản xuất. Khi họ có những chứng nhận đó rồi [chứng chỉ xanh] thì những sản phẩm của Samsung tại Việt Nam khi bán qua các nước khác, thì thuế chắc chắn sẽ nhẹ hơn".
Hệ thống năng lượng mặt trời tại trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt. Ảnh : Vinamilk
Trong trường hợp của Vinamilk, thay vì trước kia sử dụng toàn bộ điện của EVN và thu mua sữa trong dân, giờ đây Vinamilk đã và đang đầu tư hệ thống các trang trại sinh thái Green Farm, tự trồng cỏ, nuôi bò, lắp đặt điện mặt trời áp mái… nhờ đó hợp lý hóa sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính ở mức tối đa.
Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, trong thời gian qua, Việt Nam đã có sự bùng nổ của điện mặt trời áp mái. Theo đó, cùng với các hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư điện mặt trời trên diện tích mái kho, xưởng, "góp phần tăng nhanh tỉ trọng nguồn phát điện sạch này trong tổng cơ cấu nguồn điện". Bên cạnh đó, nhiều mô hình năng lượng tái tạo "dual use" kết hợp điện mặt trời áp mái với phát triển rau màu, thủy sản bên dưới mái che, còn có khả năng giúp "hóa giải xung đột sử dụng đất nông nghiệp với phát triển năng lượng".
"Các xu hướng chuyển dịch năng tích cực này cần được khuyến khích nhiều hơn" – Tiến sĩ Hiệp nhận định. Ông cũng khuyến nghị rằng việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam cần được đặt trong xu thế chuyển dịch của thế giới đồng thời Chính phủ cũng cần quan tâm tới các vấn đề cơ chế, chính sách, thị trường điện, hạ tầng truyền tải điện… nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển dịch này diễn ra hiệu quả và mang lại những cơ hội phát triển kinh tế mới và bền vững cho đất nước.
Nguồn : RFA, 17/06/2021