Khôi hài khi đề nghị trao huy chương vàng cho kinh tế và Thủ tướng Việt Nam !
Thanh Trúc, RFA, 27/12/2019
"Tiến sĩ Tuấn và huy chương zàng" là tựa bài viết của tác giả Nguyễn Tiến Tường trên trang mạng baotiengdan.com hôm 23/12 vừa qua.
"Việt Nam nợ quá đến nỗi bị Moody's hạ mức tín nhiệm ; kinh tế vu mô loạn cào cào mà đòi đeo huy chương vàng cho nền kinh tế...", Nguyễn Tiến Tường (Hình minh họa -RFA edited from AFP photo) - AFP
Thay vì dùng từ ‘huy chương vàng’, tác giả dùng từ ‘huy chương zàng’ để nói về đề nghị mà giảng viên kinh tế Đại Học Fulbright, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, đưa ra cho kinh tế và Thủ tướng Việt Nam trong năm qua.
Theo người viết Nguyễn Tiến Tường, khi đề nghị như vậy thì Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn đã ‘mang nhân dân và Thủ tướng ra bỡn cợt rất mất nết’.
Tác giả Nguyễn Tiến Tường viết : " Quốc gia đang gia tăng nợ, cần vay đến 459 nghìn tỷ Đồng để …đi trả nợ cũ, khác nào đi bốc bát họ để trả góp ngày, khác nào vay tín dụng đen để trả tiền FE Credit"
Ông nói Việt Nam nợ quá đến nỗi mới rồi bị Moody’s hạ mức tín nhiệm tín dụng xuống tiêu cực, rằng trong bối cảnh kinh tế vi mô loạn như cào cào và người lao động miệt mài một ngày công mà không mua nổi một ký thịt heo, thì đòi đeo huy chương vàng kinh tế là chơi khăm đất nước, miệt thị nhân dân, khác nào áo rách bị xúi đi nhảy đầm, húp cháo loãng mà bắt đeo nhân sâm giả vào cổ.
Không chỉ mai mỉa, tác giả còn suy diễn đề nghị của tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là "mượn gió bẻ măng, mượn đao giết người, cả gan "gài" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ca ngợi về tầm nhìn 2045 mà ông chia sẻ, rằng giữa bốn bề thất bát mà anh đòi trao huy chương vàng cho Thủ tướng tức là mang Thủ tướng ra giải tỏa cái thói tư hữu tham lam của mình".
Qua tìm hiểu của RFA, bài viết đưa lên mấy hôm nay đã lôi kéo sự chú ý của nhiều giới, nhất là trên cộng đồng mạng,. Nhiều người cho rằng có thể coi đây là chuyện vui với nhau cuối năm 2019 này.
Từ Sài Gòn, một cây viết phản biện trên mạng, nhà báo Nguyễn Ngọc Già,cho biết :
"Tin tôi đọc trên VietnamNet, báo lề phải, thì tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là người nổi tiếng của Đại Học Fulbright Vietnam có nói rằng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được thưởng huy chương vàng thứ 100. Theo thiển ý của tôi đó là một câu cợt nhã hơn là lời nói thật.", Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
"Tin tôi đọc trên VietnamNet, báo lề phải, thì Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là người nổi tiếng của Đại Học Fulbright Vietnam có nói rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được thưởng huy chương vàng thứ 100. Theo thiển ý của tôi đó là một câu cợt nhả hơn là lời nói thật."
Vậy Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn là ai, đề nghị của ông ta nghiêm túc hay chỉ là chuyện nói cho lấy được. Nếu nhìn trên góc độ nghiêm túc thì không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới người dân hay báo chí thường đem những khuôn mặt lãnh đạo ra để bàn tán, đánh giá, thậm chí châm biếm bằng những câu chuyện khôi hài, nửa đùa nửa thật miễn là không hại gì. Lại nữa, đôi khi phản ứng từ những câu chuyện ấy lại phản ảnh nếp nghĩ của người dân trước thực tế của đất nước, là khẳng định của tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên kinh tế Đại Học Quốc Dân Hà Nội :
"Theo quan điểm của mình đây chỉ là một nhà kinh tế đơn lẻ thì không nói lên được điều gì. Nói đến góc độ huy chương là nói đến các đoàn thể thao đi tham dự thế vận hội hay khu vực mà đoạt huy chương, chứ còn về mặt kinh tế thì ta không nói đến chuyện huy chương hay không huy chương bởi vì nền kinh tế Việt Nam mới chỉ ở mức thu nhập trung bình và vẫn còn nhiều cái để mà lo ngại"
"Thủ tướng đã có một cái tổ tư vấn kinh tế toàn là chuyên gia hàng đầu rồi, ông đấy chỉ là một quan đểm mang tính cá nhân chứ không phải chính thức. Mà thực ra ông ấy cũng không có một góc độ gì để phát ngôn không hợp lý như vậy".
Một người từng là giảng viên Đại Học Fulbright trước tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nhiều năm, ông Bùi Văn, hiện phụ trách kênh TV FBNC chuyên về kinh tế, cho rằng đây chẳng qua chỉ là chuyện đùa :
" Tôi nghĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nửa đùa nửa thật, trong lúc thân tình thì anh nói thế. Đỗ Thiên Anh Tuấn là bạn tôi, khá thân, được học hành đào tạo đàng hoàng và là một giảng viên nghiêm túc. Mấy lần Thủ tướng đi dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Thụy sĩ thì đều mời anh này đi cùng. Nhưng mà anh này vẫn là một anh nghiên cứu kinh tế, anh thiên về Academic, là người đàng hoàng tử tế chứ không có ý đồ gì về chính trị hay làm quan chức đâu".
Đây cũng là giải thích gián tiếp của ông Bùi Văn khi nghe cư dân mạng kháo nhau rằng Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, không dưng nịnh bợ ông Nguyễn Xuân Phúc bằng đề nghị huy chương vàng, chẳng qua vì đang ngấm nghé chiếc ghế mà một tiến sĩ kinh tế khác là Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, vừa được cất nhắc lên chức Tổ trưởng Tổ Tư Vấn cho Thủ tướng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già vẫn tin rằng Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, kể cả người viết Nguyễn Tiến Tường trên baotiengdan.com, đều có ý bỡn cợt ngay từ đầu :
"Tôi nghĩ trong cách bỡn cợt, khen như vậy ông vẫn lách được. Trong giới gọi là Sĩ Phu Bắc Hà thì người ta có cách chửi thâm thúy là "khen cho mày chết". Không có gì ngạc nhiên khi ông tiến sĩ khen tặng ông Nguyễn Xuân Phúc với cái huy chương vàng. Không thể nào ông Đỗ Thiên Anh Tuấn không biết, huống chi ông là tiến sĩ kinh tế nổi tiếng của trường đại học Fulbright cơ mà. Đâu có thể làm gì ổng được đâu, ổng khen mà".
Về bài viết của ông Nguyễn Tiến Tường, nhà báo Nguyễn Ngọc Già diễn giải tiếp :
" Tôi nghĩ bài của ông Nguyễn Tiến Tường là một hình thức tương kế tựu kế, có thể ông ta hiểu được cái ý sâu xa của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn và ông ta viết mang tính chất trào lộng thì cũng không có gì để ngạc nhiên".
Sau cùng, từ đề nghị của Tiến sĩ kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại Học Fulbright cho đến bài viết phản bác của tác giả Nguyễn Tiến Tường trên baotiengdan.com, nhà hoạt động xã hội Trần Bang cho rằng tất cả như màn hài kịch :
" Ông Nguyễn Tiến Tường có kiến thức sâu và ông nói hài như thế cũng thấy hay. Có thể cái cách buộc phải dùng đại ngôn như vậy, mua vui cũng được một vài phút cho người đọc, nó buồn cười mà có cái gì đó rất thật, còn thực tế thì người ta sẽ thấy đau…"
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/12/2019
********************
Nịnh "thể chế"
Phùng Dương, VNTB, 26/12/2019
"Hèn" luôn đi liền với "hạ", trong một thể chế mà quyền đường nói thẳng và thật luôn bị cho là "nhạy cảm, xuyên tạc" thì một trí thức có thể "hèn" khi họ không đứng lên chống lại sự bất công, vô lý đó. Nhưng nếu trí thức đó "hạ" mình để nâng cái "đểu giả, vô lý" đó lên thành "chân lý", thì đó là một trí thức vứt đi.
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright nói cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được trao tấm huy chương vàng thứ 100 của Việt Nam tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với doanh nghiệp.
Nhiều người nhận định quan điểm đó là "nịnh".
Facebooker Nguyễn Thiện, người trong chia sẻ sự kiện này cho rằng, dù ông không phải là một tri thức, nhưng ông "ngượng" vì phát ngôn của một tri thức như ông Tuấn.
Facebooker cũng dẫn lại một "tư cách luồn cúi" của một vị tri thức sau giải phóng trong Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, tại trang 685 : tháng 8.1975, Đại hội trí thức yêu nước ở Nhà Hát Thành phố, tôi được mời dự với tư cách nhân sỹ. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải – từng là chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1966 – 1967 – bước lên bàn chủ tọa trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý : "Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi mới một tuổi, mới sanh ngày giải phóng". Cử tọa im lặng, vì cảm động hay vì buồn cho Cụ".
"Phẩm gia của trí thức" có thể được xây dựng trong một thời gian dài nhưng dễ dàng bị phá nát bởi chữ "nịnh".
Câu chuyện "nịnh" nếu nhìn ở một góc cạnh khác là hình thức của một thời kỳ mà người nói ngay và thẳng luôn bị thiệt thòi. Thậm chí sâu hơn, những người nói thẳng đến mức gay gắt sẽ trở thành những người bất đồng chính kiến.
Và tất nhiên, kẻ biết nịnh trở thành "rường cột quốc gia" theo một nghĩa nào đó.
Đó phải chăng là lý do để "kết nạp" ông Nguyễn Đức Kiên, một "trí thức" biết cách diễn giải bằng mọi lối chính sách, chủ trương của nhà nước – dù cho sai lầm, vào "Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ" ?
"Hèn" luôn đi liền với "hạ", trong một thể chế mà quyền được nói thẳng và thật luôn bị cho là "nhạy cảm, xuyên tạc" thì một trí thức có thể "hèn" khi họ không đứng lên chống lại sự bất công, vô lý đó. Nhưng nếu trí thức đó "hạ" mình để nâng cái "đểu giả, vô lý" đó lên thành "chân lý", thì đó là một trí thức vứt đi.
Trong lịch sử, chúng ta có một Chu Văn An đứng thẳng giữa đám thần cúi đầu, khịu gối ; chúng ta cũng có một Nguyễn Trường Tộ dám đứng lên nói về tiên tiến Tây phương giữa đám cận thần hủ nho ; chúng ta cũng có một tướng Trần Độ bắn toạc sự giả dối về một chân lý xã hội chủ nghĩa.
Khác nhau về thời đại, chức vị, nhưng giống nhau ở hoàn cảnh lời thẳng thật không hề được lắng nghe, và đất nước cũng sớm rơi vào điêu tàn từ khi "thẳng" xuống và "nịnh" lên ngôi.
Khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền 2 nhiệm kỳ, ông ghi dấu ấn với Quyết định 97/2009/QĐ-TTg, gián tiếp tán Viện nghiên cứu phát triển (IDS).
IDS hoạt động trên cơ chế độc lập và mở. Và kết quả của những tiếng nói độc lập, thẳng thắn lại là những phán xét từ phía "an ninh quốc gia" với những luận điệu không bao giờ cũ : nhận tiền nước ngoài, chống đối nhà nước.
Kết quả giáo dục, y tế, giáo dục nát trong giai đoạn 2009-2016, riêng nguồn tiền đổ vào ngành giáo dục trở thành trò chơi thử nghiệm về sách giáo khoa và đổi mới giáo dục.
Tư duy chuyên quyền khiến cho các góp ý thẳng thắn không còn đất sống. Nạn "chảy máu chất xám" diễn ra ngay trong cơ chế, và điều đáng đau xót, chất xám đó lại là chất xám của những trí thức dám đặt lợi quyền dân tộc lên trên hết.
Khi ông Nguyễn Xuân Phúc đưa 5 thành viên là các chuyên gia kinh tế từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore vào Tổ tư vấn kinh tế của mình, ông chắc chắn đang muốn "chỉnh đốn" lại nền kinh tế trì trệ từ người tiền nhiệm. 5 người là nguồn gió mới, đưa Tổ tư vấn Kinh tế thời kỳ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kế thừa một phần tinh thần "độc lập" của IDS. Và kết quả, chính sách này đã khiến nền kinh tế Việt Nam tươi hơn so với nhiệm kỳ trước đó.
Nhưng, giáo dục vẫn trì trệ, y tế có điểm sáng nhưng vẫn đang chịu sức ép nặng của hệ thống quan liêu hành chính. Do đó, cuộc cách mạng 4.0 hay Chính phủ kiến tạo chưa tiệm cận được 0.4.
Khoa học – công nghệ có vẻ đang dựa vào con bài chủ chốt – Vingroup. Doanh nghiệp nổi lên bất động sản và những sản phẩm ô-tô lẫn điện thoại, xe đạp điện còn lắm khuyết điểm nhưng lại thừa hiệu ứng PR "mãnh liệt tinh thần Việt".
Vào ngày 23-12-2019, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp nhằm "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hiệu quả, hội nhập, bền vững". Nhưng cả ba yếu tố "hiệu quả, hội nhập, bền vững" có tồn tại được hay không đều xuất phát từ cải cách thể chế, từ những tư vấn kinh tế… có tâm và tầm.
Tâm không thể xuất phát từ những ông Nguyễn Đức Kiên, tầm càng không thể xuất phát từ những người như thế. Và cải cách thành hay không càng không thể đến từ những "trí thức nịnh".
Khi nào viện IDS còn chưa được tái lập, chừng nào những trí thức như Trần Huỳnh Duy Thức còn ngồi trong tù, chừng nào Chính phủ ứng xử với những bất đồng chính kiến bằng nhà tù thì chừng đó, mảnh đất thể chế chỉ mọc lên những loài cỏ dại cơ hội. Và không sớm thì muộn, hiện tượng "nát" sẽ sớm trở lại với nền kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam. Bởi lẽ, trong lời tri mệnh diệt chủng Việt Nam của cụ Phan Bội Châu cũng đề cập hành vi, "làm cho dân ta không biết phải trái đúng sai, chỉ biết luồn cúi, vâng lời giai cấp có tiền, kẻ cho tiền và bổng lộc, chỉ còn biết say mê vật chất, cúi đầu trước kẻ đè nén xác thịt người."
Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ Đạo trong kết luận tại cuộc họp về Chính sách xã hội hôm 13/12, cảnh báo cần chú ý hai vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đó là sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các nơi ngày càng cao, và tình trạng trẻ em, người già bị rối loạn tâm lý ngày càng tăng.
Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016.- AFP photo
Các nhà xã hội học đánh giá vấn đề này ra sao ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Xã hội học Việt Nam, có nhận định :
Tôi nghĩ đây là những vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trúng và đúng. Một vấn đề rất cơ bản và rường cột đó là phân hóa xã hội, việc hình hành các giai tầng mới, cũng như việc giãn ra ngày càng lớn hơn của các mức sống tầng lớp dân cư. Vấn đề khác là phần tử của các nhóm yếu thế tự đối diện với chính mình mà thiếu sự trợ giúp của xã hội dẫn đến các hành vi tự kỷ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, Nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, thì nhận định của ông Phó Thủ tướng Việt Nam không mới lạ.
Tôi nghĩ những vấn đề ông nêu lên chẳng có gì mới cả. Xã hội nào cũng có những vấn đề về người già và chênh lệch giàu nghèo, nhất là những nước có hệ thống an sinh xã hội chưa được điều chỉnh, cụ thể như Việt Nam.
Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng biện pháp giải quyết bất cập của nhà nước mới là vấn đề cần tập trung. Ông nói :
Trên thực tế, nhà nước được coi là người đại diện cho nhân dân thì có làm đúng những gì họ được ủy nhiệm không ? Nếu không đúng thì nhân dân có hình thức nào để kiểm soát, chế tài, thậm chí là phế truất họ không ? Cái đấy mới quan trọng thì chẳng thấy ai bàn cả, đều tránh né.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ hôm 26/11 khẳng định quyết tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện an sinh xã hội bằng chính sách của Nhà nước.
Trẻ em dân tộc H'mông ăn trưa miễn phí tại một trường mầm non tại một tỉnh miền núi phía Bắc hôm 3/4/2015 AFP photo
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định thu hẹp khoảng cách giàu nghèo không phải là một nỗ lực tuyệt vọng, nhưng là một bài toán có lời giải rất xa. Ông nói :
Tôi nghĩ chuyện nói rằng thu hẹp khoảng cách đấy cũng chỉ là một thông điệp, một khẩu hiệu hành động nhiều hơn là hoạt động trong thực tiễn. Bởi vì đấy là câu chuyện thế tất phải diễn ra. Đây là một thực tiễn khách quan không đảo ngược. Điều đó cũng phù hợp với mô hình tăng trưởng của xã hội các quốc gia phát triển trên thế giới chứ không hề xa lạ. Khi tôi nói điều đấy nghĩa là sự hòa nhập, sự xích lại gần gũi hơn với các quốc gia phát triển thì lớn hơn.
Liên quan đến vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ em và người già, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là tình trạng chung của mọi xã hội.
Vấn đề trẻ em tự kỷ và thành viên của nhóm yếu thế có vấn đề về tâm lý thì có lẽ là phổ quát trong lòng mọi thể chế, chứ không riêng ở Việt Nam. Đây là bài học và thực tiễn của một xã hội đang phát triển phải đối mặt.
Bác sĩ Đinh Đức Long có cùng quan điểm như trên và giải thích nguyên nhân :
Xã hội có nhiều mâu thuẫn, căng thẳng. Trẻ con không được bố mẹ quan tâm vì chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, chạy theo công việc. Trẻ em bị bỏ rơi, và người già cũng thế thôi. Tôi nghĩ ở nhiều nước phát triển, người già bị cho vào trại dưỡng lão, đâu được ở gia đình với con cháu. Vấn đề đó cũng gây ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý. Người già mà ở với con cháu thì khác hoàn toàn chứ.
Chúng tôi liên hệ một nhóm thiện nguyện độc lập ở Sài Gòn từ hơn 5 năm qua chăm lo đời sống cho gần 200 em thiếu nhi và 150 cụ già neo đơn sống tại các ngôi chùa, các mái ấm và được người đại diện chia sẻ thực tế hiện nay.
Thực sự đối với những đứa nhóc thì đang bị thiếu những hoạt động để được đi ra ngoài đường. Cái xã hội ở ngoài của tụi nhỏ là đi bệnh viện và đi chích ngừa. Còn người già thì gần như là bị bao bọc trong bốn bức tường. Họ rất vui khi tiếp xúc với người bên ngoài nhưng họ không có cơ hội. Đa phần là mọi người đang bị thiếu cơ hội tiếp xúc bên ngoài xã hội.
Người đại diện của nhóm đánh giá về tâm lý của trẻ em và người già trong các mái ấm, nhà tình thương ở Sài Gòn hiện nay.
Cơ bản em thấy là họ đang bị thiếu tình thương. Đa phần các nhóm công tác xã hội chỉ đến 1, 2 lần rồi ngưng. Thực sự là người ta cần dài hơn chứ không cần ngắn hạn. Em thấy tâm lý của những người cần giúp đỡ không phải là gắn bó vật chất nhiều hơn và cần về tinh thần nhiều hơn.
Thực tế cho thấy Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại không chỉ riêng hai vấn đề ‘mới nảy sinh’ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến.
Tuy vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình chia sẽ quan điểm của ông rằng các vấn đề ấy dường như đều được gom lại vào một điểm ở tầng vĩ mô.
Có nhiều vấn đề liên quan đến manh áo mà cơ thể kinh tế xã hội này vốn đã từng vừa vặn nhưng nay không còn vừa vặn nữa. Tức là câu chuyện không tương thích giữa thể chế với sự phát triển mang tính cách khởi phát, đồng bộ, toàn thể để kích hoàn toàn bộ xã hội.
Tiến sĩ Bình ví von rằng thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam như một manh áo chật, hiện không còn vừa vặn với một cơ thể đang vươn tới sự lớn rộng, và lời giải đáp cho vấn đề nằm ở ngay hình ảnh ấy.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 15/12/2018
Chiều hôm qua, nói chuyện với H, một thanh niên trẻ tuổi từ Việt Nam qua Pháp tu nghiệp.
Một quốc gia cũng phải có một chính phủ mạnh để bảo đảm trật tự, nếu không sẽ loạn !
H là sản phẩm của giáo dục "xã hội chủ nghĩa", từ nhỏ tới lớn, nhưng cũng quan tâm tới "chính trị", nhất là từ ngày ở trong nước "đi đâu cũng thấy Tàu". H nói "thỉnh thoảng có đọc bài của chú , muốn gặp để trao đổi".
H nhìn nhận ở Việt Nam thiếu tự do thực, "nhưng một quốc gia cũng phải có một chính phủ mạnh" để bảo đảm trật tự, nếu không sẽ loạn. Trả lời : nếu "chính phủ mạnh" đó tự cho mình toàn quyền sinh sát, trật tự đó là trật tự của nhà tù. Chỉ ở những nơi người ta coi dân như đàn cừu, cần phải chăn dắt, mới cần một đội ngũ công an, cảnh sát khổng lồ để canh gác, trừng trị những con cừu lớ ngớ ra khỏi bầy. Mới cần một chính phủ mạnh, ngày đêm rình rập, đàn áp. Cái chính phủ mạnh đó, nó chỉ mạnh để bảo vệ chính nó, không bảo vệ dân. Nó biết hết ai nghĩ gì, ai viết gì, ai hát gì, nhưng không biết ai buôn bán nội tạng, ai làm thuốc giả, ai bán thực phẩm hóa học, ai cướp đất, ai... làm mất bản đồ (bản đồ thành phố hay bản đồ quốc gia).
H không theo dõi báo chí, hay báo chí trong nước không đề cập tới, rất ngạc nhiên khi nghe trong một xứ dân chủ, nhiều khi, vì một lý do này hay lý do khác, không có chính phủ, việc nước vẫn chạy và không hề có hỗn loạn. Trường hợp phổ thông nhất là khi không có đảng nào chiếm đa số, cũng không kiếm được một đảng đồng minh để có đa số tại quốc hội, đủ để thành lập chính phủ. Đó là trường hợp đã xẩy ra ở rất nhiều nước Tây Phương, như Hòa Lan, Đức v.v.
Trong một xứ dân chủ, nhiều khi, vì một lý do này hay lý do khác, không có chính phủ, việc nước vẫn chạy và không hề có hỗn loạn.
Gần đây, Tây Ban Nha đã trải qua một giai đoạn vô chính phủ 315 ngày, Belgique gần... một năm rưỡi ! (trên 540 ngày, nếu nhớ không lầm). Chuyện gì xẩy ra trong thời gian đó ? Guồng máy hành chánh vẫn hoạt động bình thường, trật tự xã hội không hề bị vi phạm, đời sống hàng ngày không hề gặp khó khăn, tội phạm không gia tăng, và kinh tế… thịnh vượng hơn bình thường.
Tại sao ? Bởi vì ở những xứ dân chủ, các cơ cấu xã hội vững mạnh, guồng máy hành chánh có quy củ, những người làm việc công có lương tâm, có ý thức trách nhiệm, không trơ tráo nhận mình là "đầy tớ dân "nhưng tìm mọi cơ hội để làm thịt dân. Không cần chính phủ sai bảo, ai vẫn làm việc nấy. Chỉ có những con chuột, suốt đời bị khủng bố, mới vui mừng nhẩy múa khi vắng mặt mèo.
Một dân tộc trưởng thành không cần dạy bảo, sai khiến, không cần cha già dân tộc. Có người nói thỉnh thoảng không có chính quyền cũng là một điều hay, cho xã hội nghỉ mệt. Một thí dụ : chỉ trong một nhiệm kỳ, quốc hội Pháp đã biểu quyết 450 luật mới, đa số do chính phủ đề nghị. Chưa nói tới trên 18.000 tu chính án.. Ông bộ trưởng nào cũng có tham vọng lưu tên tuổi mình cho hậu thế bằng một đạo luật : luật Pasqua, luật Marcellin… Cuối cùng, dân không biết đâu mà mò.
Tại một xứ độc tài, trước câu hỏi tại sao nhà nước bất tài, tham nhũng mà quốc gia vẫn chưa phá sản, có người trả lời, nửa đùa nửa thực : bởi vì dân xây dựng, khi chính phủ... ngủ.
Người bạn trẻ hỏi : như vậy "chính phủ để làm gì "? Ronald Reagan trả lời : chính phủ là một vấn đề, không phải là giải pháp. Đó là quan niệm của một người Tây phương gọi là "libéral" kiểu Mỹ, không phải ai cũng đồng ý.
Chính phủ, trái lại, có vai trò chính yếu là chọn một đường đi tốt cho quốc gia. Không phải chính phủ nào cũng chọn đúng, hay thực hiện nổi những điều hứa hẹn, nhưng ở xứ dân chủ, nếu dân không thỏa mãn, sẽ cho chính phủ về vườn, lựa chính phủ khác. Không phải suốt ngày chứng kiến "đi dô, đi ra, thằng cha khi nãy". Không phải suốt đời nghe mấy anh lãnh đạo tối dạ thi nhau ăn nói ngớ ngẩn.
H nói nếu thay đổi hoài, làm sao hữu hiệu ? Điều này thì H có lý : nếu muốn cai quản đất nước như một nhà tù lớn, các nước dân chủ thua xa Việt Nam, Bắc Hàn hay Tàu.
H nói đọc báo Pháp, coi TV, nghe radio, tiếng Tây còn loạng quạng chưa hiểu hết, nhưng thấy họ chỉ trích nhà nước suốt ngày ; thể chế này, xã hội này đâu phải là lý tưởng. Quả vậy. Thể chế nào cũng đầy những khuyết điểm. Xã hội nào cũng có những anh lem nhem. Chính trị (theo nghĩa mưu đồ chính trị) ở đâu cũng có những xì căng đan. Cái khác là ở xứ dân chủ, bất cứ ai phạm pháp cũng bị trừng trị, kể cả tổng thống, thủ tướng.
Khác với xứ độc tài, bọn có tội bỏ tù người khác. Édouard Herriot nói : "Chính tri cũng như món lòng heo, phải có mùi phân, nhưng đừng nhiều quá" (La politique, c’est comme l’andouillette, ça doit sentir un peu la merde, mais pas trop).
Édouard Herriot nói : "Chính tri cũng như món lòng heo, phải có mùi phân, nhưng đừng nhiều quá"
Ở một xứ như Việt Nam không còn mùi lòng lợn, chỉ còn mùi phân sặc sụa. Anh nào thính mũi, ngửi thấy mùi phân là nó cho đi tù mục xương. Nhất là những anh không ý tứ, đã ngửi thấy mùì phân, còn la oáng lên giữa chợ.
Nói chuyện thể chế, không thể không nhắc một câu nổi tiếng mà người ta vẫn gán cho Churchill : dân chủ là thể chế tồi nhất, nếu không kể các thể chế khác. Cái khác nhau là ở xứ này, người ta có quyền chỉ trích và đòi sửa đổi. Những học giả chỉ trích thể chế dân chủ hăng nhất, có bài bản nhất, từ Alexis de Tocqueville tới Raymond Aron là những người đóng góp nhiều nhất cho sự vững mạnh của dân chủ.
Buổi trao đổi có làm thay đổi cách suy nghĩ của H hay không ? Chắc là không, theo nguyên tắc : đừng hy vọng gì làm thay đổi sự tin tưởng của người khác ngay trong buổi trao đổi đầu tiên. Nhất là những người đã bị nhồi sọ từ nhỏ.
Sự thay đổi sẽ đến, từ từ. Sống ở ngoại quốc, dần dần H sẽ tự tìm ra một phần sự thực. Trao đổi với người nghĩ khác mình không phải hoàn toàn vô bổ. Miễn là đừng sỉ vả nhau. Tổ chức nhậu nhẹt, nên chọn vài tên bạn nối khố, suy nghĩ như mình, nhưng xây dựng dân chủ, hay xây dựng lại một quốc gia, cần rất nhiều người.
Paris, 12/09/2018
Từ Thức