Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miễn thuế thu nhập có đủ để thu hút nhân tài ?

RFA, 14/04/2023

Cơ chế miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và báo chí nhà nước đăng tải hôm 13/4/2023.

thuethunhap1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự thảo này, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt... được hưởng các ưu đãi tùy theo trình độ, năng lực và yêu cầu công việc...

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, phát triển khoa học công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao sẽ là khâu đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới. Vì vậy phải khuyến khích và ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhân tài đến làm việc.

Liệu miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm có đủ hấp dẫn người tài đến làm việc ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/4 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Giảm thuế để thu hút nhân tài chỉ là một chính sách tạo ra một góc ưu đãi, chứ nó hoàn toàn không phải một cách thức để thu hút nhân tài. Bởi vì người ta còn rất muốn có nhiều điều kiện sống khác như tạo thuận lợi cho những người mong muốn làm việc lâu dài. Ngoài ra cũng còn một việc nữa mà ở Việt Nam rất quan trọng, đó là môi trường làm việc sao cho người tài cảm thấy được thoải mái tự do sáng tạo, được tự do làm việc, kích thích tư duy"...

Theo ông Võ, dù Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã áp dụng chính sách thu hút nhân tài bằng lương cao, nhưng số lượng người sau khi đi học nước ngoài về nước vẫn không cao :

"Chính vì vậy những người học tập có chất xám hướng trở về Việt Nam cũng không nhiều, người ta vẫn mong muốn định cư ở nước ngoài sau khi học thành tài. Việt Nam cũng có chính sách vĩ mô để tạo điều kiện thu hút nhân tài người nước ngoài đến làm việc, nhưng với chính sách mà pháp luật khập khiển thì cũng không thành công. Chính vì vậy, một môi trường chung mà những người có năng lực cần là phải có sự ổn định một cách toàn diện để người ta có thể làm việc, phát huy được chất xám của họ".

Việc thu hút nhân tài được Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm từ năm 2014. Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá khi đó là không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới. Theo quyết định 17, chính sách thu hút nhân tài khi đó cũng áp dụng mức hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí tùy vị trí ; hỗ trợ kinh phí thuê nhà… Ngoài ra, cứ mỗi đề tài nghiên cứu được công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó.

Dù đã nhiều lần Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài, nhưng khi trả lời báo nhà nước hôm 28/4/2022, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trong ba năm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Việc miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm được cho là chỉ làm thu nhập của chuyên gia tăng thêm một phần, chẳng khác dùng chính sách tăng lương đã thất bại trong việc thu hút nhân tài.

Khi trả lời RFA hôm 14/4/2023 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :

"Giảm thuế thu nhập là không đủ, ở Việt Nam có những cái liên quan đến thể chế chứ không phải là chuyện dùng tiền giải quyết. Ngay cả nếu giải quyết bằng tiền thì nguồn lực của Việt Nam cũng không đủ. Ở Việt Nam việc thu hút nhân tài phần lớn là ngành có tính chất kĩ thuật, chứ còn những ngành liên quan đến xã hội thường rất khó. Vì chuyện gỡ bỏ những khúc mắc về mặt xã hội hiện nay là vấn đề rất lớn, cần phải cởi mở từ lãnh đạo cao nhất, chứ không phải trông cậy được vào chuyên gia. Chuyên gia nói hay đến mấy mà trên không nghe thì cũng vậy thôi, mà nói đến ngưỡng nào đó thì người ta có thể gắng cho hết tội này đến tội kia".

Theo ông Dũng, ngay cả nhân tài về mặt kỹ thuật thì việc quan trọng nhất là có trọng dụng họ không, có cơ chế để sáng kiến của họ được ứng dụng hay không ? Ông Dũng cho rằng tiền chỉ là một phần của vấn đề, và Việt Nam không có được những quyết định có tính chất đột phá. Ông nêu ví dụ :

"Ở Trung Quốc chẳng hạn, người ta thu hút khá thành công những nhân tài về khoa học kỹ thuật. Họ chấp chấp nhận trả tiền lương không thua kém so với đồng lương người đó nhận được khi ở nước ngoài. Việt Nam khó lòng chấp nhận như vậy, còn giảm thuế thu nhập tính ra không bao nhiêu, trong lúc đồng lương không được thay đổi một cách căn bản theo tiệm cận của thế giới. Tiền thuế theo số đó giảm cũng không nhiều, cũng đỡ cho người ta một tí, nhưng không đủ sức để níu kéo người ta".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập này nếu chỉ dừng lại ngang đó, mà không thấy giảm thuế chỉ là một phần của vấn đề, thì chắc chắn sẽ thất bại.

Vào tháng 6/2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Bộ Nội vụ nhiều chính sách thu hút người tài. Đơn củ như đề xuất cần đa dạng loại hình hỗ trợ người tài như áp dụng một lần hỗ trợ ban đầu ; phụ cấp tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng ; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu ; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại…

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này vào tháng 6/2022 cho rằng, vấn đề không phải chỉ là lương tiền thuần túy. Mà đòi hỏi phải thay đổi về mức tín nhiệm đối với người tài nói chung. Theo ông Hưng, nếu người tài không được chọn lựa một cách đúng đắn và không để cho họ quyền thực thi để có thể hành động, thì mọi ưu đãi đưa ra sẽ không có sức hấp dẫn.

Ngoài ra theo ông Hưng, muốn thu hút nhân tài cần phải cho họ tinh thần thoải mái, tinh thần tôn trọng dân chủ, có nghĩa là phải tôn trọng cái đúng, khuyến khích được lòng tin yêu, khuyến khích được sự tin tưởng… thì người làm việc mới có thể thích thú mà làm việc tại Việt Nam.

**************************

Ùn ứ xe chờ đăng kiểm, thiệt hại không ai đền bù !

RFA, 14/04/2023

Hàng trăm người bị khởi tố ; hàng chục trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa khiến tình trạng xe chờ đăng kiểm dồn ứ hàng cây số ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Điều này bị cho là ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và sự đi lại của người dân.

thuethunhap2

Xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm 50-03S (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) Nhật Thịnh

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 234/281 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. 47 trung tâm bị đóng cửa để phục vụ công tác điều tra hoặc không đủ điều kiện kinh doanh. Tại Hà Nội có 18/31 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, với 23/61 dây chuyền kiểm định. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 13/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động, với khoảng gần 30 dây chuyền kiểm định. Số lượng trung tâm hoạt động chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu kiểm định xe của người dân.

Báo Nhà nước dẫn đề nghị của ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh : "Trước khi khủng hoảng chúng ta chỉ đáp ứng được 50%. Vì vậy, việc cần làm là sớm có giải pháp, huy động thêm đăng kiểm viên từ công an, quân đội và cả đăng kiểm viên đã về hưu hoạt động lại. Tuy nhiên, về lâu dài ngành đăng kiểm cần tập huấn đăng kiểm viên cấp bách, nhanh chóng. Bộ Giao thông Vận tải không cần bổ nhiệm mà có thể hợp đồng với các chuyên gia, kỹ sư và công nhân là đăng kiểm viên để làm cho nhanh".

Tình hình ùn tắc xe chờ đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm không chỉ gây thiệt hại cho các chủ xe, tài xế mà còn ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương gần đó, do hàng xe dài che chắn hết mặt tiền tiệm.

Để giải tỏa khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.

Ông Thuần, tài xế xe chở hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA rằng, xe hết hạn đăng kiểm phải tạm dừng kinh doanh, không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê chỗ đậu, trả tiền lãi ngân hàng. Thiệt hại này do nhà xe chịu hết, Nhà nước không hỗ trợ.

"Tới ngày đăng kiểm mà chưa đăng kiểm được thì họ cho bảy ngày. Trong vòng bảy ngày phải đi đăng kiểm. Họ chỉ cho đi từ nhà tới chỗ đăng kiểm thôi. Không cho chở người. Không cho kinh doanh gì hết.

Xe mình làm mình chịu lỗi thôi chứ không có ai bồi thường hết. Xe hết hạn đăng kiểm mà chạy tầm bậy tầm bạ công an nó bắt là mình lỗi. Chở người này người kia là nó bắt là mình chịu trách nhiệm. Không có ai bồi thường gì hết ráo. Luật Việt Nam là vậy đó. Nói chung là đăng kiểm chỗ nào cũng được. Hồi lúc trước thì dễ lắm. Còn bây giờ nhà nước đăng kiểm, công an giao thông nó vô thì không ai dám ăn hết. Đang vô chiến dịch nó bắt, nó điều tra mấy chỗ đăng kiểm hết nên xe mới dồn lại thôi. Qua chiến dịch là đâu lại vào đó, cũng thoải mái thôi chứ không có gì hết".

thuethunhap3

Xe xếp hàng chờ đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Ảnh : báo Nhân dân

Không chỉ doanh nghiệp vận tải lỗ lã mà các trung tâm dạy lái xe cũng lâm cảnh khó khăn khi xe hết hạn đăng kiểm phải "nằm ụ". Một người dạy lái xe ở Thủ Đức nói với RFA sáng 13/4 :

"Nhiều xe bây giờ cứ chủ quan như ngày xưa, không chịu đi bốc số. Đến khi người ta thông báo hai tháng sau mới được đăng kiểm thì trễ rồi. Bây giờ mình phải lo làm trước, phải liên hệ trước. Ngày xưa dễ lắm, bây giờ cho 20 ngàn tiền cà phê cho người dán tem nó cũng không dám lấy nữa. Bây giờ nó kinh khủng quá. Hiện tại là thua rồi. Nhà nước làm ăn kiểu gì không hiểu mà tôi không biết nói với ai, không thắc mắc được với ai cả.

Ví dụ muốn đăng kiểm vào tháng sáu thì tháng tư đã phải đi bốc số rồi. Hai tháng mới được đăng kiểm. Người ta phải sắp xếp. Ngày xưa có nhiều trung tâm đăng kiểm thì xe nó giãn bớt ra và nó làm nhanh hơn. Bây giờ nó làm kỹ hơn, làm lâu hơn mà lại ít trung tâm đăng kiểm nên xe dồn".

Tính đến cuối tháng 3/2023, hơn 500 người đã bị Cục Cảnh sát hình sự và công an ở 32 địa phương khởi tố và bắt giam với nhiều tội danh liên quan đến các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm như : Môi giới hối lộ ; Đưa hối lộ ; Nhận hối lộ ; Giả mạo trong công tác ; Sản xuất mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật ; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Trong đó có hai lãnh đạo cấp cao là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà và cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình.

Dư luận cho rằng, những tiêu cực trong ngành đăng kiểm đã xảy ra từ rất lâu nhưng không bị xử lý dẫn đến tình trạng như hiện nay. Lỗi này không thuộc về dân nhưng hậu quả thì người dân phải lãnh. Nhà nước không đền bù những thiệt thòi cho dân.

Cô Quỳnh, người vừa đi đăng kiểm cho chiếc xe bảy chỗ của gia đình cho biết, dù không dám "ăn" như trước nhưng nhân viên một số trạm đăng kiểm vẫn chừa chỗ cho người quen, người nhà đến đăng kiểm mà không cần xếp hàng. Cô Quỳnh cho rằng, khi mọi chuyện trở lại như nếp cũ thì chuyện "có tiền là qua hết" sẽ trở lại. Cô nói :

"Cái vụ bồi thường là không có. Bây giờ chỉ là thay đổi người "ăn" thôi mà. Hồi đó giờ ăn nhiều quá thì xuống để người khác lên ăn thôi. Rồi đâu lại vào đó à chị ơi".

Anh Tài, một người chở hàng thuê từng cho RFA biết quy trình để qua cửa đăng kiểm trước đây :

"Vô chỗ đăng kiểm thì xếp hàng rồi nó để phiếu thứ tự lên kiếng chỗ cần gạt nước. Vô tới chỗ đăng kiểm thì mình xuống xe, bỏ tiền ‘cà phê’ lên chỗ cần thắng tay. Tự tụi nó sẽ biết rồi lấy. Có tiền thì nếu xe có gì họ cũng cho qua, còn không thì chút xíu gì họ cũng báo lỗi".

Đầu năm 2020, báo Pháp Luật có bài viết "Đăng kiểm làm tiền ở hai trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh". Theo đó, với dây chuyền kỹ thuật đăng kiểm hiện đại, nếu các đăng kiểm viên làm việc "trong sạch" thì những chiếc xe cũ nát không đạt an toàn để lưu thông, những xe chở quá trọng tải hay xe mất thắng "lọt" đăng kiểm là điều không thể. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, chuyện xe không đủ điều kiện kỹ thuật vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định xảy ra như cơm bữa, miễn là chủ xe, tài xế chịu chung chi.

Nguồn : RFA, 14/04/2023

Published in Việt Nam

Lãi suất cho vay để làm ăn ở Việt Nam là cao nhất thế giới ?

Hàn Lam, VNTB, 07/02/2023

Lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10/2022 trở đi

Bóng ma lạm phát

Lạm phát ở Việt Nam năm 2022 được kiểm soát trong mức 3,15%, định hướng năm 2023 là dưới 4,5%. Trong khi đó thì từ giữa tháng 10-2022 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đã từ 9,5 – 13%/năm. Điều này cho thấy lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Do vậy nên tất yếu sẽ đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 – 15%/năm, thậm chí cao hơn.

laisuat1

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh minh họa 

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17%/năm so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết, và cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.

Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Tuy nhiên doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ đồng, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.

Đáng chú ý lãi suất liên ngân hàng bật tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.

Cụ thể, sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu và hút 15.000 tỷ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.

Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, trung bình quanh mức 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.

Giá của đồng vốn làm ăn ở Việt Nam rất đắt

Giới chuyên gia tài chính độc lập nhìn nhận Việt Nam là một trong những nước duy trì lãi suất thực dương ở mức cao trên thế giới, trong khi một số nước thậm chí để lãi suất thực âm để hỗ trợ sự phát triển, tăng trưởng kinh tế.

Quan sát thị trường tiền tệ những tháng gần đây, theo nhận xét của ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thì mục tiêu giảm lãi suất mà chính phủ kêu gọi là không hiệu quả.

"Cứ thấy kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất nhưng mấy tháng qua không giảm được bao nhiêu để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đừng đổ cho lãi suất quốc tế tăng lên mà lý giải cho lãi suất trong nước ở mức quá cao như hiện nay. Cần phải nhìn vào vấn đề nội tại vì sao lãi suất lại ở mức cao như vậy thì mới có có thể bốc trúng thuốc giải", ông Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Nhìn ra thế giới, vẫn theo diễn giải của ông Lê Đạt Chí, Mỹ chính thức tăng lãi suất từ tháng 3-2022 đến nay và gần đây nhất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lần thứ 8, lên 4,5 – 4,75%/năm. Thế nhưng lãi suất trái phiếu kho bạc của nước này kỳ hạn 10 năm có xu hướng giảm từ mức 3,8 – 3,9%/năm xuống còn 3,3%/năm. Trong khi đó thì ở Việt Nam, lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 – 13%/năm vào tháng 10-2022 trở đi.

Niềm tin của người dân ?

Lãi suất thực dương ở Việt Nam sở dĩ được theo đuổi vì chính phủ vốn từng bị ám ảnh của cuộc khủng hoảng đổ vỡ các quỹ tín dụng vào cuối thập niên 80 ở thế kỷ trước.

Sau khủng hoảng quỹ tín dụng nhân dân 1989, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, hệ quả là đa số người dân đều cất giữ tài sản tại nhà dưới dạng vàng, ngoại tệ…

Để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách lãi suất huy động thực dương, làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản…, qua đó giúp tăng nguồn vốn huy động của các ngân hàng để phân phối vốn đến các lĩnh vực có nhu cầu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hài hòa và cân bằng hơn.

Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương cũng khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn và do đó làm tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Những thành công của chính sách lãi suất thực dương chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì chính sách này từ đó cho đến nay.

Tuy nhiên chính sách lãi suất thực dương chỉ đứng về người gửi tiền mà trong nhiều trường hợp không tạo ra sự chia sẻ gánh nặng chi phí tài chính giữa người đi vay và người cho vay. Điều này có nghĩa là mọi rủi ro bị đẩy về phía người vay nên sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Và đó chính là điều mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết rốt ráo hơn trong hài hòa giữa "thực dương – thực âm", giúp hài hòa lợi ích của cả người gửi tiền, ngân hàng và cả người đi vay tạo điều kiện hình thành mức lãi suất hợp lý trong nền kinh tế.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 07/02/2023

************************

Vì sao họ không bận tâm về thuế thu nhập cá nhân ?

Hồng Dân, VNTB, 07/02/2023

Với đồng lương và phụ cấp theo quy định, tin chắc Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Công an không cách gì có thể dành dụm để chu cấp cho ái nữ của hai ông du học bên tận trời Tây.

laisuat2

Thuế thu nhập cá nhân chẳng bõ bèn gì nên chẳng mấy bận tâm

Mức lương tứ trụ của Đảng là bao nhiêu ?

Từ 01/07/2023, theo quy định thì sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng. Khi ấy thì tiền lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội năm 2023 sẽ thay đổi ra sao, họ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân với chiết trừ gia cảnh như mọi người hay không ?

Hiện hành, tiền lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội được tính theo công thức :

Mức lương = Lương cơ sở x Hệ số lương

Mức lương cơ sở 2023 được thực hiện như sau :

– Từ ngày 01/01 – 30/6/2023 : Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

– Từ ngày 01/7/2023 : Mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Hệ số lương của các chức danh nêu trên như sau : Theo Quyết định 128-QĐ/TW năm 2004, hệ số lương của Tổng bí thư là 13,00. Theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13,00 ; hệ số lương của Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội là 12,50.

Cụ thể, từ ngày 01/07/2023, đối với chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì tiền lương sẽ tăng từ 19,370 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng/tháng. Còn tiền lương Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tăng từ 18,625 triệu đồng lên 22,5 triệu đồng một tháng. Tiền lương của Bộ trưởng cũng tăng thêm 3 triệu đồng lên mức 17,46 triệu đồng/tháng.

Như vậy, lương của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội sẽ tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng so với hiện nay.

Họ đóng thuế thu nhập cá nhân là bao nhiêu ?

Cho đến nay thì có lẽ ai cũng tin rằng những quan chức chóp bu tầm Ủy viên Bộ Chính trị như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, các Bộ trưởng… đều lãnh nguyên lương, và phần thuế thu nhập cá nhân cũng như các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì rất có thể được hạch toán bằng khoản chi từ… ngân sách.

Giả dụ như có tính thuế thu nhập cá nhân, thì khi Tổng bí thư có tổng thu nhập là 25 triệu đồng, không có khoản thu nhập được miễn thuế, và cũng không có người phụ thuộc, thì thu nhập chịu thuế của Tổng bí thư là 25 triệu đồng. Khoản đóng bảo hiểm bắt buộc hàng tháng : 2.625.000 đồng (8% tiền bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp trên lương).

Như vậy thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của Tổng bí thư là : 25.000.000 – (11.000.000 + 2.625.000) = 11.375.000 đồng.

Vậy nên căn cứ vào bảng mức thuế suất thì Tổng bí thư phải thanh toán mức thuế là 15% với công thức là : 15% thu nhập cá nhân – 0,75 triệu đồng => Tổng bí thư phải đóng mức thuế là : 15% x 11.375.000 – 750.000 = 956.250 (đồng) mỗi tháng.

Con số chưa đến một triệu đồng này có lẽ chẳng bõ bèn gì nên với những quan chức trong bộ máy công quyền, họ chẳng mấy bận tâm.

Không nên cào bằng về giảm trừ gia cảnh

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỷ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với mức dự toán đề ra vào đầu năm, thuế thu nhập cá nhân năm 2022 đã thu vượt 48.658 tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022.

Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công, ăn lương được chia làm 7 bậc :

- bậc 1 từ 0 – 5 triệu đồng/tháng thuế suất 0,5% ;

- bậc 2 từ 5 – 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10% ;

- bậc 3 từ 10 – 18 triệu đồng/tháng thuế suất 15% ;

- bậc 4 từ 18 – 32 triệu đồng/tháng thuế suất 20% ;

- bậc 5 từ 32 – 52 triệu đồng/tháng thuế suất 25% ;

- bậc 6 từ 52 – 80 triệu đồng/tháng thuế suất 30% ;

- bậc 7 trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất 35%.

Nhận xét về vấn đề trên, Bộ Tư pháp dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) công bố cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân là 9,184 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng) ; đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Gia cảnh theo lạm phát hay theo mức sống ?

Hiện tại mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Vì thế, theo ý kiến của Bộ Tư pháp là mức cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.

Chuyện điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này được gọi là điều hành thuế theo lạm phát, và điều đó cho thấy rất khó chấp nhận, vì theo mỗi năm, mức sống của người dân cần phải được tăng lên. Mỗi thứ một năm một khác tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát ?.

Ngoài ra ở đây còn có vấn đề thu thuế thu nhập cá nhân, nhưng khi cá nhân ấy cần những chính sách an sinh tương ứng thì không thấy có chính sách nào đáp ứng…

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 07/02/2023

Published in Diễn đàn