WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm người dùng (RFA, 25/09/2018)
Các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới WHO đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đề nghị được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá, diễn ra hôm 25/9 tại Hà Nội.
Người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. AFP
Truyền thông trong nước dẫn lời bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, một chuyên gia của WHO cho biết ; thuốc lá có chứa 7000 hóa chất và trong đó 69 loại gây ung thư. Do đó, nhưng chất này khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và gây nguy cơ ung thư rất cao.
Tại hội nghị, các chuyên gia của tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá quốc tế đưa ra nhiều giải pháp cho phía Việt Nam, trong đó đáng chú ý là giải pháp tăng thuế thuốc lá để hạn chế người hút mới, giảm thiểu nguy cơ tử vong sớm cho con người.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam có mức thuế đối với thuốc lá rất thấp, tức khoảng 35% giá bán lẻ so với các nước trong khu vực. Vì vậy việc tăng thuế có thể tăng doanh thu thuế, đồng thời giảm đi lượng người tiêu dùng nên đề xuất cho rằng tăng thuế đến 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ.
Điều tra được tiến hành ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45% và nữ giới là 1,1%. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc.
Thống kê cũng cho biết Việt Nam có số lượng người hút thuốc đứng thứ ba trong khu vực ASEAN với 15,6 triệu người trên 15 tuổi đang hút thuốc. Ngoài ra có khoảng 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm và có thể tăng lên 70.000 vào năm 2030. Việc sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế ước tính hơn 24.000 tỷ đồng mỗi năm.
***************
Petrolimex kiến nghị dừng dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong (RFA, 25/09/2018)
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong tỉnh Khánh Hòa, với lý do đưa ra là để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án khác.
Buổi làm việc giữa Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex và Tổ Công tác của Thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào ngày 25 tháng 9. Ảnh chụp màn hình Vietnambiz.vn
Kiến nghị này được Petrolimex đưa ra trong buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào ngày 25 tháng 9.
Trước đề nghị của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,, đại diện Vụ Văn phòng Chính phủ cho biết đang chờ báo cáo của Bộ Công thương về kiến nghị dừng dự án này, và sẽ quyết định khi có báo cáo của Bộ công thương.
Về phía Bộ Tài chính, ông Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của Petrolimex và nói thêm trước đây Bộ Tài chính đã từng đề xuất cho dừng dự án hóa dầu Nam Vân Phong.
Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong do Petrolimex làm chủ đầu tư, được Chính phủ Hà Nội phê duyệt năm 2008, dự tính đặt tại huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 4,4 đến 4,8 tỷ đô la.
Cũng tại buổi họp, Tổ Công tác của Chính phủ đã yêu cầu Petrolimex trong thời gian tới thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, một số ý kiến đề cập đến việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,. Thứ trưởng Bộ Công thương ông Trần Quốc Khánh cho biết hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời lại yêu cầu Petrolimex phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh. Điều này có thể làm một số nhà đầu tư lưỡng lự. Theo ông Khánh, nên để các cổ đông của Petrolimex tự quyết định kinh doanh gì, bởi vì nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần hoặc thậm chí thấp hơn khi cổ phần hóa tập đoàn này.
******************
Thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU giảm sâu vì ‘thẻ vàng’ (RFA, 25/09/2018)
Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa - VASEP
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thông tin vừa nêu tại hội nghị Đánh giá một năm triển khai Chương trình "Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không quản lý (IUU)" diễn ra hôm 25 tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo VASEP, trong tám tháng đầu năm xuất khẩu hải sản giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt 252 triệu USD. Xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu trong năm 2018. Trong đó, mực và bạch tuộc xuất khẩu sang EU giảm liên tục từng tháng, có tháng giảm tới 41%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP giải thích, khi EU cảnh cáo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí họ có thể sẽ ngừng mua hàng. Ngoài ra, 100% hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam, sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác trong thời gian bị thẻ vàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí.
Chưa kể là khi bị thẻ vàng, nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu thêm chi phí từ 5.000 đến 10.000 euro. Nếu tiếp tục vi phạm và bị thẻ đỏ, coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn nhiều hơn.
Được biết Thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề "thẻ vàng" hải sản vào tháng 1 năm 2019 sau khi có chuyến làm việc vào trung tuần tháng 5 vừa qua.
Cũng tin liên quan, vào ngày 21 tháng 9, tại buổi gặp gỡ với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã và đang nỗ lực để xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý, đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản đánh bắt của Việt Nam.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình rà soát pháp lý tiến tới ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Ngoài ra, ông Phạm Bình Minh cũng mong muốn các nước EU ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
****************
Tình cảnh ‘Ô-sin’ Việt ở Saudi : bị bóc lột, bỏ đói (VOA, 25/09/2018)
Một phụ nữ Việt Nam sang Saudi Arabia, giúp việc nhà nói bà bị chủ nhân ngược đãi và bóc lột sức lao động. Trang mạng Asia Times trích một bài phóng sự của Al-Jazeera, kết luận rằng rất nhiều ‘ô-sin’ Việt Nam đang bị ngược đãi đằng sau những cánh cửa đóng kín ở vùng Vịnh bên Trung Đông, trong khi không được nhận đồng lương xứng đáng như đã được hứa hẹn.
Bà Pham Thi Dao, 46 tuổi, nói bà phải làm việc hơn 18 giờ một ngày mà chỉ được ăn một bữa ăn. [Yen Duong/Al Jazeera -Screenshot]
Trong một cuộc phỏng vấn do đài Al Jazeera thực hiện, bà Phạm Thị Đào cho biết bà phải làm việc từ 5g sáng tới 1g sáng ngày hôm sau. Mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm duy nhất vào lúc 1g chiều. Tác giả bài báo, Yen Duong, nhà báo kiêm phóng viên nhiếp ảnh, cho hay bà Đào, 46 tuổi, làm ô-sin tại Saudi Arabia trong hơn 7 tháng trước khi trở về Việt Nam vào tháng Tư năm nay.
Phóng sự điều tra của tờ Al Jazeera, cơ quan truyền thông tiếng Ả Rập, mang tựa đề : "Ô-sin Việt ở Saudi Arabia : Lao động quá sức, bị ngược đãi, bị bỏ đói".
Một số phụ nữ được phỏng vấn nói họ bị buộc phải làm việc ít nhất 18 tiếng một ngày, bị bỏ đói, đánh đập và ngăn cản, không cho về nước.
Một trường hợp khác là trường hợp chị Trịnh Thị Linh, đến từ Hà Nam. Chị Linh cho biết như nhiều người đồng cảnh ngộ chị đã gặp bên Saudi Arabia, hộ chiếu của chị bị tịch thu ngay khi tới Riyadh.
Chị Linh, 30 tuổi, kể lại với Al-Jazeera rằng chị được hứa mức lương 388 USD /tháng, và mới đầu rất mừng bởi vì già đình nghèo, và mức lương tháng đó cao hơn thu nhập của gia đình trong hai vụ mùa.
Chị phải làm việc 18 giờ một ngày, và như bà Đào, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Khi chị Linh xin đổi chủ, là một quyền của người lao động dựa trên hợp đồng, thì bị nhân viên tại công ty môi giới Việt Nam quát tháo và dọa nạt.
Rốt cuộc chị phải tuyệt thực cho tới khi chủ nhân đồng ý trả chị lại cho công ty môi giới ở Saudi Arabia.
Nhưng thật không may, bà chủ của gia đình thứ nhì còn tệ hơn nhiều.
"Bà chủ giữ vali của tôi, lấy hộ chiếu, không cho tôi dùng điện thoại và không cho tôi nấu ăn lấy. Tôi không có cả băng vệ sinh để dùng, tôi phải rửa chân cho các chủ nhân và đấm bóp họ. Có lúc, bà chủ vất thức ăn còn thừa, thay vì cho tôi ăn".
Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao Động Việt Tự do có trụ sở tại Úc, là tổ chức giúp lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bị ngược đãi, nói tình cảnh vừa nêu không chỉ xảy ra cho những người giúp việc ở Saudi Arabia.
Ông Hùng nói :
"Trường hợp này xảy ra nhiều nước khác nhau chứ không riêng gì Saudi Arabia. Có nhiều trường hợp ngược đãi là bởi vì những người này là công nhân nghèo ở dưới quê, có người không biết chữ, không rành về các hợp đồng. Hợp đồng mà họ ký không phải là hợp đồng với các chủ nhân, mà là do những người môi giới ở Việt Nam ký. Nhiều người không biết nội dung hợp đồng nói gì. Khi đến nơi thì chủ nhân nói hợp đồng không có giá trị. Vì vậy họ đi là toàn bị lưà gạt. Họ sang bên đó với hy vọng có thể được đối xử tốt và đem nhiều tiền về nuôi gia đình nhưng thực sự ra hầu hết những công nhân Việt Nam đi gặp những hoàn cảnh bị ngược đãi và bị bóc lột rất là nhiều".
Có lẽ tình cảnh người lao động Việt Nam ở Saudi Arabia còn khó khăn hơn những nước khác vì luật kafala của Saudi Arabia cấm người giúp việc đổi việc và rời Saudi Arabia nếu không được phép của chủ nhân. Đây là một quy định nhằm trói chân các nạn nhân phải tiếp tục làm việc với chủ, dù bị ngược đãi.
Nhiều người lâm vào tình trạng tuyệt vọng tới mức họ thà bị cảnh sát bắt giữ và trục xuất về nước, chứ không còn chịu đựng được cảnh bị bóc lột và ngược đãi như thế.
Tờ Asia Times dẫn lời bà Nguyen Thi May Thuy thuộc Văn Phòng Lao động nước ngoài Việt Nam, nói rằng môi trường làm việc đối với những người giúp việc nhà hạn chế những sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài và vì thế, các nạn nhân bị ngược đãi rất khó có thể thu thập chứng cớ để chứng minh là quả thật, họ đã bị ngược đãi.
Một số hiếm hoi may mắn thoát được kể lại những điều kiện sinh sống tương tự như những nô lệ.
Trên trang Facebook riêng, chị Phạm Thị Đào chia sẻ kinh nghiệm cay đắng của mình. Chị nói :
"Tôi biết rằng trong tư cách là những người giúp việc, chúng tôi phải làm quen với những điều kiện làm việc khó khăn. Chúng tôi không đòi hỏi nhiều. Xin đừng bỏ đói, đừng đánh đập chúng tôi, cơm ngày 3 bữa. Nếu đạt được những điều đó, chúng tôi đã không phải kêu cứu".
Bà Bảo Khánh, Trưởng đài Vietnam Sydney Radio ở Úc, nói người Việt ở khắp nơi phải lên tiếng để giúp đồng hương ở trong nước tránh bị lừa gạt.
"Mọi người cần phải lên tiếng về vấn đề này. Nếu chúng ta không lên tiếng thì người lao động Việt Nam sẽ bị gạt để mà lấy tiền, bị dụ dỗ để đưa đi lao động nhưng thực ra chỉ giúp nhà cầm quyền hoặc các nhóm tham nhũng giàu thêm mà người dân thì khổ thêm".
Saudi Arabia là một trong những nước nhập khẩu người giúp việc lớn nhất thế giới.
Dựa trên các số liệu của Bộ Lao động Việt Nam thì hiện nay có khoảng 20.000 lao động người Việt ở Saudi Arabia , ước lượng trong số này có 7000 người được mướn làm 'ô-sin', phục vụ các gia đình Ả rập. Hồi năm 2014, Saudi và Việt Nam ký thỏa thuận 5 năm, cho phép thêm nhiều công dân Việt Nam sang lao động tại vương quốc Saudi Arabia.
Hoài Hương
*****************
Bị cắt điện vì than phiền trên Facebook (BBC, 25/09/2018)
Ý kiến luật sư nói chính quyền 'lạm quyền nghiêm trọng' khi cắt điện của dân vì họ phàn nàn trên Facebook về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Văn bản thông báo cắt điện của hộp tác xã Điện Thành Tâm với lý do người dân viết chỉ trích lên Facebook
Hàng chục hộ dân tại Hà Tĩnh mới đây bị cắt điện vì đã phàn nàn trên Facebook về dịch vụ cung cấp điện tại của hợp tác xã, theo truyền thông Việt Nam.
Theo tờ Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoa, sống tại xóm Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, viết lên Facebook ngày 13/9 phàn nàn rằng tiền điện ba tháng của gia đình tăng bất thường.
Bà nói trước đây nhà bà chỉ xài hết 500 - 700 ngàn đồng tiền điện mỗi tháng. Nhưng từ tháng 6-8/2018, mỗi tháng bà phải đóng hơn một triệu đồng, mà lại không được nêu lý do.
Bà còn đăng ảnh chụp hóa đơn lên Facebook.
Chia sẻ của bà Hoa nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân cùng xã.
Nhưng chỉ hai ngày sau, bà Hoa bất ngờ nhận thông báo cắt điện từ Hợp tác xã Thành Tâm.
Bà Tâm cũng nói sau đó hợp tác xã cho người đến tháo đồng hồ đo số điện khi chưa được sự đồng ý của gia đình.
Cùng với bà Hoa còn có bà Nguyễn Thị Anh (thôn Xuân Nam) cùng một số hộ gia đình khác nhận được thông báo cắt điện của Hợp tác xã Thành Tâm vì đã bình luận về tiền điện trên Facebook, theo thông tin từ Đời Sống Pháp Luật.
Bà Anh phát biểu trên tờ Đời Sống Pháp Luật rằng người dân vùng biển như bà cần điện để đông lạnh hải sản. Chỉ mất điện một tiếng là hải sản hư hỏng.
Bà Anh cũng nói trước đây có gì bức xúc về dịch vụ điện của xã, ai cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì bị hợp tác xã dọa cắt điện.
Cũng theo bà Anh, giá điện của Hợp tác xã Thành Tâm thu cao hơn giá niêm yết của Nhà nước.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tâm (SN 1956), Trưởng thôn Tân Hải nói trên trang Người đưa tin, có rất nhiều hộ khác có tiền điện ba tháng gần đây tăng vọt bất thường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ nhiệm hộp tác xã Thành Tâm thừa nhận với truyền thông trong nước việc thông báo cắt điện 20 hộ dân.
Ông nói là do không nhận được phản ánh trực tiếp mà người dân lại viết lên Facebook nên ông cho tháo đồng hồ để mang đi thẩm định, xong sẽ lắp lại.
Văn bản của Hợp tác xã Điện Thành Tâm do ông Phó Giám đốc Trương Văn Hòa ký đăng trên Người đưa tin cũng cho hay cắt điện để chờ thẩm định đồng hồ và "ngừng cấp điện để đảm bảo khách quan, trung thực, cũng như danh dự trong kinh doanh".
Đây không phải lần đầu người dân gặp rắc rối với chính quyền do đăng ý kiến trên Facebook về những vấn đề họ bức xúc, đặc biệt sau khi Luật An ninh mạng được ban hành.
Mới cách đó một tuần, bà Lê Thị Mai ở Thanh Hóa bị công an địa phương mời lên làm việc sau khi đăng ý kiến lên Facebook về cuộc họp phụ huynh.
Bà Mai cho BBC biết một cán bộ công an nói với bà là họ 'phụ trách an ninh mạng' và 'làm theo luật'.
"Nhưng luật an ninh mạng còn chưa đi vào hiệu lực cơ mà !", bà Mai đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với BBC trước đó.
'Lạm quyền nghiêm trọng'
"Thông thường công ty điện làm hợp đồng cung cấp điện cho dân, nhưng ở các vùng quê, công ty điện thuê hợp tác xã làm việc với dân. Như vậy lại thêm một bước, thêm chi phí và gây nhiều phiền hà cho dân.
Điều này rất phổ biến ở các vùng quê Việt Nam", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC từ Hà Nội hôm 23/9.
"Trong trường hợp ở Hà Tĩnh, việc cắt điện với lý do người dân than phiền trên Facebook là hành vi lạm quyền nghiêm trọng".
"Dù chỉ là quan hệ dân sự, nhưng trên thực tế, điện vẫn là mặt hàng độc quyền, không có giải pháp thay thế nêu người dân không hài lòng về chất lượng dịch vụ".
"Điều này chỉ được cải thiện nếu hai bên, từ khi làm hợp đồng, có thỏa thuận kỹ là khi nào thì cắt điện, khi cắt phải đền bù ra sao, v.v.".
"Tuy nhiên, về mặt quyền hạn, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền phản ánh, than phiền về dịch vụ họ sử dụng bằng nhiều hình thức"
"Không thể sử dụng sự độc quyền của mình để ngăn cản quyền cơ bản của con người là nói ý kiến của mình. Điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật".
"Người dân trong trường hợp này hoàn toàn có quyền liệt kê các thiệt hại do bị cắt điện để buộc cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường", luật sư Tuấn nói.
"Cần phổ biến kiến thức về luật an ninh mạng cho quan chức'
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, hai vụ điển hình gần đây là 'cắt điện' và 'mời lên phường' dù tình tiết khác nhau, nhưng đều liên quan đến việc người dân vì bày tỏ ý kiến trên Facebook mà gặp rắc rối với chính quyền.
Ông Tuấn cho rằng điều này cho thấy hiện Luật An ninh mạng đang chưa được hiểu đúng, và có nguy cơ bị áp dụng kiểu 'suy diễn' khi đã được chính thức có hiệu lực.
"Tôi cho rằng hiện rất nhiều người, trong đó có giới thực thi luật pháp, chưa hiểu đúng luật An ninh mạng".
"Dù mới thông qua thôi nhưng những trường hợp xảy ra vừa qua cho thấy việc chính quyền cấp huyện, xã đang áp dụng luật này một cách bừa bãi".
"Việc phổ biến kiến thức luật cho người thực thi luật pháp là rất cần thiết và cần tiến hành ngay".
"Ngoài ra, cần đưa ra những quyết định để giới hạn quyền của các cơ quan chức năng địa phương trong việc thực thi luật an ninh mạng nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong thi hành luật", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC từ Hà Nội.