Phát biểu của một giới chức tỉnh Sơn La đã bị chỉ trích và phản đối trên mạng xã hội khi cho rằng 17 cán bộ tỉnh bị khởi tố liên quan đến công tác đền bù, tái định cư thủy điện Sơn La là "không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân".
Không được bồi thường thỏa đáng, người dân đòi đóng cửa nhà máy thủy điện Sơn La - ảnh Người Lao Động
Tuy nhiên, một cựu giới chức Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng phát biểu trên có thể có căn cứ, nên cần xem xét kỹ hồ sơ vụ án, xem liệu có yếu tố "thương dân, làm lợi cho dân", hay chỉ đơn thuần là tham nhũng trong vụ án liên quan đến dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này.
Thương dân ?
Phát biểu trước báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 20/11 về vụ 17 cán bộ tỉnh Sơn La bị khởi tố, Đại biểu quốc hội-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân nói vụ này "không liên quan đến chuyện tiền nong, tư túi, mà chỉ vì thương dân, làm lợi cho dân".
Dân Trí trích lời khẳng định của bà Tráng Thị Xuân, nói : "Một số hồ sơ để giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ nhưng anh em vì thương dân nên vẫn làm hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân nên người dân được lợi. Nhưng chính vì thế giờ cán bộ giải quyết lại phải chịu trách nhiệm chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân".
Phát biểu của bà Xuân đã vấp phải nhiều chỉ trích trên cả mạng xã hội lẫn các trang thông tin chính thống. Đa số người dân phản đối ý kiến của bà Xuân và cho rằng đây là một vụ án tham nhũng lớn cần phải được xử lý thấu đáo, một điển hình cho thấy quyết tâm chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy".
Nhận xét về phát biểu của Đại biểu Tráng Thị Xuân, Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, cho rằng cần phải xem xét kỹ vụ án sau phát biểu "có thể có căn cứ" của bà Xuân.
"Đại biểu quốc hội mà phát biểu như vậy thì cũng là một điểm lưu ý trong việc xem xét hồ sơ cụ thể, xem nó có phải là sự trộn lẫn giữa yếu tố tham nhũng và yếu tố làm lợi cho dân hay không. Một động tác mà tôi biết ở Việt Nam rất hay làm là có những chi tiết được khai khống trong các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là có liên quan đến tham nhũng".
Tuy nhiên, cựu giới chức Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định khả năng về "bồi thường không thỏa đáng", một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến việc lách luật để "làm lợi cho dân", khó có thể xảy ra trong một dự án lớn được dốc hầu bao để đầu tư như thủy điện Sơn La.
Giáo sư Võ phân tích : "Dự án Sơn La là dự án cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tức là dự án thuộc loại đặc biệt. Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo tôi biết, có khá nhiều tiền ngân sách chi cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thành ra khả năng có vấn đề trong việc bồi thường không thỏa đáng trong dự án Sơn La thì tôi nghĩ không có".
Sau dự án là vụ án
Thông tin trên báo chí hôm 19/11, tỉnh Sơn La cho biết trong số 17 cán bộ bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", có 15 đảng viên, trong đó có giám đốc và 2 phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, nguyên phó chủ tịch UBND và chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La và nhiều chuyên viên, cán bộ phòng, ban.
Kết quả điều tra cho biết sai phạm xảy ra ở các bước thẩm định, đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, trong đó có hơn 600 hộ dân có hồ sơ đất đai được lập khống, tăng diện tích đất hay không đúng loại đất quy định.
Nhận định về tình trạng tham nhũng trong việc bồi thường các dự án tại Việt Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ thừa nhận khai khống là một "thủ pháp" xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt trong các dự án lớn, có số lượng người nhận bồi thường đông như thủy điện Sơn La. Ông nói :
"Sự thực mà nói, trong các dự án, nhất là dự án lớn như thủy điện Sơn La, số lượng người được nhận bồi thường, hỗ trợ tái định cư là cực kỳ nhiều. Mà cực kỳ nhiều như vậy thì ai là người có thể rà soát lại toàn bộ? Từ đấy dẫn đến việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hay sử dụng thủ pháp đó".
Cựu giới chức Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng cơ chế thanh tra, kiểm tra hiện nay của Việt Nam thiếu hiệu quả trong việc rà soát các lỗ hổng trong quản lý, chi tiêu đối với các dự án lớn.
Giáo sư Võ nói thêm : "Hiện nay, cơ chế của Việt Nam có việc thanh tra, kiểm tra, nhưng không có quy trình hai cơ quan thực hiện kiểm tra chéo nhau. Không có quy trình đó, nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn toàn lập phương án và tính toán cho từng trường hợp cụ thể. Việc kiểm tra, thanh tra có thể xảy ra từ cơ quan hành chính cấp trên, nhưng thực ra cũng không thể kiểm tra 100% được".
Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công vào năm 2005, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 60% so với mức phê duyệt ban đầu (gần 45.000 tỷ đồng). Đây được xem là 1 trong 10 nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Để xây dựng công trình này, Việt Nam đã phải di chuyển hơn 20.000 hộ dân ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ra khỏi khu vực. Riêng tại tỉnh Sơn La, có hơn 12.000 hộ dân phải di chuyển đến định cư tại 276 điểm tái định cư trong tỉnh.
Khánh An
‘Cực khó’ thay đổi giáo dục Việt Nam (VOA, 20/11/2017)
Đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, cũng là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, xuất hiện những ý kiến của một số nhà giáo và nhà nghiên cứu cho rằng nền giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt Điều 1 của Hiến chương. Họ cũng nhận định sẽ "cực khó" để thay đổi nền giáo dục này.
Các học sinh hát Quốc ca ở trường Nam Thành Công, Hà Nội.
Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục, mà Việt Nam là một thành viên, đã thông qua bản Hiến chương các Nhà giáo được vào tháng 8/1954 trong một hội nghị ở Moscow.
Điều 1 của Hiến chương viết "Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển các năng lực, chăm lo việc giáo dục và đào tạo trẻ, nhắm mục tiêu không ngừng hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc".
Đánh giá về việc Việt Nam thực hiện điều này ra sao, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội cho rằng hàng chục năm qua, nền giáo dục trong nước vẫn rất "áp đặt" :
"Chỉ có thầy đúng, học sinh không được phép cãi lại. Học sinh không được phép đưa ra ý kiến trái chiều, nếu không thì bị phê bình, bị kỷ luật. Nếu là trẻ em thì còn bị ăn đòn. Đây là một thực trạng rất là phổ biến".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, chỉ ra thực tế rằng giảng dạy "theo kiểu một chiều" tồn tại trong suốt các cấp học phổ thông cho đến đại học :
"Thày cô giáo giảng bài, học sinh lắng nghe ghi chép, và học thuộc những bài thày cô đọc cho chép, hoặc là học thuộc trong sách giáo khoa hiện nay nó còn khá phổ biến. Cách học, cách dạy như vậy rõ ràng nó hạn chế sự sáng tạo của học sinh, và nó cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến tính cách của học sinh".
Nhà giáo nổi tiếng về nhiều lần chống tiêu cực trong ngành giáo dục Đỗ Việt Khoa cho rằng vấn đề không tôn trọng tính cá nhân, độc lập của học sinh ở Việt Nam vừa có nguyên nhân sâu xa là văn hóa phong kiến nhiều đời, vừa do thể chế chính trị hiện tại. Ông nói :
"Mọi công dân Việt Nam cũng đều đang phải sống trong sự áp đặt về lý tưởng, về lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội. Đội ngũ thày cô, bộ máy lãnh đạo và những người quản lý họ không chấp nhận những em học sinh mà họ coi là bề dưới được phép cãi lại bề trên".
Chủ nghĩa xã hội mà thày Khoa nhắc đến được những người cộng sản Việt Nam du nhập từ Liên Xô thời những năm 1950, sau khi họ làm chủ miền bắc Việt Nam. Đất nước tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa kể từ năm 1975, khi hai miền thống nhất, cho đến nay.
Yếu tố thể chế chính trị-xã hội tác động đến giáo dục cũng được nhà xã hội học Khuất Thu Hồng xem là một trong những nguyên nhân chính. Bà phân tích thêm :
"Việc chúng ta học tập, vận dụng những lý thuyết phát triển xã hội của nước ngoài nhiều khi nó còn khá là giáo điều. Chính vì giáo điều nên nó được áp đặt một cách rất cứng nhắc. Thường là không có sự phát triển sáng tạo. Chính vì vậy nó ảnh hưởng rất nhiều đến lối tư duy của học sinh. Các thày cô cũng rất là sợ mình sẽ dạy sai đường lối, cho nên họ cứ áp dụng nguyên những gì họ được chỉ đạo vào trong việc giảng dạy của mình".
Trong những năm gần đây, trên nhiều diễn đàn, kể cả tại Quốc hội, cũng như trên báo chí, nhiều nhà giáo, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề kể trên và thúc giục cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Nhưng theo thày Khoa, chưa có những cải thiện đáng kể. Nhà giáo này nhận định sẽ "cực khó" để thay đổi nền giáo dục Việt Nam :
"Kể cả giả sử có thay đổi thể chế đi chăng nữa thì cũng hết sức khó vì những tư duy cũ, những thói xấu cũ, cái quyền hành cũ khiến cho nhà giáo họ cũng thấy họ là người có quyền. Mà hễ có quyền thì lộng quyền, lạm quyền. Đấy là một tệ nạn chung, cho nên rất khó để có thể thay đổi được lúc này".
Từ góc độ nhà nghiên cứu xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng lưu ý đến sức ỳ từ đội ngũ nhân lực ngành giáo dục. Bà nói họ được đào tạo trong rất nhiều thập kỷ theo công thức "giảng dạy một chiều, tầm chương trích cú, cho học sinh ‘học gạo’", vì vậy, giờ đây không hề dễ dàng để thay đổi.
Nữ tiến sĩ nhận định nếu thay đổi được tư duy giáo dục ở Việt Nam, đó sẽ là một bước tiến rất quan trọng trong cách người Việt Nam nhận thức, nhìn nhận về dân chủ, cũng như về tham gia tranh luận, thảo luận trong xã hội về các ý tưởng, tư tưởng.
********************
Phụ nữ Việt Nam chiếm đa số các cô dâu nước ngoài ở Nam Hàn (RFA, 20/11/2017)
Phụ nữ Việt Nam vượt qua các nước Trung Quốc và Philippines, lần đầu trở thành nhóm cô dâu ngoại quốc đông nhất tại Nam Hàn năm 2016.
Album cưới của một cô gái lấy chồng nước ngoài ở Cần Thơ hôm 7/5/2008 AP
Đây là thông tin được báo Hankyoreh loan tải dựa theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố vào ngày 16 tháng 11 vừa qua.
Theo báo cáo, nhóm cô dâu Việt Nam dẫn đầu với 27, 9%, kế đến là Trung Quốc 26,9%, và thứ 3 là Philippines với 4,3%.
Giải thích lý do vì sao cô dâu Việt có thể vượt qua cô dâu Trung Quốc, người lãnh đạo bộ phận nghiên cứu xu hướng dân số của cơ quan thống kê nhận định "Số lượng người Việt Nam tới Hàn Quốc làm việc và học tập tăng lên trong Làn sóng Hàn Quốc trong khi cuộc hôn nhân Trung – Hàn giảm đi, do phụ nữ Trung Quốc có nhiều cách để định cư ở Hàn Quốc mà không cần kết hôn".
Báo cáo cũng đề cập đến chú rể ngoại quốc tại Nam Hàn. Theo đó, các chú rể người Trung Quốc dẫn đầu với tỷ lệ 9,9% trên tổng số chú rể ngoại quốc, thứ nhì là Hoa Kỳ chiếm 6,4%, và xếp thứ ba là Việt Nam với 2,6%.
**********************
17 cán bộ tỉnh Sơn La bị khởi tố liên quan đến thủy điện Sơn La (RFA, 20/11/2017)
Công an tỉnh Sơn La ngày 15/11 đã quyết định khởi tố 17 cán bộ liên quan đến những sai phạm tại dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.
Ông Phạm Tiến Diện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La - Hình chụp màn hình VTV
Trong số 17 cán bộ này có ông Triệu Ngọc Hoan, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, bị khởi tố vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, ông Hoan đã ký 16 bản đồ của đơn vị đo đạc trong dự án thủy điện Sơn La nhưng không kiểm tra nội dung có chính xác không. Ông này hiện vẫn được tại ngoại nhưng không được phép đi khỏi nơi cư trú.
Hai ông Trương Tuấn Dũng, phó giám đốc Sở Tài chính và Phan Tiến Diện, phó giám đốc sở tài nguyên môi trường bị khởi tố với tội danh cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Dũng và ông Diện mắc sai phạm khi còn là phó chủ tịch huyện Mường La, và Chủ tịch hội đồng bồi thường.
Để xây dựng dự án thủy điện Sơn La, cơ quan chức năng 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phải di dời 20.000 hộ dân với 92.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập. Trong số này có đến 61% là người dân tỉnh Sơn La.
Tuy nhiên, 17 cán bộ này đã có những hành vi sai phạm trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường cho những người dân chịu ảnh hưởng.
Hiện tại 15 người trong số này đã bị tạm giam, còn 2 người được tại ngoại nhưng không được phép rời nơi đang cư trú.