Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Luật sư Đài Loan giúp nạn nhân Việt Nam kiện Formosa ra tòa ở Đài Bắc (RFI, 11/06/2019)

Ngày 11/06/2019, các luật sư Đài Loan đã chính thức kiện tập đoàn công nghiệp Formosa lên một tòa án ở Đài Bắc. Năm 2016, tập đoàn gang thép của Đài Loan đã bị chính phủ Việt Nam phạt 500 triệu đô la vì xả hóa chất ra biển gây thảm họa môi trường cho vùng duyên hải miền trung Việt Nam.

dailoan1

Biểu tình trước trụ sở tập đoàn Formosa ở Đài Bắc ngày 17/06/2016 đòi điều tra về thảm họa cá chết tại Việt Nam. Reuters/Tyrone Siu/File Photo

Theo AFP, khoảng vài chục người dân địa phương và các nhà đấu tranh Việt Nam đã tập hợp trước một tòa án quận ở Đài Bắc trong tuần này, vào thời điểm các luật sư nộp đơn kiện. Họ cho rằng dù thảm họa môi trường xảy ra ở Việt Nam, nhưng tòa án Đài Loan có thẩm quyền xét xử vì các bị cáo - thành viên Hội đồng Quản trị, cũng như cổ đông chính của tập đoàn gang thép Formosa ở Hà Tĩnh - phần lớn là công dân Đài Loan.

Tổ chức Quyền Môi trường Đài Loan hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam trong đợt kiện này. Ông Đồ Ngọc Văn (Tu Yu Wen), đứng đầu hiệp hội, phát biểu : "Đây là lần đầu tiên một công ty Đài Loan bị kiện vì gây ô nhiễm ở nước ngoài. Chúng tôi hy vọng tòa án sẽ thụ lý hồ sơ và sẽ tạo ra một tiền lệ tốt".

Trước đó, trong một thông cáo, tập đoàn Formosa khẳng định đã trả 500 triệu đô la vào tháng 08/2016 để bồi thường cho ngư dân Việt Nam bị nạn, thông qua chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đấu tranh Việt Nam khẳng định chỉ "một vài người" nhận được khoảng 20.000 đô la Đài Loan, trong khi đó nhiều người đấu tranh đòi được bồi thường nhiều hơn lại bị bắt giam.

Khi gây ra thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam, nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có trị giá khoảng 11 tỉ đô la, đang được xây dựng. Tháng 04/2017, nhà máy được phép hoạt động trở lại. Đến tháng 12/2017, công ty này lại bị phạt thêm 25.000 đô la vì xả chất thải rắn "độc hại" một cách bất hợp pháp xuống lòng đất năm 2016.

*****************

Các nạn nhân khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh ra tòa (RFA, 10/06/2019)

Hội Công lý cho nạn nhân Formosa (JfFV) đại diện cho gần 10.000 nạn nhân của thảm họa môi trường do công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra hồi đầu tháng 6 năm 2016 sẽ chính thức khởi kiện công ty này cùng 17 công ty khác ra tòa tại Đài Loan vào ngày 11/6. Thông cáo báo chí của JfFV cho biết như vậy hôm 10/6.

Những người Việt lao động tại Đài Loan phản đối Công ty Formosa ngay trước trụ sở công ty này ở Đài Bắc hôm 10/8/2016

Những người Việt lao động tại Đài Loan phản đối Công ty Formosa ngay trước trụ sở công ty này ở Đài Bắc hôm 10/8/2016 AFP

Theo thông cáo báo chí, mục đích của vụ kiện là nhằm yêu cầu Tập đoàn FHS phải bồi thường thỏa đang cho các nạn nhân và làm sạch vùng biển bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên.

Trong số 18 công ty bị khởi kiện, ngoài FHS, còn có một số công ty khác tại Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore và Cayman.

Vụ kiện FHS lần này còn được sự hỗ trợ của 5 tổ hợp Luật sư như Quỹ Bảo Vệ Quyền Môi Trường (ERF) và Hội Luật sư Bảo vệ Môi trường.

Cũng theo thông cáo báo chí, sau khi nộp đơn tại tòa án Đài Loan, tổ hợp luật sư của tổ chức Quốc tế Quyền Môi trường (Earth Rights International – ERI) tại New Jersey, Mỹ cũng sẽ đại diện các nạn nhân và JfFV nộp một đơn kiện khác tại tòa án Liên Bang về môi trường tại tiểu bang New Jersey, nơi có trụ sở của Công ty Formosa Mỹ.

Vụ công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển hồi năm 2016 đã làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân dọc 4 tỉnh miền trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, khiến hàng trăm tấn cá chết dạt lên bờ. Sau vụ việc, Fomrosa đã phải công khai xin lỗi và nộp 500 triệu đô la tiền bồi thường.

Tuy nhiên, nhiều người dân là nạn nhân của thảm họa này cho rằng việc bồi thường không đủ và cuộc sống của họ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hồi năm 2016, khoảng 500 người dân đã ký đơn kiện công ty Formosa Hà Tĩnh ra tòa ở Việt Nam đòi bồi thường. Tuy nhiên đơn kiện đã bị trả về. Chính quyền Hà Tĩnh nói với báo giới rằng các đơn kiện của người dân "không đưa ra được chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế".

*****************

Cựu tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam - Lê Bạch Hồng - bị truy tố (RFA, 11/06/2019)

Cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Lê Bạch Hồng bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Truyền thông trong nước đưa tin 11/6/2019.

Résultat de recherche d'images pour "Cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Lê Bạch Hồng bị truy tố"

Ông Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Courtesy of vn.sputniknews

Cùng bị truy tố với ông Hồng có năm đồng phạm là ông Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam), ông Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, bảo hiểm xã hội Việt Nam) và hai cán bộ của Ban Kế hoạch - Tài chính là Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà.

Bà Trần Thị Thanh Thủy (chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hồi tháng 5/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam ; Công ty Cho thuê tài chính II (Công ty ALC II) và một số đơn vị có liên quan khác, và chuyển hồ sơ vụ án đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 6 bị can trên.

Truyền thông trong nước trích cáo trạng rằng từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2009, ông Nguyễn Phước Tường đã chỉ đạo ông Trần Tiến Vỹ và ông Hoàng Hà lập 14 Tờ trình đề nghị ông Nguyễn Huy Ban và ông Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, tổng số tiền là 1.010 tỷ đồng.

Theo quy định, bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho phép các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn.

Đến cuối tháng 12/2015, bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thu hồi được hết nợ gốc và lãi của Công ty ALC II với số tiền hơn 750 tỉ đồng vốn quá hạn và 735 tỉ đồng tiền lãi. Nguyên nhân là do Công ty ALC II không có khả năng trả nợ. Tính đến nay, cộng cả gốc và lãi Công ty ALC II còn nợ bảo hiểm xã hội là hơn 1.700 tỉ đồng.

Tháng 12/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định mở thủ tục phá sản đối với ALC II. Ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố ALC II phá sản.

Tính đến nay, Bảo hiểm xã hội chưa thu hồi được nợ gốc và lãi của Công ty ALC II, số tiền chưa được thu hồi là hơn 1.700 tỷ đồng cả gốc và lãi.

*****************

Xử phúc thẩm Vũ ‘nhôm’ và hai tướng Công an (RFA, 10/06/2019)

Sáng 10/6, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘nhôm’) và 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an, cùng một số cán bộ công an liên quan trong vụ án thâu tóm bảy dự án đất vàng tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại hơn một ngàn tỷ đồng.

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 Reuters

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết Tòa đã triệu tập nhiều người làm chứng là lãnh đạo các công ty bất động sản có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ; cũng như đại diện Bộ Công an, UBND Thành phố Đà Nẵng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên tòa phúc thẩm vụ án dự kiến diễn ra đến ngày 15/6.

Trước đó hồi cuối tháng 1 trong phiên xử sơ thẩm, Tòa đã tuyên án ông Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau đó, Vũ ‘nhôm’ đã kháng cáo cho rằng mình hoàn toàn không phạm tội và không đồng ý với nội dung án sơ thẩm đã tuyên.

Cũng tại phiên sơ thẩm, cựu thứ trưởng Trần Việt Tân bị án 36 tháng tù, cựu thứ trưởng Bùi Văn thành 30 tháng tù, với cùng tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bùi Văn Thành sau đó cũng kháng cáo, đề nghị được hưởng án treo. Ông Trần Việt Tân không chấp nhận phát quyết của tòa cũng như hình phạt bị tuyên.

Hai bị cáo khác liên quan đến vụ án là ông Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và ông Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V). Hai người này cùng bị tuyên 5 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Phan Văn Anh Vũ sinh năm 1975 tại Đà Nẵng, từng kinh doanh nhôm, kính nên có biệt danh Vũ ‘nhôm’. Ông này có hàm thượng tá công an, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây Dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng và Công ty Cổ Phần Nova 97 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông bị Bộ Công an truy nã vào tháng 12/2017 và bị bắt giữ tại Singapore sau đó vì vi phạm luật di trú của nước này. Đầu tháng 1/2018, Vũ ‘nhôm’ bị dẫn độ về Việt Nam.

Tháng 7/2018, Vũ ‘nhôm’ bị tuyên án 9 năm (sau đó được giảm xuống còn 8 năm) vì tội làm lộ bí mật nhà nước.

Vào ngày 7/6/2019 tại phiên phúc thẩm vụ án thất thoát hơn 3 ngàn tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB), Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tuyên y án 17 năm tù đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

****************

Một người Mỹ gốc Việt sẽ bị đem ra xét xử vì cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ" (RFA, 10/06/2019)

Ông Michael Phương Minh Nguyễn, người Mỹ gốc Việt và 2 thanh niên là Huỳnh Đức Thanh Bình cùng với Trần Long Phi sẽ bị chính quyền Việt Nam đem ra xét xử tại tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 ngày 24 và 25/6/2019 tới đây với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Hình minh họa. Ông Michael Phương Minh Nguyễn cùng vợ và con ở Mỹ

Hình minh họa. Ông Michael Phương Minh Nguyễn cùng vợ và con ở Mỹ - Hình do gia đình cung cấp

Một người khác là ông Huỳnh Đức Thịnh, cha của anh Thanh Bình bị xét xử về hành vi "Không tố giác tội phạm".

Thông tin này được luật sư Nguyễn Văn Miếng, luật sư đại diện cho Huỳnh Đức Thanh Bình, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vào chiều ngày 10/6/2019. Ông nói qua điện thoại như sau :

"Sáng nay anh cũng nhận được thông tin đó, phiên tòa xử 4 người về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ diễn ra vào ngày 24, 25/6.

Trong cáo trạng thì ông Phương Minh có về Việt Nam, có liên kết với 1 số người đi chụp hình quay phim một số buổi biểu tình. Điển hình là cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 về nhà làm thành những cái clip rồi đưa lên mạng".

Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Huỳnh Đức Thanh Bình cho biết bà đã được gặp con trai mình 3 lần kể từ tháng 4 do kết thúc giai đoạn điều tra, tuy nhiên không được nói gì nhiều về vụ án.

"Bình vẫn khỏe mạnh bình thường, rất an nhiên tự tại. Bình có nói là con lớn rồi, con tự chịu trách nhiệm về những hành động của con chứ không có thời gian nói nhiều vì có công an mà.

Công an có 3 người luôn nên đâu có nói được gì đâu, chỉ nói chuyện ăn uống, sức khỏe và gia đình và gặp trong nửa tiếng".

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Miếng thì vụ án này có điều bất thường là hồ sơ chỉ gồm 2 tập hồ sơ, ít hơn rất nhiều so với các vụ án về an ninh quốc gia khác do hành vi của các bị cáo đơn giản, chỉ đơn thuần là lập nhóm và bàn bạc hành động.

Theo Quyết định đem vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Michae Phương Minh Nguyễn, Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi bị bắt giữ vào ngày 14/7/2018, tức là khoảng hơn 1 tháng sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống Luật Đặc khu và An ninh mạng mà 3 người này có tham gia.

Hồi tháng 10/2018, có hai mươi mốt dân biểu Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo yêu cầu gây áp lực phía Việt Nam nhằm trả tự do cho ông Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị phía Việt Nam tạm giam để điều tra về cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".

Cả 3 bị truy tố theo khoản 1 điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức án từ 12 đến 20 năm nếu bị tuyên là có tội.

Hồi tháng 5/2019, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố một bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động.

*****************

Giao dịch tiền ảo tại Việt Nam : Thua nhiều hơn thắng (RFI, 10/06/2019)

Vào ngày 01/04/2019, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố là ngân hàng này chưa cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo hay tiền mã hóa nào, bác bỏ thông tin là đã có sàn giao dịch tiền ảo được Nhà nước cấp phép. Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết là thủ tướng chỉ mới giao cho bộ Tư Pháp "xây dựng đề án và tham mưu cho chính phủ ... hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề này".

Giao dịch tiền ảo tại Việt Nam: Thua nhiều hơn thắng

Ảnh minh họa. Bitcoin, loại tiền ảo thu hút ngày càng nhiều người ở Việt Nam Reuters/Dado Ruvic

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước tuyên bố như trên sau khi vào cuối tháng 3, trang mạng PR Newswire loan tin tập đoàn Linh Thanh Group của Việt Nam và tập đoàn KROWN Ventures AG của Thụy Sĩ đã ký với nhau một biên bản ghi nhớ (MOU) để lập sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên ở Việt Nam. Tập đoàn KROWN khẳng định là Việt Nam đã cấp phép cho sàn giao dịch tiền ảo đầu tiên này.

Sau khi đại diện Ngân hàng Nhà nước bác bỏ thông tin của trang mạng PR Newswire, trang TheCryptoUpdates ngày 01/05/2019 lại loan tin là công ty Bcnex của Trung Quốc đang thương lượng với chính phủ Việt Nam về việc cấp phép để trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.

Bất kể biện pháp ngăn chặn và cảnh báo từ chính phủ, thực tế cho thấy đầu tư vào tiền ảo vẫn gia tăng tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Theo một báo cáo của DataLight, một trang web chuyên phân tích về tiền ảo, công bố ngày 29/04/2019, Việt Nam hiện trở thành một trong 10 nước hàng đầu thế giới về tiền ảo (đứng hàng thứ 8, sau các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc, Nga, Brazil, Đức, và trước Thổ Nhĩ Kỳ, Canada).

Thanh Phương

Published in Việt Nam