Việt Nam xây dựng hải đội dân quân tự vệ để bảo vệ Biển Đông (RFA, 31/12/2019)
Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư, xây dựng các hải đội dân quân tự vệ ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh, để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.
Tàu cá của những ngư dân ở Đảo Lý Sơn vào tháng 8/2012. AFP
Đó là thông tin được Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng - Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, được tổ chức sáng 31/12.
Báo trong nước cho biết Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh trong năm 2019, tình hình Biển Đông "có những diễn biến phức tạp".
Vào tháng 7/2018, các thành viên Quân ủy Trung ương được nói đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng hải đội dân quân biển.
Quân ủy Trung ương khẳng định việc triển khai các hải đội dân quân biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng.
Từ giữa tháng 6/2019, Trung Quốc liên tục điều các tàu thăm dò Hải Dương 08, hải cảnh, đội tàu dân quân tự vệ của nước này đến khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để gây rối hoạt động khai thác dầu của Việt Nam.
Căng thẳng Bãi Tư Chính leo thang đến tháng 8 sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu và các chính phủ Mỹ, EU bày tỏ quan ngại hành động trên của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chính Ngoại trưởng Vương Nghị đáp trả và liên tục khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền nước này là "thuộc về lịch sử" và "không thể chối bỏ".
Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận đội tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã rút khỏi khu vực biển Việt Nam.
Biển Đông đang là khu vực tranh chấp giữa các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei…
Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc 9 đoạn tự vẽ đã bị Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) bác bỏ tính hợp lệ vào năm 2016.
*****************
Quan ngại về việc hầu hết camera tại Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc (RFA, 31/12/2019)
Hơn 90% camera tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc và có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ nên khả năng lộ thông tin cá nhân ra bên ngoài là rất cao.
Hệ thống camera giám sát. AFP
Truyền thông trong nước loan tin ngày 31 tháng 12 dẫn phát biểu của các giới chức trong ngành công nghệ thông tin như vừa nêu.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Bkav, nhận định rằng hiện nay trên thị trường Việt Nam hầu hết camera đều có xuất xứ từ Trung Quốc nên việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin là điều đáng phải quan tâm. Thậm chí một số dòng camera hoạt động theo cơ chế Cloud, có nghĩa là kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.
Ông Nguyễn Minh Đức, CEO Cyradar, cảnh báo các cơ quan nhà nước nên lựa chọn kỹ hơn khi sử dụng camera, không nên dùng loại camera lưu trữ trên cloud của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Theo Luật An ninh mạng của Việt Nam thì không cho phép lưu trữ dữ liệu của người dùng ra bên ngoài Việt Nam.
Tại Hội nghị 'Bảo đảm ATTT trong chuyển đổi số và Chính phủ điện tử' diễn ra đầu tháng 11 năm 2019, đại diện Cục An toàn thông tin trực tiếp dẫn chứng cho thấy có 1.452 camera đang bị chia sẻ công khai trên mạng, từ không gian gia đình, cảnh sinh hoạt cho đến những hoạt động riêng tư đều bị 'phơi bày'.
Một vụ việc gây xôn xao dư luận gần nhất là trường hợp ca sĩ Văn Mai Hương bị lộ clip có cảnh thay đồ tại nhà riêng. Tin cho biết camera tại tư gia cô này hồi năm 2015 ghi lén cảnh tư riêng mà cô ca sĩ này không hề hay biết.
*******************
Thưởng Tết, nơi cao - nơi thấp và ‘vòng nguyệt quế’ Việt Nam (BBC, 31/12/2019)
3,5 tỷ đồng là mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất năm nay, thuộc về một doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm ở Sài Gòn.
30 ngàn đồng là mức thưởng Tết Dương lịch thấp năm nay, của một công ty ở Hải Phòng.
Sự chêch lệch quá lớn này cũng thể hiện trong mức thưởng Tết Âm lịch.
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất cả nước hiện thuộc về một doanh nghiệp dân doanh trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng, lên đến 927,8 triệu đồng.
Trong khi mức thấp nhất chỉ 100 ngàn đồng thuộc về doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước ngoài khu công nghiệp.
Sự chênh lệch giữa mức thưởng Tết cho người lao động - nơi cao, nơi thấp - với mức chênh lệch tới cả ngàn lần như thế, cho thấy sự phân cực trong đời sống xã hội Việt Nam ngày càng lớn.
Tất nhiên, mức thưởng tết được người sử dụng lao động căn cứ trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Mức thưởng còn tùy vào đặc thù công việc, trình độ công nghệ cũng như năng lực người lao động mỗi ngành nghề.
Bởi vậy, so sánh chuyện thưởng Tết của những ngành khác nhau dường như có đôi chút khập khiễng.
Nhưng thực tế là người lao động không thể không mủi lòng khi nghe những con số thưởng Tết cao lên đến hàng chục, hay hàng trăm triệu đồng ở nơi này, nơi nọ.
Chẳng hạn, nhiều giáo viên nói rằng đến thời điểm này, họ vẫn chưa nhận được thông báo gì của nhà trường về tiền thưởng Tết Âm lịch, theo báo Lao động hôm 21/12.
Hơn thế, có một thực tế, với đại đa số người lao động, một cái Tết có no đủ hay không phụ thuộc phần nhiều vào tiền thưởng dịp này, chứ thưởng Tết không hoàn toàn chỉ là chuyện có thì vui không thì cũng không sao.
Và thực tế, người lao động cũng dành tự động viên nhau : "rằng ít nhất mình vẫn có việc làm, có lương hằng tháng cả năm rồi, thôi thì Tết nhất không có thưởng chút cũng được", như một bài trên báo Tuổi trẻ.
Có ai trên những "vòng nguyệt quế" ?
Trong khi đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, giới chức lãnh đạo Việt Nam thông báo "kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực", trong năm 2019.
Theo truyền thôngb Việt Nam viện dẫn báo cáo của Chính phủ Việt Nam cho hay, năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới ; quy mô GDP khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 đôla Mỹ/người.
Bởi vậy, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, cũng tại hội nghị nói trên đã viện dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới đánh giá về kinh tế Việt Nam rằng, "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam".
Ông cũng nêu lên 4 chứng cứ cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên, như sự gia tăng trong các chỉ số phát triển kinh tế, rồi các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm ; tiềm lực quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường ; và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiếp tục đẩy mạnh hơn.
Trong những năm tới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng đã đặt ra yêu cầu cho những năm tiếp sau là "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng viện dẫn lời của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn khi nói rằng, chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh, nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi".
Không rõ trong 6 trụ cánh ấy mà ông Phúc đưa ra, có trụ cánh nào là sự công bằng về cơ hội cho những người lao động hay không, nhưng vòng nguyệt quế của sự tăng trưởng mà báo chí nhà nước vẫn hay dùng rất nhiều mỹ từ như 'ấn tượng,' 'bứt phá,' 'vượt trên thử thách' hay 'mặt trời vẫn đang tỏa sáng' ấy, đã bỏ qua nhiều người lao động.
Và trong khi say sưa với những thành tích qua những con số, hãy quan tâm hơn đến những mâm cơm ngày Tết lẫnngày thường của những lao động nghèo. Để đừng tự hỏi tại sao, khi nhiều người lại chạy trốn khỏi nơi "mặt trời vẫn đang tỏa sáng" để chui rúc lên những thùng xe vất vưởng nơi xứ người.
Theo bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội, năm nay mức thưởng Tết theo báo cáo của các địa phương vẫn có nơi nhận 50.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết chênh lệch quá lớn ở Việt Nam tiếp tục cho thấy sự chênh lệch trong thu nhập của người Việt đang ngày càng lớn.
Mức thưởng Tết 2017 cao nhất đến thời điểm ghi nhận ngày 30/12, theo ZingNews, là 1 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó VnExpress đưa tin những công nhân ở Hải Phòng chỉ nhận được mức thưởng Tết trị giá khoảng 5 đô la (tương đương hơn 100.000 đồng).
Theo bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội, mức thưởng Tết theo báo cáo của các địa phương vẫn có nơi nhận 50.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết quá khác biệt đang phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo và mức thu nhập trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng lên, theo tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh.
"Việc thưởng Tết cũng phản ánh một phần - nó là bộ phận để phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo và những doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì hầu như là không có thưởng Tết hoặc cố gắng lắm chỉ thưởng 1 tháng lương. Trong khi đó những công ty khác kể cả những tập đoàn nước ngoài họ thưởng cho rất lớn. Và khoảng chênh lệch đó rất xa nhau. Năm nay nó càng xa nhau một cách rất đậm nét".
Một công ty bất động sản ở Hà Nội cũng có mức thưởng Tết cho mỗi giám đốc một chiếc ô tô trị giá 1 tỷ đồng, theo ghi nhận của TTXVN. Công ty này thưởng Tết cho 8 nhân viên quản lý bậc trung vì có đóng góp cho mức tăng lợi nhuận 20% của công ty trong năm qua.
Theo truyền thông trong nước, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu về mức thưởng Tết. Thống kê của sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội cho thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI có mức thưởng trung bình cao nhất, khoảng hơn 200 triệu đồng/người. Nhưng cũng theo số liệu của sở, một số doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết Dương Lịch 2017 cho người lao động.
Nguyên viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương Lê Đăng Doanh cho biết nguyên nhân về sự chênh lệnh này.
"Rõ ràng những doanh nghiệp nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay lại có lũ lụt ở miền Trung rồi thảm họa Formosa ở 4 tỉnh phía bắc miền Trung, rồi miền Nam thì bị khô hạn. Tất cả những khó khăn và chênh lệch đó phản ánh rất đầy đủ sự chênh lệch giàu nghèo và kể cả những khoản thưởng Tết này".
Phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam Mai Đức Chính được Tiền Phong trích lời nói "năm nay nhìn chung tình hình kinh tế và hoạt động doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên mức thưởng Tết cũng tùy thuộc vào một số ngành". Theo tờ báo điện tử này, ngành bất động sản có mức thưởng lớn nhất một phần nhờ vào sự phát triển mạnh của thị trường này trong năm qua.
Thưởng Tết ở Việt Nam không có chuẩn mực và luôn được xem là sự thỏa thuận giữa người chủ và nhân viên. Trong những năm trước đây đã có nhiều những cuộc đình công của công nhân vì các khoản thưởng Tết thấp hoặc không có thưởng. Theo Tiền Phong đưa tin, hàng trăm công nhân của công ty Sejong Vina với 100% vốn Hàn Quốc đã ngừng việc tập thể vì bức xúc với mức thưởng Tết thấp.
Theo khảo sát của bộ Lao động, thương binh và xã hội, bình quân thưởng Tết là 5,5 triệu đồng, tăng gần 16% với năm 2015 và theo khảo sát trực tuyến của VnExpress trên 12.00 độc giả cho thấy gần 30% nhận thưởng cao hơn năm trước. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê cuối tháng 12/2016, mức thu nhập trung bình của người Việt Nam trong năm qua đã đạt 2.200 đô la.