Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhiều lễ hội sau Tết quá phản cảm (RFA, 07/02/2017)

metin1

Một nhân viên tiệm vàng ở Hà Nội trong trang phục Thần Tài đón khách hôm 6/2/2017.

Sau ba ngày Tết Nguyên Đán, một loạt các hội xuân tưng bừng diễn ra khắp nước, phản ảnh nét văn hóa dân gian độc đáo của người Việt trong tháng Giêng.

Tuy nhiên, tình trạng biến tướng, mê tín dị đoan ngày càng gia tăng khiến cho nét đẹp truyền thống trở nên phản cảm và cần loại bỏ.

Thể hiện văn hóa xuống cấp

Sau những ngày Tết nhiều người trong nước kể cả giới viên chức phải đi làm cùng nhiều tầng lớp người dân khác đều có thể lựa chọn vừa đi vãn cảnh vừa lễ bái tại các hội xuân truyền thống trên cả nước như hội Làng Gióng, hội Chùa Hương, hội Đền Hùng, lễ Khai ấn đền Trần, hội xuân Yên Tử chùa Trình vân vân...

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục hay đẹp cần phải được bảo tồn, thế nhưng thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới đình, chùa, miếu, mạo với đầu óc năng chất mê tín đi đoan cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp. Những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt xô bồ mất trật tự như vụ đánh nhau ở Sóc Sơn, vụ giành giật ấn tại lễ hội đến Trần, vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng hay cướp lộc thánh tại chùa Hương…

Đối với người quan tâm, đây là hiện tượng đáng tiếc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng cũng như thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các lễ hội truyền thống dẫn đến tình trạng những mỹ tục cao đẹp ngày trước hóa ra những hủ tục cần loại bỏ. Nhà giáo Phạm Toàn, người một đời đặt vấn đề giáo dục làm kim chỉ nam của kiến thức, nhận định đây là sự đổ vỡ văn hóa và tâm linh :

Ngày xưa làng tôi đầu xuân là thể nào cũng có rước kiệu và thích nhất là lúc xem kiệu bay. Làng tôi có ông Đào tướng quân, bị giặc chém đứt đầu thế mà ông phi ngựa về đến đầu làng mới dừng lại, đầu rơi xuống và bấy giờ ông mới chết. Cho nên ở làng tôi không bao giờ nói "đầu" cả, gội đầu gọi là gội điều, nhức đầu gọi là nhức điều. Ngày xưa thích nhất là Tết ra xem kiệu bay, lúc kiệu như thế không bao giờ có lộn xộn không bao giờ có đổ ngã, các cụ trong làng ra thắp hương khấn vái xin Ngài dừng lại không thăng nữa. Tôi nhớ lễ hội như thế ở làng tôi không bao giờ có cờ bạc, không bao giờ có chuyện đi cầu may các thứ như bây giờ.

Bây giờ nó là một sự đổ vỡ về văn hóa, về tâm linh, có những nguyên nhân tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị. Người ta đi cầu may để bù đắp vào cái mà người ta không có được bằng lễ bái.

Đó là sự xuống dốc của tập tục của đạo đức cần phải sửa chữa, giống như chữa lại một nền tảng văn hóa bị xuống cấp, nhà giáo Phạm Toàn nói tiếp :

Những tập tục muốn bỏ cũng không được, chỉ có thái độ, hành vi của con người trước tập tục thôi. Tập tục là cái đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc, vấn đề là cuộc sống hiện đại tổ chức làm sao cho nó văn minh, văn hóa, không có sự mặc cả với thần linh, cái này liên quan đến trình độ văn hóa của người dân. Phải chữa dần trình độ văn hóa xuống dốc một cách kinh hoàng, chỉ có thể giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi, thái độ ứng xử của con người trước tập tục thôi, còn không bỏ được tập tục.

Những hủ tục dã man cần bỏ

VIETNAM-LUNAR-NEWYEAR-FESTIVAL

Thanh niên giành nhau cướp phết trong lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ, vào ngày 20 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Nhà thơ Hoàng Hưng, nhóm Văn Việt, một tổ chức văn chương độc lập trong nước, nói rằng báo chí đã phản ảnh khá chi tiết những chuyện tiêu cực và phản cảm tại các hội xuân năm nay, vì thế hãy bàn đến chuyện nên hay không nên một cách nghiêm túc :

Trước nhất,trong sinh hoạt truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và một số tỉnh miền núi của dân tộc ít người, lễ hội mùa xuân có những nét cho đến nay vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, rất nên duy trì và phát huy. Nhưng rõ ràng cũng có những tập tục không thể coi là hay được, trong xã hội của thời đại ngày nay thì phải coi đó là hủ tục cần hủy bỏ. Thí dụ hủ tục chém lợn, treo cổ trâu, thậm chí đâm trâu, rõ ràng nó quá tàn bạo và không thích hợp với thời đại.

Một vấn đề nữa là yếu tố mê tín lại tăng lên rất đậm nét trong những dịp lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ. Tức là hình như bây giờ lòng tin của con người vào bản thân mình, vào công lý, vào sự công bằng trong xã hội nó mất đi nhiều quá, đó là một điều đáng báo động. Điều tôi thấy lo lắng hơn nữa là yếu tố mê tín dị đoan nó xâm nhập vào một tôn giáo nghiêm chỉnh là Phật giáo, nó gây những hình ảnh phản cảm như đút tiền lẻ bạc mọn vào tay, thậm chí vào tai vào miệng tưọng Phật. Những điều rất báng bổ như thế vẫn xảy ra. Ngay hôm qua ở chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, người ta đi lễ cầu sao giải hạn làm tắc hết đường xá. Theo tôi biết thì Phật giáo không đặt ra vấn đề cầu sao giải hạn. Cái đó là quá mê tín thế mà nó được duy trì lâu nay.

Những hành động biểu hiện mê tín dị đoan năm nay giảm thiểu nhiều so với năm trước tại Lăng Ông tức lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, nơi người Sài Gòn giữ lệ chiêm bái thắp hương đông đảo mỗi giao thừa và ba ngày Tết Nguyên Đán. Bà Diễm, thành viên Ban Quí Tế và Đội Nghi Lễ lăng Lê Văn Duyệt, cho biết mọi nghi lễ cúng bái đều có sự kiểm soát của Phòng Thông Tin Văn Hóa Quận :

Ví dụ như vận động người dân không thả chim vì đó là mê tín đi đoan, cấm mang chim vào lăng bán cũng như cấm mang chim vào nội lăng để thả. Chuyện bói toán trong Lăng Ông không có, bảo vệ theo rất kỹ, Có xin xăm nhưng đó là tục lệ đầu năm của người dân để tin vào tín ngưỡng thôi.

Tin mới nhất, được truyền thông trong nước loan tải, là năm nay nhiều nơi của bà còn dân tộc Tây Nguyên đã bỏ qua lễ hội đâm trâu, cũng như tục chém lợn công khai, bị nhiều người lên án là quá man rợ khiến người ngoài hiểu lầm về cách sống hiếu hòa của người Việt Nam.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

*******************

Choáng trước tiền công đức trải đầy sàn nhà, người nhà đền xếp cả ngày không hết (SaoStar, 07/02/2017)

Hình ảnh hàng triệu tờ tiền lẻ lấy từ hòm công đức rải đầy thềm nhà, được người dân đếm và phân loại nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Câu chuyện về tiền công đức, tiền giọt dầu luôn trở thành vấn đề "nóng" trong dư luận xã hội. Việc làm thế nào để công khai, minh bạch trong vấn đề thu chi, sử dụng hợp lý, đúng mục đích số tiền này là bài toán khó giải không chỉ riêng nhà chùa, mà còn của cơ quan quản lý. Chính vì vậy, vào mùa lễ hội, nhiều nhà chùa đã mời các "vãi" hay những người cao niên trong làng đến đếm tiền công đức, tiền giọt dầu.

Mới đây, diễn đàn hơn 1 triệu thành viên chia sẻ clip một nhóm người cùng nhau đếm và phân loại hàng trăm nghìn tờ tiền lẻ rải đầy nền nhà ở Đền Hệ (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đây chủ yếu là tiền giọt dầu (tiền lẻ) được người dân và khách thập phương công đức suốt một năm qua. Có khoảng 25 người cùng đếm tiền, trong đó mỗi người được phân công nhiệm vụ đếm tiền với mệnh giá khác nhau.

Theo thông tin từ một người đàn ông nói trong clip, ai cũng có thể tham gia đếm và phân loại tiền giọt dầu. Và đây được coi như việc làm công đức đầu năm, hoàn toàn minh bạch và công khác với mọi người.

metin3

Người dân cùng nhau phân loại tiền công đức

Theo tìm hiểu của PV, tiền công đức và tiền giọt dầu ở Đền Hệ (Thái Bình) đều do người dân tự nguyện góp tấm lòng thành của mình để bản đền đèn nhang, hương khói và dùng trong các hoạt động nội bộ trong đền. Số tiền này do nhà đền tự kiểm đếm, sử dụng và báo lại chính quyền địa phương.

Đền Hệ được nhân dân xây dựng để thờ hai vị hậu duệ của dòng họ Hùng Vương là bà A Đại Đồng Phu Nhân và Ngô Đồng Đại Vương.

Với nguyên trạng là một ngôi đền cổ nằm giữa cánh đồng, ngay cửa sông Cô thông ra sông Hóa có nhiều cây cao bóng mát, trong Đền có nhiều đồ tế khí cổ, nhiều bức chạm trổ tinh xảo…Đền Hệ vừa hoa mỹ nhưng rất linh thiêng ở một vùng đất "địa linh nhân kiệt".

Theo truyền thống của địa phương, Đền Hệ tổ chức hội khai xuân từ ngày mùng 4 tháng Giêng. Tổ chức lễ hội từ ngày mồng mười tháng 3 âm lịch (là ngày khai thần). Trong lễ hội bên cạnh việc dâng hương, tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa thể thao như : múa hát chèo, vật võ, bóng chuyền, bóng đá…

Đền Hệ xã Thụy Ninh là một công trình lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, một thắng cảnh sinh động ở một vùng quê lúa Thái Bình.

Published in Việt Nam