Cư dân Việt Nam được cấp quy chế thường trú nhân Hoa Kỳ, còn gọi là thẻ xanh, đa phần phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Donald Trump, theo đó cấm người tị nạn và di dân từ bảy quốc gia đa phần dân số là người Hồi Giáo.
Sắc lệnh của ông Trump ra lệnh tạm ngưng nhập cảnh người tị nạn vào Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày, cấm vĩnh viễn người tị nạn từ Syria, và thực thi lệnh cấm kéo dài 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị Thu Huỳnh, hiện đang sống ở Maryland, băn khoăn với sắc lệnh của ông Trump. Chị nói sẽ rất buồn nếu cá nhân hay người nhà, có thẻ xanh, lại bị cấm nhập cảnh vào Mỹ :
"Tôi cũng hơi suy nghĩ là nếu người ta là người ngay, thì phải làm sao đối với hoàn cảnh gia đình của họ. Hoàn cảnh gia đình của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ phải tự xoay sở thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới của nước Mỹ".
Tuy nhiên, chị Thu Huỳnh ủng hộ một phần của sắc lệnh này vì "sắc lệnh giúp ngăn chặn kịp thời kẻ khủng bố có ý đồ nhập cảnh vào Hoa Kỳ" từ những quốc gia có liên quan đến khủng bố.
Chị Thu Huỳnh nói về cái lợi của sắc lệnh vừa được ban hành ngày 27 tháng Giêng :
"Vì có người theo khủng bố nên chính sách đó là chính sách tốt. Về một mặt nào đó. Đối với kẻ theo khủng bố thì thật chính đáng".
Một chị ở Virginia, không nêu tên, cho rằng quyết định cấm nhập cư của Tổng thống Trump là "hoàn toàn sai trái". Chị nói :
"Đương nhiên tôi không nghĩ đó là một quyết định đúng. Quyết định này không làm người dân như tôi hài lòng. Một quyết định không tốt chút nào".
Anh Khanh Nguyễn ở Fairfax, Virginia, cho VOA biết anh có người thân là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, nếu người thân của anh không được quay lại Mỹ thì anh vô cùng tức giận :
"Dĩ nhiên, phản ứng đầu tiên của mình là tức giận. Tức giận vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất người thân của mình đã được cấp qui chế thường trú nhân, nhưng bây giờ không được nhập cảnh. Điều thứ hai là lòng người. Bao gồm cả người Việt Nam và các người dân trên thế giới".
Ngoài ra, anh Khanh Nguyễn còn nói rằng sắc lệnh này của ông Trump là một sai lầm lớn :
"Đây là một đất nước tự do. Khi là một đất nước tự do thì mọi người phải bình đẳng hết. Không thể nào mà lúc này thì người này được chấp thuận, lúc khác thì lại không được. Theo mình nghĩ, điều đó là sai lầm lớn của Tổng Thống Trump".
Theo Luật Di Trú Hoa Kỳ, thường trú nhân Hoa Kỳ, còn được gọi là người giữ thẻ xanh, được cấp nhiều quyền lợi. Họ có thể sống và làm việc tại bất cứ đâu ở Hoa Kỳ. Vì vậy, thường trú nhân có thể chọn để sống và làm việc ở bất kỳ tiểu bang nào của Hoa Kỳ mà họ mong muốn. Thường trú nhân được bảo vệ hoàn toàn trước luật pháp liên bang, tiểu bang và địa phương của Hoa Kỳ.
của Tổng thống Donald Trump về di dân tiếp tục "gây bão dư luận" công dân Việt ở Hoa Kỳ, dù họ không phải là đối tượng nằm trong lệnh cấm của Nhà Trắng.
Trên blog cá nhân, anh Châu Thanh Vũ, một nghiên cứu sinh người Việt học ở Boston, viết : "… rất nhiều người Việt Nam xem ông Trump đơn thuần là một vị tổng thống nói là làm, đặt lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Đối với họ, sắc lệnh cấm nhập cảnh của công dân 7 quốc gia mà đa phần dân số là người Hồi giáo là một việc làm đúng đắn bảo vệ lợi ích của nước Mỹ…".
Tuy nhiên, theo anh Vũ, "về phương diện đạo đức, điều này lại không hợp lý một tí nào. Trong khi châu Âu đang gồng mình lên tiếp nhận làn sóng người tị nạn chiến tranh từ Syria, thì Mỹ – siêu cường quốc của Thế giới – lại đang đóng cửa không giúp đỡ những người phải bỏ quê hương của họ để chạy đua với tử thần".
Sau khi sắc lệnh hành pháp về di dân ký ngày 27/1 gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp nước Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước sau khi đã đoan chắc, xem xét và thực thi các chính sách an toàn nhất trong vòng 90 ngày tới".
Anh Hùng Trần, người sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của GotIt !, một công ty khởi nghiệp về giáo dục ở Silicon Valley, nói rằng anh "chỉ có nhân viên ở Việt Nam và Mỹ nên hiện tại cũng không có bị ảnh hưởng gì bởi sắc lệnh của ông Trump".
Anh cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng việc cấm di dân của ông Trump đang "nóng" tại "thủ đô công nghệ của thế giới".
Anh nói : "Kể cả ‘co-founder’[người đồng sáng lập] của Google là Sergey Brin cũng đi ra SFO [sân bay quốc tế San Francisco] để tham gia cái ‘demonstration’ [biểu tình] với mọi người. Nói chung, ở Silicon Valley có rất là nhiều các kỹ sư và mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả Google hoặc các công ty lớn, người ta có rất nhiều nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Ở đây đang nóng về vấn đề đó".
Như anh Hùng, nhiều công ty công nghệ có người sáng lập sinh ra ở nước ngoài và tuyển dụng nhiều nhân viên khắp thế giới tới làm việc, trong đó cũng có không ít người là công dân của các nước nằm trong lệnh cấm của ông Trump nên buộc các công ty này phải lên tiếng phản đối sắc lệnh hành pháp.
Bạn đọc Len Nguyen, từ Washington, gửi ý kiến cho VOA Việt Ngữ, cho biết, "hoàn toàn ủng hộ quyết định sáng suốt của Tổng Thống Donald Trump".
Thính giả này viết tiếp : "Cần phải có biện pháp nghiêm ngặt, phối kiểm kỹ lưỡng những thành phần ở 7 nước có nguồn gốc người lợi dụng đường lối di dân nhân đạo của Hoa kỳ để len lỏi mà gây nên cái thảm hoạ 9/11. Đây là bài học xương máu của Hoa Kỳ mà những ai có ý phản đối hay dọa Tổng Thống Donald Trump cần phải xem xét lại. Hoan hô Tổng Thống Donald Trump".
Trong khi đó, chị Thảo Lê, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại thành phố Philadelphia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng có trao đổi với các bạn bè bản xứ, và theo lời chị, "họ thấy nó rất là kiểu vô lý vì ‘ban’ [cấm] một số nước mà một số nước đấy lại không liên quan tới khủng bố gì hết".
Bảy quốc gia nằm trong "danh sách cấm" của ông Trump gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị nói thêm : "Trường có đưa ra những cái email bảo là, trong những tháng sắp tới mọi người đừng rời nước Mỹ vì đi có khả năng không được vào lại. Trường cũng có báo, trường cũng ‘take action’ [hành động]".
Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng đã ra thông báo trấn an các du học sinh từ quốc gia bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của ông Trump.
Theo thống kê chính thức của các cơ quan giáo dục Mỹ, hiện có hơn 21 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng thứ sáu trong các quốc gia trên toàn thế giới có du học sinh tới Mỹ học tập.
Anh Thành Đỗ, sinh viên gốc Việt tại New York, cho rằng chính sách của ông Trump "gây chia rẽ". Anh nói : "Các bạn không quá là lo lắng, nhưng cảm thấy nó không đúng. Ở Mỹ, đáng nhẽ phải rất là ‘diverse’ [đa dạng], nên đáng nhẽ phải có các policies [chính sách] giúp mọi người dễ hòa nhập hơn, nhưng đây nó lại tìm cách để chia rẽ".
Về khả năng tân chính quyền Mỹ ban hành các chính sách siết chặt việc các du học sinh nước ngoài ở lại làm việc, anh Thành nói rằng "tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa".
Trong tuyên bố chính thức của Nhà Trắng hôm 29/1, ông Trump nói rằng "nước Mỹ là quốc gia hãnh diện vì người nhập cư và chúng ta sẽ tiếp tục cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế".
****************
Cảnh sát Pháp phá vỡ một đường dây đưa người Việt sang Anh bất hợp pháp (RFI, 31/01/2017)
Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp. Ảnh chụp năm 2009. Ảnh : Reuters
Nguồn tin từ giới điều tra, ngày 30/01/2017 cho AFP biết : Một đường dây đưa người nhập cư Việt Nam từ Pháp sang Anh bất hợp pháp đã bị phá vỡ vào cuối tuần qua.
Hàng chục cảnh sát đã được huy động, với sự hỗ trợ của trực thăng và chó nghiệp vụ, đã phong tỏa một khu lán trại của người Việt, ở Angres, vùng Pas-de-Calais, miền tây bắc nước Pháp.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà điều tra thuộc cơ quan trấn áp nhập cư bất hợp pháp (Ocriest), cảnh sát đã câu lưu khoảng 15 người và tạm giữ 5 người trong đó có 4 người Việt và 1 lái xe taxi người Pháp.
Cuộc điều tra bắt đầu từ hồi tháng 3/2016 và cho thấy có một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp bắt nguồn từ vùng Paris. Những người Việt Nam tự đến Pháp và tại Paris, họ được chở bằng taxi đến Lens, sau đó được đưa vào khu lán trại ở Pas-de-Calais, chờ thời cơ đi sang Anh Quốc.
Những người này phải trả 700 euro để được nhập trại. Sau đó, họ phải chi từ 3500 đến 10 000 euro để được sang Anh. Một khoản tiền lớn trong số này được dùng để chi cho tài xế xe tải hạng nặng có giao kèo với mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp. Cũng có nhiều trường hợp người nhập cư được thả xuống các trạm nghỉ dọc đường và phải tự xoay xở.
Cuộc điều tra khá phức tạp bởi vì "cộng đồng người Việt sống rất khép kín". Các nhà điều tra cho biết là từ một năm nay, mạng lưới đưa người này đã thực hiện được nhiều vụ.
RFI tiếng Việt