Thủ tướng Việt Nam lặp lại không vì quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc (RFA, 28/01/2019)
Tạp chí Nikkei Asian dẫn phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ Việt Nam bên lề cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ hôm 24/1 rằng Trung Quốc là nước láng giềng và là bạn bè của Việt Nam ; chính quyền Hà Nội mong muốn cố gắng giải quyết mọi vấn đề với Bắc Kinh để hai nước mở rộng, thúc đẩy hợp tác thương mại.
Diễn đàn kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. AFP
Đối với vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam sẽ bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chủ quyền của đất nước ngay cả khi tăng trưởng quan hệ kinh tế.
Phát biểu vừa nêu của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra vào khi Hà Nội đang tìm cách tránh khỏi những tác động do cuộc thương chiến Mỹ- Trung đang diễn ra. Đồng thời Hà Nội cũng phải tránh những ảnh hưởng của tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy trao đổi với chúng tôi rằng phát biểu của thủ tướng Phúc cũng giống như các nhà lãnh đạo khác chứ không có điều gì mới mẻ hơn.
"Phát biểu của ông Phúc chỉ thể hiện những điều mà những lãnh đạo từ nhiều năm nay đã nói và không có gì mới cả bởi vì Việt Nam luôn cố gắng đi vay nhờ các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc"
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lập luận rằng vì sống cạnh một anh hàng xóm lớn có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như hiện nay thì Việt Nam buộc phải duy trì mối quan hệ với Trung Quốc ; trong khi vẫn phải đảm bảo chủ quyền đất nước. Trong khi đó thì khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sự cạnh tranh rất là mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từ Sài Gòn cũng có nhận định :
"Tôi nghĩ rằng trường hợp Việt Nam với Trung Quốc cũng không khác hơn các trường hợp của những nước khác như Nhật và Nga thành ra chúng ta không thể tìm được hai nước láng giềng mà hòa thuận chung cho tất cả mọi phương diện được mà luôn luôn có những xung đột, tranh chấp chen lấn giữa hợp tác hai nước với nhau. Việt Nam với Trung Quốc có mối quan hệ phức tạp từ hàng nghìn năm rồi, về lịch sử văn hóa, bây giờ vấn đề về kinh tế chính trị thành ra đây là mối quan hệ phức tạp. Nói chung tôi đồng ý với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Việt Nam cần giữ một quan hệ kinh tế khả quan với Trung Quốc trong chừng mực hợp lý cho Việt Nam".
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì hiện thương mại Việt- Trung phát triển mạnh và mang lại lợi ích cho cả hai, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam ; tuy nhiên không vì mối quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền.
Nikkei Asian nhận định rằng về bề nổi Việt Nam đang duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Vào ngày 22 tháng 1, ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tân đại sứ Hùng Ba và theo Tân Hoa Xã thì tại cuộc tiếp, Ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại mong muốn tăng cường và phát triển quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
Cũng tại diễn đàn kinh tế thế giới, báo Vietnambiz.vn loan tin vào hôm 25/1 cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khiến nền kinh tế Trung Quốc bị chậm lại và gây tổn thất đối với tất cả nước láng giềng và đặc biệt là Việt Nam.
Đối thoại Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh minh họa) AFP
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ông chưa thấy được sự chậm lại của Trung Quốc làm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam.
"Thật ra tôi chưa nhìn thấy được thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong cái cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nhưng chắc chắn là nó có ảnh hưởng tới Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên thành ra khi Mỹ Trung có xung đột thì Việt Nam đứng giữa chịu ảnh hưởng. Còn thiệt hại thì thật ra tôi chưa thấy có con số bằng chứng cụ thể".
Một giải pháp kinh tế đối với Việt Nam hiện nay được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ là Việt Nam cần tăng tốc công tác cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Tầm quan trọng của cải cách doanh nghiệp nhà nước như bán cổ phần tại các doanh nghiệp này không chỉ cải thiện hiệu quả vốn tư nhân trong và ngoài nước mà nhằm hạn chế được tình trạng tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thừa nhận việc cải cách doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu cấp bách để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.
"Vì vậy Việt Nam với Trung Quốc cũng đều phải cải cách còn tham nhũng thì nó liên quan đến thể chế chính trị, luật pháp, liên quan đến công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng lãnh đạo và giám sát của nhân dân đó là vấn đề lớn hơn là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Và thực thi nghiêm túc các cam kết với tổ chức thương mại thế giới. Việt Nam đã ký một hiệp định rất quan trọng là CPTPP và hiệp định có nhiều quy định rất là chặt chẽ, rõ ràng và khắt khe trong việc chống tham nhũng. Tôi hy vọng rằng việc thực thi này giúp Việt Nam đẩy mạnh chiến đấu chống tham nhũng và làm bộ máy Việt Nam hiệu quả và trong sạch hơn".
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam bị gặp nhiều khó khăn rào cản về luật lệ, luật kinh doanh, giấy phép và tình trạng tham nhũng khiến chi phí tăng lên rất nhiều nên làm nản chí nhiều nhà đầu tư nhất là phương Tây.
Thực tế cho thấy chính phủ Hà Nội hô hào cải cách mạnh mẽ ; thế nhưng hiệu quả chưa được là bao.
Trong vấn đề làm ăn kinh tế với Trung Quốc, phần thâm thủng vẫn nghiêng về phía Việt Nam. Còn tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục lấn lướt và ngư dân Việt Nam là thành phần trước hết chịu thua thiệt trong hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển tranh chấp này.
******************
Chênh lệch thưởng Tết cho giáo viên (RFA, 28/01/2019)
Thưởng tết là vấn đề tài được giới làm công ăn lương hết sức quan tâm trong thời gian trước dịp nghỉ lễ truyền thống dài ngày này. Gần đây dư luận xôn xao về tình trạng một số trường ở Sài Gòn thưởng Tết giáo viên lên đến hàng chục triệu đồng trong khi đó nhiều nơi giáo viên chỉ nhận vài trăm ngàn tiền Tết.
Ảnh minh họa : Học sinh tại một trường tiểu học ở Sài Gòn. Courtesy hochiminhcity.gov.vn
Thắc mắc được đưa ra là chủ yếu nguồn chi cho giáo dục đều từ tiền ngân sách, vậy do đâu lại có tình trạng tiền thưởng tết chênh lệch như vậy.
Trong khi một số giáo viên ở Sài Gòn được nhận tiền thưởng Tết cao, thì một số người khác sống và làm việc cùng chung thành phố lại không hề được thưởng như vậy. Đó là chưa kể đến trường hợp những người làm nghề "gõ đầu trẻ" ở vùng sâu vùng xa, như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cả huyện được ngân sách rót 40 triệu đồng, mà không phải tiền thưởng tết, mà để dành hỗ trợ các thầy cô giáo đang khó khăn…
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang giảng dạy tại Hà Nội cho biết về tình hình thực tế :
"Chuyện thưởng Tết là theo ngành giáo dục của từng tỉnh, họ quyết định trước rồi, đa phần giáo viên trên cả nước nhận tiền thưởng Tết rất là nhỏ, không đáng kể. Ở các tỉnh miền núi, nhiều thầy cô giáo dịp Tết không có cái gì cả, ngoài tiền lương mỗi thầy cô chỉ nhận một hai trăm nghìn đồng, rất nghèo khó. Tôi dạy ở Thường Tín, Hà Nội đây, dịp thưởng Tết thực chất là chúng tôi được trả trước hai tháng lương, đó là từ ngân sách. Ngoài ra có một duy nhất gọi là tăng thu nhập, hai triệu rưỡi mỗi giáo viên".
Được biết, ngành giáo dục Việt Nam không có thưởng Tết và cũng không có lương tháng 13. Thực chất tiền thưởng Tết chính là khoản thu nhập tăng thêm do chi tiêu tiết kiệm của các trường theo Nghị định 43 của Chính phủ. Trả lời báo chí trong nước hôm 24/1, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí MinhM cho biết, tiền từ ngân sách rót về trường sau khi trừ các khoản chi phí, còn lại nhà trường chia thu nhập tăng thêm cho giáo viên, số tiền này tùy khả năng "gói ghém" của từng trường.
Ảnh minh họa : Học sinh và thầy giáo ở Mù Cang Chải, yên Bái. AFP
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, nhận xét :
"Hiện nay lương giáo viên rất là thấp, giáo viên ở thành phố thì còn dạy thêm để tăng thu nhập, còn giáo viên ở miền núi vùng sâu vùng xa thì không những không dạy thêm để có nguồn thu mà đôi khi còn phải bớt tiền của mình để cho học sinh nghèo. Rất là bất bình đẳng trong ngành giáo dục. Còn về tiền thưởng thì tôi nghĩ ngân sách không thưởng nhiều đâu, giáo viên tiên tiến thì chỉ vài trăm nghìn thôi. Thế nhưng mỗi trường họ có nguồn thu riêng, có quỹ riêng của họ là quỹ đen".
Để tìm hiểu tình thực tế, Đài Á Châu Tự Do liên lạc với một giáo viên không muốn nêu tên, hiện đang giảng dạy tại Sài Gòn, và được Cô cho biết thực tế có nhận một khoản tiền dịp Tết, tuy nhiên Cô cho biết đây không phải là tiền thưởng Tết. Cô giải thích :
"Năm nay nhà nước cho giáo viên lương theo chính sách nghị định 03. Vì Thành phố Hồ Chí MinhM là thành phố đặc thù, mức sống cao hơn những thành phố khác, nên cho công nhân viên chức của Thành phố Hồ Chí MinhM mức lương là 0.6 lần lương căn bản và bắt đầu cho từ tháng 4 năm 2018. Nhưng từ đó đến cuối năm 2018 không nhận đồng nào, nên mới dồn một lần lãnh gần Tết nên mọi người mới nghĩ là tiền thưởng nhưng thực ra nó không phải tiền thưởng. Đó là tiền chính sách chế độ và tiền lương của chúng tôi, dồn lại 3 quý và mới lãnh tuần rồi. Chứ thực ra tiền thưởng trường tôi chỉ hai triệu mấy thôi".
Tuy nhiên vị giáo viên này cũng nhìn nhận có nhiều trường tại Sài Gòn, giáo viên được nhận thêm nhiều khoản tiền khác rất lớn :
"Số tiền đó là tiền trích từ quỹ lương, là tiền tiết kiệm chi. Ví dụ nhà nước rót tiền để chi tiền lương cho giáo viên và các hoạt động khác, thì nếu hiệu trưởng tiết kiệm được các khoảng chi trong 1 năm, thì sẽ còn dư ra chia cho giáo viên vào dịp Tết, chứ không phải là tiền thưởng. Tiền tiết kiệm chi bao gồm cả tiền quỹ phúc lợi, ví dụ như trường nào có cho thuê mặt bằng thì gồm luôn tiền đó".
Theo ông Trần Khắc Huy, việc tiết kiệm để chia thưởng Tết trong trường học cũng gây quan ngại, vì tiền ngân sách chi cho tất cả hoạt động của trường, cật lực tiết kiệm như vậy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư cho giáo dục. Ông cho rằng, có trường đầu tư, chăm chút cho chất lượng giáo dục, hoạt động... nên xài hết tiền, cuối năm không có bao nhiêu. Nhưng có trường lại làm mọi cách để tiết kiệm thì lại dư nhiều, chia nhiều.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng, có những khoản tiền chi cho những hoạt động của giáo viên và học sinh như thực hành thí nghiệm, tham quan, các hoạt động tập thể.v.v… Nếu bớt những khoảng này để dư tiền ra thì tất nhiên ít nhiều ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo ông, những khoảng này không nhiều để có thể thưởng cho mỗi giáo viên hàng chục triệu đồng như ở Sài Gòn. Vì tiền ngân sách chi cho lương đã 70%- 80% rồi, còn những khoản khác thì rất ít. Ông nói tiếp :
"Ở thành phố lớn thì tôi nghĩ có những cái quỹ như khi dạy thêm thì phải đóng cho trường, thứ hai là do phụ huynh học sinh và có những trường có diện tích đất cho thuê. Thành ra có trường thưởng giáo viên vài chục triệu nhưng có trường chỉ một triệu. Và những trường ở miền núi đôi khi chỉ thưởng vài chục nghìn".
Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, để không còn xảy ra tình trạng này, trước nhất nhà nước phải tăng lương cho giáo viên trên toàn quốc. Thứ hai, là phải thưởng cho giáo viên để khuyến khích giáo viên có nhiều đóng góp sáng tạo. Và sau cùng, phải quan tâm thêm cho giáo viên ở vùng sâu vùng xa, để những giáo viên này có thể yên tâm làm việc ở vùng xa đó.
Trung Khang
********************
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, truyền thông trong nước loan tin giới công nhân chấp nhận vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" để đáp ứng nhu cầu đón Tết.
Giấy quảng cáo cho công nhân vay tín dụng đen. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vtc.vn
RFA tìm hiểu nguyên nhân liên quan thông tin vừa nêu trong phần sau.
Tình trạng hoạt động của các tổ chức tín dụng đen được truyền thông quốc nội mô tả là rất sôi động tại các khu công nghiệp trong thời gian cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Những tổ chức này túc trực 24/24 để cho vay tiền nhanh vì hàng ngàn công nhân cần tiền về quê ăn Tết.
Mặc dù mức lãi suất vay nóng cao đến hơn 500%/năm, nhưng nhiều công nhân được nói là đành phải cắn răng mà vay vì mặc dù làm việc vất vả quanh năm suốt tháng, thậm chí có nhiều hoàn cảnh phải làm thêm công việc khác mà vẫn không thể nào có được khỏan dành dụm để về quê sum họp gia đình hay gửi tiền quà cho thân nhân ở quê nhà trong dịp Tết.
Một số các công nhân mà Đài RFA tiếp xúc cho biết tình trạng công nhân phải vay tiền tín dụng đen với lãi suất cao để đón Tết diễn ra hàng năm và mỗi năm một tệ hơn vì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, do đồng lương không tăng mà vật giá thì leo thang sau mỗi dịp Tết về.
Một công nhân làm việc tại công ty Bon Chen ở Đồng Nai nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Đa số công nhân là mượn tiền ‘ăn trước, trả sau’. Đó là họ mượn một khoản nợ để sống rồi sau đó lãnh lương, tiền thưởng rồi họ phải trả với tiền lãi cao".
Ông Đoàn Huy Chương, thành viên của tổ chức công đòan độc lập "Phong trào Lao động Việt" xác nhận với RFA tình trạng công nhân phải vay tín dụng đen đón Tết xảy ra trong nhiều năm và công nhân không thể nào thoát được cảnh nợ nần do vay tiền nóng như vậy :
"Họ sẽ cầm cố các sổ bảo hiểm xã hội hoặc cầm cố những gì có thể cầm được như giấy chứng minh hay địa chỉ nhà của họ ở quê. Những người cho vay nặng lãi cho người đi hù dọa rất hay, cho nên không công nhân nào dám giựt nợ hết. Nếu giựt nợ thì họ sẽ tìm đến nhà, bằng mọi giá để đòi nợ, do đó công nhân rất sợ. Thường thì công nhân làm trong 3,4 năm thì trong sổ đóng bảo hiểm xã hội cũng có được một số tiền nhất định và họ sẽ coi theo số tiền đó mà họ cho vay. Ví dụ như trong sổ đã đóng được 20-30 triệu đồng thì họ chỉ cho vay mười mấy triệu trở lại thôi".
Ông Đoàn Huy Chương cho biết thêm rằng có một sự thỏa thuận ngầm giữa các tổ chức tín dụng đen với cơ quan nhà nước quản lý sổ bảo hiểm xã hội của công nhân, để truy thu tiền từ sổ bảo hiểm xã hội cầm cố này một khi công nhân thôi việc.
Ảnh minh họa : Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất dệt may tại Việt Nam AFP
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, diễn ra vào ngày 26 tháng 12 vừa qua, ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự cho biết lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi 124 băng nhóm có tổ chức về lãnh vực cho vay nặng lãi. Và, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Công An có các biện pháp ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê.
Một nữ công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Singapore 1, ở Bình Dương nói về truyền thông trong nước tuyên truyền cho công nhân không nên vay tín dụng đen :
"Công an bây giờ lên tivi, kêu gọi công nhân đừng vay tiền của những người cho vay nặng lãi ở bên ngoài, mà nên vay ở các ngân hàng. Bởi vì vay ở ngoài với lãi suất cao, mà không có khả năng trả nỗi thì sẽ bị những người cho vay đến tìm hăm dọa đánh, giết, tịch thu đồ đạc… Thấy sợ lắm".
Truyền thông quốc nội trong những ngày cuối năm 2018 cũng loan tin Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước dự kiến tung ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng.
Thế nhưng, trả lời câu hỏi của RFA liên quan những chính sách ưu đãi của các ngân hàng dành cho công nhân vay, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết công nhân nói rằng họ không biết gì về thông tin này và họ cũng không thể đáp ứng các điều kiện khi đến vay ở ngân hàng.
Một vài công nhân còn nói với RFA rằng dù biết vay tín dụng đen như "mang gông vào cổ", nhưng biết làm sao hơn trong bối cảnh đời sống công nhân khó khăn chồng chất ; còn các tổ chức tín dụng đen khi nào bị xóa sổ để họ không phải vay lời cắt cổ nữa thì việc đó là việc của Nhà nước lo.
Người nữ công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Singapore 1, tại Bình Dương chia sẻ với RFA tình cảnh đón Tết Kỷ Hợi trong vài ngày tới :
"Giờ thì không có tiền thưởng, chỉ có lương tháng về quê ăn Tết thôi. Công ty nói mình đợi đến tháng 3, sẽ thông báo cho biết có tiền thưởng hay không. Nếu có tiền thưởng thì sẽ phát cho mình một tờ giấy báo tiền thưởng bao nhiêu phần trăm. Còn như im ru, không phát giấy thông báo thì từ từ cắt giảm bớt tiền thưởng luôn đó".
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đạt mức GDP 7,08%, đạt kỷ lục trong một thập niên. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Phải chăng đây là một nghịch lý khi thành phần lao động chính là công nhân đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia, nhưng những đồng lương mà họ nhận được không thể tiết kiệm để đón một cái Tết truyền thống vui vẻ, chan hòa với người thân tại quê nhà ?
Hòa Ái